Chúng ta

Cao thủ cờ ở FPT

Thứ năm, 1/3/2012 | 13:42 GMT+7

Tài năng xuất chúng của các cao thủ cờ ở FPT không chỉ được vang danh ở "sân nhà" mà họ còn đem lại vinh quang cho đất nước khi sở hữu những chiếc huy chương danh giá.
> Vận động viên FPT 'giã từ dĩ vãng' / Vận động viên chuyên nghiệp ở FPT

Một trong những “tay chơi” nổi tiếng bấy lâu trong làng cờ của FPT phải kể đến anh Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Đơn vị chiến lược số 3 (FSU3, thuộc FPT Software). Tài chơi cờ của anh nức danh đến nỗi người ta gọi anh là Sơn “Cờ”.

Anh có thể chơi đa-zi-năng các loại “phái sinh” của cờ như cờ vua, cờ tướng, cờ tưởng, cờ Shogi (Nhật Bản), cờ ca-rô... Mà “món” nào anh chơi cũng “đỉnh”.

Giới chơi cờ ở FPT biết đến tài năng cua anh từ năm 1999, khi lần đầu tiên anh tham gia giải Cờ xuân. Năm đó, anh thắng thuyết phục với giải Nhất môn cờ vua và giành danh hiệu Trạng Cờ.

Anh Hoàng thanh Sơn là kiện tướng quốc gia về cờ.

Anh Hoàng thanh Sơn là kiện tướng quốc gia về cờ.

Từ danh hiệu ấy, mọi người bắt đầu để ý đến anh và “tả hỏa” khi biết Sơn “Cờ” từng là kiện tướng quốc gia. Anh đã nhiều lần vô địch quốc gia lứa tuổi trẻ, vô địch quốc gia cờ nhanh, hai lần á quân quốc gia giải A1 (giải cao nhất trong hệ thống giải cờ vua Việt Nam). Anh cũng từng khoác trên mình màu cờ sắc áo của đội tuyển Việt Nam tham dự thi đấu Cờ vua quốc tế tại Olympiad 32, diễn ra năm1996 ở Nga.

Anh bắt đầu chơi cờ tướng từ khi còn là học sinh lớp 2. Từ nhỏ, anh đã thích những môn học cần tư duy như Toán học. Vì vậy, khi nhìn thấy các bác trong khu khu tập thể nơi anh ở ngồi chơi cờ, anh bị hút luôn vào môn thể thao này. Ngay sau đó, anh đăng ký học cờ một cách bài bản ở trường Thể thao Thiếu niên 10-10.

Theo Sơn “Cờ”, để đạt thành tích cao ở bộ môn thể thao này, người chơi cần có các tố chất kiên nhẫn, trầm tĩnh và khả năng tư duy logic. Không chỉ là môn thể thao yêu thích, anh còn vận dụng cả sở trường của mình để tiếp cận khách hàng.

Năm 2004, anh thi đâu cờ Shogi với một vị lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Anh đã thắng nhưng vị khách dù thua vẫn vui vẻ vì có bạn chơi và được chơi môn thể thao yêu thích.

Sau này, một số cán bộ ở FPT Software truyền tai rằng, chính vì bị thua ván cờ đó nên vị lãnh đạo người Nhật lại muốn “chơi tiếp” để “phục thù”. Từ tài lẻ về thể thao của Sơn “Cờ”, FPT Software HCM lại có cơ hội tiếp cận, tiến xa hơn trong quan hệ công việc.

Ngoài Sơn “Cờ”, FPT Software còn “sở hữu” cao thủ Phạm Văn Thạo, G16.D3 (trước là F2W). Anh cũng được coi là một cao thủ cờ của FPT Software hiện nay. Anh Thạo từng nâng cao chiếc cup vô địch cờ ở tỉnh Ninh Bình.

Trong những lần chơi cờ ở FPT, anh ấn tượng nhất với giải cờ diễn ra vào dịp đầu xuân 2011. Đây cũng là lần đầu tiên anh tham dự một giải đấu nội bộ nhưng được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, thi đấu theo hệ Thụy Sĩ. Tại giải cờ ĐH FPT mở rộng 2011, anh Thạo đã xuất sắc giành ngôi vị á quân.

Anh Phạm Văn Thạo từng nâng cao chiếc cúp vô địch cờ Ninh Bình.

Anh Phạm Văn Thạo từng nâng cao chiếc cúp vô địch cờ Ninh Bình.

Từ khi còn là học sinh tiểu học, anh đã đam mê chơi cờ. Anh đã học một số luật chơi cơ bản khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau đó luyện tập và chơi với bạn bè thường xuyên để thực hành.

Anh cũng là tay chơi cờ đa năng. Anh có thể chơi cờ vua, cờ tướng cho đến cờ caro, nhưng chơi cờ tướng giỏi nhất. Điểm mạnh của anh khi chơi cờ là chịu khó tìm nước đi và thích lối đánh mạch lạc. Đặc biệt, anh rất tâm đắc với những ván cờ kết thúc đẹp mắt.

Với kinh nghiệm “giang hồ” trên 15 năm, anh chia sẻ, nếu đối thủ vượt trội quá xa thì không thể có bí quyết nào có thể lật ngược tình thế. Tuy nhiên, với đối thủ ngang tầm thì “việc đánh giá đúng đối thủ là ta đã chiếm ưu thế lớn rồi”.

Dù tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1987) nhưng Nguyễn Văn Nam, Trưởng nhóm Internet Banking (Trung tâm CNTT, TienPhongBank) luôn là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch ở các giải cờ ở FPT.

Nam có thể chơi cờ tướng và cờ vua, nhưng chơi tốt nhất là cờ… cá ngựa. Khi chơi cờ, anh thường tận dụng khai thác ưu thế khai cuộc và trung cuộc để đưa về thế cờ tàn, có lợi nhất cho mình.

Tại sân chơi của FPT, anh đã đạt được các thành tích đáng nể như ba lần vô địch giải cờ Xuân FPT ở môn cờ tướng trong ba năm 2006, 2007, 2009. Anh còn là người duy nhất trong tập đoàn đánh bại được kỳ thủ Lê Quốc Thắng (FPT Land cũ) - người xếp hạng 26 quốc gia về bộ môn thể thao này.

Nguyễn Văn Nam (giữa) là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch các giải cờ FPT.

Nguyễn Văn Nam (giữa) là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch các giải cờ FPT.

Giới chơi cờ trong FPT còn truyền tai nhau câu chuyện, Nam từng đấu tới 8 ván cờ một lúc với các cao thủ ở Công ty Tinh Vân. Anh đã thắng liền 7 ván và chỉ để hòa một ván.

Trước khi vào FPT, Nam từng tham gia thi đấu ở giải trẻ A1 quốc gia về cờ tướng và đạt được 7 huy chương Vàng, một huy chương Bạc và một huy chương Đồng. Nam còn chơi tốt cả cờ vua và từng giành chức vô địch của tỉnh Hà Nam.

Anh tiếp xúc với cờ từ khi mới 8 tuổi. Khi đó, gần nhà anh có quán trà đá, bác chủ quán luôn đặt sẵn bàn cờ để anh em trong xóm chơi giải khuây.

Những lúc rảnh rỗi, Nam thường chăm chú nhìn các chú, các bác chơi cờ. Anh dần ngấm và yêu thích chơi cờ từ đó. Sau đó, do có dịp tham gia một số hoạt động ở Sở VHTT và Du lịch của tỉnh, nên anh cũng đã có cơ hội học chơi cờ một cách bài bản.

Khó khăn nhất của Nam khi học cờ là ít có cơ hội được va chạm với các đối thủ mạnh để được trau dồi khả năng và kinh nghiệm. Vì vậy, những lúc rảnh rỗi, anh thường lên mạng chơi trực tuyến ở các trang web nổi tiếng về cờ.

Trần Mạnh Linh, sinh viên ngành Kỹ nghệ phần mềm (Đại học FPT) có ưu thế chơi cờ nhanh, sắc sảo trong từng nước cờ. Linh từng vô địch giải cờ Đại học FPT và giải cờ Giỗ tổ mở rộng của FPT Software năm 2010.

Từ hồi còn học lớp 2, Linh đã chơi cờ vua và giành một số giải thưởng cấp trường. Do thấy cờ tướng phổ biến hơn nên cậu bắt đầu tập tọe chơi từ năm học lớp 7.

“Cứ chiều chiều, thấy các bác hàng xóm về hưu hay mang bàn cờ ra chơi với nhau, mình thắc mắc không biết tại sao mọi người lại có thể đọc được chữ Trung Quốc để chơi cờ. Mình lân la, rồi nhờ các bác dạy cách nhận mặt từng quân cờ”, Linh chia sẻ.

Dần dần, Linh bắt đầu tập chơi. Cả dịp hè năm đó, suốt ngày cậu ngồi đánh cờ với các bác hàng xóm hoặc la cà ở những quán nước gần nhà để hễ thấy ai chơi cờ là sà vào. Cứ thế, “trình” của Linh ngày càng được cải thiện. Cho đến khi cậu chơi trận nào cũng thắng thì đối thủ dần “lảng” đi hết.

Trần Mạnh Linh là cao thủ cờ thuộc thế hệ trẻ FPT.

Trần Mạnh Linh là cao thủ cờ thuộc thế hệ trẻ FPT.

Khi không có đối thủ, cậu chơi cờ một mình. Cậu tự sắp quân và đi cờ cho hai bên. Nhiều người đi qua thấy lạ cũng ngó nghiêng, cậu mặc kệ. Tuy vậy, nhờ cách luyện tập sáng tạo này mà cậu tiến bộ rất nhanh. Đến năm lớp 10, cậu được vào đội tuyển để tham gia giải hoc sinh trung học thành phố Hà Nội và giành giải Bạc.

Sau đó, cậu được vào đội tuyển Hà Nội để đi thi giải cờ trẻ toàn quốc năm 2007. Năm đó, cậu đã cùng đồng đội giúp tuyển Hà Nội đứng ở vị trí thứ hai sau Cà Mau.

Đến lớp 12, Linh xin rút khỏi đội tuyển vì bận ôn thi đại học. Tuy nhiên, vì niềm đam mê với cờ, thỉnh thoảng cậu vẫn tham gia một số giải mở rộng.

Khi vào ĐH FPT, Linh tiếp tục giành được thành tích đáng nể về cờ. Năm 2009, cậu giành á quân ở giải cờ vô địch ĐH FPT. Năm 2010, Linh “ẵm” luôn hai vị trí quán quân cờ ĐH FPT và giải Nhất cờ toàn tập đoàn. Năm 2011, cậu giữ vững vị trí đứng đầu ở ĐH FPT và về Nhì ở giải cờ FPT.

Linh có thể chơi cờ tướng, cờ vua, cờ vây... nhưng chơi cờ tướng tốt nhất. Điểm mạnh của Linh là sự bình tĩnh. “Người chơi cần luyện tập bền bỉ trong thời gian dài vì để bình tĩnh thì phải có nhiều kinh nghiệm”, Linh chia sẻ.

Để đạt được chiến thắng trong mỗi ván cờ đòi hỏi nhiều yếu tố như kỹ thuật, tâm lý, sự tự tin và đánh giá đúng thực lực đối thủ. “Và quan trọng nhất là sự tập trung, bình tĩnh để từ đó có thể nhìn thấu bàn cờ cũng như đọc trước nước đi của đối thủ”, Linh khẳng định.

Thạch Anh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ý kiến

()