Chúng ta

Sử ký FPT: Chuyện về một cái biển tên đường phố

Thứ hai, 1/7/2013 | 17:16 GMT+7

Nhân dịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, FPT đã có đóng góp rất ý nghĩa khi gắn biển giải thích tên đường cho các con phố ở thủ đô.
> 'Nỗi khổ' viết sử ký của những người bận rộn / Sử ký 'nóng' trên Facebook của người FPT / 'Khi viết sử ký, cảm xúc cứ tuôn trào'

Câu chuyện bắt đầu vào một sáng tháng 5/2010. Tôi ngồi với anh Nguyễn Thành Nam (Phó Chủ tịch Đại học FPT) và Đinh Tiến Dũng (Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT) ở Café Riverside (tên chúng tôi gọi quán café trên mương thối bên hông tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội).

Một điều lạ là trong suốt gần 20 năm làm việc ở FPT, tiếp xúc với anh Thành Nam rất nhiều nhưng rất ít lần được ngồi với anh đàng hoàng trong phòng làm việc. Hầu hết các cuộc tiếp xúc giữa tôi với anh Nam đều diễn ra ở vỉa hè, quán cóc, quán bia... Quay trở lại câu chuyện bên ly café, anh Nam và Dũng đang tìm ý tưởng cho FPT tham gia vào các hoạt động tài trợ thành phố Hà Nội trong năm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong những ngày này, người dân thủ đô đang tích cực triển khai nhiều hoạt động đa dạng và phong phú hướng tới ngày 10/10/2010. Nào là cắt băng cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, thông xe đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, khai trương Bảo tàng Hà Nội, công viên Hòa Bình, khánh thành tượng đài Thánh Gióng, tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn... Dũng bàn đến việc phẫu thuật 1.000 nụ cười trong chương trình “Operation Smile”, anh Nam muốn trồng 1.000 cây xanh cho Hà Nội.

Tôi đưa ra ý tưởng gắn biển giải thích tên các đường, phố Hà Nội. Tôi đã đi qua một số thành phố châu Âu như Berlin, Hamburg, Paris thấy họ làm từ lâu nên sực nhớ đến và nêu ý tưởng này ra. Anh Nam nói ý tưởng này hay nhưng khó thực hiện vì liên quan đến lịch sử, văn hóa, kiến trúc thành phố, mất nhiều thời gian xin sự đồng thuận của các cơ quan chức năng... Tôi nói khó mà làm được mới hay. Tuy nhiên, ai cũng thấy thời gian ngày Đại lễ sắp tới gần, thành phố phải quan tâm nhiều việc khác nên chắc làm sẽ không kịp.

a

FPT đã tham gia “Gắn biển giới thiệu truyền thống lịch sử tên các đường phố thủ đô Hà Nội”. Ảnh: S.T.

Sau buổi café chém gió đó, tôi quay trở lại công việc và cũng dần quên câu chuyện trên. Hai tháng sau, ngày 7/7/2010, Nguyễn Ngọc Anh (cựu nhân viên FPT Software) gửi e-mail cho tôi hỏi rõ thêm về ý tưởng này. Ngọc Anh được anh Nam giao làm thủ tục với thành phố về việc trồng 1.000 cây cho Hà Nội và tiện thể thử xin luôn việc gắn biển giải thích tên đường phố. Đó là thời điểm bắt đầu dự án của chúng tôi. Tôi chắc chắn một điều rằng, nếu anh Nam không kéo Ngọc Anh vào tham gia thì dự án sẽ không được thực hiện.

Ngày 9/7/2010, anh Nam quyết định FPT sẽ tài trợ hai dự án: Trồng 1.000 cây xanh trên Khu CNC Hòa Lạc và gắn biển giải thích tên đường phố Hà Nội. Anh Nam khi đó là TGĐ FPT.

Ngày 11/7/2010, tôi bắt tay vào viết hồ sơ đề xuất. Anh Nam yêu cầu: “Hồ sơ quan trọng phải đẹp, bắt mắt, nêu bật ý nghĩa. Và phải có ví dụ từ nước ngoài”. Đề xuất được đặt tên “Gắn biển giới thiệu truyền thống lịch sử tên các đường phố thủ đô Hà Nội”. Ý tưởng của tôi là dưới mỗi biển tên phố có sẵn, chúng tôi sẽ gắn thêm một biển phụ chú giải nguồn gốc, truyền thống lịch sử của tên con phố đó.

Tôi kéo cả Hàn Tuấn Anh và Lương Phan Hùng, hai cán bộ thuộc FPT Land, cùng tham gia. Nhóm chúng tôi hình thành một cách tự phát, không ai phân công, không ai giao nhiệm vụ chính thức. Tôi phụ trách phần nghiên cứu và viết hồ sơ đề xuất. Tuấn Anh phụ trách phần khảo sát các tuyến phố, vị trí gắn biển, cấu tạo biển, cách gá lắp, tìm hiểu các cơ sở sản xuất, in ấn, làm biển. Lương Phan Hùng là kiến trúc sư, phụ trách phần thiết kế mỹ thuật, kiến trúc, vẽ cấu tạo các liên kết, thể hiện phối cảnh, trình bày hồ sơ. Ngọc Anh và anh Nam phụ trách quan hệ với UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải và phối hợp với các ban chức năng của FPT.

Nhóm chúng tôi làm việc theo bản năng, không có trưởng, không có phó, không kế hoạch, vừa làm vừa hỏi. Anh Nam thỉnh thoảng ẩn hiện trên e-mail, không giục giã cũng không áp đặt. Anh còn nhờ chị Nguyễn Thu Thủy, tác giả của “Con đường gốm sứ” truyền đạt kinh nghiệm về cách tiếp cận, các thủ tục xin phép các cơ quan chính quyền thành phố.

Thành phố Hà Nội (mở rộng) có khoảng gần 700 đường, phố, quảng trường và công viên đã được đặt tên, chủ yếu theo 4 nhóm: nhóm phố cổ, nhóm phố được đặt tên theo các anh hùng, danh nhân, nhóm phố được đặt tên theo địa danh như Phố Huế, Phố Bạch Mai, Phố Ngũ Xá… và nhóm phố được đặt tên theo các sự kiện lịch sử như Đường Điện Biên Phủ, Quảng trường 19-8, Quảng trường Ba Đình.

Càng bắt tay vào công việc, chúng tôi càng thấy thích thú vì cảm nhận được ý nghĩa xã hội của công việc, đó là góp phần nhắc nhở, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Người dân thủ đô và khách du lịch hằng ngày có thể có những khám phá bổ ích và lý thú về những thông tin lịch sử có thể mình chưa biết về tên con phố mà mình thường đi qua. Cư dân có quyền tự hào về con phố mình đang sống khi hiểu rõ hơn những công lao đối với non sông, đất nước của vị danh nhân được đặt tên cho phố mình.

Trong đề xuất ban đầu, chúng tôi thí điểm tiến hành gắn biển cho khoảng 100 đường, phố được đặt theo tên các danh nhân và sự kiện lịch sử (không gắn cho phố cổ và phố mang tên địa danh). Các tiêu chí chúng tôi lựa chọn là:
- Các danh nhân có công lao và ảnh hưởng to lớn đối với đất nước.
- Các danh nhân có các đóng góp to lớn đối với Thăng Long - Hà Nội.
- Có đủ đại diện các anh hùng dân tộc, các nhà cách mạng, danh nhân chính trị, quân sự, văn hóa, các nhà khoa học, trí thức.
- Các đường, phố đại diện cho 4 quận trong nội thành Hà Nội.
- Đường, phố có vị trí đông người qua lại, cảnh quan sạch đẹp.

Tôi cho rằng, biển nên giới thiệu thật ngắn gọn. Nếu chưa thể gắn hết thì chỉ chọn các tuyến phố đẹp. Mỗi phố chỉ nên gắn một đến hai biển, vị trí đông người qua lại, nơi dừng chờ đèn tín hiệu giao thông. Người dân và khách du lịch thỉnh thoảng bất ngờ khám phá mới thấy thú vị. Không cần phải gắn trải dọc trên toàn tuyến phố.

Chúng tôi cũng dự kiến khi việc gắn biển chú giải tên đường phố mang lại ý nghĩa và hiệu quả xã hội thực sự thì sẽ tiếp tục triển khai với quy mô toàn thành phố Hà Nội, ước tính khoảng 1.000 biển cho khoảng 500 tuyến phố.

a

Anh Lê Đình Lộc, Văn phòng HĐQT FPT, đã đưa ra ý tưởng gắn biển giải thích tên các đường, phố Hà Nội. Ảnh: Lưu Vân.

Hàn Tuấn Anh đã sử dụng cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội" của tác giả Giang Quân, Nhà Xuất bản Hà Nội, chọn ra được 102 đường phố trên địa bàn Hà Nội để nghiên cứu. Chúng tôi đã tra cứu nhiều tài liệu cả trên mạng lẫn sách xuất bản để đưa vào những lời chú giải sao cho thật chính xác, ngắn gọn và súc tích.

Lúc đầu, mỗi một tên phố, chúng tôi phải cần khoảng 80-100 từ để giải thích. Sau đó cố gắng rút gọn dần. Theo khảo sát kích thước các biển tên đường hiện hữu, mỗi tấm biển chỉ nên có tối đa là 30 từ thì người dân mới dễ đọc. Sau khi rút gọn sơ bộ, Ngọc Anh đem đến cho nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc (một học giả uy tín chuyên nghiên cứu về Hà Nội) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn (Thư ký Hội đồng đổi, đặt tên đường phố Hà Nội) xem và chỉnh sửa.

Lương Phan Hùng và Hàn Tuấn Anh đã rong ruổi khắp các đường phố Hà Nội để chụp ảnh hiện trạng các biển tên phố, đo vẽ kích thước thực tế, ghi chép, đánh dấu các vị trí định gắn biển chú thích. Sau đó, Hùng thiết kế biển phụ, dùng Photoshop ghép vào biển tên thật trên ảnh chụp, trông như thật. Hùng thiết kế 3 phương án khác nhau đưa vào đề xuất: Phương án biển phụ tách rời biển chính, phương án biển phụ màu trắng chữ đen, phương án gộp cả tên phố và chú giải vào một biển. Trong đề xuất, Hùng thiết kế cả các chi tiết gá lắp như đai, bu lông, vít... để thuyết phục tính khả thi cho thành phố. Trên mỗi biển đều có một logo FPT xinh xắn, khiêm tốn nắm ở góc dưới.

Tôi tìm trên mạng tải về nhiều hình ảnh biển tên đường có kèm chú thích từ Berlin, Hamburg, Paris, Rome. Để cho thực tế hơn, tôi còn nhờ một người bạn đang sống ở Berlin xách máy ảnh đi chụp lại các biển tên đường phố có biển chú giải. Tôi yêu cầu ảnh chụp phải có cả gia đình bên cạnh và ghi rõ ngày tháng chụp. Tôi lựa chọn những bức ảnh đẹp nhất đưa vào hồ sơ.

Chúng tôi lập tiến độ dự án bằng Microsoft Project từng ngày cho các công việc. Dự tính giai đoạn một chỉ sản xuất, lắp dựng khoảng 100 biển chú thích và sẽ hoàn thành trước 30/9/2010. Tuấn Anh đã la cà các cơ sở làm biển của Sở Giao thông Vận tải cũng như đội quân sản xuất biển đăng ký ôtô, xe máy trên đường Trần Nhật Duật để khảo giá. Qua đó, chúng tôi biết thế nào là biển gốm, biển sắt tráng men, biển tôn in phản quang...

Hồ sơ viết xong được Lương Phan Hùng trình bày rất đẹp với đầy đủ hình ảnh minh họa, các bản vẽ thiết kế cùng với bảng tiến độ, kinh phí. Phần phụ lục chúng tôi đưa vào 102 đường, phố với các chú giải đã được nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc và tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn chỉnh sửa. Chúng tôi còn ghi chú cụ thể vị trí lắp ở cột nào, trước số nhà bao nhiêu và đánh mã số từng biển để lưu lại phòng khi có biển nào hỏng cần thay thì chỉ tra mã số là có ngay nội dung đã được duyệt. Chúng tôi in ra và đóng quyển và bắt đầu gửi cho UBND TP và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trong khi đó, Ngọc Anh "lăn như bi" từ UBND TP xuống các Sở GTVT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa công văn, nhận chỉ đạo... Công văn xin chủ trương của FPT gửi UBND, sau đó UBND chuyển về cho các Sở nghiên cứu, Sở Văn hóa được giao làm chủ trì báo cáo Ủy ban xem xét, phê duyệt.

Sau hàng loạt thủ tục hành chính, sáng ngày 14/9/2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo về dự án của FPT. Chúng tôi đem máy chiếu, màn hình, ổ cắm lên trụ sở 47 Hàng Dầu để trình bày. Bản trình bày của tôi có rất nhiều hình ảnh, bản thiết kế, bản vẽ phối cảnh, ảnh chụp các biển tên đường có chú giải của các thành phố châu Âu, ảnh chụp các góc phố Hà Nội đã được chúng tôi gắn biển chú giải (dùng Photoshop).

Khách mời có đầy đủ lãnh đạo các Sở và các nhà khoa học. Sau khi nghe tôi trình bày, có rất nhiều ý kiến đóng góp. Hội đồng tư vấn gồm nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc, nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn ủng hộ tích cực về ý tưởng và cách thực hiện. Cơ quản quản lý: Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Cục Di sản đều ủng hộ nhưng có vẻ e ngại về kết cấu biển, vị trí đặt biển, mỹ quan thành phố, cản trở giao thông…

Nói chung, chúng tôi cảm nhận được rằng, giới khoa học, chuyên môn rất mong muốn thành phố hỗ trợ để đẩy nhanh việc thực hiện, còn giới quản lý có vẻ thờ ơ, chưa biết ai là người chịu trách nhiệm và phê duyệt cái gì? Kết luận của Sở Văn hóa là: từ trước đến nay đã có 3 đề xuất tương tự nhưng theo hình thức khác nhau. Đề xuất của FPT là khả thi nhất, lành mạnh nhất. FPT cần chỉnh sửa lại hồ sơ theo góp ý trong hội thảo. Hồ sơ đề xuất sẽ do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch thành phố kiêm Chủ tịch Hội đồng đổi, đặt tên đường phố Hà Nội, phê duyệt cuối cùng.

Sở Văn hóa nhấn mạnh chỉ nên đề xuất làm thí điểm khoảng 30-50 tuyến phố, sau đó chờ phản hồi của dư luận xã hội sẽ xem xét làm tiếp. Chúng tôi vẫn phân vân không biết cơ quan quản lý có tha thiết không. Anh Nam thì động viên: “Không có ai ngăn cản tức là thành công rồi” và quyết định chỉ làm biển cho 30 tuyến phố.

Chúng tôi lại chỉnh sửa, thêm bớt. Ngọc Anh lại lao vun vút đến bác Phúc, cô Dơn biên tập nội dung và gửi đi. Thấm thoắt ngày Đại lễ 10/10 trôi qua. Cả thủ đô hân hoan tổ chức rầm rộ, pháo hoa nổ tung trời. Hồ sơ chúng tôi đã chỉnh sửa vẫn nằm trên UBND TP và Sở Văn hóa.

Ngày 28/10/2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi công văn lên UBND TP Hà Nội xin phê duyệt cho Công ty FPT gắn thí điểm 30 tuyến phố (có danh sách kèm theo) biển phụ ghi tóm tắt thân thế, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân với khoảng 20-40 từ và trên biển có logo FPT.

UBND TP nhận được văn bản của Sở Văn hóa thì không đồng ý cho FPT gắn logo và yêu cầu Sở Văn hóa làm lại văn bản đề xuất, trong đó ghi rõ không có logo FPT.

Ngày 1/12/2010, Sở Văn hóa gửi lại công văn theo ý kiến của UBND TP trong đó ghi rõ FPT không được đưa logo vào biển tên.

Việc không được đưa logo FPT vào khiến lãnh đạo công ty phân vân. Anh Nguyễn Thế Phương yêu cầu phải có xác nhận của TGĐ là: "Không có logo vẫn tiếp tục xin làm" thì mới duyệt kinh phí. Anh Nam “Confirmed”. Thế Phương “Ok”. Ngọc Anh được làm thủ tục tạm ứng, thanh toán.

Tháng 1/2011 diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, tất cả "án binh bất động". Ủy ban vẫn chưa có phản hồi công văn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Em Ngọc Anh than vãn trên e-mail cho cả nhóm: “Em chán cái vụ này cực kỳ rồi, đó là một trong top những việc làm ngu nhất của em năm 2010 nhưng em sẽ theo, theo tới khi có câu trả lời cuối cùng. Thực ra khi đã ngu một lần, ngu thêm lần nữa cũng thấy dễ dàng”.

Ngày 25/1/2011 (22 Tết Tân Mão), lại lên UBND TP, Văn phòng Ủy ban thắc mắc không hiểu sao FPT vẫn nhiệt tình xin làm vụ này thế mặc dù đã bị bỏ logo ra và Đại lễ cũng đã qua lâu rồi. Hơn nữa, đây là vấn đề khá nhạy cảm. Họ nói vấn đề bây giờ chỉ còn chờ đồng chí Phó Chủ tịch cho ý kiến và ký văn bản là xong. Họ khuyên ra Tết nên gặp Phó Chủ tịch trình bày. Cả nhóm về nhà nghỉ Tết.

Ra Tết, chưa có thông tin gì từ UBND TP. Có tin đồn đồng chí Phó Chủ tịch sắp chuyển công tác khác. Thế là lại chờ đợi. Chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa là đến đích nhưng sao vẫn thấy xa vời. Trong FPT bắt đầu có ý kiến nên dừng dự án. Cả nhóm nản. Ai nấy lại làm việc của mình, bắt đầu quên dự án. Ngày 21/2/2011, Ngọc Anh gửi e-mail hỏi: “Em không biết thực sự anh chị có muốn tiếp tục vụ này nữa không?”. Không ai dám trả lời.

Cuối cùng thì cũng nhìn thấy đích. Ngày 31/3/2011, UBND TP Hà Nội ký văn bản đồng ý để FPT thực hiện giai đoạn 1: Gắn biển tên giải thích tên đường phố tại 30 tuyến phố chính Hà Nội. Tin này được Ngọc Anh thông báo trên e-mail với tâm trạng không mấy hào hứng.

Ngày 1/4/2011, TGĐ mới nhậm chức của FPT, anh Trương Đình Anh, hỏi: “Chúng ta cần bỏ ra bao nhiêu tiền cho vụ này?”. Ngọc Anh trả lời khá dài, có cả bảng biểu Excel và đưa ra con số: 145 triệu đồng. TGĐ hỏi tiếp: “Trên các biển có ghi dấu hiệu gì FPT tài trợ không?”. Lại con tằm nhả ra tơ, nào là mới đầu thì có logo, sau lại bị thành phố gỡ ra, xin xỏ mãi không được và kết luận: “Không có anh ạ”. TGĐ kết luận: “Để Ban điều hành cân nhắc vài hôm nhé”.

Không cần đến vài hôm, ngay hôm sau, ngày 2/4/2011, TGĐ Trương Đình Anh gửi thông điệp: “Dear các anh chị. Chúng ta bỏ tiền ra làm biển thông tin, chắc chắn phải hướng tới lợi ích gì đó cho công ty chứ làm suông thế này, chả ai biết FPT bỏ tiền thì có lẽ phải xem lại dự án”. Đây coi như là dấu chấm hết.

Trưởng ban Ban Công tác Quan hệ Doanh nghiệp FPT (FCR, nay là Ban Truyền thông FPT) Bùi Nguyễn Phương Châu cảm ơn công sức của cả nhóm và thông báo FCR sẽ tiếp quản vụ này. Ngọc Anh khảng khái: “Phát biểu trên danh nghĩa công dân bình thường thì em thấy làm được vụ này còn thể hiện trách nhiệm xã hội ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc đem một cục tiền lên được vài trang báo (mạng) rồi mất hút và giống tất cả các đơn vị khác”.

Sau hơn một tháng im ắng, ngày 6/5/2011, tự nhiên lại thấy em Ngọc Anh lò dò lên e-mail hỏi: “FPT có triển khai không? Việc này nhỏ và đơn giản, câu trả lời rõ ràng cũng cần thiết để em còn trả lời với bên Sở và UBND TP”. TGĐ Trương Đình Anh trả lời ngay: “Vụ này Ban Điều hành đã quyết định không tham gia nữa vì '1000 năm' đã qua lâu rồi. Tham gia không còn ý nghĩa”. Dấu chấm hết lần này to hơn lần trước.

Tưởng tất cả đã an bài. Thế mà bỗng nhiên, cuối tháng 5/2011, Ngọc Anh không biết từ đâu chui ra thông báo: Vẫn làm, anh Nam lo hết. Không biết “lo hết” là thế nào nhưng nhóm chúng tôi lại tiếp tục, tuy nhiên lần này chỉ là chỉnh sửa thiết kế biển, chỉnh sửa hồ sơ. Tất cả theo chỉ đạo của Ngọc Anh. Ngày 3/6/2011, hồ sơ chỉnh sửa xong, chúng tôi chuyển hết cho Ngọc Anh. Còn Ngọc Anh đem đi đâu, làm gì chúng tôi hoàn toàn không biết. Cũng chẳng thấy anh Nam đâu. Từ đó chúng tôi cũng không có thêm bất cứ liên lạc gì với Ngọc Anh.

Chiều 30 Tết Nhâm Thìn, tức 22/1/2012, tôi đưa vợ con sang nhà mẹ tôi trên phố Bà Triệu ăn cơm tất niên. Trên đường phố thanh vắng của chiều 30 Tết, tôi lái xe chầm chậm để hưởng thụ khung cảnh thanh bình thiêng liêng hiếm hoi trong năm của Hà Nội. Khi chờ đèn đỏ góc đường Bà Triệu - Nguyễn Du, tôi bỗng giật mình khi nhìn ra ngoài xe. Trên một cây cột mới tinh, gắn một tấm biển xanh cũng rất mới. Trên tấm biển in dòng chữ:

PHỐ BÀ TRIỆU
Bà Triệu (226-248): tức Triệu Thị Trinh,
Anh hùng dân tộc, lãnh tụ khởi nghĩa chống
quân thống trị nhà Ngô (247-248).

Quá sững sờ, tôi dừng xe và đọc đi đọc lại dòng chữ đã quá quen thuộc từ hơn 18 tháng trước, khi tôi viết ra những dòng giải thích tên phố ngô nghê đầu tiên. Vợ và hai con tôi cũng bất ngờ và thích thú vì biển được gắn ngay trên phố nhà bà nội. Tôi gọi điện cho Ngọc Anh. Em nói anh đi thêm mấy phố nữa đi, còn nhiều lắm. Em cũng nói, em đã cùng các công nhân Sở Giao thông vận tải làm việc liên tục hơn 10 ngày qua. In biển, kiểm tra lại từng câu chữ, đi lắp dựng trên các tuyến phố... để kịp cho cái Tết Nhâm Thìn, để người dân thủ đô du xuân năm nay có thêm niềm vui nho nhỏ.

Tôi lái xe sang phố Quang Trung, phố Nguyễn Du, phố Hai Bà Trưng, phố Đinh Tiên Hoàng, phố Ngô Quyền... và ngắm những tấm biển nhỏ bé còn thơm mùi sơn mới với nhiều cảm xúc. Dự án vẫn âm thầm được triển khai, trong khi tôi coi như đã xong việc và không còn nhớ gì đến nó suốt mấy tháng qua.

Ngày 31/1/2012, anh Nam thông báo cho các lãnh đạo FPT: “Nhờ có sự hỗ trợ của FPT, cũng như nhiệt tình vô hạn của em Ngọc Anh, cuối cùng dự án cũng đã bắt đầu thành hiện thực. Chậm hơn một năm so với tiến độ ban đầu. Cá nhân tôi cho rằng, Hà Nội sẽ đẹp lên nhiều nếu dự án này tiếp tục được triển khai”. Các lãnh đạo FPT đều lên tiếng chúc mừng.

Các báo, đài đưa tin rầm rộ. Chúng tôi trả lời phỏng vấn báo chí. Chúng tôi lên truyền hình. Một tiến sĩ lên tiếng kiện FPT vi phạm bản quyền tác giả. Báo chí nhảy vào tranh luận, ném đá. Lãnh đạo FPT lo lắng, trách móc chúng tôi. Nhưng sự việc rồi cũng trôi qua. Nhìn chung, dư luận xã hội đều ủng hộ tích cực và coi đây là một nét văn hóa đẹp của thủ đô.

Năm tháng qua đi. Đến ngày hôm nay, tháng 6/2013, những tấm biển của chúng tôi trên 30 tuyến phố của Hà Nội không còn xa lạ với người dân thủ đô nữa.
Không biết khi nào thì thành phố sẽ cho triển khai giai đoạn 2 trên tất cả các tuyến phố?

Và, ai sẽ là người thực hiện?

  Lê Đình Lộc

"Chuyện một cái biển" là bài viết cho "Cuộc thi sử ký 25 năm" của anh Lê Đình Lộc, Văn phòng HĐQT FPT. Từ ngày 14/6, Chúng ta sẽ liên tục đăng tải những bài viết hay, tiêu biểu và xuất sắc ở các đơn vị để giới thiệu cùng bạn đọc.

Ý kiến

()