Chúng ta

'Tin tưởng sự hợp tác nhân đạo lâu dài của FPT'

Thứ ba, 12/11/2013 | 10:37 GMT+7

"Ngoài những đóng góp to lớn cho ngân sách nhà nước qua kinh doanh, FPT đã chú trọng phát triển các vấn đề xã hội, góp phần vì một Việt Nam nhân ái, tạo thành nét đẹp văn hóa vững bền, tốt đẹp của tổ chức", Chủ tịch hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình Cao Quang Cảnh nhận định.
> FPT mang niềm tin đến người dân vùng bão / 'Món quà thể hiện tấm lòng nhân ái của FPT'

Ngày 7-8/11 vừa qua, đoàn FPT đã có chuyến thăm hỏi, tặng quà và động viên bà con hai huyện Minh Hóa Bố Trạch, Quảng Bình, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 và 11.

Chúng ta có cuộc trò chuyện với Chủ tịch hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình Cao Quang Cảnh, người đã đồng hành cùng đoàn FPT trong chuyến đi cứu trợ huyện Bố Trạch vừa qua.

a

Ông Cao Quang Cảnh (áo trắng, mũ đỏ) đi thăm bà con dân tộc Arem cùng đoàn FPT sáng ngày 7/11 vừa qua.

- Cảm xúc của ông như thế nào khi tham gia chuyến cứu trợ đồng bào trong vùng bão lũ cùng tập đoàn FPT?

- Đây là lần đầu tiên tôi kết nối với tập đoàn FPT trong các hoạt động thiện nguyện. Thực sự tôi rất xúc động khi chứng kiến tấm lòng nhiệt tình, chân thành, cởi mở của các thành viên đoàn. Các bạn là những người còn rất trẻ nhưng có một trái tim lớn, một tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan, vô tư, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, không quản ngại khó khăn. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh các bạn FPT tận tay mặc từng chiếc áo cho các em học sinh, nắm tay bà con dân tộc ân cần hỏi thăm. Tấm lòng ấy thật đáng quý.

Đặc biệt các bạn đã không quản đường xa, băng rừng vượt suối, trao tận tay những món quà cho đồng bào, muốn trực tiếp cảm nhận và chia sẻ những khó khăn với bà con. Tôi rất vui và hài lòng với cách suy nghĩ và cách làm của người FPT.

a

Ông Cảnh đánh giá cao việc tập đoàn FPT đã tìm tới hội Chữ thập đỏ tỉnh để giúp đỡ bà con.

Ngoài ra, tôi tôn trọng và đánh giá cao việc tập đoàn FPT đã tìm tới hội Chữ thập đỏ tỉnh, một tổ chức chuyên nghiệp để tiếp xúc với đồng bào khó khăn. Tôi nghĩ đó là hướng đi tốt và các bạn cần phát huy. Khi thiên tai xảy ra, ngoài vấn đề góp sức giúp đỡ, còn phải tính toán đến cách thức điều phối, trao quà... sao cho hợp lý hợp tình. Những vấn đề này các CBNV FPT đã làm rất tốt.

Đoàn đã đến với một số địa phương khó khăn như xã Tân Trạch, Thượng Trạch, đó là những địa bàn vùng sâu vùng xa, người dân rất nghèo khó, tư duy còn lạc hậu, vị trí địa lý và địa hình đi lại rất khó khăn. Nhưng các bạn đã không quản khó khăn đến với bà con. Tấm lòng ấy tôi và đồng bào rất xúc động và ghi nhận. Hy vọng sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái, đáng quý như các bạn.

a

Ông Cảnh cùng các CBNV FPT trực tiếp trao quà cho bà con.

- Ông đánh giá ra sao về cách thức thực hiện trao quà của đoàn FPT khi đến với Quảng Bình?

- Hoạt động nhân đạo, từ thiện cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và cần được thực hiện bài bản, đúng cách. Trước đây có nhiều tổ chức tự tìm đến địa phương thực hiện các hoạt động cứu trợ mà không qua các tổ chức, công đoàn của chính quyền sở tại đã gây ra một số rắc rối, để lại ấn tượng không hay, gây hệ lụy cho bà con. Nếu không thông qua hội Chữ thập đỏ, các bạn có thể tìm đến hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên, Mặt trận tổ quốc… để các hoạt động được chính thống và thuận lợi, giúp các món quà đến tận tay bà con một cách an toàn, minh bạch. Do vậy, tôi đánh giá cao cách làm của đoàn FPT. Người dân địa phương cũng rất vui và hài lòng trước tấm lòng của các bạn. Các món quà cho người dân và các em học sinh đều rất thiết thực, phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của bà con.

Trong bối cảnh chung hiện nay, đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đều rất khó khăn nhưng nhiều tổ chức, công ty, trong đó có FPT vẫn giúp đỡ bà con Quảng Bình. Dù lợi nhuận, doanh thu có thể giảm đi và đặc biệt là món quà được tích góp từ chính đồng lương của các CBNVFPT nên càng quý giá gấp bội.

a

Chủ tịch hội Chữ thập đỏ đến thăm thầy trò trường Tân Trạch, nới có nhiều con em dân tộc thiểu số theo học.

Đặc biệt, lúc đi cùng đoàn lên thắp hương hang Tám Cô, tôi rất xúc động khi nhìn thấy sự chân thành và tình cảm của cả đoàn lúc dâng nén hương tri ân những người anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc. Đây là di tích lịch sử huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng và Nhà Nước rất quan tâm đến hang Tám Cô và con đường mòn Hồ Chí Minh, những nơi đã viết nên lịch sử hào hùng và đồng thời ghi dấu một thời đau thương của đất nước. Hằng ngày đều có rất nhiều đoàn vào thăm quan, thắp hương tưởng niệm. Các trường học cũng thường xuyên tổ chức đưa các em học sinh đi thăm để các em biết thêm về lịch sử dân tộc, từ đó có ý thức hơn với việc họctập.

Qua hành động ấy, các cán bộ FPT đã thể hiện tấm lòng tri ân, “uống nước nhớ nguồn” đối với những chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Với tình cảm và đức tính đó, tôi tin các bạn sẽ là những nhân tài vun đắp cho tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh và nhân ái hơn.

a

Chia sẻ khó khăn với bà con ở xã Thượng Trạch bằng những bao gạo tình nghĩa.

Ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng cuộc sống của bà con hai xã mà đoàn đã đi thăm?

- Hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch đều là những xã thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình. Cuộc sống rất lạc hậu, khó khăn và nhận thức của người dân chưa cao. Các em nhỏ còn chưa được đi học đầy đủ và chưa có ý thức cao về việc học. Chính quyền địa phương đã tạo nhiều điều kiện giúp đỡ, đến nay bà con đã bớt cơ cực nhưng nhìn chung chất lượng cuộc sống vẫn còn ở mức thấp.

Đặc biệt, tộc người Arem xã miền núi Tân Trạch đã trải qua nhiều thăng trầm để tồn tại, được phát hiện vào năm 1956 với dân số chỉ có 18 người, sống như thời hồng hoang cư trú trong hang động, lấy vỏ cây làm áo, săn bắt hái lượm trong rừng sâu để sống.

Người Arem hôm nay đã biết bảo vệ rừng, tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế. Với chính sách hỗ trợ để thực hiện dự án định cư cho đồng bào Arem, Đoòng của thành ủy TP HCM vào tháng 8/2003, đồng bào đã được chuyển từ bản cũ về khu tái định cư mới, với 49 căn nhà làm tạm bợ bằng ván gỗ, đến nay đã xuống cấp trầm trọng nên đời sống dân bản rất khó khăn.

Bên cạnh đó UBND huyện Bố Trạch đã xây dựng trường cấp 1, cấp 2, trạm xá và đường giao thông nông thôn theo chương trình nông thôn mới, đồng thời cấp bò giống, lợn giống để đồng bào làm quen với phương thức chăn nuôi. Tuy nhiên cho đến nay, mơ ước đảm bảo các nhu cầu an sinh xã hội để duy trì sự bền vững đối với tộc người Arem, Đoòng vẫn còn quá xa vời bởi nước sinh hoạt là một vấn đề nan giải. Nhiều năm nay, 77 hộ dân cũng như cán bộ, giáo viên công tác tại xã phải dùng nước khe suối, ao, hồ, hứng nước mưa để sinh hoạt hằng ngày nên nguy cơ nhiễm các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da rất cao.

Bên cạnh đó, xét theo quan điểm di truyền học, đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã này thường kết hôn trong huyết thống khiến trẻ em sinh ra có nguy cơ mắc các chứng đột biến, kém phát triển và ngày càng thụt lùi hơn.

Để khắc phục và giải quyết những vấn đề trên cần có thời gian, kiên nhẫn và sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể. Hy vọng FPT sẽ cùng chung tay với chúng tôi, mang lại ánh sáng văn minh và cuộc sống hạnh phúc cho bà con vùng sâu vùng xa.

a

Chủ tịch hội Chữ thập đỏ trực tiếp trao gạo cho bà con.

- Ngoài FPT, có nhiều tổ chức đã đến giúp đỡ Quảng Bình chưa, thưa ông?

- Tỉnh Quảng Bình có ban tiếp nhận viện trợ, đại diện Mặt trận tổ quốc, hội Chữ thập đỏ, Đài Phát thanh – Truyền hình và nhiều công đoàn, tổ chức khác sẽ nhận quà tặng, tiền ủng hộ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Cơn bão vừa qua gây ra thiệt hại rất lớn cho nhân dân, nhưng may mắn là tỉnh đã được nhiều tổ chức cùng chung tay góp sức khắc phục khó khăn. Đã có gần 50 tổ chức kết nối qua hội Chữ thập đỏ để giúp đỡ nhân dân Quảng Bình. Ngoài ra, có nhiều đoàn khác không đi qua hội mà trực tiếp đến các địa phương để trao quà. Các tổ chức nước ngoài cũng có nhiều hoạt động cứu trợ. Mặc dù hoạt động từ thiện qua các tổ chức khác nhau nhưng các đoàn đều có sự phù hợp tương đối với quan điểm của tỉnh về cứu trợ nhân đạo. Trong đó, tôi đánh giá cao cách thức thực hiện và các món quà ý nghĩa của tập đoàn FPT.

- Theo ông, việc cứu trợ nhân đạo nên thực hiện ra sao để đảm bảo tính bền vững?

- Việc cứu trợ của FPT trong thời điểm này rất phù hợp vì đây đang là giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, bà con rất cần lương thực và nhu yếu phẩm sinh hoạt. Sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn tái thiết, phục hồi nhà ở, hạ tầng cơ sở, giáo dục và sinh kế cho bà con.

Theo quan điểm của hội Chữ thập đỏ Quảng Bình, có 4 vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm mỗi khi có thiên tai. Thứ nhất, trong khi bão lũ ập đến cần ưu tiên những gia đình có thiệt hại về người. Tiếp theo là giải quyết vấn đề nhà ở bị sập cho người dân, vấn đề lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những hộ gia đình khó khăn, người già, trẻ em, người khuyết tật…Thứ ba là vấn đề giáo dục, y tế. Cần nhanh chóng tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường, xây dựng các trung tâm y tế cơ sở giúp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con. Cuối cùng là vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường để đảm bảo cho cuộc sống bền vững của người dân.

Người dân miền Trung nói chung và người Quảng Bình nói riêng có nhiều điểm mạnh về tự nhiên song lại ở vị trí hứng chịu nhiều thiên tai. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, vấn đề quy hoạch, chiến lược, mục tiêu phát triển và đảm bảo để người dân sống chung được với thiên tai rất quan trọng. Bà con cần học cách thích nghi từ việc ăn ở, sinh hoạt, lựa chọn ngành nghề, cây trồng vật nuôi, giáo dục y tế… sao cho phù hợp với đặc điểm ngoại cảnh.

Việc FPT và các tổ chức khác giúp đỡ đồng bào trong lúc thiên tai hoạn nạn rất cần thiết, đáng quý. Song sự giúp đỡ sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu như tập đoàn FPT nói riêng và các đơn vị khác nói chung cùng chung tay giúp đỡ bà con thích ứng và biết cánh sống chung với thiên tai. Nói cách khác chính là quá trình vận động, xây dựng và thay đổi nhận thức cho bà con. Một con đường lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, đầu tư và giúp đỡ của các tổ chức.

Bà con dân tộc thiểu số ở Quảng Bình như Arem, Đoòng, Makoong, Sách, Rục, Vân Kiều… đều rất cơ cực, là những đối tượng chịu tổn thương rất cao khi có thiên tai. Tôi mong muốn FPT với sức mạnh công nghệ to lớn và tấm lòng nhân ái vốn có sẽ là tập đoàn tiên phong đồng hành cùng Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung thực hiện chiến lược an sinh xã hội lâu dài, mang lại ánh sáng cho cuộc sống của bà con nghèo khó ở mọi miền tổ quốc.

a

Ông Cảnh mong muốn FPT với sức mạnh công nghệ to lớn và tấm lòng nhân ái vốn có sẽ là tập đoàn tiên phong đồng hành cùng Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung thực hiện chiến lược an sinh xã hội lâu dài.

- Ông có nhắn nhủ gì đến FPT cũng như các tổ chức, cá nhân tình nguyện khác?

- FPT lần đầu tiên phối hợp cùng hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình chung tay giúp bà con khắc phục khó khăn sau bão là một hành động rất đáng quý. Tôi mong FPT và các tổ chức thiện nguyện khác sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách để đồng hành khắc phục những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài cho đồng bào Quảng Bình nói riêng và các vùng khác nói chung. Chúng ta có thể chia sẻ thông tin, xây dựng các tiểu dự án, chia sẻ nguồn lực dựa trên nhu cầu của người dân để tạo ra những hoạt động thiết thực hơn, hiệu quả cao hơn.

Chúng ta cũng cần hướng đến những biện pháp cứu trợ mang tính bền vững cao hơn. Điều đó không có nghĩa là hướng tới những vấn đề to tát mà chỉ cần bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như nhà ở, y tế giáo dục, nước sạch, sinh kế để người dân có cơ sở tự chăm lo cho cuộc sống của mình.

Có một bài học rất hay từ mô hình này, đó là hình thức đầu tư “Ngân hàng bò”. Chính quyền địa phương cấp cho mỗi hộ gia đình khó khăn nhất một con bò cái. Sau 1-2 năm, con bò cái sinh ra con bê và con bê đó sẽ được giao cho một hộ gia đình khó khăn khác. Cứ như thế sẽ tạo thành một vòng tròn bền vững, lan tỏa để bà con tự giám sát, giúp đỡ lẫn nhau. Hy vọng FPT cũng như các tổ chức cá nhân khác sẽ có một mô hình nào đó thiết thực, ý nghĩa và lâu dài như vậy.

- Ông kỳ vọng như thế nào về việc hợp tác lâu dài với FPT trong các hoạt động nhân đạo, vì cộng đồng?

- Thông qua thương hiệu, vị trí của FPT hiện nay, không chỉ là một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong nước mà còn vươn ra cả khu vực và thế giới, tôi rất tin tưởng vào sự hợp tác, giúp đỡ lâu dài của tổ chức cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Ngoài những đóng góp to lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các hoạt động kinh doanh, tập đoàn đã chú trọng phát triển các vấn đề xã hội, góp phần cho “Hành trình vì một Việt Nam nhân ái” đã tạo thành nét đẹp văn hóa vững bền, tốt đẹp của tổ chức.

Tôi mong mỏi FPT cùng các cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm khác sẽ có nhiều hoạt động vì cộng đồng ý nghĩa và thiết thực hơn cho nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Nguyễn Nhàn thực hiện

Ý kiến

()