Chúng ta

Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội

Thứ năm, 9/8/2012 | 17:13 GMT+7

Kết quả đối chiếu giữa dữ liệu tính toán của hệ thống do FPT IS triển khai với hình ảnh tại 6 điểm mốc giao thông Hà Nội, cho thấy độ chính xác của tính toán lên đến 80%.
> FPT và Hitachi hợp tác Việt hóa sản phẩm công nghệ / Nâng tầm hợp tác với Hitachi

Quá tải, tắc nghẽn và thiếu hiệu quả là những vấn đề của đô thị Việt Nam hiện nay. Tình trạng tắc đường vẫn đang xảy ra tại những thành phố có mật độ dân cư lớn như Hà Nội và TP HCM. Một hệ thống giao thông thông minh, với việc áp dụng CNTT nhằm tăng hiệu năng tối đa, từ lâu trong tầm ngắm của nhiều thành phố nhưng đến nay vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải.

Trước thực tế đó, từ giữa năm 2011, FPT IS và Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) đã cùng nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp tính toán hiện trạng giao thông cho thành phố Hà Nội. Hệ thống này sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh từ các xe hơi để tính toán tình trạng giao thông tại các đường và nút giao thông ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Với giải pháp Probe Car người tham gia giao thông có thể biết được đoạn đường nào tắc. Ảnh: Anh Tú.

FPT IS và Hitachi đang thử nghiệm giải pháp này trên 500 ô tô tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tú.

Anh Lê Trọng Nghĩa, FPT IS Bank, cho biết, giải pháp hiện trạng giao thông Probe Car là giải pháp tích hợp bản đồ số và dữ liệu định vị từ các hộp đen lắp trên xe ôtô để hiển thị trạng thái lưu thông cho từng con đường. Cứ sau 15 giây, thiết bị lại báo cáo hành trình một lần, qua đó người tham gia giao thông có thể biết đoạn đường nào đang bình thường, chậm hay tắc.

Hệ thống này cũng đồng thời hiển thị mức độ lan rộng của điểm tắc đường. Ví dụ, nếu xảy ra tắc đường tại một điểm, hệ thống sẽ cho biết vùng tắc lan rộng bao xa, với độ chính xác tính theo đơn vị mét.

Theo anh Nghĩa, đây là ưu điểm của Probe Car so với giải pháp về giao thông hiện nay như Vietmap. “Cách làm của Vietmap là tìm đường ngắn nhất, tuy nhiên, đó không phải là đường nhanh nhất”, anh Nghĩa nói.

Giải pháp này so với dịch vụ VOV Giao thông cũng có những ưu thế hơn hẳn là cung cấp thông tin hiện trạng giao thông tại bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong khi VOV chỉ phát vào giờ cao điểm.

“Thông tin được tính toán một cách định tính trên cơ sở thu thập dữ liệu định vị và các thông số khác từ các hộp đen lắp trên ôtô. Việc tính toán được thực hiện tại trung tâm dữ liệu tập trung. So với mô hình tập hợp thông tin từ hơn 800 cộng tác viên, giải pháp Probe có lợi thế về chi phí nhân lực”, anh Nghĩa phân tích.

Dữ liệu được thu thập và sử dụng cho Probe có tính cấu trúc nên theo thời gian có thể lưu trữ để làm cơ sở dữ liệu cho các giải pháp mang tính dự báo.

Người tham gia giao thông sẽ biết được tuyến đường nào chậm, tắc khi sử dụng Probe Car. Ảnh: Hoàng Hà.

Người tham gia giao thông sẽ biết được tuyến đường nào chậm, tắc khi sử dụng Probe Car. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, Prode Car không có tính sống động, tương tác cao và không thể chỉ ra được nguyên nhân tắc đường như VOV Giao thông. Trong đợt thử nghiệm tiếp theo, giải pháp này sẽ được tích hợp dữ liệu hình ảnh từ camera nên sẽ bắt kịp VOV Giao thông về chiều dày thông tin.

Từ tháng 8, FPT IS và Hitachi đã tiến hành đợt thử nghiệm đầu tiên với số lượng 500 xe ôtô lắp thiết bị hộp đen. Kết quả thu được là độ bao phủ khoảng 25% trên tổng số đường tại Hà Nội. Đối chiếu giữa dữ liệu tính toán với hình ảnh tại 6 điểm mốc giao thông Hà Nội cho thấy độ chính xác của tính toán lên đến 80%.

Kết quả tính toán tình trạng lưu thông có thể được sử dụng như một lớp dữ liệu bản đồ để tích hợp lên các dịch vụ bản đồ như Google Maps để được truy nhập thông qua website, đồng thời tích hợp vào các thiết bị dẫn đường hoặc phần mềm trên smartphone.

“Giải pháp này có thể áp dụng trên các phương tiện tham gia giao thông, chỉ cần họ có thiết bị thông minh như máy tính, smartphone, tablet…”, anh Nghĩa cho hay.

Theo anh Nghĩa, khi được áp dụng rộng rãi, giải pháp này sẽ làm thay đổi thói quen của người Việt Nam hiện nay là dùng giao tiếp nhiều hơn thay vì dùng thiết bị dẫn đường khi tham gia giao thông.

Trong năm 2012 và 2013, FPT IS và Hitachi lên kế hoạch để tiếp tục thử nghiệm hai đợt nữa với mục tiêu tăng mức độ bao phủ lên trên 90% tại các quận nội thành. Sau đó sẽ đưa sản phẩm ra thị trường. Bước đầu cho thấy giải pháp này được đánh giá cao về tính khả thi, hứa hẹn sẽ là một bước đi dài trong hành trình tìm lời giải cho vấn đề giao thông tại Hà Nội.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()