Chúng ta

Sử ký FPT: Công cuộc ‘nhồi sọ’ lãnh đạo FPT

Thứ tư, 27/11/2013 | 09:23 GMT+7

Bỗng nhiên tôi nghĩ, FLI chi tiền có khi là để xây dựng kết nối giữa các cấp lãnh đạo của FPT, việc này được đội lốt khéo léo trong “công cuộc nhồi sọ” chăng?
> Sử ký FPT: Khát vọng

Trước hết tôi muốn sơ qua thông tin về chương trình miniMBA, sợ rằng sau này các bạn trẻ vào công ty mà Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) không còn tồn tại, chương trình miniMBA đã khép lại thì sẽ không đủ văn cảnh để hiểu những dòng ngắn ngắn này.

Mini MBA là chương trình thu gọn của Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ảnh: S.T.

MiniMBA là chương trình đào tạo dành riêng cho các cán bộ từ level 4 đến level 6 trong toàn tập đoàn. Ảnh: S.T.

MiniMBA là tên gọi một chương trình đào tạo của riêng FPT, dành cho người FPT và công ty trả phần lớn chi phí. Nội dung chính gồm các môn sơ bộ về MBA, cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về quản trị doanh nghiệp, về kế toán, tài chính, truyền thông... và đủ các thứ mà lãnh đạo nghĩ là cần thiết để đảm nhận vị trí quản lý tại FPT cũng như tại các doanh nghiệp khác.

Lãnh đạo cấp cao, cấp trung, sau này là ngấp nghé cấp trung đều thuộc diện được (phải) đi học. Không phải ai cũng thấy phấn khởi vì được cử đi học, cá nhân tôi không phải ngoại lệ, người kêu lãng phí, người kêu tốn thời gian, người ham học thì chưa đủ tiêu chuẩn, người đủ tiêu chuẩn thì kêu lạm vào thời gian cho gia đình, con cái...

Thời kỳ đầu thật không dễ cho các bạn tổ chức khóa học. Thế mà thật đáng khâm phục, chương trình vẫn được triển khai, tôi đi học từ khóa 1 và những dòng dưới đây là cảm xúc tôi ghi lại sau một buổi học trong chương trình.

Đấy là môn thứ 4 trong chương trình mini MBA, người chê vẫn chê, người kêu vẫn kêu và người học vẫn học. Cá nhân tôi thấy cũng có khối lý thuyết đọng lại, chắc cũng phải được trong 1-2 tuần, mà theo lời của một thầy giáo thì với mỗi môn học chỉ cần đọng lại trong đầu học viên nội dung vừa đủ một trang A4 đã là thành công. Nhưng không thấy thầy nói về thời gian một trang A4 này đọng lại.

Lý thuyết đầu tiên trong môn Quản trị nhân sự làm tôi để tâm là về văn hóa công ty, về việc văn hoá không phải ở những cuộc vui, những event ca hát, đá bóng hay hội thảo, mà văn hóa thể hiện rõ nhất trong đối thoại, trong tranh luận và cụ thể hơn, dễ quan sát hơn là trong các cuộc họp. Thầy nói về một trong những điều quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển (tôi nghĩ là với tất cả các mối quan hệ nói chung) là “đối thoại cởi mở”. Đó là khi bạn không dừng cuộc tranh luận lại khi chưa hết lý lẽ, là khi bạn nói ra được ý kiến của mình và hiểu được ý kiến của người khác. Đây là điều tối thiểu của cái gọi là "đối thoại cởi mở".

a

MiniMBA là chương trình thu gọn của Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ảnh: S.T.

Một cách đương nhiên, tôi liên hệ ngay đến FPT, nơi thường xuyên có các buổi họp tranh cãi nảy lửa, liệu đã đủ cởi mở? Liệu bản thân tôi và các đồng nghiệp của tôi đã luôn nói bằng hết ý kiến của mình? Tôi nhớ lại những buổi họp và nhận ra, điều phối một buổi họp là cả một kỹ năng, và làm cho nhân viên nói ra được những điều họ nghĩ là cả một nghệ thuật.

Phần lý thuyết thứ hai tôi nhớ là về các chế độ đãi ngộ điển hình của doanh nghiệp, và một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của đãi ngộ là tính “tự chọn”. Thầy lấy ví dụ về một công ty rất “ấu trĩ” khi áp dụng chính sách đi nghỉ mát. Họ cho nhân viên chế độ nghỉ mát và yêu cầu phải đi cùng nhau (với lý do teaming) và ai không đi thì không được gì cả… Cả lớp chúng tôi, hình như toàn level 4, level 5 của tập đoàn khựng lại một giây, trừ những ai đến từ FPT Telecom.

Tất cả chúng tôi đang đặt ra, tuân theo, áp dụng và thấy việc nghỉ mát tập trung để teaming là rất cần thiết và đúng đắn. Thầy cũng có chút ngạc nhiên khi biết chúng tôi đang áp dụng chính sách đó. Cá nhân tôi thì thấy lý thuyết của thầy đúng. Đúng ở chỗ, những ai teaming được với nhau thì không cần nghỉ mát, không cần chính sách họ cũng sẽ tìm đến nhau để chia sẻ, để gặp gỡ và ngược lại. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều ý kiến cho rằng, mỗi chuyến đi là cơ hội để mọi người gần nhau hơn, bắt chuyện và chia sẻ với nhau nhiều hơn… Ý kiến này chắc sẽ đúng hơn ở những nơi mà người mới là phần đông chứ không phải ở nơi mà người ta đã làm việc với nhau trên dưới 10 năm rồi.

Còn nhiều lý thuyết khác nữa về cách đánh giá nhân viên, về những khó khăn, vướng mắc và một số cách thức điển hình trong công tác quản trị nhân sự. Và khi tranh luận đang rất sôi nổi, có chút hài hước kèm vào như hầu hết những buổi tranh luận khác của FPT tôi từng thấy, thì thầy nói: “Đấy, văn hóa thể hiện cả ở chỗ này nữa, khi mà các bạn cứ cố nghĩ ra những câu thông minh hơn 'thằng' bên cạnh để nói, nhằm mục đích mình là người nói ra câu thú vị nhất”. Cả lớp lại khựng lại, thoáng trong tôi suy nghĩ rằng thầy chính là người vừa dành quyền nói ra câu nói có trọng lượng nhất, và cuộc tranh luận, đùa vui của cả lớp khép lại có vẻ rất đúng ý thầy.

Dù là sau khi chia sẻ những cảm xúc này trên Facebook, tôi nhận được nhiều comment của anh chị em về việc chọn giảng viên của các bạn FLI. Bản thân tôi cũng có ý kiến về một số giảng viên, một số môn học của chương trình, nhưng trên hết, tôi thấy công cuộc “nhồi sọ” của FLI đã có dấu hiệu thành công. Những kiến thức lý thuyết giúp chúng tôi liên tưởng rất nhanh đến môi trường FPT, đến công việc chúng tôi đang đảm nhận và ít nhất ngay tại lúc ngồi trong lớp học, chúng tôi tìm cách làm cho tổ chức mình đang quản lý tốt hơn, bớt những vụng về, sai sót, nhất là những sai sót cơ bản (ví dụ như điều khiển một buổi họp).

Một điểm nữa rất đáng để nêu ra. Tại khóa học, tôi được gặp gỡ các anh chị trong mọi ngành nghề của công ty, được chia sẻ những kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhau, có cơ hội hệ thống lại lĩnh vực mình đang làm và hiểu được phần nào mảng việc của những người khác. Rõ ràng là, sau khóa học, việc “alo” cho các anh chị trong cùng khóa dễ hơn trước rất nhiều.

Tôi nhớ lại lời anh Nam từng nói: "Tại Mỹ, ở các lớp học MBA, cái người ta thu được nhiều nhất là quan hệ, không phải là kiến thức. Đấy là lý do người ta không tổ chức học MBA online". Bỗng nhiên tôi nghĩ, FLI chi tiền có khi là để xây dựng kết nối giữa các cấp lãnh đạo của FPT, việc này được đội lốt khéo léo trong “công cuộc nhồi sọ” chăng?

Đinh Vân Nam
(Theo sách Sử ký FPT 25 năm)

Ý kiến

()