Chúng ta

‘Tết cổ truyền không nên bó buộc vào quá khứ’

Chủ nhật, 19/1/2014 | 09:20 GMT+7

“Chúng ta hãy vừa duy trì, vừa phát huy văn hoá Tết cổ truyền và chấp nhận sự đa dạng hoá để thích nghi với những thay đổi của cuộc sống mới. Văn hoá là sự phối hợp của quá khứ và tương lai, vì vậy không nên bó buộc vào quá khứ”, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH) Trần Ngọc Thêm nhắn nhủ.
> ‘Tết ta là gốc’

Chiều ngày 17/1, buổi chia sẻ về nguồn gốc của Tết Nguyên đán và tập tục trong những ngày Tết của người Việt do Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức đã diễn ra tại phòng đào tạo, toà nhà FPT Tân Thuận, TP HCM. Diễn giả của chương trình là GS-TSKH. Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM.

a

Trước khi bắt đầu buổi chia sẻ, các CBNV tham gia chương trình cùng thể hiện ca khúc "Xuân họp mặt" do anh Nguyễn Quốc Huy (FHO HCM) đệm đàn guitar, hâm nóng bầu không khí thân mật, ấm cúng của những ngày Tết đến, Xuân về.

Để người tham dự hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc, GS-TSKH. Trần Ngọc Thêm đã giải thích về nguồn gốc của Tết Nguyên đán, mở đầu cho buổi chia sẻ. Theo ông , Tết của người Bách Việt xưa khởi đầu là ngày Đông chí, tức thời điểm chuyển mùa của tháng Tý (tháng Một hay tháng Mười một theo âm lịch) được chọn là tháng đầu của năm. Sau này, do ảnh hưởng của nho giáo Khổng Tử nên người Việt lấy tháng Dần (tháng Giêng) là tháng đầu của năm.

“Nguyên nghĩa của chữ ‘Tết’ chính là ‘Tiết’. Cứ 15 ngày thì có một ngày Tiết, một năm có 24 Tiết và Tiết cuối cùng là quan trọng nhất. Hai chữ ‘Nguyên đán’ có gốc từ chữ Hán. ‘Nguyên’ nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm. Vì vậy, Tết Nguyên đán có thể hiểu là buổi sáng khởi đầu của một năm”, diễn giả cắt nghĩa.

a

“Giá trị bất biến của Tết cổ truyền là giáo dục những truyền thống tốt đẹp cho con cháu, cho thế hệ mai sau để duy trì dòng chảy văn hoá của dân tộc", GS-TSKH. Trần Ngọc Thêm đúc kết.

Dấu hiệu chính thức báo hiệu Tết chính là ngày 23 tháng Chạp và đây là khoảng thời gian mọi người chuẩn bị cho việc đón năm mới như dọn dẹp, trang trí nhà cửa, loại bỏ những thứ không cần thiết, mua sắm từ các vật dụng gia đình cho đến cây cảnh. Tốt nhất là nên chọn mua hoa mai, hoa đào có nhiều nụ và nếu những nụ hoa này bung nở trong đêm Giao thừa hoặc trong những ngày đầu năm mới thì sẽ có ý nghĩa về may mắn, tài lộc.

Tiếp đến là việc tảo mộ vào những ngày 28-29 Tết, mang ý nghĩa hướng con cháu nhớ về ông bà tổ tiên. Một truyền thống tốt đẹp khác của người Việt là nấu bánh chưng, bánh tét, thể hiện sự sum vầy, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình…
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay không nhất thiết phải nấu bánh chưng, bánh tét (nhất là các gia đình ở thành phố), thay vào đó có thể đặt mua từ dịch vụ. “Tất nhiên, Tết thì cần phải giữ gìn nhưng các phong tục không nhất thiết phải giữ nguyên mà nên đa dạng hoá hình thức cho phù hợp với điều kiện thực tế”, diễn giả gợi ý.

“Chúng ta hãy nên vừa duy trì, vừa phát huy văn hoá Tết cổ truyền và chấp nhận sự đa dạng hoá để thích nghi với những thay đổi của cuộc sống mới. Văn hoá là sự phối hợp của quá khứ và tương lai, vì vậy chúng ta không nên bó buộc vào quá khứ”, diễn giả nhắn nhủ.

“Chúng ta hãy nên vừa duy trì, vừa phát huy văn hoá Tết cổ truyền và chấp nhận sự đa dạng hoá để thích nghi với những thay đổi của cuộc sống mới. Văn hoá là sự phối hợp của quá khứ và tương lai, vì vậy chúng ta không nên bó buộc vào quá khứ”, diễn giả nhắn nhủ.

Đêm Giao thừa là thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới. Mỗi năm sẽ có một vị Thần trong 12 con Giáp cai quản nhân gian. Vì vậy, trong lễ cúng đêm Giao thừa, người Việt cần chuẩn bị hai mâm cỗ: Một mâm đặt ở trong nhà để cúng ông bà tổ tiên, một mâm đặt ngoài sân để cúng trời đất, thần linh. Sau đó, mọi người trong gia đình có thể quây quần dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, lì xì, đi đền chùa lấy lộc đầu năm…

Lý giải việc dân gian vẫn thường gọi là ăn Tết, chơi Tết mà không phải là những cụm từ khác, diễn giả cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, người dân phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Cuối năm là dịp mùa màng đã thu hoạch hoàn tất nên người dân có thời gian nghỉ ngơi, ăn nhiều hơn để bù vào những ngày tháng tất bật với việc đồng áng cũng như dành thời gian vui chơi nhiều hơn. Từ đó mà hình thành nên tục ăn Tết, chơi Tết.

a

Là người gạo cội trong mảng văn hoá nói chung và văn hoá FPT nói riêng, Chủ tịch FPT Myanmar Hoàng Minh Châu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến sự khác biệt về văn hoá Tết của Việt Nam và các nước trong khu vực. Nhiều người tham dự chương trình cũng bày tỏ những thắc mắc của mình về tập tục trong ngày Tết Nguyên đán và được diễn giả giải đáp thoả đáng.

Chia sẻ về những điều kiêng kỵ trong ngày Tết, diễn giả cho rằng, những gia đình có người quá cố thì nên chôn cất trước Tết là tốt nhất hoặc nếu không thể chôn cất được thì cũng không nên phát tang. Trường hợp nhà có tang thì người trong gia đình không nên đi chúc Tết những người khác.

Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta nên kiêng chuyện cãi vã, nóng giận; hãy luôn tươi cười để gia đình được vui vẻ, hoà thuận cả năm. Theo quan niệm của người xưa thì trong những ngày Tết, chúng ta không nên quét nhà, hoặc nếu có quét thì nên dồn vào một chỗ trong góc như là một cách để giữ lại may mắn.

Liên quan đến nghị định của Nhà nước về việc hạn chế tặng quà, GS-TSKH. Trần Ngọc Thêm nhìn nhận: “Ở Việt Nam, tặng quà là truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời như là một sự tri ân của học trò với thầy cô, của thế hệ sau với thế hệ trước. Vì thế không có lý do gì mà từ bỏ, cấm cản, truyền thống này cần phải giữ gìn và phát huy. Nếu như việc tặng quà biến tướng thành biếu xén, hối lộ trá hình thì phải tách ra xử lý riêng. Không nên chỉ vì đánh con chuột mà đập vỡ cái bình quý”.

a

Anh Nguyễn Tiến Danh (Phụ trách mảng Trách nhiệm xã hội FPT - CSR) đại diện BTC tặng hoa và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS -TSKH. Trần Ngọc Thêm.

Một điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng cũng nên lưu ý là việc lì xì trong ngày Tết. Điều này đang dần bị “thương mại hoá” trong cuộc sống hiện đại. Do đó, bậc cha mẹ nên dạy con cái cách ứng xử nhận lì xì của người lớn như dạy trẻ nói cảm ơn, hay không mở bao lì xì trước mặt người đã mừng tuổi cho con…

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con cái cách chi tiêu hoặc quản lý khoản tiền lì xì của trẻ một cách khoa học và hữu ích như lập “sổ tiết kiệm” do bố mẹ quản lý, mua sách vở cần thiết, ủng hộ quỹ từ thiện…

“Giá trị bất biến của Tết cổ truyền là giáo dục những truyền thống tốt đẹp cho con cháu, cho thế hệ mai sau để duy trì dòng chảy văn hoá của dân tộc. Có như vậy thì sau này con cái chúng ta cũng sẽ thực hiện lại như thế. Đó là sự chuyển giao cái cũ và cái mới”, giáo sư Thêm đúc kết.

Buổi chia sẻ chuyên đề Tết Việt kết thúc vào 19h cùng ngày.

Buổi chia sẻ chuyên đề Tết Việt với sự tham dự của khoảng 30 CBNV. 

"Trong các ngày lễ lớn của năm thì Tết Nguyên đán được coi là dịp lễ thiêng liêng và tập trung nhiều văn hoá dân tộc nhất. Buổi chia sẻ đã giúp mình có khoảng lặng để cảm nhận sâu sắc hơn về tập tục ăn Tết cũng như những ý nghĩa truyền thống, cội nguồn", anh Bùi Hồng Đức, FPT Telecom, bày tỏ.

GS-TSKH. Trần Ngọc Thêm là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Văn hóa học Việt Nam, ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học- Đào tạo Đại học Quốc gia TP HCM, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM.

Bài, ảnh: Hà Dương

Ý kiến

()