Chúng ta

Kỷ nguyên giáo dục 2.0

Thứ năm, 6/12/2012 | 15:24 GMT+7

Trong thời đại CNTT phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, vai trò của giáo dục càng mang tính then chốt. CNTT đã thay đổi phương thức dạy và học, mở ra một kỷ nguyên mới: Education 2.0.
> Tọa đàm 'Internet với giáo dục Việt Nam'

Làn sóng Education 2.0 đã thật sự đem lại những thay đổi lớn trong ngành giáo dục thế giới. Vậy làn sóng Education 2.0 đó là gì? Muốn biết rõ hơn về khái niệm này, chúng ta cần hiểu về khái niệm gốc rễ của nó - Web 2.0.

Khái niệm Web 2.0 đầu tiên được Dale Dougherty, Phó Chủ tịch của OReilly Media, đưa ra tại hội thảo Web 2.0 lần thứ nhất do OReilly Media và MediaLive International tổ chức vào tháng 10/2004.

C

Công nghệ Education 2.0 đem lại những phương pháp học mang tính mở và nhiều tương tác. Ảnh: S.T.

Web 2.0 có thể được hiểu một cách ngắn gọn là những công nghệ cho phép thực hiện một số tính năng chính như: Tập hợp và tối đa hóa trí tuệ từ cộng đồng, theo đó, người sử dụng thông tin còn có thể là người cung cấp thông tin; Chia sẻ tài nguyên với độ mở cao, được thể hiện qua tính tương tác cao trên nhiều thiết bị của người dùng (có thể chia sẻ từ các thiết bị cầm tay, PC… mọi lúc mọi nơi với mọi định dạng tệp tin); Internet trong Web 2.0 đóng vai trò nền tảng, có thể chạy mọi ứng dụng, được phát triển dễ dàng và nhanh chóng với giao diện đa dạng.

Với những ưu điểm này, việc áp dụng Web 2.0 sang các lĩnh vực khác là điều tất yếu, trong đó có Education 2.0. Công nghệ Education 2.0 đem lại những phương pháp học mang tính mở hơn, tương tác hơn với sự tham gia đóng góp nhiều từ phía học viên.

Lớp học ảo (Virtual Classroom) là một trong số đó. Đây là địa chỉ trên mạng để giảng viên và sinh viên có thể giao tiếp với nhau. Thay vì phải đến dự một lớp nào đó thì sinh viên có thể truy cập qua mạng từ bất cứ đâu vào lớp học ảo này.

Tại đó, sinh viên sẽ nhìn thấy giáo viên hướng dẫn, nội dung giáo viên viết lên bảng. Giáo viên có thể gửi tài liệu tới học viên một cách đơn giản qua việc kéo tài liệu rồi thả vào vùng biểu tượng tương ứng của học viên.

Trong các lớp học ảo này, nội dung giảng dạy sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với năng lực, sở thích cũng như thời gian cho phép của từng đối tượng. Cách truyền đạt nội dung này sẽ thay đổi căn bản chất lượng giáo dục trong tương lai gần.

Trường Đại học công nghệ danh giá MIT (Massachusetts Institute of Technology) của Mỹ hiện nay còn mở trung tâm học tập ảo miễn phí. Đây là khái niệm bao quát cả lớp học ảo. Xu hướng này đang ngày một phát triển hơn.

Một nhánh nhỏ trong xu hướng này là các phòng thí nghiệm ảo. Đại học MIT và Microsoft đã cùng phát triển phòng thí nghiệm ảo iLap. Tại đây, sinh viên có thể thực hành về vật lý, hóa học… ở bất kỳ đâu chỉ với thiết bị kết nối mạng.

Hệ thống thư viện ảo để chia sẻ tài nguyên cũng sẽ được vận hành trên cơ sở đóng góp từ cộng đồng. Cán bộ thư viện tra cứu có thể phát triển nội dung trên những trang web tập hợp thông tin từ những công cụ tìm kiếm và hiển thị nội dung mới nhất.

Họ cũng có thể lập danh mục website hữu ích dùng làm nguồn tra cứu hoặc tạo ra những thư mục chủ đề trên website của thư viện. Thông qua những công cụ đọc tin này, trang web sẽ thường xuyên hiển thị nội dung mới và nhờ đó, người dùng luôn được cập nhật. Bên cạnh đó, các thư viện cũng có thể tạo ra blog để chia sẻ với bạn đọc để nắm rõ các loại sách được ưa chuộng.

Hiện nay, hệ thống thư viện ảo ngày một gia tăng. Tại ĐH MIT, một hệ thống thư viện ảo với các học liệu mở được cung cấp miễn phí cho toàn thế giới. Giáo sư và sinh viên có thể đóng góp ý kiến và tham khảo từ kho tàng tri thức này.

Trò chơi online có những hạn chế là làm ảnh hưởng tới việc học nói chung. Nhưng chúng ta cũng có thể “tương kế tựu kế” biến trò chơi điện tử thành công cụ đắc lực hỗ trợ học tập - xu hướng trò chơi điện tử hóa. Đây cũng là một trong các xu hướng CNTT chính được các hãng phân tích công nghệ dự báo cho tương lai.

“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các trò chơi khi được thiết kế đúng cách sẽ thúc đẩy, cải thiện khả năng ghi nhớ của người học và khuyến khích những người không quá “học thuật” cùng trao đổi trong quá trình học”, giáo sư công nghệ Đại học Bloomsburg Karl M.Kapp (Mỹ chia sẻ về lợi ích của xu hướng trò chơi điện tử hóa.

Các trang mạng xã hội đang là từ khóa nóng nhất hiện nay. Nơi đây không chỉ là địa điểm để giải trí đơn thuần mà còn là nơi cung cấp kiến thức đồ sộ. Các trang mạng xã hội điển hình như Facebook, Twitter hay Linkedin , Reddit, Del.icio.us đều là những nguồn để mọi người đóng góp ý kiến và chia sẻ thông tin.

Các trang mạng xã hội cũng là kênh thông tin quan trọng để người làm công tác giáo dục lắng nghe ý kiến của học viên. Từ những phản hồi của học viên, chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao.

E

Education 2.0 đã được ứng dụng tại ĐH FPT. Ảnh: FU.

Di động hóa công cụ học tập cũng là xu hướng trong tương lai. Thời đại hiện nay là thời đại của những chiếc smartphone. Nói một cách khác, thế giới đang chuyển dịch từ PC sang smartphone. Chiếc smartphone bé nhỏ thực sự tạo ra một cộng đồng lớn quanh nó.

Với những tiềm năng to lớn đó, smartphone là thị trường quan trọng để triển khai các dịch vụ giáo dục. Các lớp học ảo thay vì được kết nối từ máy tính cá nhân thì nay được kết nối nhiều hơn từ smartphone.

Các kho ứng dụng với phần mềm hỗ trợ giáo dục qua mạng cũng như những phần mềm cài đặt trên các thiết bị cầm tay được nâng cấp từng ngày. Do vậy, trong tương lai, công tác giáo dục sẽ trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn.

Thế giới đang ngày một phẳng hơn và giáo dục ngày nay mang tính tương tác và toàn cầu. Công nghệ Web 2.0 đã mang lại những thay đổi về tư tưởng trong triết lý giáo dục. Việc học trong thời đại hiện nay sẽ không theo hình thức một chiều nữa mà là đa chiều. Mỗi người có thể tự tìm tòi khám phá nâng cao tri thức.

Các ứng dụng Education 2.0 đang được ứng dụng sâu rộng tại Đại học FPT hiện nay. Tại đây, sinh viên được học trong môi trường với trang thiết bị CNTT hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả học tập.

Trước khát khao đổi mới giáo dục, FPT hiểu rõ sứ mệnh đưa CNTT thành hạ tầng của hạ tầng, xây dựng đất nước mạnh về công nghệ trong tương lai gần.

Quan trọng hơn, đó là sứ mệnh phát triển các công nghệ hỗ trợ giáo dục và đào tạo hiền tài cho đất nước, góp phần tiếp bước truyền thống hiếu học và nâng tầm vóc Việt Nam sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.

Nam Lê

Ý kiến

()