Chúng ta

Doanh nghiệp CNTT rầm rộ ‘tuyển quân’ tại ĐH FPT

Thứ bảy, 27/7/2013 | 16:48 GMT+7

16 doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam đã mang đến hàng trăm cơ hội việc làm cho sinh viên ĐH FPT trong ngày hội FU Career Day. Chương trình cũng khẳng định cam kết của ĐH FPT là sinh viên ra trường có việc ngay.
> Hàng trăm cơ hội việc làm tại FU Career Day 2013

Vũ Xuân Thạnh, sinh viên năm thứ 4, ĐH FPT kiên nhẫn ngồi ở hàng ghế mà đơn vị tuyển dụng dành cho ứng viên phỏng vấn. Bên cạnh cũng có chục người nữa cũng đang chờ đợi như Thạnh. Trước mặt em là vài chục người đang được phỏng vấn. Gương mặt ai nấy cũng khá thoải mái. Thạnh vì thế cũng bớt lo lắng hơn.

Thạnh bảo, nghe tin trường tổ chức Ngày hội tuyển dụng nên em khấp khởi đến ứng tuyển với mong muốn sẽ tìm được công việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 2013. FPT Software là công ty mà Thạnh nhắm tới.

g

Từ sáng sớm, bất chấp mưa lớn, hàng trăm sinh viên ĐH FPT đã đến tòa nhà Detech tham gia Ngày hội tuyển dụng. Ảnh: Lâm Thao.

“Đây là một cơ hội tốt để em tìm được việc làm. Em hy vọng sẽ có được công việc mình mong muốn. Nếu không em cũng tích lũy được kinh nghiệm cho những lần tiếp theo”, Thạnh bày tỏ.

Nguyện vọng của Thạnh là mong muốn chung của hàng trăm sinh viên ĐH FPT đến với ngày hội tuyển dụng có tên gọi “FU Career Day”, tổ chức tại trụ sở của ĐH FPT, tòa nhà Detech Hà Nội sáng ngày 27/7. Dù trời mưa nặng hạt suốt buổi sáng nhưng tại sảnh chính có khoảng 400 sinh viên tập trung, tham gia chương trình.

“Em thật sự choáng ngợp vì có nhiều đơn vị đến ĐH FPT tham gia tuyển dụng như vậy. Thậm chí em còn bị ‘tắc đường’ đi qua FPT Software”, Nguyễn Trung Tuyến, sinh viên FPT Aptech, nói.

Không phải chỉ Tuyến bất ngờ mà nhiều sinh viên khác cũng tỏ ra thích thú khi thấy rất nhiều doanh nghiệp CNTT lớn ở Việt Nam đến tham gia FU Career Day. Bàn tuyển dụng của các công ty Niteco, Haveynash, EVN, Clever Ads, Viettel, Gameloft, FPT Software, FPT IS… được bố trí hợp lý để mỗi đều có cơ hội phỏng vấn những doanh nghiệp mình quan tâm.

f

Nguyễn Phương Thảo, Ban Nhân sự FPT IS, hướng dẫn sinh viên làm hồ sơ ứng tuyển. Ảnh: Lâm Thao.

Các sinh viên ĐH FPT khá tự tin và hào hứng trước thử thách tuyển dụng nàybởi đây là cơ hội để các em chứng tỏ được bản thân, tích lũy thêm kinh nghiệm và có được việc làm phù hợp. Thực tế, không ít sinh viên đã được các nhà tuyển dụng để mắt tới ngay từ vòng nộp hồ sơ và dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn để thử sức với vị trí mà mình mong muốn.

Theo quan sát của Chúng ta, khu vực đặt bàn tuyển dụng của FPT Software thu hút nhiều sinh viên đến ứng tuyển nhất. Sinh viên đứng chật cứng khu vực tuyển dụng của đơn vị này. Ước tính có khoảng 200 sinh viên gửi hồ sơ cho bộ phận tuyển dụng FPT Software để phóng vấn trực tiếp.

Phó Giám đốc FSU1, FPT Software Hoàng Mạnh Hà cho biết, đơn vị sẽ tuyển khoảng 30-50 sinh viên ĐH FPT trong ngày hội tuyển dụng này. “Có được con số đó đã là một thành công”, anh nói.

Phát triển nguồn lực phụ vực cho việc tăng trưởng hiện là vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp CNTT, trong đó có FPT Software. Theo anh Hà, trong năm 2013, FPT Software sẽ tuyển khoảng 2.000 vị trí. Tuy nhiên, nguồn lực chất lượng cao lại khá khan hiếm.

f

Sinh viên chăm chú nghe trao đổi của các đại diện doanh nghiệp CNTT. Ảnh: Lâm Thao.

Đến tham gia ngày hội tuyển dụng của ĐH FPT lần này, FPT Software không chỉ trao cơ hội việc làm cho sinh viên ĐH FPT mà còn lựa những chiến binh tiềm năng cho những trận đánh lớn tiếp theo. Đại diện FPT Software đánh giá cao về năng lực của sinh viên ĐH FPT về cả kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Anh cũng hoan nghênh việc trường đã chủ động kết nối với doanh nghiệp, làm cầu nối hỗ trợ cho nhiều chiến dịch tuyển dụng nhân sự CNTT chất lượng cao của đơn vị mình.

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong cho hay: “Chỉ tiêu của nhà trường đặt ra là sinh viên phải có việc làm. Tính tới thời điểm này, đã có 5 khóa sinh viên ra trường, trong đó có“ 99% sinh viên có được việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp và 15% sinh viên làm việc tại nước ngoài”, anh nói.

Hiện tại, mức lương khởi điểm trung bình của các em sau 3 tháng tốt nghiệp là 8,2 triệu đồng, một mức lương không tồi với các tân kỹ sư trong bối cảnh hiện nay.

Tại FU Career Day lần này, ĐH FPT cũng giúp sinh viên có được bức tranh từ toàn cảnh đến chi tiết về thị trường việc làm, xu hướng và yêu cầu tuyển dụng hiện nay của ngành CNTT, khi tổ chức talkshow. Các khách mời là CEO, nhân sự cấp cao của các tập đoàn, công ty uy tín trong lĩnh vực CNTT như FPT Software, Rikkei Soft, Smart OSC đã chia sẻ với sinh viên nhiều thông tin bổ ích.

d

Đại diện lãnh đạo của 16 công ty CNTT tại Việt Nam tham gia FU Career Day vào ngày 27/7. Ảnh: Lâm Thao.

Bên cạnh đó, chia sẻ “trong nghề” của những nhà quản lý, tuyển dụng nhân sự tại các doanh nghiệp cũng góp phần làm sáng rõ hình dung của sinh viên về những kỹ năng mình cần bồi đắp, chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn hay ứng tuyển, để có thể tìm được việc làm phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.

Chị Nguyễn Ngọc Mai, chuyên viên tuyển dụng của Niteco, đánh giá Ngày hội tuyển dụng là một chương trình hay. Thông qua chương trình này, Niteco muốn tiếp cận sinh viên ĐH FPT, giới thiệu về doanh nghiệp cũng như yêu cầu tuyển dụng để các sinh viên tìm hiểu và bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết khi đầu quân về Niteco.

Nguyễn Phương Thảo, đại diện của Ban Nhân sự FPT IS, đánh giá FU Career Day là một chương trình thành công, khi làm cầu nối cho doanh nghiệp và ứng viên gặp gỡ và tìm hiểu lẫn nhau. “Công tác chuẩn bị cũng rất chu đáo và bài bản”, chị Thảo nhận xét thêm.

Trong ngày hội, FPT IS lấy thông tin và liên lạc với ứng viên vào tuần kế tiếp để thực hiện phỏng vấn tuyển dụng. “Sinh viên ĐH FPT đang được các doanh nghiệp CNTT săn đón bởi các bạn không chỉ có kiến thức, kỹ năng mềm mà còn có trình độ ngoại ngữ tốt hơn”, đại diện FPT IS, đánh giá.

g

Bộ phận tuyển dụng của FPT Software khá vất vả khi có 200 hồ sơ nộp và phỏng vấn trong ngày 27/7. Ảnh: Lâm Thao.

Ấn tượng của Nguyễn Đình Chung, sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ, đối với chương trình tuyển dụng của ĐH FPT rất tốt. Bởi ở trường, Chung không có chương trình tương tự. Đến tham quan là chủ yếu nhưng Chung cũng hy vọng mình sẽ tìm được cơ hội việc làm ở đây.

Theo anh Phong, không chỉ giải bài toán về nhân lực cho thị trường CNTT, ĐH FPT cũng hợp tác với các doanh nghiệp trong việc xây dựng giáo trình giảng dạy, nhằm cung cấp cho họ đội ngũ phù hợp với nhu cầu. Ngay trong chương trình, ĐH FPT cũng tiến hành gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp để lấy ý kiến về chương trình đào tạo nhằm lắng nghe nhu cầu từ phía doanh nghiệp và cập nhật những xu hướng mới của ngành CNTT.

Trong năm 2012, sau khi nhận những góp ý từ phía doanh nghiệp, ĐH FPT đã bổ sung các chuyên ngành hẹp hiện đang là xu hướng mới trong ngành CNTT như Điện toán đám mây, Lập trình di động, Kỹ sư cầu nối Nhật Bản.

Triệu Mẫn

 

Ý kiến

()