Chúng ta

'Độc chiêu' phỏng vấn ở FPT

Thứ sáu, 9/12/2011 | 12:06 GMT+7

Vừa bước vào phòng, anh Nguyễn Lê Hoàng (biệt danh Hoàng "Xù"), Công ty TNHH Giải pháp Tài chính công FPT (FPT IS PFS), đưa cho ứng viên Lê Thị Bằng Vân một tờ giấy và cái bút, yêu cầu... vẽ một con lợn.

Khi nhắc đến kỷ niệm về FPT, Lê Thị Bằng Vân, cán bộ Tổng hội của Công ty FPT IS PFS, không thể quên cuộc phỏng vấn xin việc mà theo cô là “có một không hai” này.

Vân ứng tuyển vào vị trí cán bộ Tổng hội khi còn đang theo học năm thứ tư chuyên ngành Quản trị Kinh doanh ĐH Dân lập Đông Đô. Khi ấy, vì thỉnh thoảng mới phải đến trường nên Vân có nhiều thời gian rảnh rỗi và muốn tìm kiếm cơ hội đi làm để tích lũy kinh nghiệm.

Sau hai ngày nộp hồ sơ tại FPT IS PFS, chị Vân Anh, Trưởng phòng Hành chính, hẹn Vân đến gặp mặt trực tiếp. Cuộc phỏng vấn diễn ra ngày 1/12/2010.

Lê Thị Bằng Vân, FPT IS PFS. Ảnh: NVCC.

Lê Thị Bằng Vân, FPT IS PFS. Ảnh: NVCC.

Lúc đầu, chị Vân Anh chỉ đưa ra những câu hỏi xoay quay trình độ học vấn, tính cách, sở thích, khả năng tổ chức sự kiện… Vân đều trả lời khá trôi chảy, tự tin. Vân cũng không đặt nặng vấn đề tiền lương vì còn 7 tháng nữa cô mới tốt nghiệp đại học.

Sau đó, chị Vân Anh mời anh Nguyễn Lê Hoàng (Hoàng “Xù”) - cán bộ quản lý dịch vụ phần mềm dự án PIT, gạo cội trong hoạt động phong trào ở Công ty phỏng vấn thêm. Vừa bước vào phòng, anh Hoàng yêu cầu cô vẽ con lợn.

Dù từng tham gia nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng khi tiếp nhận đề nghị này, Vân vô cùng ngạc nhiên và bối rối. Lấy lại bình tĩnh, cô bắt đầu vẽ con lợn theo cảm tính. Sau khi nộp sản phẩm, anh Hoàng “Xù” nhận xét từng nét vẽ, từ đó “phân tích” tính cách của ứng viên.

Đến tận bây giờ, Vân còn nhớ như in lời cắt nghĩa của anh: “Vẽ con lợn nằm ngang, tức là tính sáng tạo không cao, tuy nhiên khoản này có thể đào tạo được, miễn là nhiệt tình. Vẽ con lợn giữa tờ giấy tức là biết chọn vị trí an toàn. Vẽ đầy đủ chi tiết của con lợn suy ra là một người cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc; tai lợn to tức là người biết lắng nghe người khác…”.

Chỉ “bình luận” loanh quanh bức vẽ mà cuộc phỏng vấn kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Mười ba ngày sau, cô chính thức trở thành nhân viên của FPT.

Phạm Quang Thọ (tự Thọ "Vẩu"), FPT Trading, lại là ứng viên lập kỷ lục về thời gian phỏng vấn siêu ngắn. Bảy phút cho cả buổi phỏng vấn và 15 phút sau đã có kết quả trúng tuyển.

Anh Nguyễn Thanh Bình (biệt danh Bình “Béo”), hiện là Phó TGĐ Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT (FTP, thuộc FPT Trading), trực tiếp phỏng vấn Thọ “Vẩu” ở vị trí cán bộ Tổng hội vào cuối năm 2005. Như thường lệ, anh Bình “Béo” yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân và không quên hỏi về công việc trong tương lai.

Phạm Quang Thọ, FPT Trading. Ảnh: NVCC.

Phạm Quang Thọ, FPT Trading. Ảnh: NVCC.

Thọ “Vẩu” nhớ lại: “Mình bắt đầu PR liên hồi về thành tích thời sinh viên, hoạt động phong trào ra sao, bằng khen thế nào… Đặc biệt, mình còn chuẩn bị một bộ hồ sơ toàn bằng khen ước tính cũng nặng cả ký”.

Anh Bình “Béo” hỏi thêm: “Em có biết hát không, hát cho anh nghe một bài?”. Thọ “Vẩu” lém lỉnh: “Em không bao giờ hát một bài, toàn hát hai bài, anh chịu khó nghe nhé!”.

Ngay lập tức, Thọ “Vẩu” vừa đệm đàn vừa hát hai bài tủ là “Dấu chân tròn trên cát” và “Như khúc tình ca”. Khi anh vừa dứt lời bài hát thứ hai cũng là lúc anh Bình tuyên bố kết thúc cuộc phỏng vấn. Thi tuyển cùng đợt với Thọ “Vẩu” còn có 6 ứng viên khác.

Mười lăm phút sau, khi vẫn đang còn trên đường trở về nhà, Thọ “Vẩu” nhận được điện thoại báo đã trúng tuyển.

Đến giờ, Thọ “Vẩu” vẫn chưa biết cụ thể “lợi thế” của mình so với các ứng viên khác. “Chắc do mình tự nhiên và có chút liều nên có ưu thế hơn chăng”, anh phỏng đoán.

Thọ “Vẩu” gắn bó với công tác Tổng hội từ năm 2005 đến tháng 4/2009. Năm 2009, kinh phí dành cho Tổng hội bị cắt giảm, không còn nhiều đất để diễn, anh xin chuyển sang làm cán bộ kinh doanh thuộc FPT Distribution. Tuy nhiên, anh vẫn là diễn viên gạo cội, lăn lộn ở các sân khấu cũng như các kỳ hội diễn của FPT. Tại Hội diễn 13/9 năm nay, anh đã giành giải Diễn viên xuất sắc.

Gần nhất, anh là một trong 7 thí sinh lọt vào chung kết cuộc thi “Vua hài đất Việt”. Anh cũng đang hợp tác viết kịch bản hài với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN.

Các CBNV ở Công ty TNHH Phát triển Phần mềm FPT (FPT IS Soft) HCM còn nhớ mãi câu chuyện về một anh lãnh đạo đã hỏi tửu lượng của ứng viên khi phỏng vấn.

Thay vì hỏi ứng viên có khả năng làm gì, bằng cấp ra sao, có làm việc lâu dài không, thì anh Lê Nguyên Diệm, Phó TGĐ FPT IS Soft HCM, lại hỏi: “Em uống được mấy chai?”. Đó là câu chuyện phỏng vấn của ứng viên Vũ Xuân Tiến. Anh ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh. Việc anh “đầu quân” cho FPT cũng là một câu chuyện khá dài.

Là sinh viên năm cuối, lại là lớp trưởng lớp Quản trị kinh doanh 5, chuyên ngành Quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế TP HCM, Tiến đã nhận được lời mời về làm việc cho FPT, nhưng vì đang làm cho một công ty khác nên anh từ chối, đồng thời giới thiệu cho một người bạn của mình ứng cử.

Vũ Xuân Tiến, FPT IS Soft. Ảnh: NVCC.

Vũ Xuân Tiến, FPT IS Soft. Ảnh: NVCC.

Người bạn đó làm việc được 2-3 ngày thì xin nghỉ. Bộ phận nhân sự lại tiếp tục gọi điện động viên anh về làm ở FPT IS Soft và gợi mở cho anh về một cuộc hẹn với các lãnh đạo. Tiến gật đầu đồng ý nhưng cũng chỉ nghĩ là đến để gặp mặt và tạo mối quan hệ, chứ không nghĩ sẽ tham gia phỏng vấn.

Cuộc gặp với hai cán bộ trực tiếp là anh Nguyễn Duy Phước, Phó GĐ Trung tâm Kinh doanh, và anh Nguyễn Duy Hiền, Trưởng nhóm Kinh doanh, diễn ra theo trình tự hỏi đáp thông thường. Tiến kể lại: “Điều lạ nhất là hai anh rất chú ý đến phản ứng của ứng viên. Một người hỏi còn người kia thì ghi chép rất tỉ mỉ”.

Sau cuộc phỏng vấn đó, Tiến có vẻ xuôi xuôi. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là anh chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Tiến “bốc máy” gọi cho anh Phước để trình bày. Biết anh Phước không quá bận tâm tới việc đó, Tiến được sắp xếp gặp gỡ với “sếp tổng”.

Khoảng một tuần sau, Tiến gặp trực tiếp anh Diệm. Lúc đầu, anh Diệm yêu cầu anh ngồi chờ dù theo quan sát của bản thân, anh Diệm chỉ ngồi nhìn màn hình và không thao tác gì. Khi Tiến cất tiếng hỏi trước, anh Diệm quay ra bắt chuyện, chủ yếu hỏi thăm về gia đình, thành tích học tập và ước mơ. Tiến có cảm giác, đây là một cuộc nói chuyện thân tình chứ không phải phỏng vấn.

Nhưng bất ngờ, anh Diệm “chốt hạ” bằng câu hỏi: “Em biết nhậu không?”. Tiến đáp: “Vì là lớp trưởng nên em cũng hay tổ chức cho bạn bè hoặc mời thầy cô đi ăn uống”. Anh Diệm nói tiếp: “Em uống được mấy chai?”. Nghĩ là anh Diệm hỏi vui, Tiến thật thà: “Em uống được khoảng 7-8 chai, nhưng nếu có bạn thì người ta uống bao nhiêu, em uống bấy nhiêu”.

Sau này, khi đã về FPT IS Soft làm việc, Tiến mới thấu hiểu, công việc của mình rất cần người có “tửu lượng” tốt vì như thế sẽ dễ tham gia vào các buổi giao lưu với khách hàng.

Muôn hình vạn trạng, mỗi đặc thù nghề nghiệp, các nhà tuyển dụng lại có những "độc chiêu" khác nhau để tìm ra ứng viên tiềm năng nhất.

Nguyễn Lê Hoàng cho biết, anh áp dụng cách đánh giá năng lực thông qua hình vẽ là do đã “thu nạp” được trong quá trình học khóa đào tạo quản lý cán bộ của FPT IS PFS tổ chức. Thông qua hình thức này, anh Hoàng khẳng định sẽ tìm được ứng viên “có tư duy khác với hình vẽ phá cách”.

Ngoài cách test năng lực qua hình vẽ, anh Hoàng còn kết hợp “chiêu” hỏi dồn, ép ứng viên vào thế bí để “bật ra” con người thật.

Còn anh Lê Nguyên Diệm lại cho rằng, cần phải tạo ra được không khí trao đổi thoải mái, chân thànhkhi phỏng vấn. Anh thường phỏng vấn ứng viên cho khối kinh doanh nên đôi khi ngoài các yêu cầu chính về năng lực, anh đi sâu vào những cái cụ thể như tửu lượng... “Tôi không khuyến khích nhân viên đi tiếp khách hàng phải bắt buộc uống. Tuy nhiên, đôi khi nhập gia tùy tục, xuống miền Tây bán hàng mà không uống với đối tác vài chai thì chắc khó nói chuyện thân tình”, anh Diệm chia sẻ.

Anh Lê Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Đào tạo kỹ thuật FPT Software HCM, nhấn mạnh, phỏng vấn chính là cơ hội để anh đánh giá lại các thông tin về kết quả thi đầu vào, “lời quảng cáo” của ứng viên trong CV. Theo đặc thù, dân kỹ thuật thường không giỏi “chém gió”. Chính vì vậy, anh để họ thể hiện bản thân bằng cách viết và vẽ.

Ngoài câu hỏi thông thường, anh Thạch có hai độc chiêu để phỏng vấn ứng viên: một câu kiểm tra kiến thức và một câu test kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, anh viết một đoạn chương trình đơn giản để thực hiện phép cộng trừ nhân chia của… học sinh tiểu học. “Nhiều khi, các bạn học kiến thức rất cao siêu nhưng đánh rơi kỹ năng cơ bản”. Qua cách test đơn giản này, anh Thạch loại được nhiều ứng viên.

Tiếp đó, anh Thạch phát cho ứng viên 3 cây bút viết với màu sắc khác nhau và yêu cầu họ vẽ sơ đồ theo chủ đề. Qua đó, anh đánh giá được tư duy logic, sự sáng tạo và khả năng thuyết trình của ứng viên.

Đây chính là kinh nghiệm anh rút ra được sau hơn 4 năm làm tuyển dụng và tuyển được 200 nhân viên và khoảng 800 sinh viên thực tập tại FPT Software. Thông thường, nếu áp dụng đầy đủ các bước và “đủ” chiêu như trên thì anh tự tin là sẽ chọn được khoảng 90% ứng viên “ngồi đúng vị trí”.

Thạch Anh

Ý kiến

()