Chúng ta

Cách dạy con của người giàu

Thứ sáu, 25/7/2014 | 09:10 GMT+7

Khi còn rất nhỏ, mới hơn 10 tuổi, tôi đã biết sàng sảy, bán buôn kiếm vài đồng lẻ. Một phần là vì thích kinh doanh nhưng chủ yếu bởi nhà khó khăn quá, tôi phụ mẹ kiếm thêm tiền mua rau.
> Đừng tạo áp lực trong việc nuôi dạy con

Mùa hè, khi các bạn cùng lớp đi chơi thì tôi phải đi chợ với cái xe đạp cọc cạch to hơn cả người để mua vài mớ rau, bó hành về ngồi ở cổng bán lẻ đến chiều. Tôi ước mình được như các bạn, được rong chơi đây đó, không phải làm việc, được bố mẹ cho thật nhiều tiền tiêu vặt… Và ngày đó, tôi nghĩ rằng nếu có con sẽ bù đắp thật nhiều cho con những gì tuổi thơ mình khao khát. Nhưng suy nghĩ của tôi đã thay đổi khi tôi gặp cô.

Học đại học năm thứ nhất, để kiếm tiền, tôi làm gia sư. Ngày đầu tiên đến gặp học trò và phụ huynh, tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự giầu có và xa hoa của nhà cô. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ thấy nhà ai giầu thế, đẹp thế và to thế. Cái gì cũng khiến tôi xa lạ và rụt rè, từ tấm thảm trải sàn trắng muốt, tủ rượu đồ sộ nơi phòng khách, mấy cái ô tô đỗ dọc sân… Đáp lại sự e dè của tôi là sự nhiệt tình của cô, tuy là người bận rộn, thành đạt nhưng không kiêu kỳ, xa cách.

Sau thời gian dài tiếp xúc, tôi thực sự ngạc nhiên về cách dậy con của cô. Hai vợ chồng cô đều có vị trí khá cao trong một công ty bảo hiểm và hãng hàng không lớn ở Việt Nam nhưng các con của cô chú rất ngoan ngoãn và lễ phép. Tôi đặc biệt chú ý tới cô bé Minh Ngọc, học trò nhỏ của tôi. Ngọc học lớp 4 nhưng nhỏ thó và đen đúa như một cô bé phải làm lụng vất vả ở quê. Nhà có người giúp việc, có nhiều ô tô, có anh trai và bố mẹ đều đi làm hành chính nhưng Ngọc luôn phải đạp xe đến trường cách nhà 5km, hỏng xe cô bé phải tự tìm chỗ vá hoặc dắt bộ về nhà. Tiền tiêu vặt của Ngọc cũng đúng bằng tiền tiêu vặt bình quân của các em nhỏ khác trong lớp, cô bé phải tự cân đối số tiền nhỏ nhoi đó giữa việc ăn sáng, uống nước và sửa xe khi cần…

Có hôm tôi đến, chờ 10 phút không thấy Ngọc về. Một lúc sau em hớt hải đạp xe về đến cổng, mặt mũi đen nhẻm giữa cái nắng hè cuối ngày, mồ hôi ướt đầm. Thấy tôi đang chờ, em vội vàng giải thích: “Chỗ Cát Linh tắc đường, em đã hẹn chị 17h30 nên sợ muộn, phải vác xe chạy lên vỉa hè mới kịp”. Một cô bé 10 tuổi, cả người chưa nặng được bằng cái xe mà vác xe chạy bằng mọi giá để kịp về đúng giờ hẹn với gia sư.

Mỗi lần tôi đến dạy, em đều tự tay bưng nước hoặc sữa đặt lên bàn cho tôi. Một cô bé học lớp 4 mà có thể làm được những điều như vậy khiến tôi không khỏi ngạc nhiên bởi không phải gia đình nào cũng giáo dục được con cái tôn trọng người làm thêm như thế.

Khi Minh Ngọc vào đại học, cô bé phải tự dành tiền học bổng và đi làm thêm để đổi sang chiếc điện thoại iPhone 3 mà em ao ước.

Anh trai Minh Ngọc cũng vậy, khi học cấp ba muốn đổi sang xe đạp địa hình phải đi làm bồi bàn cho quán cà phê của người quen đến khi có được nửa số tiền thì bố mẹ mới hỗ trợ thêm.

Khi anh trai Minh Ngọc đi du học bên Anh cũng phải đi làm thêm, kể cả rửa bát tại các quán ăn bởi cậu nghĩ, bố mẹ ở Việt Nam kiếm tiền vất vả, gửi sang bên này rất mất giá, tự làm kiếm thêm để trang trải học hành được phần nào đỡ phần đấy. Cô chú vẫn để cho cậu đi làm mặc dù tôi biết họ thừa sức trang trải tiền học hành cho con trai.

Hiện nay, anh trai Minh Ngọc đã về nước và làm Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu linh kiện máy móc lớn. Minh Ngọc cũng đã trở thành phóng viên của một tờ báo uy tín. Tôi tin các em sẽ thành công trong công việc cũng như cuộc sống.

Tôi tin vào cách dậy con của cô chú.

Bây giờ, từ một cô sinh viên 18 tuổi, tôi đã trở thành người mẹ. Hằng năm, Tết đến, tôi lại dẫn con ra thăm cô chú. Và tôi mong rằng, mình có thể học được phần nào cách dậy con của cô chú, cách dậy con của người giầu.

 Ánh Tuyết

Ý kiến

()