Chúng ta

FPT giúp bà con vượt khó sau cơn bão

Thứ hai, 18/11/2013 | 14:53 GMT+7

"Tôi rất vui mừng và xúc động khi đoàn FPT về thăm hỏi, tặng quà. Đây là nguồn động viên tinh thần đáng quý cho bà con phấn khởi vươn lên khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống”, ông Cao Thanh Bình, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Minh Hóa, Quảng Bình, bày tỏ.
> FPT mang niềm tin đến người dân vùng bão / 'Tin tưởng sự hợp tác nhân đạo lâu dài của FPT'

Sau cơn bão số 10 và 11, Quảng Bình là một trong các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề nhất. Với tinh thần tương thân tương ái, tập đoàn FPT đã vận động chương trình để quyên góp, giúp đỡ bà con.

Ngày 7-8/11 vừa qua, đại diện đoàn FPT đã về hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, Quảng Bình để trao quà cho nhân dân địa phương các xã bị ảnh hưởng nặng sau thiên tai.

a

Bà con dân tộc Arem, xã Tân Trạch đợi nhận quà của đoàn FPT tại sân ủy ban.

Đoàn FPT đã trao 80 suất gạo, mỗi suất 30 kg cho người dân xã Tân Trạch, một địa bàn thuộc diện khó khăn nhất tỉnh. Sau khi nhận quà, chú Đinh Lầu, Chủ tịch xã, cho biết: “Tôi rất cảm động trước tấm lòng và sự nhiệt tình của các cán bộ FPT. Mọi người đã đi một chặng đường rất xa để đến chia sẻ khó khăn với nhân dân trong bản. Những món quà công ty đã tặng có ý nghĩa rất lớn với bà con nhất là khi hai cơn bão vừa đi qua. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu, vượt qua khó khăn để cải thiện cuộc sống”.

Chú cho biết, bà con trong xã chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, sống dựa vào lúa trên nương nhưng đã bị mất trắng trong cơn bão vừa qua. Mùa đông sắp đến nhưng quần áo, chăn màn của bà con còn thiếu thốn nhiều. “Chúng tôi mong các tổ chức hảo tâm sẽ giúp đỡ bà con có đường nước sạch để sinh hoạt, có các con giống như bò, dê, lợn, gà để tiếp tục chăn nuôi, cải thiện cuộc sống”.

a

Chú Đinh Lầu cho biết, bà con trong xã chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, sống dựa vào lúa trên nương nhưng đã bị mất trắng trong cơn bão vừa qua.

Rất cảm động khi nhận được quà, chị Yray, dân tộc Vân Kiều, xã Tân Trạch, bày tỏ: “Tôi rất mừng và cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ FPT. Nhà tôi bị tốc mái, cây trồng bị mất trắng, không còn gạo ăn. Ra Tết, bà con mới bắt đầu trồng lúa, một năm chỉ có một mùa, nên từ giờ không biết trông cậy vào nguồn nào. Tôi chỉ mong có chăn màn, quần áo ấm và bữa cơm no cho các con trong mùa đông này”.

a

Yray, dân tộc Vân Kiều, xã Tân Trạch, bày tỏ: “Tôi rất mừng và cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ FPT".

“Trong cơn bão vừa qua, nhà tôi bị hỏng cửa, tốc mái. Cây sắn và hoa màu trên nương đều bị mất. Hầu hết bà con trong bản đều rất nghèo nên khi bão qua lại càng khó khăn hơn, nhà chẳng còn gì cả. Bây giờ chỉ cần có cơm no, áo ấm là vui lắm rồi. Rất cám ơn các cán bộ đã đến đây trao quà cho chúng tôi. Bây giờ một hạt gạo cũng rất quý”, chị Y Rá bồi hồi cho biết.

a

Nhà chị Y Rá bị hỏng cửa, tốc mái trong cơn bão vừa qua.

Bên cạnh Tân Trạch, xã Thượng Trạch cũng là địa bàn rất khó khăn. Theo anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ văn hóa xã, đời sống bà con rất khó khăn, chủ yếu trồng lúa, ngô, keo vì đồi rất dốc không trồng được các cây khác. Ngoài ra, bà con cũng chăn thả tự do một số vật nuôi nhưng không có chuồng trại nên hiệu quả không cao.

Đại diện đoàn FPT đã trao 400 suất gạo, mỗi suất 30 kg cho các hộ dân khó khăn nhất xã Thượng Trạch. Được nhận gạo trong lúc thiếu đói, bà con ai cũng vui mừng, hạnh phúc. “Mùa lúa mất rồi nên bà con không biết lấy gì để sống qua ngày. Mấy ngày nay nhà tôi và nhiều người trong thôn đều nhịn đói, một ngày chỉ có một bữa cơm. Nay được cán bộ FPT đến tặng gạo chúng tôi rất vui mừng, hạnh phúc. Mong sao chính quyền và các tổ chức khác sẽ tiếp tục dành cho chúng tôi những phần quà thiết thực như chăn, quần áo, gạo và gia vị để khắc phục cuộc sống”, chị Y Biên, người dân tộc Sách, xã Thượng Trạch cho biết.

a

"Mong sao chính quyền và các tổ chức khác sẽ tiếp tục dành cho chúng tôi những phần quà thiết thực như chăn, quần áo, gạo và gia vị để khắc phục cuộc sống”, chị Y Biên, người dân tộc Sách, xã Thượng Trạch cho biết.

Theo chú Đinh Hợp, Chủ tịch xã Thượng Trạch, toàn xã có 18 bản, 273 hộ và 2.300 nhân khẩu. Gia đình nào cũng đông con, ruộng nước không có, chủ yếu làm nương rẫy và chăn nuôi. Một năm có 12 tháng thì 6 tháng người dân đói ăn, bão lũ khiến mùa màng mất trắng nên đời sống bà con càng khó khăn hơn. 

“Tôi rất cám ơn tập đoàn FPT đã dành nhưng món quà ý nghĩa cho bà con vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, tôi cám ơn các CBNV FPT đã dành chính đồng lương của mình để ủng hộ đồng bào”, Chủ tịch xã bày tỏ.

a

Ông Đinh Hợp cho biết lương thực là vấn đề cấp bách cho bà con.

Chú Đinh Hợp cũng cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, bộ đội biên phòng đã giúp đỡ bà con tăng gia sản xuất, thay đổi cuộc sống. Nhìn chung, cuộc sống của bà con đã được cải thiện hơn, nhận thức giáo dục tốt hơn khi đã có 70% học sinh đi học. Tuy nhiên, sau cơn bão, nhiều nhà bị tốc mái, mất mùa, thiếu lương thực nghiêm trọng khiến đời sống bà con càng khó khăn hơn.

“Do vậy, chúng tôi rất hy vọng sẽ có nhiều tổ chức hảo tâm như tập đoàn FPT giúp đỡ bà con, sao cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tôi cũng mong, tập đoàn FPT sẽ tiếp tục quay lại, cùng chúng tôi xây dựng các chính sách lâu dài để nâng cao cuộc sống của người dân”, Chủ tịch xã Thượng Trạch mong muốn.

bc-9-562031-1413013505.jpg

"Chủ tịch xã Đinh Hợp là tấm gương sáng của người dân tộc đã phấn đấu vươn lên, giúp đỡ bà con trong bản có cuộc sống khấm khá hơn", ông Cao Quang Cảnh (áo trắng), đánh giá.

Theo Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Quảng Bình Cao Quang Cảnh, ông Đinh Hợp là tấm gương sáng của người dân tộc đã phấn đấu vươn lên, giúp đỡ bà con trong bản có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Đinh Hợp là người đề xuất đưa mô hình trồng cây cao su lên miền núi đầu tiên, đã tự sắm máy kéo vừa để phục vụ sản xuất và phục vụ đưa bà con đi khám chữ bệnh ở huyện, tỉnh. Con gái của ông hiện đang đi học về y dược để về giúp đỡ nhân dân trong xã.

“Chủ tịch xã Đinh Hợp là tấm gương lao động sản xuất năng động và sáng tạo, trao đổi thông tin tích cực với tỉnh ủy. Tôi đánh giá rất cao tinh thần và tấm lòng của anh”, ông Cao Quang Cảnh nhấn mạnh.

Ngoài huyện Bố Trạch, huyện Minh Hóa, Quảng Bình cũng thuộc diện khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Minh Hóa Cao Thanh Bình, hai xã Hóa Sơn, Hóa Phúc mà đoàn đi thăm là những xã nghèo sát biên giới. Nhân dân không có đất để sản xuất, chủ yếu chăn nuôi trâu bò và trồng keo để sinh kế. Tuy nhiên, sau đợt bão vừa qua, cây keo bị gãy đổ 70-80%, các chủ đầu mối không nhận thu mua keo non, gẫy nên bà con bị mất nguồn thu chính. Cơn bão số 10 và 11 liên tiếp và kéo dài gây thiệt hại khá lớn cho hai xã nói riêng và huyện Minh Hóa nói chung.

a

Bà con xã Hóa Sơn đợi đoàn FPT trong sân ủy ban xã. Cô Đinh Thị Vinh (áo trắng) rất vui mừng khi biết tin đoàn FPT về cứu trợ.

“Với hoàn cảnh khó khăn như vậy, tôi rất vui mừng và xúc động khi đoàn FPT đã về thăm hỏi, tặng quà cho bà con. Món quà tuy không lớn về vật chất nhưng là nguồn động viên tinh thần đáng quý cho bà con phấn khởi vươn lên khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống”, ông Cao Thanh Bình bày tỏ.

Cô Đinh Thị Vinh, người dân tộc Sách, xã Hóa Sơn, chia sẻ: “Hôm ông chủ tịch xã đến báo tin sẽ có đoàn của công ty FPT về tặng quà, cứu trợ cho bà con, gia đình tôi ai nấy đều vui mừng. Trong hoàn cảnh hiện tại, được giúp đỡ bao nhiêu cũng là điều đáng quý”.

a

"Món quà tuy không lớn về vật chất nhưng là nguồn động viên tinh thần đáng quý cho bà con phấn khởi vươn lên khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống”, ông Cao Thanh Bình bày tỏ.

“Cơn bão kèm lũ vừa qua khiến gia đình tôi mất trắng các đồi keo và hoa màu. Bây giờ chưa biết trông vào nguồn nào để sống. Tôi mong sẽ có nhiều đoàn hảo tâm như FPT sẽ giúp đỡ bà con có một nguồn vốn nhỏ để ổn định cuộc sống”, cô Cao Thị Minh bày tỏ.

a

Anh Ngô Anh Tuấn, Ban truyền thông FPT trao quà cho cô Cao Thị Minh, người dân xã Hóa Sơn.

Trong cơn bão vừa qua, nhà chú Cao Ngọc Bảy bị sập hoàn toàn, hoàn cảnh rất khó khăn. Đoàn FPT đã đến thăm và trao tặng chú số tiền 2 triệu đồng, góp phần nhỏ giúp gia đình ổn định cuộc sống. Đường đến nhà chú cũng bị nước lũ cuốn trôi, gây sạt lở, biến thành một dòng sông. Muốn về nhà hằng ngày, chú đều phải lội qua khúc sông này.

a

Chú Bảy vui mừng khi nhận được số tiền 2 triệu đồng từ tập đoàn FPT.

Chú bàng hoàng kể lại khoảnh khắc khi cơn bão kéo sập mái nhà bằng tôn: “Khoảng 19h30, gió bão bất ngờ mạnh lên, quật cây cối bên ngoài đổ nghiêng ngả. Cả nhà tôi nằm nghe tiếng gió rít ầm ầm rồi bỗng nhiên mái nhà như có người giật mạnh, bay ra xa 3 m. Mọi người trong gia đình tôi hốt hoảng phải chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ. Đến sáng về nhà thì nhà đã sập hoàn toàn, tường và cửa cũng đổ nát”.

Hiện nhà chú Bảy phải vay 40 triệu đồng để dựng lại nhà. Sắn và keo trên nương đã mất gần hết không có nguồn trả nợ. “Trong lúc khó khăn lại được công ty FPT giúp đỡ một khoản tiền lớn như vậy khiến tôi rất xúc động. Đây là động lực giúp tôi và gia đình phấn đấu làm ăn để trả nợ và ổn định cuộc sống”, chú Bảy xúc động nói.

Khi chia tay đoàn, chú Bảy nắm tay mọi người bịn rịn không rời. Đôi mắt hơi đục dưới hàng lông mày muối tiêu đọng một giọt nước lấp lánh. Sau đó, chú lặng lẽ lội qua khúc sông để về nhà.

a

Cô Cao Thị Thái (áo trắng), người dân trong xã cho biết: “Gia đình tôi và các hộ khác trong xóm đều thuộc diện khó khăn, hàng tháng vẫn phải sống vào gạo trợ cấp của chính quyền.

Cũng giống như xã Hóa Sơn, Hóa Phúc cũng là một vùng đất khó khăn, nơi có dân tộc Sách, Thổ và Kinh sinh sống. Người dân chủ yếu trồng lạc, ngô và các cây keo trên đồi, không có ruộng nước để trồng lúa nên việc thiếu gạo xảy ra thường xuyên trong năm.

Cô Cao Thị Thái, người dân trong xã cho biết: “Gia đình tôi và các hộ khác trong xóm đều thuộc diện khó khăn, hằng tháng vẫn phải sống vào việc trợ cấp gạo của chính quyền. Nay mùa màng bị mất trắng do bão, chúng tôi không biết lấy nguồn nào sinh sống. Thật vui mừng khi xã báo tin có đoàn FPT về trợ cấp. Với chúng tôi bây giờ, một gói mỳ, một hạt gạo cũng rất quý”.

Theo ông Đinh Thanh Có, Chủ tịch xã Hóa Phúc, sau bão số 10, có 67 nhà bị tốc mái, cây ăn quả, rừng trồng kinh tế mất 23,7 hecta, số ong nuôi lấy mật bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Lụt do bão số 11 cũng khiến 5 hộ dân bị ngập. Lương thực thiếu thốn quanh năm.

“Tôi rất cảm động trước tình cảm của các thành viên đoàn FPT đã dành cho bà con. CBNV đã lặn lội đường xa về tặng quà, động viên bà con sớm khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, ông chia sẻ.

a

Ông Đinh Thanh Có rất cảm động trước tình cảm của các thành viên đoàn FPT đã dành cho bà con.

Ông Đinh Thanh Có cho rằng, đời sống vốn dĩ đã nghèo khó lại bị thiên tai liên miên nên ảnh hưởng lớn đến tinh thần phấn đấu của bà con. Nhiều khi muốn vươn lên khắc phục, xong cứ làm xong lại bị bão lũ tàn phá khiến nhân dân mệt mỏi. “Do vậy, tôi mong tập đoàn FPT cũng như các tổ chức hảo tâm khác, ngoài việc tặng quà cứu trợ sau bão lũ sẽ có những chính sách hỗ trợ lâu dài và bền vững cho bà con”, ông xúc động bày tỏ.

Bài, ảnh: Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()