Chúng ta

Vận động viên chuyên nghiệp ở FPT

Thứ năm, 1/12/2011 | 14:41 GMT+7

Trong 10 năm làm trọng tài chuyên nghiệp, anh Võ Đình Hảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam thuộc Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), nhớ nhất lần “cầm còi” điều khiển trận tranh cup Vàng trong giải Vô địch Futsal châu Á năm 2005.

Anh nhớ như in cảm giác hồi hộp khi Ban tổ chức thông báo tên mình trong thành phần tổ trọng tài cùng điều khiển trận tranh cup Vàng giữa Nhật Bản và Iran. Trận đấu được truyền hình trực tiếp đến các quốc gia trên khắp thế giới và phát trên kênh Star Sports thời điểm đó.

“Là trọng tài Việt Nam - nơi mà Futsal còn khá mới mẻ - được tham gia giải đấu đã là vinh dự lớn. Tôi còn được điều khiển trận chung kết của giải nên niềm vui nhân lên bội phần”, anh Hảo chia sẻ.

a

Anh Võ Đình Hảo (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC.

Ít ai nghĩ anh Hảo là cử nhân Công nghệ thông tin của Đại học Văn Lang, TP HCM - một chuyên ngành xa lạ với thể thao.

Yêu thích môn thể thao vua, vào đại học, cậu sinh viên Hảo không có điều kiện tham gia tập luyện thường xuyên. Năm 1998, Liên đoàn Bóng đá mở lớp tuyển chọn trọng tài bóng đá cho TP HCM. Đây chính là cơ duyên khiến anh chuyển sang nghiệp “cầm còi”. Anh cho biết: “Tôi quyết định làm trọng tài để duy trì sức khỏe, lại có thêm thu nhập hỗ trợ việc học và hằng tuần vẫn được ra sân thỏa niềm đam mê với trái bóng”.

Để tăng cường kiến thức về công tác trọng tài, anh Hảo tích cực tham gia các buổi học tại lớp trọng tài cơ bản, lớp tập huấn trọng tài quốc gia do Liên đoàn Bóng đá TP HCM và Việt Nam tổ chức trước các giải vô địch quốc gia.

Gia nhập FPT năm 2000, ngoài công việc chuyên môn, anh vẫn gắn bó với nghiệp “cầm còi”.

Trước mỗi giải đấu, ngày nào sau giờ làm việc, anh Hảo cũng vào sân Thống Nhất cùng anh em trọng tài quốc gia của TP HCM như Võ Minh Trí, Lương Thế Tài, Dương Văn Hiền… tập thể lực. “Giáo án” tập luyện của các trọng tài là chạy 10 đến 20 vòng sân để tăng cường thể lực. Để tham gia điều khiển trận đấu, các trọng tài phải qua được bài kiểm tra thể lực của Ban tổ chức trước mỗi mùa giải.

Theo anh Hảo, thoạt nhìn tưởng trọng tài nhàn hạ và uy lực trên sân, nhưng vén “tấm màn hậu trường” thì nghề này lại khá khắc nghiệt. Ngoài yêu cầu về thể lực không khác gì vận động viên, trọng tài phải là người có phong thái trầm tĩnh, óc phán đoán nhanh nhạy với các tình huống và “thần kinh thép” để làm việc dưới sức ép từ khán giả, ban huấn luyện và cầu thủ hai đội.

Anh nói vui: “Điều hạnh phúc nhất là sau trận đấu không ai nhắc gì đến trọng tài, thế là thành công”.

Ở các giải đấu của FPT, anh Hảo lại đảm nhận vai trò cầu thủ để được “bon chen” với đồng nghiệp. Hiện, anh đang “tung hoành” tại giải STCo Cup của TP HCM. Anh Hảo còn thường xuyên cập nhật thông tin để giúp anh em yêu thích môn thể thao vua phát triển bóng đá phong trào tại FPT.

Dù tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Công nghệ Thông tin, chuyên ngành Lập trình phần mềm của Đại học Bách khoa Tomsk - Liên bang Nga, nhưng Lê Sỹ Hoàng, lập trình viên Công ty TNHH Nghiên cứu Phát triển Phần mềm FPT (FRD, thuộc FPT Software), lại có niềm đam mê cháy bỏng với khiêu vũ thể thao (Dancesport).

Hoàng đã gắn bó với môn thể thao này từ năm 2005 và đến nay đã có thâm niên “nhảy múa” gần 7 năm.

Theo Hoàng, khi say sưa chìm đắm trong vũ điệu và tiếng nhạc du dương, anh được trở về với phần bản năng nhất trong mình, được thỏa sức thể hiện cảm xúc, từ đó lấy năng lượng vượt qua căng thẳng và cân bằng cuộc sống.

Dancesport đòi hỏi vận động viên sự tinh tế, nhạy cảm, có tố chất và đam mê. Bởi đằng sau vũ điệu đẹp mắt chính là mồ hôi, nước mắt của vận động viên trên sàn tập. Lịch tập luyện của Hoàng khá dày, đều đặn một tuần 3 buổi anh phải tập với huấn luyện viên. Các ngày còn lại anh tự tập, mỗi ngày 2-3 tiếng. Đến gần kỳ thi đấu khối lượng tập tăng lên rất nhiều, có ngày tập ròng rã 6 tiếng. Quá trình tập luyện, không biết bao nhiêu lần anh trật chân, đau đến mức không thể nhấc được sau khi tập Jive, toàn thân đau nhừ như bị tra tấn khi tập Samba. Thậm chí, có lần Hoàng vừa thi đấu vừa… khóc vì chấn thương ở chân nhưng vẫn quyết tâm không bỏ cuộc.

a

Sỹ Hoàng cùng bạn nhảy. Ảnh: NVCC.

Khi Hoàng du học ở Siberi (Nga), anh đoạt huy chương Vàng 6 điệu nhảy, trong đó có 3 điệu latin và 3 standart tại Cup các câu lạc mở rộng thành phố. Khi trở về nước, Hoàng bắt đầu tham gia các giải trong nước và tiếp tục giành nhiều thành tích. Tháng 7 vừa qua, Hoàng đoạt huy chương Bạc điệu Rumba tại Cup các câu lạc bộ mở rộng ở Đăk Lăk. Gần đây nhất, anh đoạt chuỗi 3 huy chương Bạc các nội dung Rumba, Chachacha và tổng hợp 2 điệu Rumba và Chachacha tại Cup do Đoàn thanh niên Hà Nội tổ chức.

Hiện, Hoàng là chủ nhiệm câu lạc bộ Dacing và cầu lông của FRD. Trong năm nay, Hoàng dự định tham gia giải đấu nữa lớn vào dịp cuối năm. Hoàng vẫn tập luyện thi đấu nhưng lịch tập khá thưa do công việc bận. Sắp tới, anh dự định tìm một huấn luyện viên giỏi để tiếp tục tập luyện và chinh phục đỉnh cao của Dancesport.

Có thể nói, Huỳnh Khắc Nguyên, giảng viên ĐH FPT, là một trong những vận động viên chuyên nghiệp nổi bật tại FPT. Sau 18 năm tập chuyên Vovinam và 8 năm thi đấu ở các giải chuyên nghiệp từ trong nước đến quốc tế, Nguyên đạt cấp Chuẩn Hồng đai bậc thứ 5 của môn Vovinam. Hiện, Nguyên vẫn giữ vị trí đương kim vô địch Vovinam thế giới trong hai lần liên tiếp.

Tại giải vô địch Vovinam thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở Algeria, anh giành hai huy chương Vàng ở nội dung biểu diễn quyền Song luyện và Đại đao và hai huy chương Vàng nội dung Quyền Nhật nguyệt đại đao và Đòn chân tấn công nam tại giải vô địch thế giới Vovinam lần thứ hai.

a

Huỳnh Khắc Nguyên (hàng trên bên phải). Ảnh: NVCC.

Tại hầu hết các giải Vovinam trong nước, Nguyên đều “thống trị” các giải thưởng cao nhất. Từ năm 2005-2008, anh liên tục mang huy chương Vàng về cho đội tuyển Vovinam TP HCM tại các giải vô địch toàn quốc. Đặc biệt, SEA Games 26 vừa qua, anh đã giành được một tấm huy chương Vàng ở nội dung Đòn chân tấn công và hai huy chương Bạc ở nội dung Tứ tượng côn pháp và Tứ đấu vũ khí nam.

Nguyên vốn là con nhà võ ở Phú Yên. Anh theo cha học võ từ nhỏ. Lên Đại học, Nguyên lại quyết định chọn trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng HCM vì đây là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên sâu võ Vovinam. Tốt nghiệp, anh đầu quân làm giảng viên cho ĐH FPT từ những ngày đầu thành lập năm 2007.

Nguyên chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi tiếp tục tham gia giảng dạy tại ĐH FPT và tiếp tục thi đấu giải chuyên nghiệp để phát triển Vovinam ra thế giới”. Anh sẽ tham gia thi đấu ở giải vô địch Vovinam châu Á tổ chức tại Iran và hướng tới giải vô địch Vovinam thế giới diễn ra vào khoảng tháng 9/2013.

Nguyễn Hoàng Tùng, giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất Đại học FPT, cho rằng, học võ không chỉ để thỏa mãn đam mê mà anh muốn chia sẻ ích lợi của võ học với nhiều người. Đó chính là lý do anh gia nhập Đại học FPT từ tháng 10/2010. Ước mơ của thầy giáo trẻ là một ngày nào đó, các học trò của mình tung hoành ở khắp các giải thi đấu Vovinam trong nước và quốc tế.

Những ấn tượng đầu tiên về võ học với Tùng là giúp anh điềm tĩnh, tự tin hơn, tăng khả năng tự vệ cho chính bản thân mình.

Tốt nghiệp phổ thông, anh quyết định chọn vào học trường Trung cấp Thủy sản. Nhưng sau quá trình trải nghiệm anh nhận ra niềm đam mê của mình chính là võ thuật, Tùng đăng ký thi lại vào khoa Thể dục thể thao, chuyên ngành Võ thuật (Vovinam), Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP HCM.

a

Nguyễn Hoàng Tùng (áo trắng, ở giữa) chụp cùng sinh viên ĐH FPT. Ảnh: NVCC.

Nhờ tập luyện chăm chỉ, Tùng được huấn luyện viên gọi vào đội tuyển của trường để tham gia giải Vovinam - Việt Võ Đạo các trường Trung học chuyên nghiệp và Đại học TP HCM năm 2006. Đây cũng là lần đầu tiên Tùng giành được huy chương Vàng.

Từ tấm huy chương Vàng đầu tiên đó, Tùng liên tục giành huy chương tại giải Vovinam - Việt Võ Đạo các trường Trung học chuyên nghiệp và Đại học TP HCM năm 2006 - 2009. Đến năm 2010, anh đoạt Huy chương Bạc giải Cup các CLB toàn quốc. Tại giải Vô địch TP HCM năm 2011, Tùng “ẵm” hai huy chương Bạc, một huy chương Đồng.

Bí quyết thành công của Tùng chính là sự tự tin. Đồng thời, quá trình khổ luyện, chăm chỉ ngày đêm tập luyện về kỹ thuật, thể lực, ý chí và cả tâm lý trước, trong và sau khi thi đấu đã giúp anh làm dày thêm bảng thành tích của mình.

Đẳng cấp Vovinam của Tùng hiện nay là Hoàng đai III. Để đạt được cấp đai này, Tùng phải luyện tập hơn 12 năm.

Hiện, Tùng tập trung vào giảng dạy tại ĐH FPT và làm công tác huấn luyện phát triển phong tràoVovinam tại quận 12, TP HCM. “Đảm nhận cả hai vai trò cũng vất vả đôi chút, nhưng mà nghỉ một ngày là thấy nhớ võ, nhớ trò…”, anh tâm sự.

FPT quy tụ khá nhiều cán bộ nhân viên là vận động viên chuyên nghiệp. Có thể điểm tên những người từng gắn bó với các giải thể thao chuyên nghiệp như: Trần Vũ Quang và Vũ Mạnh Tuấn (đều là giảng viên ĐH FPT) giành nhiều huy chương Penkat Silat toàn quốc và giải trẻ thế giới; Đào Trọng Thành (FPT Software) giành giải Ba cuộc thi Thể hình toàn quốc, Lê Tiến Dũng (Tổng hội FPT HCM) giải Ba Judo TP HCM...

Đặc biệt, võ đường Vovinam tại ĐH FPT - võ đường lớn nhất cả nước với 6.000 môn sinh - có nhiều vận động viên sáng giá.

Lưu Vân

Ý kiến

()