Chúng ta

Vận động viên FPT 'giã từ dĩ vãng'

Thứ sáu, 9/12/2011 | 11:47 GMT+7

Họ từng là niềm vinh dự của quốc gia, từng ghi dấu ấn ở nhiều đấu trường trong nước và quốc tế với những chiếc huy chương lấp lánh. FPT đang sở hữu những con người có quá khứ lẫy lừng đó.
> Vận động viên chuyên nghiệp ở FPT / 'Tôi nghẹn lời khi giành huy chương Vàng SEA Games'

Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm doanh nghiệp FPT (FPTSS, thuộc FPT Software), không chỉ chơi cờ vua giỏi mà anh có thể chơi được nhiều môn như cờ tướng, cờ Shogi (Nhật Bản), cờ ca-rô... “Món” nào anh chơi cũng “đỉnh”. Ở FPT Software còn “tương truyền” về biệt tài đánh cờ tưởng với 3 bàn một lúc của anh. Chả thế mà anh có biệt danh là Sơn “Cờ”.

Anh Sơn từng là kiện tướng cờ vua quốc gia và nhiều lần vô địch quốc gia lứa tuổi trẻ, vô địch quốc gia cờ nhanh, hai lần Á quân quốc gia giải A1 (giải cao nhất trong hệ thống giải cờ vua Việt Nam). Anh cũng từng khoác trên mình màu cờ sắc áo của đội tuyển Việt Nam tham dự thi đấu Cờ vua quốc tế tại Olympiad 32 năm 1996 ở Nga.

Hoàng Thanh Sơn được đồng nghiệp yêu mến gọi là Sơn

Hoàng Thanh Sơn được đồng nghiệp yêu mến gọi là Sơn "Cờ". Ảnh: NVCC.

Sơn “Cờ” bắt đầu chơi cờ tướng từ khi còn là học sinh lớp 2. Từ nhỏ, anh đã thích những môn học cần tư duy như toán học. Vì vậy, khi nhìn thấy các bác trong khu khu tập thể nơi anh ở ngồi chơi cờ, anh bị hút luôn vào môn thể thao này. Ngày sau đó, anh đăng ký học cờ một cách bài bản ở trường Thể thao Thiếu niên 10-10.

Khi gia nhập FPT năm 1999, anh tham gia giải Cờ xuân. Đây là lần đầu tiên FPT tổ chức hoạt động này. Anh đã toàn thắng với giải Nhất môn cờ vua và giành danh hiệu Trạng Cờ. Anh cho rằng, bí quyết để có thể chơi tốt là người chơi cần có các tố chất: kiên nhẫn, trầm tĩnh và khả năng tư duy logic.

Không chỉ là môn thể thao yêu thích, anh còn “vận dụng” cả sở trường của mình để tiếp cận khách hàng.

Năm 2004, Sơn “Cờ” thi đấu cờ Shogi với một vị lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản. Anh đã thắng nhưng vị khách dù thua vẫn vui vẻ vì có bạn chơi và được chơi môn thể thao yêu thích.

Sau này, một số cán bộ ở FPT Software truyền tai rằng, chính vì bị thua ván cờ nên vị lãnh đạo đó muốn “chơi tiếp” và FPT Software HCM lại có cơ hội tiếp cận, tiến xa hơn trong quan hệ công việc.

Anh Sơn đã chính thức từ bỏ con đường thi đấu chuyên nghiệp khi vào FPT. Tuy vậy, mỗi khi có dịp, anh thường tham gia vào các hoạt động phong trào của công ty.

Dù đã rời xa "đường đua", Vũ Mạnh Tuấn, cán bộ phòng Tuyển sinh của ĐH FPT, vẫn chưa thể "chia tay" Pencak Silat.

Anh từng tham gia điều hành các giải thi đấu vô địch quốc gia, cup quốc gia,Indoor Games, SEA Games 25 tại Lào.

Năm 1997, khi Pencak Silat còn chưa được nhiều người biết đến thì Tuấn đã bắt đầu tập luyện môn võ này. Đến năm 1998, Tuấn đã giành được tấm huy chương Bạc đầu tiên ở hạng cân 39-42 kg tại giải Pencak Silat học sinh thủ đô Hà Nội.

Cuối năm đó, Tuấn nhận được công văn triệu tập vào đội tuyển thành phố Hà Nội. Nhưng vì còn nhỏ, lại chú trọng việc học văn hóa, Tuấn đành gác ước mơ võ thuật sang một bên.

Anh Vũ Mạnh Tuấn dự định tham gia lớp tập huấn trọng tài quốc tế. Ảnh: NVCC.

Anh Vũ Mạnh Tuấn dự định tham gia lớp tập huấn trọng tài quốc tế. Ảnh: NVCC.

Đến năm 2000, sau khi thi tốt nghiệp THCS, các thầy trong ban huấn luyện đến nhà động viên gia đình cho Tuấn tham gia đội tuyển để chuẩn bị tập huấn cho giải trẻ thế giới. Nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, Tuấn bắt đầu con đường thi đấu chuyên nghiệp và giành hai huy chương Bạc giải trẻ thế giới. Ngay sau đó, anh được triệu tập vào đội tuyển Pencak Silat quốc gia dự giải vô địch thế giới và SEA Games 21.

Trong cuộc đời vận động viên, Tuấn không thể nào quên kỷ niệm khi tham dự Cup quốc gia năm 2000. Khi ấy, Tuấn được đánh giá là ứng cử viên vô địch. Trước giờ thi đấu, anh được một cô gái xinh đẹp, chính là em của đối thủ, động viên. Vì quá cảm động và hưng phấn nên anh đã biểu diễn quá thời gian quy định. Anh đành ngậm ngùi về Nhì. Nhưng cũng chính từ đó, anh và cô gái ấy thân thiết hơn và giờ người đó là bà xã của anh.

Với Tuấn, học võ quan trọng nhất là phải có ý chí quyết tâm và tinh thần thượng võ. Trước mỗi giải đấu, Tuấn thường phải tập luyện với cường độ rất cao. “Có hôm đi tập về, mặc dù bữa cơm được Trung tâm chuẩn bị rất ngon và hấp dẫn nhưng do tập mệt quá mình không ăn được nhiều và cũng thấy không ngon miệng”, Tuấn nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Trung ương I (Từ Sơn, Bắc Ninh) chuyên ngành Huấn luyện thể thao, Tuấn đầu quân về FPT năm 2009.

Thời gian đầu, anh tham gia giảng dạy. Còn hiện nay, anh chuyển sang phòng Tuyển sinh của trường. Dù là một công việc mới, nhưng anh hy vọng đây cũng sẽ là cơ hội để khai phá bản thân.

Để có thể “sống lâu” hơn với niềm đam mê, anh dự định tham gia điều hành một hoặc hai giải đấu Pencak Silat quốc gia để có đủ điều kiện tham dự lớp tập huấn chuẩn trọng tài quốc tế. “Nếu thời gian cho phép, mình sẽ tham gia lớp tập huấn trọng tài Vovinam quốc gia”, Tuấn chia sẻ về kế hoạch tương lai.

Đào Trọng Thành, cán bộ Hành chính tổng hợp của Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm FPT (FSE, thuộc FPT Software), từng giành giải Ba thể hình toàn quốc năm 2005.

Trước khi luyện tập, Thành gầy nhẳng, chỉ có 48 kg. Anh quyết tâm học thể hình để cải thiện sức khỏe và cũng để tự tin hơn khi diện quần áo.

CLB Hòa Bình trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) trở thành địa chỉ quen thuộc của anh từ năm 2001. Lúc đo, ở Hà Nội, phong trào tập thể hình là mốt của giới trẻ.

Trước khi thi đấu khoảng hai tháng, huấn luyện viên đã lên lịch tập luyện và chế độ dinh dưỡng mà anh phải tuân theo. Anh buộc phải “siết” cân vì lúc này trọng lược cơ thể đã ở mức 65 kg. Mỗi ngày, anh đều tập vào buổi sáng và chiều tối với các bài từ nặng đến nhẹ hơn để thư giãn cơ.

Đào Trọng Thành từng giành giải Ba Thể hình toàn quốc năm 2005. Ảnh: NVCC.

Đào Trọng Thành từng giành giải Ba Thể hình toàn quốc năm 2005. Ảnh: NVCC.

Bài tập chân đặc biệt với gánh tạ là thử thách khó khăn nhất, thường phải tập rất vất vả. Để vượt qua bài tập này, anh phải nhờ đến cà phê để quên đi cảm giác mệt mỏi. Buổi tập nào anh cũng uống hết 500 ml cà phê pha loãng.

Sau ba tháng “siết” cân, Thành giảm được 11 kg, xuống còn 54 kg. Khi đã có kinh nghiệm, những lần sau, anh chỉ cần luyện tập từ một tháng rưỡi đến hai tháng là đã đạt số cân nặng mong muốn.

Năm 2005, lần đầu tiên anh thi đấu ở một giải chuyên nghiệp. Và anh đã giành giải Ba.

Hiện, anh không tham gia thi đấu chuyên nghiệp nữa vì đã “đam mê công nghệ thông tin và thích đi du lịch hơn”. Nhưng anh vẫn chăm chỉ tập luyện thể hình để rèn luyện sức khỏe.

Ở đơn vị, anh vừa giành ngôi Vương trong cuộc thi Superman FPT Software nhân dịp Men's Day năm nay.

Lê Tiến Dũng, cán bộ Tổng hội FPT HCM, từng gắn bó với ba môn thể thao: bóng ném, võ Judo và khiêu vũ.

Từ thời còn học THCS, Dũng là thành viên trong đội tuyển bóng ném từng vô địch các giải cấp quận và cấp thành phố (TP HCM) trong 5 năm liền, từ năm 1999 đến 2001. Khi đó, Dũng thi đấu với màu cờ sắc áo của đội tuyển trường THCS Hai Bà Trưng, THPT Lê Quý Đôn và đội tuyển Quận 3 TP HCM.

Đặc trưng của môn bóng ném là kỹ thuật dẫn bóng bằng tay phối hợp với đồng đội và ném thẳng vào vị trí khung thành của đối phương. Môn bóng ném đòi hỏi người chơi có thể lực, tư duy chiến thuật, sự khéo léo và được dẫn dắt từ một huấn luyện viên giỏi. Trong đội hình, Dũng thường chơi ở vị trí cánh. Ở môn bóng ném, có ba vị trí là góc trái - cánh trái, giữa và cánh phải - góc phải.

a

Lê Tiến Dũng, cán bộ Tổng hội FPT HCM, từng gắn bó với ba môn thể thao: bóng ném, võ Judo và khiêu vũ. Ảnh: NVCC.

Suốt thời cấp 2 và cấp 3, tuần ba buổi tối, Dũng ra sân tập. Đến khi nghỉ hè, thời gian tập luyện nhiều hơn. Vào mùa thi đấu, ngày nào anh cũng phải ra sân.

Dũng còn tập võ Judo. Anh bắt đầu làm quen với môn thể thao này từ năm học lớp 10. Năm 2000, Dũng đoạt giải cá nhân, hạng Ba Judo toàn TP HCM. Lứa bạn học của Dũng thời đó có những người sau này khá nổi tiếng như nhạc sĩ Sỹ Luân, một số bạn bè cùng trong đội tuyển ngày đó giờ làm huấn luyện viên Judo.

Đến năm 2004, Dũng bắt đầu làm quen với dancing. Anh bỏ ra 3 năm để theo đuổi đam mê khiêu vũ, trong đó hai năm học khiêu vũ cổ điển và một năm học khiêu vũ quốc tế. Kết quả cho nhiều năm miệt mài tập luyện là anh đã có trong tay chứng chỉ khiêu vũ quốc tế. Với chứng nhận này, bất kỳ ai chỉ việc tham gia một khóa học chuyên sâu nữa là được công nhận vũ sư.

Khi về FPT, Dũng đã mở lớp dạy khiêu vũ cho FPT HO, FPT IS, FPT Land. Dù không thi đấu chuyên nghiệp nữa nhưng kinh nghiệm thi đấu và các môn thể thao sở trường đã giúp cán bộ Tổng hội này có lợi thế lớn khi tổ chức và điều hành các hoạt động phong trào tại FPT HCM.n

Lưu Vân

Ý kiến

()