Chúng ta

Sử ký FPT: Khát vọng

Thứ năm, 21/11/2013 | 11:49 GMT+7

Với dự án PIT, FPT IS đã thực hiện được khát vọng của mình, đó là chứng minh côn gty có đủ khả năng làm tổng thầu, thực hiện dự án CNTT lớn đẳng cấp quốc tế, bao gồm cả phần cứng và phần mềm.
> Sử ký FPT: Petrolimex ERP - thuyền về bến

Vào năm 2004, khi đó trụ sở của FPT và FPT IS còn ở 89 Láng Hạ. Một hôm, tôi được anh Đỗ Cao Bảo gọi đến để bàn về một dự án lớn của FPT. Khi tôi đến thì đã có anh Bùi Quang Ngọc ở đó cùng mấy tập hồ sơ mời thầu dày cộp. Các anh giới thiệu đó là một dự án lớn của Bộ Tài chính tên là TABMIS, nội dung là xây dựng Hệ thống thông tin Quản lý Kho bạc và Ngân sách. Đây là một hệ thống rất phức tạp nên các anh Ngọc, anh Bảo phải xem trước, sau đó mới chuyển xuống cho “các chú”.

a

PIT là dự án đầu tiên FPT IS giữ vai trò tổng thầu. Ảnh: C.T.

Phải nói khi đó FPT rất hoành tráng. Nhờ vào năng lực của mình, FPT được các nhà thầu tầm cỡ quốc tế gồm Accenture, IBM, Unisys và LG giao cho làm thầu phụ, đảm trách một phần công việc nếu họ thắng thầu. Để đảm bảo công bằng và "chơi đẹp" với các nhà thầu, FPT chia thành 4 đội, mỗi đội sẽ làm việc độc lập với một nhà thầu, không chia sẻ thông tin gì cho nhau. Đội đi với Accenture do anh Đinh Quang Thái dẫn đầu, đội IBM do tôi (khi đó là cán bộ FPT IS 8), đội Unisys do anh Mai Công Nguyên (Giám đốc FPT IS 15), và đội LG do anh Lê Thanh Hà (cán bộ FES) làm đội trưởng. Nhà thầu Hyundai tham dự cùng các công ty khác của Việt Nam.

Về phần thưởng của FPT, ngoài tinh thần thì về vật chất, anh Trương Gia Bình tuyên bố: Nhà thầu nào trúng thầu thì mỗi thành viên của đội FPT hỗ trợ nhà thầu đó được thưởng 500 USD, các thành viên khác mỗi người được thưởng 300 USD dù bị trượt thầu. 500 USD cho mỗi người vào thời điểm đó là số tiền thưởng khá lớn và do chính anh Bình quyết định. Nói như vậy để thấy được dự án đối với FPT to đến mức nào.

Nhìn vào hồ sơ mời thầu chúng tôi hoa cả mắt, một bộ hồ sơ gồm hai quyển dày cộp cả nghìn trang. Hồ sơ mời thầu yêu cầu thiết kế nhiều môi trường gồm Sản xuất (Production), Phát triển (Development), Kiểm thử (Test) và Đào tạo (Training), ngoài ra còn xây dựng thêm một Trung tâm dự phòng. Hệ thống mạng và bảo mật cũng rất phức tạp.

Xin nói thêm là tại thời điểm đó, một dự án cung cấp 100 PC cũng là không nhỏ, ngôn ngữ thời đó là 100 dàn máy vi tính. Nói vậy để biết được một số khái niệm bây giờ là bình thường nhưng thời đó vẫn còn xa lạ như environment (môi trường), production environment (môi trường sản xuất), thậm chí từ production khi đó chưa có trong từ điển công nghệ thông tin tiếng Việt.

Khi hỗ trợ các nhà thầu, các đội đều thấy các hãng họ rất khen mình, nào là mình rất giỏi về mạng, mình triển khai hệ thống Kế toán kho bạc trên toàn quốc rất tốt… Các báo nội san của FPT và FPT IS cũng đăng nhiều bài về dự án. Kết quả là IBM thắng thầu và đương nhiên tôi và những thành viên khác trong đội mình được thưởng mỗi người 500 USD. FPT hừng hực khí thế đặt bút ký hợp đồng làm thầu phụ cho IBM.

Tuy nhiên, cũng không lâu sau đó, Ban lãnh đạo FPT và FPT IS nhận ra rằng tưởng mình hoành tráng, nhưng ngẫm ra thì cũng chỉ là thầu phụ, là kẻ ngồi "chiếu dưới", thầu chính chia cho việc gì biết việc nấy (mãi sau này mới biết họ cứ khen mình giỏi, rồi toàn đẩy cho mình việc vất vả, công nhiều tiền ít). Vì vậy, FPT IS cần phải làm chủ về công nghệ để có thể làm thầu chính của những dự án lớn tầm cỡ quốc tế, sánh ngang cùng những công ty như IBM, Accenture và Unisys. Đó là khát vọng làm tổng thầu dự án lớn, lớn cả về công nghệ và giá trị tài chính. FPT IS cũng công khai nói với khách hàng là hiện nay chúng tôi làm thầu phụ cho các hãng lớn như IBM, sau này chúng tôi sẽ làm thầu chính, đóng vai trò ngang hàng với họ.

Sau đó, FPT IS luôn tìm kiếm các cơ hội để thực hiện khát vọng của mình. Công nghệ luôn luôn được đề cao để thực hiện ước mơ này. Dần dần, FPT IS lớn mạnh lên, chúng ta nghĩ rằng với lực lượng trong tay, FPT IS có thể xây dựng được một hệ thống CNTT lớn như TABMIS. Tuy nhiên, FPT IS vẫn chưa trúng thầu dự án nào như vậy, toàn cầu hóa thiếu dự án tham chiếu (reference) hoành tráng. Giống như đi thi, không đỗ thì thật khó để nói là mình giỏi và cũng không ai coi mình là giỏi. FPT IS lại càng khát vọng hơn.

Năm 2007, Việt Nam bàn nhiều về luật thuế Thu nhập Cá nhân (TNCN) thay cho luật thuế thu nhập cao hiện hành. Để thực hiện luật thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 với khoảng 15 triệu người nộp thuế thì ngành thuế cần một công cụ không thể thiếu được là hệ thống CNTT. Để đón lấy cơ hội này, FPT IS đã phân tích, tìm kiếm các phần mềm lõi hiện có trên thế giới phục vụ quản lý thuế TNCN. Người đi đầu trong việc này là anh Nguyễn Quang Anh (sau này là TGĐ FPT IS PFS). Khi đó, tôi phụ trách phần hạ tầng kỹ thuật. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các phần mềm hiện có, trong đó có lần tôi cùng với anh Tự Thành sang Malaysia học mấy tuần về phần mềm của hãng SAP.

Hệ thống CNTT phục vụ quản lý thuế TNCN bao gồm hai cấu phần, tương ứng với hai gói thầu: Gói thầu phần mềm ứng dụng (về sau quen gọi là PIT1) và gói thầu hạ tầng kỹ thuật (về sau quen gọi là PIT2). Với dự án này, tôi đã dồn nhiều tâm huyết, vận dụng tất cả kinh nghiệm và quan hệ mà mình có được để cùng các đồng nghiệp thiết kế một hệ thống CNTT đẳng cấp quốc tế.

Một điều thú vị là khi làm dự án này, anh Đỗ Cao Bảo nhiều lần chỉ đạo đây là hệ thống CNTT quan trọng của đất nước và lớn nhất từ trước đến nay trong các hệ thống CNTT của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, vì vậy chúng ta phải xây dựng hệ thống này với trách nhiệm của một công dân đối với đất nước. Có lẽ, FPT IS là một trong số ít doanh nghiệp không chỉ nghĩ về lợi nhuận mà còn nghĩ đến tránh nhiệm đối với đất nước.

PIT1 đấu thầu trước vào năm 2008 và FPT IS đã thắng thầu ngoạn mục. Gói thầu PIT2 do anh Trần Thế Hiển (TGĐ FPT IS FSE) phụ trách kinh doanh, tôi phụ trách về kỹ thuật. Khi đấu thầu PIT2, chúng ta gặp khó khăn hơn. Cũng có lúc ý nghĩ trượt thầu xuất hiện trong đầu, và nếu điều đó xảy ra thì FPT IS lại bỏ lỡ cơ hội để thực hiện khát vọng làm tổng thầu dự án lớn của mình. PIT2 phải đấu thầu hai lần. Lần thứ hai nộp ngay sau Tết Nguyên đán năm 2011, nên Tết đó nhiều người trong chúng tôi cũng ăn ngủ với việc làm hồ sơ dự thầu.

Có rất nhiều bạn tham gia vào thiết kế giải pháp như anh Ngô Đức Huy, Văn Anh Tuấn, Lê Thanh Hải, Nguyễn Tiến Linh, Cao Giang Nam, chị Trần Thị Vũ Hạnh (FPT IS INF). Cuối cùng, nhờ vào sự cố gắng không mệt mỏi, cùng với giải pháp kỹ thuật vượt trội, nhân lực triển khai có trình độ cao, chúng ta đã được khách hàng tin tưởng trao cho thực hiện PIT2. Với dự án này, FPT IS sẽ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hạ tầng phần cứng (hệ thống máy chủ Unix, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng và bảo mật), hạ tầng phần mềm và dịch vụ quản trị hệ thống cho ứng dụng Quản lý Thuế TNCN, phục vụ việc quản lý 15 triệu đối tượng nộp thuế, với 7.000 người sử dụng, 800 điểm triển khai tại 63 tỉnh thành, 770 chi cục.

Hệ thống CNTT phục vụ quản lý thuế TNCN là hệ thống xử lý tập trung đầu tiên của Tổng cục Thuế. Yêu cầu đối với hệ thống là khả năng xử lý mạnh, tính sẵn sàng và độ tin cậy cao đáp ứng được các đặc thù riêng của nghiệp vụ quản lý thuế. Hệ thống này bao gồm Trung tâm chính và một Trung tâm dự phòng thảm họa, được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ của các hãng hàng đầu thế giới như IBM, SAP, Oracle, Cisco, Checkpoint và F5, trong đó phải kể đến 46 máy chủ UNIX thuộc loại tiên tiến và mạnh nhất thế giới khi đó là IBM Power Server.

Ngay sau khi ký hợp đồng, chúng tôi bắt tay vào thực hiện triển khai. Các cán bộ của FPT IS tham gia triển khai đến từ FPT IS INF và FPT IS FSE như anh Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thế Hoàng (FSE), Hoàng Việt Anh, Bùi Ánh Dương, Nguyễn Hữu Tuyên (INF)… Tôi làm quản trị dự án. Các bộ phận back-office như BP và Kế toán cũng tham gia hỗ trợ rất nhiệt tình. Mọi người đều rất hào hứng với dự án này và nói như anh Bùi Ánh Dương là mong muốn được triển khai dự án PIT2 như “đi tìm dự án để đời”. Vượt qua tất cả khó khăn và kể cả sự nghi ngại, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc triển khai PIT2.

Hệ thống PIT đến nay hoạt động rất tốt. Chúng tôi tự hào rằng FPT IS đã xây dựng được một hệ thống CNTT tầm cỡ như PIT. Và còn tự hào hơn nữa, theo tôi, với hệ thống này, chúng ta còn làm tốt hơn hệ thống tương tự của một cơ quan chính phủ tại Việt Nam do một công ty hàng đầu thuộc top 3 trên thế giới về tích hợp hệ thống xây dựng. Lấy một ví dụ là hệ thống do công ty top 3 đó xây dựng cho khách hàng hiện nay vẫn là một hệ thống độc lập với hệ thống hiện tại và khách hàng không tận dụng được gì từ hệ thống mới. Còn với hệ thống PIT2, chúng tôi đã xây dựng một kiến trúc tốt hơn và hiện nay, không những chính PIT có thể mở rộng mà các ứng dụng khác của Tổng cục Thuế có thể triển khai trên nền tảng hạ tầng của PIT2 mà hoàn toàn không phá vỡ kiến trúc và quy hoạch do FPT IS thiết kế.

Với dự án PIT, FPT IS đã thực hiện được khát vọng của mình, đó là chứng minh với các cơ quan đơn vị của Việt Nam, với khu vực và thế giới, với các đối tác rằng FPT IS có đủ khả năng và đã làm tổng thầu thực hiện dự án CNTT lớn đẳng cấp quốc tế, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Với PIT, FPT IS đã đủ tư cách để không phải ngồi "chiếu dưới" mà ngồi "cùng mâm" với các công ty hàng đầu thế giới như IBM, SAP, Oracle, Accenture và Unisys.

Ngô Tuấn Khiêm
(Theo sách Sử ký FPT 25 năm)

Ý kiến

()