Chúng ta

'Người FPT hãy liên tục học hành'

Thứ ba, 12/3/2013 | 10:08 GMT+7

Nhân Ngày FPT Vì cộng đồng 13/3 năm nay mang chủ đề quyên góp sách với mục tiêu trao tặng 25 tủ sách cho học sinh nghèo trên cả nước, Chủ tịch kiêm TGĐ FPT Trương Gia Bình có bài chia sẻ gửi toàn thể CBNV tập đoàn.
> Thông điệp ngày Vì cộng đồng

Anh Bình cho rằng,

Anh Bình cho rằng, học hành là điều quan trọng nhất của đời người, giáo dục và đào tạo là việc trọng đại nhất của mỗi tổ chức và của cả quốc gia, nhân loại. Ảnh: C.T.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2013, tôi có dịp dự một hội thảo mang tên “Thế hệ bị lãng quên” (Lost Generation). Có một thống kê đáng kinh ngạc: Tại Pháp, Italy, Hy Lạp..., 30-44% thanh niên từ 18 đến 35 tuổi không kiếm nổi việc làm. Họ nói rằng, ngày nay nếu bạn không đổi mới, không có tinh thần lập nghiệp, kỹ năng toàn cầu và tri thức Tin học, thì bạn không thể kiếm được việc làm.

Lỗi lầm là châu Âu đã không cải cách giáo dục từ 20 năm trước. Internet đang thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành Thế giới kết nối (người - người, người - máy, máy - máy) của nền kinh tế tri thức - xã hội thông tin. Không liên tục học hành, con người sẽ rơi vào thế hệ bị lãng quên. Đơn giản là bạn sẽ thất nghiệp.

Tôi có một may mắn là việc học hành đã trở thành thói quen hằng ngày. Mẹ tôi tuy không bao giờ ép học, nhưng rất vui mừng thấy tôi học bài và tự hào khi tôi đạt thành tích học tập. Vì vậy tôi cố học từ nhỏ. Sau này tôi được đi học Đại học Tổng hợp Lomonoxop (Nga) danh tiếng, nơi giúp tôi kỹ năng tự học, kỹ năng nghiên cứu, dạy tôi cách xác định và giải quyết vấn đề. Nhìn lại con đường đã qua, tôi càng thấm thía học hành là điều quan trọng nhất của đời người, giáo dục và đào tạo là việc trọng đại nhất của mỗi tổ chức và của cả quốc gia, nhân loại.

Tôi đã rất buồn lòng khi nghe Uwe Schlager, Giám đốc FPT Châu Âu, phàn nàn là các lập trình viên Việt Nam thua Ấn Độ về học hỏi, chỉ biết bảo gì làm nấy, không biết đề xuất làm khác đi, tốt hơn. Thật sao khi truyền thống dân tộc là hiếu học? Hơn lúc nào hết, tôi thấm thía lời Bác Hồ dạy: “Non song Việt Nam có được vẻ vang, dân tộc Việt Nam có sánh vai cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Vậy cần học gì?

Trước hết nói về học ngoại ngữ. Có thể nói tiếng Anh là chìa khóa quan trọng nhất để mở cửa kho tàng thông tin, tri thức của nhân loại. Tiếng Anh trở thành yêu cầu cơ bản thiết yếu hôm nay. Hơn nữa, FPT đang trên con đường toàn cầu hóa. Đi đến đâu chúng ta cũng cần học ngôn ngữ ở đó. Nhiều người FPT đang học tiếng Nhật, Pháp, Đức, Campuchia và sẽ học tiếng Myanmar…

Là tập đoàn công nghệ hàng đầu, mỗi người chúng ta cần liên tục vươn lên trong chuyên môn, công nghệ, quản trị, tri thức ngành (y tế, giáo dục, thể chế, giao thông, sản xuất, ngân hàng, dịch vụ, viễn thông,…). Trên vị trí công tác của mình, ai cũng cần học mãi. Còn học như thế nào?

Các cụ chí lý khi nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chúng ta học từ tất cả mọi người gặp trên đường đi. Chủ động học bằng các câu hỏi. Đừng ngại ngùng hỏi câu hỏi ngốc nghếch, thường thì khó trả lời nhất và cũng học được nhiều nhất từ những câu hỏi này. Riêng tôi luôn khát khao học người tài giỏi, thành công. Càng giỏi càng tốt, càng cao càng tốt. Câu hỏi yêu thích là bạn nghĩ gì về… và tại sao?.

Các cụ thường nói từ “học hành”. Quả thật, khi có hành cụ thể thì học rất nhanh và trúng. Học có hành mới sâu, mới thực học.

Tại Davos, tôi gặp một giáo sư trường MIT (Massachusetts Institute of Technology), người đã tập hợp các giáo sư giỏi nhất từ các đại học danh tiếng như Havard, MIT, Standford,… xây dựng hàng nghìn môn học dạy miễn phí trên Internet, chỉ phải trả ít tiền khi muốn có chứng chỉ. Hiện chương trình này đang có 1,2 triệu học viên theo học. Internet đang mang lại điều kiện học tập trước đây chỉ có trong mơ.

Công việc ngày hôm nay đòi hỏi tri thức lúc thì sâu, lúc thì rộng, đa ngành, đa nghề, liên lĩnh vực và luôn đổi mới. Cho nên kỹ năng tự học hỏi trở thành sống còn. Khi có việc, tôi thường tự tìm sách vở, tài liệu liên quan, tự đọc, tự nghiên cứu và sau đó chủ động tham vấn với chuyên gia. Từ đó sáng tạo ra lời giải cần thiết.

Gần đây, tôi được đọc cuốn “Trực giác chiến lược”. Từ thực tiễn của mình, tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả lý giải từ đâu ra sáng tạo, từ đâu ra chiến lược. Đầu tiên bạn phải đau đáu về vấn đề gì đó, bên cạnh đó bạn liên tục thu thập các mảnh ghép tri thức (liên quan và không liên quan) qua học hỏi không ngừng nghỉ. Rồi bỗng dưng có một thoáng lơ đãng và các mảnh ghép cần thiết tự động ghép lại thành một lời giải sáng tạo hoàn chỉnh. Newton đã tìm ra lực hấp dẫn. Einstein tìm ra thuyết tương đối như vậy. Napoleon ra quyết sách cũng bằng con đường như vậy. Nói cách khác, không có sáng tạo nếu không bền bỉ học hỏi, không cần mẫn thu thập các mảnh ghép tri thức.

Tôi ngạc nhiên khi biết nhiều bạn trẻ ngày nay không có thói quen đọc sách, mặc dù mắt không rời phone, tablet hay máy tính. Các bạn chủ yếu đọc không ngưng nghỉ tin tức gói gọn trong vài trăm ký tự. Rất tiếc do thiếu độ sâu nên nó không thành các mảnh ghép tri thức, do thiếu xúc cảm nên nó không thể ghi lại được trong não. Vì vậy, nó cũng không giúp bạn sáng tạo. Đừng mất đi kỹ năng quý báu nhất của nhân loại - Đọc sách và đọc sách hằng ngày.

Từ cả trái tim mình tôi muốn nói: Hãy liên tục học hành!

Trương Gia Bình

Ý kiến

()