Chúng ta

'Tôi nghẹn lời khi giành huy chương Vàng SEA Games'

Thứ năm, 24/11/2011 | 14:01 GMT+7

"Khi vừa bước xuống từ bục nhận huy chương Vàng trong ngày thi đầu tiên, tôi ngộp thở trong vòng vây báo chí và người hâm mộ", vận động viên Huỳnh Khắc Nguyên, giảng viên ĐH FPT, chia sẻ cảm xúc chiến thắng tại SEA Games 26.
> ‘Quảng bá Vovinam ra thế giới' / Giảng viên ĐH FPT tiếp tục giành HCB SEA Games / Giảng viên ĐH FPT giành HCV SEA Games

"Vì quá xúc động, tôi trả lời phỏng vấn nghẹn ngào, nói không thành lời", anh Thành nói. Với anh, chặng đường dài đến với SEA Games đầy ắp những kỷ niệm và cả những trải nghiệm hiếm có.

a

Huỳnh Khắc Nguyên (hàng trên, bên phải) trên bục nhận huy chương Vàng nội dung Đòn chân tấn công ở SEA Games 26. Ảnh: NVCC.

Khắc Nguyên là "hy vọng vàng" Vovinam của thể thao Việt Nam tại SEA Games 26. Vì vậy, trước thềm SEA Games, Khắc Nguyên đã có gần một năm để chuẩn bị và tập luyện. Trước SEA Games khoảng hai tháng, Nguyên chính thức được gọi vào đội tuyển quốc gia và đi tập huấn tập trung ở Trung tâm Thể dục thể thao Quốc gia 2, quận Thủ Đức, TP HCM.

Thành tích trong thể thao thường đi cùng với sự khổ luyện. Thấu hiểu được điều đó, Nguyên lao vào tập luyện với cường độ cao. Anh thường tập 3 buổi mỗi ngày, liên tục từ sáng sớm đến chiều tối, từ các bài tập thể lực đến kỹ thuật. Thời khóa biểu của anh cứ đều đặn như thế trong suốt hai tháng liền.

Nguyên hoàn toàn giấu các đồng nghiệp khi tham dự SEA Games. Anh tự sắp xếp công việc để dành thời gian đi tập huấn.

Trước khi SEA Games diễn ra, anh cùng huấn luyện viên cao cấp của Việt Nam có dịp sang Jakarta để tập huấn cho nước chủ nhà về công tác hậu cần như chuẩn bị hệ thống đèn, chiếu sáng bố trí sân bãi, tổ chức sự kiện…

Vovinam lần đầu tiên được đưa vào môn thi đấu của SEA Games với 4 nước đăng ký tham gia gồm: Việt Nam, Lào, Indonesia và Campuchia. Tuy vậy, tất cả các nước đều có kế hoạch từ rất sớm để chinh phục những đỉnh cao của Vovinam ở đấu trường khu vực.

Vì vậy, trước kỳ thi đấu, Nguyên đã dành thời gian tìm hiểu, đánh giá điểm mạnh - yếu của đối thủ để đưa ra chiến thuật thi đấu hợp lý. Anh chia sẻ, dù Việt Nam là "ông tổ" của Vovinam nhưng bản thân không được chủ quan vì phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng ký. Hầu hết các nước bạn đều huy động dàn cầu thủ có thành tích cao ở các môn võ khác sang thi đấu Vovinam.

Đội chủ nhà Indonesia đã thành lập đoàn thi đấu Vovinam cách đây cả năm. Họ đã chọn vận động viên Pencak Silat có kinh nghiệm thi đấu để phát triển và tiếp nhận môn võ mới. Trong đó có vận động viên từng ba lần vô địch thế giới ở bộ môn này.

Lào lại chọn thi đấu đối kháng Vovinam làm điểm mạnh. Các vận động viên của Lào được huy động để đánh muay Thái (hình thức đòn thế tấn công liên tục bằng gối). Campuchia là đội có ít lợi thế nhất do họ chưa đầu tư xứng đáng cho tập luyện dù sở hữu dàn vận động viên có năng khiếu.

a

Khắc Nguyên thể hiện xuất sắc trong bài thi Đòn chân tấn công và giành huy chương Vàng. Ảnh: Internet.

Theo Nguyên, khó khăn duy nhất khi giao tiếp với đội bạn chính là ngôn ngữ vì vận động viên Vovinam của Indonesia hầu hết đến từ đảo Bali. Họ có ngôn ngữ riêng với các vùng khác, không đồng nhất ngôn ngữ như Việt Nam.

Dù là lần thứ hai đặt chân đến Indonesia, Nguyên vẫn rất ấn tượng với đất nước vạn đảo. Anh choáng ngợp với những tòa cao ốc đồ sộ và cổ kính với mật độ dày đặc, san sát nhau. Những con đường phân làn ôtô và xe máy khoa học. Đoàn vận động viên Vovinam của Việt Nam còn được sự hộ tống của cảnh sát đến tận khách sạn.

Các vận động viên được ở trong khách sạn 4 sao với đầy đủ cơ sở vật chất, tiện nghi. Tuy nhiên, do sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong khách sạn khá lớn nên nhiều người tỏ ra mệt mỏi. Riêng Nguyên, vì quá hồi hộp thi đấu nên đêm đầu tiên anh bị mất ngủ và bị cảm ngay trước ngày thi đấu.

Tại SEA Games 26, Huỳnh Khắc Nguyên đã giành được một huy chương Vàng ở nội dung đòn chân tấn công và hai huy chương Bạc ở nội dung Tứ tượng côn pháp và Tứ đấu vũ khí nam. Như vậy, Nguyên đã giành huy chương cả ở ba nội dung đăng ký thi đấu biểu diễn võ thuật tại SEA Games 26 bằng kỹ năng, kinh nghiệm, sự chăm chỉ, lòng quyết tâm cùng năng khiếu trời cho.

Điều mà Nguyên cho rằng, anh nhận được nhiều hơn cả tấm huy chương chính là tình cảm với vận động viên các nước bạn và qua đó, anh có thể quảng bá môn võ Vovinam ra thế giới.

Anh kể lại: "Ngay từ khi còn tập huấn với nhau, vận động viên các nước đã cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau để hoàn thiện các động tác thi đấu. Thi đấu xong, mọi người bắt tay chúc mừng rất thân thiện, gần gũi. Còn khi trở về khách sạn, cả đoàn như một gia đình".

Nguyên có lợi thế với 18 năm luyện tập môn võ cổ truyền Vovinam, trong đó có 8 năm liên tục, anh thi đấu ở khắp các đấu trường trong nước, khu vực, châu Á và cả giải vô địch thế giới.

Từ nhỏ, anh đã xác định võ thuật chính là sự nghiệp của mình nên khi tốt nghiệp cấp 3, anh quyết tâm theo học khoa Thể dục thể thao chuyên ngành võ Vovinam tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng TP HCM để được học võ một cách bài bản và chuyên nghiệp.

a

Ba tấm huy chương mà Khắc Nguyên giành được tại SEA Games lần này. Ảnh: NVCC.

Mỗi môn võ đều có hai hình thức thi đấu là biểu diễn võ thuật (hay còn gọi là quyền) và thi đấu đối kháng. Với thi đấu đối kháng, động tác phải nhanh, chính xác, hiệu quả và thực tế. Ngoài thực tế, biểu diễn quyền còn yêu cầu thêm các động tác đúng, đẹp, căng và thẳng trong thời gian và cự ly xác định. Vận động viên chọn hình thức nào thì khó chuyển sang hướng còn lại. Nguyên đã chọn biểu diễn quyền ngay từ khi tiếp xúc với môn võ học.

Ở ngoài đời, Khắc Nguyên có cuộc sống giản dị. Anh là cựu học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Tuy Hòa, Phú Yên. Thi đỗ hai trường đại học nhưng Nguyên lại quyết định chọn trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng TP HCM vì đây là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên sâu võ Vovinam.

Năm 2003, anh khăn gói lên đường vào Nam và ở trọ như bao sinh viên ngoại tỉnh khác. Vì lập nghiệp xa quê, lại chưa có gia đình, Nguyên có nhiều thời gian luyện tập cũng như đi dạy thêm, thoải mái tham gia các kỳ thi đấu.

Ngay từ khi còn là sinh viên, anh được võ sư Nguyễn Văn Chiểu cho đi trợ giảng, phụ tá cho thầy ở các trường đại học, câu lạc bộ võ thuật, nhà văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, anh chính thức đầu quân về ĐH FPT.

Hiện, mỗi năm, anh thường tham gia khoảng 3-4 kỳ thi đấu Vovinam. Còn hằng ngày, anh vẫn lên lớp giảng dạy cho sinh viên ĐH FPT.

Nguyên chia sẻ, thi đấu chuyên nghiệp giúp anh có cơ hội giới thiệu Vovinam với bạn bè thế giới. Nhưng ở những vùng sâu của đất nước, Vovinam còn khá xa lạ. Vì vậy, anh quyết định tham gia công tác giảng dạy. Thông qua sinh viên chính là cách nhanh nhất để phát triển Vovinam đến những nẻo đường của đất nước.

Khi biết thầy Nguyên tham gia SEA Games, Quách Gia Thắng, sinh viên lớp SE 0427 ngành Kỹ nghệ phần mềm, ĐH FPT HCM, hằng ngày theo dõi báo đài cập nhật thông tin về tình hình thi đấu của thầy. Thắng vỡ òa trong vui sướng khi thầy giáo mình bước lên bục vinh quang nhận tấm huy chương Vàng.

Với Thắng, thầy Nguyên còn là người anh, sư phụ. Khi vào đại học, chính thầy đã khơi lại đam mê võ thuật ở Thắng, dìu dắt cậu tham gia giải đấu chuyên nghiệp. Thắng bảo: "Em rất nể phục phong thái nghiêm khắc, kỷ luật của thầy Nguyên khi lên lớp". Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy, dù là sinh viên CNTT, Thắng cũng giành được tấm huy chương Bạc và Đồng Vovinam ở nội dung đối kháng tại Giải vô địch Vovinam toàn quốc.

Nhắc đến đồng nghiệp, Nguyễn Hoàng Tùng, giảng viên ĐH FPT, tóm gọn trong hai chữ "ngưỡng mộ". "Mỗi lần Nguyên thi đấu đều có huy chương Vàng. Có thể nói, Nguyên thống trị tất cả các giải Vovinam trong nước, khu vực cũng như thế giới. Đơn giản, về kỹ thuật cá nhân ít người bằng anh ấy", anh Tùng nhận định.

Nếu về góc độ chuyên môn, Nguyên chăm chỉ tự tập luyện, không có nhiều khoảng thời gian chết. Nhiều hôm Nguyên tập xong, cởi võ phục mà mồ hôi ướt đẫm áo, chảy như nước. Đời thường, Nguyên cũng hiền, ít nói, nhiệt tình, hòa đồng, dễ chịu. Có một khoảng thời gian, anh Tùng được Nguyên hướng dẫn kỹ thuật mà hỏi gì về Vovinam, Nguyên đều nhiệt tình trả lời và giúp đỡ.

Nguyên nhấn mạnh rằng, việc anh chạm tới đỉnh vinh quang của thể thao khu vực sẽ là bệ phóng để anh đưa Việt Võ Đạo vươn rộng ra thế giới. Sắp tới, anh sẽ tham gia thi đấu ở giải vô địch Vovinam châu Á tổ chức tại Iran và hướng tới giải vô địch Vovinam thế giới diễn ra vào khoảng tháng 9/2013.

Lưu Vân

Ý kiến

()