Chúng ta

'FPT là môi trường dành cho người dám xung phong'

Chủ nhật, 28/9/2014 | 16:09 GMT+7

Tối ngày 27/9, chương trình CEO Talk đã tiếp cận hơn 650 sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Bằng kinh nghiệm, sự thành công và am hiểu xu hướng phát triển hiện nay, ba diễn giả là những lãnh đạo hàng đầu của FPT đã chỉ cho sinh viên thấy được điểm mạnh cũng như hành trang cần chuẩn bị để định hướng việc làm trong tương lai.
> Ba cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng giao lưu cùng CEO Talk / CEO Talk tiến vào miền Trung

s

Hội trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phủ kín sinh viên đến tham gia "Chat với CEO' của FPT.

Lần đầu tiên "Chat với CEO" được tổ chức tại thành phố năng động nhất miền Trung nên các lãnh đạo FPT gồm: TGĐ FPT City Bùi Thiện Cảnh, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương và Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung Nguyễn Thế Quang đã được chào đón rất nồng hậu bởi hàng trăm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Một sinh viên năm cuối của Đại học Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Em nghe mọi người nói đến nhiều về chương trình này khi lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng. Em đến đây cùng với rất nhiều bạn bè không chỉ đang theo học tại Đại học Bách khoa mà còn ở trường khác trên địa bàn thành phố”.

Đến 19h, hơn 650 sinh viên cùng nhiều giảng viên của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã phủ kín hội trường. Mở đầu chương trình với những tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ FPT Đà Nẵng và sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng càng làm cho hội trường trở nên náo nhiệt hơn.

d

Ba diễn giả của chương trình (từ trái qua): Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung Nguyễn Thế Quang, TGĐ FPT City Bùi Thiện Cảnh và Giám đốc FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương.

Trong không khí cởi mở và thân thiện, ba diễn giả đã chia sẻ câu chuyện lập nghiệp, những nỗ lực khẳng định bản thân, cách thức vượt qua thử thách để có được thành công hôm nay. Anh Bùi Thiện Cảnh, TGĐ FPT City, mở đầu phần giới thiệu: “Xuất phát điểm của tôi là dân chuyên toán không hề biết gì về Công nghệ thông tin. Khi mới ra trường, tôi chọn làm ngay tại một ngân hàng bởi lúc đó làm ngân hàng tương đối nhiều tiền lại có nhiều máy tính, máy điều hòa nên rất thích. Về sau tôi mới gia nhập FPT và đến năm 2004 vào Đà Nẵng để mở rộng thị trường. Khi đó, nơi đây còn rất hoang sơ, công nghiệp, đô thị chưa phát triển như bây giờ. Do đó, cơ hội của các bạn tại Đà Nẵng rất lớn”.

Theo TGĐ FPT City, Đà Nẵng hiện đã “thay da đổi thịt” rất nhiều và cơ hội việc làm cũng thuận lợi hơn. “Không chỉ có định hướng của thành phố Đà Nẵng về việc phát triển phần mềm mà bản thân Tập đoàn FPT cũng đang sẵn sàng hướng tới con số 10.000 CBNV trong tương lai gần nhất. Đây thực sự là cơ hội rất lớn dành cho các bạn sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng khi ra trường. Vấn đề lớn nhất là các bạn phải biết trang bị đầy đủ kiến thức, kỷ năng cho mình trong quá trình làm việc”, anh Cảnh chia sẻ.

“Muốn thành công phải kiên trì”, anh Nguyễn Thế Quang, Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung, nhấn mạnh. Với cách diễn đạt hài hước và pha chút đời tư, anh Quang đã mang đến cho hội trường một bầu không khí vô cùng sôi động. Theo anh, làm việc trong môi trường FPT không khó bởi khi được nhận việc sẽ được công ty đào tạo lại về cơ bản, vấn đề lớn nhất phải yêu nghề và không được bỏ cuộc.

d

Anh Nguyễn Thế Quang khẳng định, FPT Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận sinh viên mới ra trường, thậm chí vào thực tập ở năm cuối đại học.

Tương tự anh Quang, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương cũng có những khó khăn nhất định từ khi gia nhập FPT nhưng bằng lòng yêu nghề và sự kiên trì đã giúp anh có được vị trí như ngày hôm nay. “Con đường nào cũng có khó khăn của nó, vấn đề là bạn phải vượt qua nó như thế nào và rút ra được bài học kinh nghiệm gì. Làm việc trong môi trường FPT cũng đòi hỏi bạn luôn biết cách sáng tạo cũng như hòa đồng cùng văn hóa FPT”, anh Phương nói.

Sau phần giới thiệu về bản thân và chia sẻ những khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp tại FPT, ba diễn giả bước vào nội dung quang trọng nhất khi đi sâu vào câu chuyện tuyển dụng và cơ hội việc của sinh viên Đà Nẵng khi ra trường.

Với vị thế người tiên phong đưa FPT về với dải đất miền Trung đầy mới mẻ, anh Cảnh đã không ngần ngại chỉ ra cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng như việc chuẩn bị bước vào con đường lập nghiệp. “Như tôi đã chia sẻ lúc trước, học tập trong trường vẫn chưa đủ mà phải chủ động vận động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để trang bị cho mình đầy đủ vốn sống, nắm bắt xu hướng thị trường và định hướng rõ ràng công việc mà mình sẽ làm trong tương lai”.

d

Anh Nguyễn Tuấn Phương chia sẻ những điều kiện cần và đủ để sinh viên có thể gia nhập vào đội quân FPT Software.

Còn anh Nguyễn Tuấn Phương đánh giá rất cao sinh viên tại miền Trung. Với mỗi năm FPT Software tuyển gần 500 CBNV thì chuyện các bạn có cơ hội được nhận vào làm tại công ty rất cao. "Còn nhớ có lần, một lãnh đạo thành phố hỏi tôi rằng Đà Nẵng có thể làm phần mềm được không? Tôi liền cười và bảo, mấy năm chúng tôi vẫn làm tốt đó thôi, trong khi nhân lực tại Đà Nẵng rất chất lượng nên đương nhiên là làm được. Tựu chung lại, cơ hội được làm việc tại FPT rất lớn”.

Đánh giá một cảnh tổng thể, theo Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung, Đà Nẵng có những thuận lợi tuyệt vời mà nhiều nơi khác không có như cáp quang biển quốc tế, thị trường phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng ổn định hay vị trí địa lý tuyệt vời. “5 đến 10 năm nữa, thành phố Đà Nẵng sẽ rất phát triển và khi đó FPT cũng sẽ trở thành trung tâm về Công nghệ thông tin. Nhưng để làm được điều đó, các bạn sinh viên hôm nay chính là những người được đặt kỳ vọng nhiều nhất”, anh Quang nhấn mạnh.

Để sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về cơ hội việc làm tại FPT, Ban tổ chức mời ba cựu sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đang rất thành công tại FPT Software Đà Nẵng, đó là các anh: Lê Hồng Lĩnh, Giám đốc FSU17.BU29; Trần Thanh Hùng, Giám đốc FSU1.BU5; và Hồ Đức Giáp, PLT/BrSE FSU17.BU38. Tại đây, ba cựu sinh viên đã chia sẻ cảm xúc khi được quay lại mái trường thân yêu cũng như đem đến những kinh nghiệm sau khoảng thời gian làm việc tại FPT để chia sẻ với đàn em của mình.

d

Đến với chương trình còn có sự hiện hiện của ba cựu sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đang làm việc tại FPT Software gồm (từ trái qua): Anh Lê Hồng Lĩnh, Giám đốc FSU17.BU29; Trần Thanh Hùng, Giám đốc FSU1.BU5; và Hồ Đức Giáp, PLT/BrSE FSU17.BU38.

Anh Lĩnh cho biết, cơ hội việc làm dành cho sinh viên mới ra trường tại FPT rất lớn, mức thu nhập hay môi trường làm việc thường được lãnh đạo quan tâm một cách sâu sắc nhất. “Lúc mới ra trường, tôi cũng lo lắng như các bạn ngồi đây là không biết sau này sẽ làm gì, nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến. Cái chính là nằm ở ý thức của các bạn, hãy tranh thủ từng giờ trên lớp học để nắm vững kiến thức và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để tăng thêm kỹ năng mềm”, anh Lê Hồng Lĩnh mở đầu phần chia sẻ.

“Mình chưa bao giờ nghĩ làm việc tại công ty phần mềm cả bởi từ bé, gia đình và bản thân đã định hướng sẽ trở thành một chiến sĩ công an. Nhưng khi thi vào trường cảnh sát lại bị rớt nên đành học Bách khoa. Có thể nói, làm phần mềm đem lại cho mỗi chúng ta rất nhiều điều thú vị, có thể học hỏi từ rất nhiều người mà không nhất thiết phải là trong công ty; có khả năng phát triển bản thân không giới hạn hay nói đúng nhất, FPT là môi trường dành cho người dám xung phong”, cựu sinh viên Trần Thanh Hùng nói.

Đi lên từ một gia đình khó khăn ở vùng quê , anh Hồ Đức Giáp đã có những chia sẻ khiến cả hội trường xúc động. “Hồi học lớp 10, trường tôi chỉ có đúng một cái máy tính dành cho học sinh học tin học nên hầu như không ai được đụng vào. Một thời gian sau, cái máy cũng “không cánh mà bay” khiến cả trường điêu đứng. Chính điều đó sau này luôn thôi thúc bản thân tôi phải thi đại học ngành Công nghệ thông tin và tôi đã làm được. Các bạn sinh viên hiện nay có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thành công và hãy biết nắm bắt cơ hội”. Cũng theo anh Giáp, dù ra trường được làm việc 3 năm cho một công ty Mỹ nhưng bản thân anh luôn mong muốn được làm nhiều dự án lớn hơn nên quyết định đi học tiếng Nhật rồi chọn FPT là nơi dừng chân.

d

Sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng liên tục đặt câu hỏi cho các diễn giả.

Trong phần giao lưu của các diễn giả với sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng, rất nhiều cánh tay giơ lên "giành quyền" đặt câu hỏi với các CEO FPT. Theo kịch bản chương trình, những câu hỏi hay sẽ được Ban tổ chức tặng các phần quà gần gũi với người FPT như: Hộp đựng cơm, mũ bảo hiểm, balô...

Câu hỏi đầu tiên dành cho anh Nguyễn Tuấn Phương là về vấn đề doanh nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm khi đi tuyển dụng dù sinh viên mới ra trường. Theo anh Phương, kinh nghiệm không cần phải ra trường mới có mà ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cũng đủ chủ động để tìm kiếm kinh nghiệm. Ví dụ như làm thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa, học hỏi từ anh chị đi trước… Một khi trình bày logic những vấn đề đó trong lúc phỏng vấn tuyển dụng thì khả năng được chọn rất lớn. “Năm ngoái, FPT Software tuyển 500 CBNV thì có tới 300 sinh viên mới ra trường”, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng nhấn mạnh.

“FPT không yêu cầu tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin. Quan trọng nhất phải biết lập trình, ngoại ngữ tương đối và đam mê công việc. Hãy nhìn Nhật Bản , Ấn Độ hay FPT, CBNV đa phần không học ngành Công nghệ thông tin bởi có rất nhiều xuất phát điểm khác nhau, miễn sao bạn đáp ứng đủ kỹ năng của nhà tuyển dụng”, anh Bùi Thiện Cảnh trả lời cho câu hỏi về việc có phân biệt sinh viên giữa ngành Công nghệ thông tin với ngành khác.

Để vững bước sau quãng thời gian rời giảng đường, anh Nguyễn Thế Quang, Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung, khuyên các sinh viên cần rèn luyện ba kỹ năng: khả năng học hỏi cả đời, biết thiết lập mục tiêu hằng ngày (daily to-do list) và kiên trì theo đuổi.

Không chỉ tập trung vào việc làm trong nước, sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng còn tự tin đặt câu hỏi về lĩnh vực rất hot tại FPT là đi Onsite - Kỹ sư cầu nối. Với câu hỏi này, cựu sinh viên Hồ Đức Giáp cho biết, ngành này đòi hỏi không chỉ giỏi tiếng Nhật mà còn yêu cầu các bạn nắm bắt và am hiểu nền văn hóa nước bạn. Một khi làm Onsite, bạn phải hội tụ nhiều yếu tố khác nhau giúp khách hàng có cái nhìn thiện cảm về tập đoàn và tự tin làm việc, khả năng thuyết trình cũng được chú trọng rất nhiều.

d

TGĐ FPT City Bùi Thiện Cảnh đánh giá rất cao năng lực của sinh viên Đà Nẵng và mong muốn sinh viên tập trung đi theo ngành công nghệ thông tin bởi nó phù hợp với tuổi trẻ cũng như xu hướng thời cuộc.

Ngoài ra, còn có rất nhiều câu hỏi về chính sách, chế độ lương, định hướng của tập đoàn trong tương lai… Tất cả đều được các diễn giả trả lời một cách tận tình. Ngoài ra, TGĐ FPT City Bùi Thiện Cảnh còn chủ động yêu cầu lãnh đạo của FPT có mặt tại hội trường cho số điện thoại, địa chỉ e-mail để sinh viên tiện liên hệ để có thể giải đáp thắc mắc sau khi chương trình kết thúc.

Trong chương trình giao lưu, sinh viên còn được tham gia nhiều trò chơi khác nhau cùng ba diễn giả như đuổi hình bắt chữ, đoán ý đồng đội… với nhiều phần quà hấp dẫn. Ngoài ra, toàn thể hội trường cũng được thưởng thức tiết mục hát STCo đến từ lãnh đạo của tập đoàn tạo bầu không khí vô cùng hấp dẫn và nhiều tiếng cười. FPT cũng trao 3 học bổng bằng hiện vật cho sinh viên là điện thoại Nokia Lumia 630 và các phần quà từ nhà tài trợ F9 - FPT Trading.

Theo dõi chương trình từ đầu buổi, Nguyễn Văn Tuyển, sinh viên năm thứ tư Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho biết “Sau chương trình, em rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm cho mình trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Bản thân sẽ cố gắng hơn nữa trong thời gian sắp tới để hoàn thiện những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng FPT”.

d

Đại diện phía nhà trường, Tiến sĩ Đoàn Anh Tuấn (giữa), Trưởng phòng Công tác sinh viên, Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, lên trao học bổng cho sinh viên.

Đến tham dự chương trình với tư cách đại diện nhà trường, Tiến sĩ Đoàn Anh Tuấn - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhận định: “Chương trình rất ý nghĩa đối với sinh viên ở mọi ngành nghề khác nhau. Qua buổi giao lưu này, sinh viên chắc chắn sẽ nắm bắt cái gọi là văn hóa doanh nghiệp để giúp bản thân ý thức được mình cần trau dồi những gì trong thời gian tới. Lãnh đạo nhà trường cũng mong muốn Tập đoàn FPT tiếp tục liên kết để tạo ra nhiều chương trình bổ ích hơn nữa dành cho sinh viên Đà Nẵng nói chung và Bách khoa nói riêng để các em tiếp cận nhiều hơn về lĩnh vực Công nghệ thông tin”. Cũng theo thầy Tuấn, FPT được đánh giá là môi trường làm việc rất năng động, lành mạnh và có tính cạnh tranh cao cũng như ngày càng bắt kịp được sự phát triển của thế giới.

Bài, ảnh: Việt Nguyễn


 

Ý kiến

()