Chúng ta

‘Tết ta là gốc’

Thứ năm, 16/1/2014 | 16:05 GMT+7

“Tết sẽ thực sự là nét đẹp văn hóa khi ta biết phân biệt được cái gốc với cái ngọn. Trong trường hợp này, Tết ta là gốc, còn Tết tây là ngọn. Nếu muốn đặt vấn đề nhập thì phải là nhập Tết tây vào với Tết ta”, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm khẳng định.
> Tìm hiểu về Tết Việt với chuyên gia đầu ngành

Theo chuyên gia, một cái Tết ta đúng cách sẽ là dịp để vừa giữ gìn truyền thống dân tộc, vừa mở mang đầu óc, vừa giáo dục con cháu, vừa chi tiêu hợp lý để kích thích sản xuất, tiêu dùng... “Còn nếu “nhập Tết ta vào với Tết tây” một cách thiển cận thì cái mất đi không chỉ là Tết ta, mà chẳng bao lâu sau chính chúng ta sẽ không còn là Ta, nhưng mãi mãi cũng sẽ không bao giờ trở thành Tây, vì Tây không phải là những kẻ mất gốc mà họ cũng có gốc văn hóa của họ”.

Hơn 60 tuổi nhưng Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, vẫn nhớ nhất vẫn là những Tết ngày còn nhỏ. Ông kể, đến tháng chạp người ta bắt đầu lo lắng cho Tết rồi. Rất hay. Bao nhiêu cái mới tập trung cho ngày Tết hết. Quần áo có thể may vào bất cứ lúc nào nhưng cứ đợi đến Tết mới may. Quanh năm có chợ nhưng chợ Tết có ý nghĩa đặc biệt nên cuối năm nếu được theo mẹ đi ra chợ thì sung sướng lắm, không khí chợ Tết khác hẳn, chưa kể ở một số dân tộc miền núi, chợ Tết là chợ tình...

d

So sánh với không khí ở thành thị ngày nay, Giáo sư văn hóa đầu ngành cho biết, văn hóa đón Tết mất đi nhiều nét truyền thống.

“Đi chợ mua sắm, lại bắt đầu trang hoàng Tết, mua những tranh gà, tranh lợn về dán lên, trồng cây nêu. Tất cả dồn lại tạo nên một không khí mới, môi trường mới, suy nghĩ mới, chờ đón một cái gì đó mới cho một năm. Phương Tây tính tuổi vào ngày sinh nhưng ở Việt Nam thì cứ đến Tết mới là thêm một tuổi. Tôi và mẹ, các chị thường quây quần bên nồi bánh chưng, những cây củi rất to, trời rét ngồi rất ấm, nói chuyện với nhau. Nồi bánh chưng cao sôi sùng sục”, chuyên gia văn hóa nhớ lại.

So sánh với không khí ở thành thị ngày nay, Giáo sư văn hóa đầu ngành cho biết, văn hóa đón Tết mất đi nhiều nét truyền thống. “Thành thị không theo văn hóa nông nghiệp, mà là văn hóa công nghiệp theo kiểu Tây phương. Tức là công việc suốt cả năm cứ đều đều như thế, không có những lúc quá bận và những lúc quá rảnh rỗi nên cái Tt không còn ý nghĩa ăn bù, chơi bù. Tết đến, các gia đình không còn ở nhà nữa mà đi nghỉ Đà Lạt, Vũng Tàu...”.

Lý giải về việc Tết đến, nhiều người dường như cũng mệt mỏi hơn với việc lo quà biếu, hàng trăm nghìn người xa quê trở về, kẹt xe, kẹt tàu, hết vé máy bay, tàu xe… chuyên gia cho rằng, với số đông dù mệt mỏi thì cái thích thú vẫn nhiều hơn, cái giá trị vẫn nhiều hơn nên họ vẫn duy trì. Ví dụ anh đi làm xa, đến Tt anh tích lũy chừng chục triệu chẳng hạn, thì anh tự nguyện bỏ ra 4-5 triệu để về quê, để hưởng cái sum họp, tình cảm gia đình, cái không khí quê hương để rồi sau đó lại ra đi, làm ăn rồi một năm nữa lại về.

“Sự lãng phí, tiêu tốn, mệt mỏi đó là tự nguyện, cho nên chắc chắn phần được phải nhiều hơn. Tôi nghĩ ở Việt Nam, Tết về quê vẫn còn tồn tại trong thời gian khá dài nữa. Đó là điều rất cần thiết và làm nên bản sắc của người Việt, của văn hóa Việt Nam”, Giáo sư chia sẻ.

Chuyên gia phân tích, cùng với việc chuyển sang kinh tế thị trường, bên cạnh những chuyển biến tích cực, hiện có không ít thói xấu khiến cho nhiều phong tục tốt của văn hóa truyền thống bị “biến thái” theo hướng vật chất hóa và thực dụng.

d

Sinh viên Đại học FPT gói bánh chưng. Ảnh: ĐH FPT.

“Tục tặng quà vào những ngày cuối năm không cốt ở giá trị vật chất mà cốt thể hiện tình cảm 'ăn quả nhớ kẻ trồng cây' thì nay giá trị vật chất đã ngày càng lấn át giá trị tinh thần. Người tặng đôi khi cho rằng chỉ cần bỏ tiền ra để mua quà là được mà không quan tâm chăm chút món quà nhằm mang lại niềm vui cho người nhận”.

Tục phát vốn, lì xì ngày Tết với chút tiền lẻ màu đỏ trong phong bao đỏ vốn mang ý nghĩa gây dựng, cầu chúc sự phát đạt, may mắn (màu đỏ), sự sinh sôi nảy nở (số lẻ thể hiện sự sinh sôi) đã biến thành việc 'tặng tiền' thô thiển (tới mức có những trẻ con tỏ ra không hài lòng ra mặt nếu người lớn không lì xì, hoặc nhận phong bao đỏ thì lập tức rút tiền để xem mệnh giá).

Tục uống rượu ngày Tết với liều lượng phù hợp để tạo không khí thân mật chuyện trò giữa những người thân quen lâu ngày có dịp cùng sum họp, trở thành nhậu nhẹt quá đà, ép nhau uống chỉ để mà uống, là mối nguy đối với sức khỏe và sự an toàn.

Ông cho hay, văn hóa không phải là tập hợp của những cái gì cũ kỹ, truyền thống không phải là cái bất biến không bao giờ thay đổi. Cùng với thời gian, bối cảnh xã hội, điều kiện sống, nhận thức của con người... đã đổi khác thì văn hóa truyền thống cũng phải thay đổi theo. Có những phong tục mất đi và những phong tục mới sẽ hình thành thay thế. Văn hóa sinh ra vốn để phục vụ con người. Cho nên khi nào con người cảm thấy thuận tiện nhất, phù hợp nhất, sung sướng nhất thì đó chính là văn hóa.

d

“Tục phát vốn, lì xì ngày Tết với chút tiền lẻ màu đỏ trong phong bao đỏ vốn mang ý nghĩa gây dựng, cầu chúc sự phát đạt, may mắn (màu đỏ), sự sinh sôi nảy nở (số lẻ thể hiện sự sinh sôi). Ảnh: V.N.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, văn hóa trong xã hội ngày nay cần hướng đến sự đa dạng. Sự đa dạng sẽ tạo ra nhiều lựa chọn, nó cho phép mỗi người, mỗi gia đình lựa chọn hưởng thụ điều mình muốn, đồng thời giúp cho xã hội phát triển (ngành giao thông vận tải không quá tải; giảm tai nạn giao thông; các khách sạn, khu du lịch đỡ bị ế…). Đó chính là cách văn hóa sinh ra để phục vụ con người chứ không phải là gánh nặng để con người phải mang nó trên vai.

Dù khuyến khích chấp nhận và đón nhận sự thay đổi nhưng Giáo sư vẫn hướng đến việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống. Chuyên gia văn hóa gợi ý nên duy trì những phong tục có ý nghĩa giáo dục cao mà ít gây phiền hà, tốn kém. “Chẳng hạn, trước Tết có tục tảo mộ, là dịp hướng con cháu đến ông bà, tổ tiên để đừng mất gốc, quên cội nguồn. Tết về, mọi gia đình trang hoàng nhà cửa thì “ngôi nhà” của người đã khuất cũng cần được chăm sóc. Trẻ nên được dắt ra nghĩa trang, nhổ cỏ mộ; trường hợp hỏa thiêu gửi cốt ở chùa thì đưa con cháu đến chùa thắp hương; người lớn tranh thủ kể lại tính cách, công ơn, kỷ niệm sâu sắc về ông bà để con cháu ghi khắc và tự hào”.

Đêm giao thừa nên giữ tục cúng tổ tiên, trời đất. Giao thừa là thời điểm giao hòa giữa năm cũ - mới trong phạm vi vũ trụ. Đặt mâm ngoài sân cúng Trời Đất, người lớn giáo dục con cháu ý thức tôn trọng quy luật tự nhiên. Đặt mâm trên bàn thờ cúng tổ tiên, cha mẹ giáo dục con cháu ý thức hướng về nguồn cội; hôm nay con cháu biết cúng ông bà, thì vài chục năm nữa chính chúng ta sẽ không bị con cháu lãng quên. Chính việc lưu giữ từ thế hệ trước qua thế hệ sau như thế tạo thành văn hóa. Chưa kể là niềm tin vào cõi tâm linh sẽ luôn giúp con người sống tốt hơn, chừng mực hơn, biết kiềm chế bản thân hơn.

d

GS - TSKH Trần Ngọc Thêm, khách mời của chương trình FLI Club tháng 1, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống thông qua chương trình khai xuân FLI Club 2014 với chủ đề “Tết Việt”.

Chia sẻ về cách đón Tết của gia đình, Giáo sư tiết lộ, công việc khá bận rộn nên gia đình ông cũng ăn Tết kiểu hiện đại chứ không còn giữ được nguyên vẹn những phong tục cổ truyền. “Mọi thứ như bánh chưng, mứt Tết… cũng phải mua sẵn. Nhưng những phong tục, nghi lễ truyền thống như cúng ông Táo, thả cá chép, tụ họp gia đình, đốt vàng, cúng Giao thừa, cúng gia tiên… thì gia đình tôi vẫn luôn thực hiện rất đầy đủ. Đối với chúng tôi, việc duy trì văn hóa truyền thống đó không chỉ là để cho mình, mà là một nội dung quan trọng trong việc giáo dục con cháu”, chuyên gia nhắn nhủ.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm sẽ chia sẻ về nguồn gốc của Tết Nguyên đán, các lễ hội và tập tục trong những ngày Tết với người FPT HCM trong chương trình FLI Club tháng 1.

Chương trình diễn ra lúc 16h30 ngày 17/1 tại phòng đào tạo, tòa nhà FPT Tân Thuận. Người FPT tham dự có thể đăng ký qua e-mail: huongld2@fpt.cpm.vn hoặc đăng trực tiếp tại đây.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Văn hóa học Việt Nam, ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học- Đào tạo Đại học Quốc gia TP HCM, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM.

Na Vy

Ý kiến

()