Chúng ta

Cựu sinh viên FPT Arena phát hành tiểu thuyết audio

Thứ ba, 8/1/2013 | 10:10 GMT+7

Lê Xuân Khoa, một trong những cái tên nổi bật trong cộng đồng blogger Việt Nam thế hệ đầu tiên, vừa giới thiệu tiểu thuyết “Lá rơi trong thành phố” bằng một hình thức rất độc đáo ở Việt Nam là truyện audio.
> FPT Arena thắng lớn tại 'Thiết kế khác biệt'

Sinh năm 1983, hiện làm việc trong lĩnh vực Truyền thông và Phát triển cộng đồng, Lê Xuân Khoa được xem là một trong những “tượng đài” của cộng đồng blogger Việt Nam thế hệ đầu tiên cùng với những tên tuổi như Joe, Trang Hạ,... Trang blog Demento của anh luôn nằm trong số 10 blog có lượt xem nhiều nhất trên Yahoo 360 những năm 2007-2008. Không những thế, Xuân Khoa còn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương vì những hoạt động cộng đồng xuất sắc.

Lê Xuân Khoa

Lê Xuân Khoa đã tự thực hiện audio này từ việc thu âm giọng đọc của mình đến biên tập âm thanh và âm nhạc. Ảnh: S.T.

Tiểu thuyết "Lá rơi trong thành phố" xoay quanh cuộc sống của những người trẻ giữa Hà Nội náo nhiệt. Dưới rất nhiều biến chuyển, thăng trầm với tốc độ tên lửa của xã hội đương đại, làm sao giới trẻ có thể dừng lại và biết mình nên đi đâu. Chiếc lá lìa cành là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống. "Bạn có thấy ngoài kia gió to không? Tôi là chiếc lá, và bạn cũng vậy đấy" là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của tác giả.

Chia sẻ về ý tưởng tiểu thuyết bằng audio, Khoa cho biết: "Tôi thích khám phá những điều mới mẻ. Truyện audio chắc chắn có những hạn chế so với truyện chữ. Người đọc truyện chữ có thể nghiền ngẫm từng con chữ nhưng với audio, tôi có thể giao tiếp với những độc giả cách mình rất xa về mặt địa lý và cả những độc giả khiếm thị nữa. Tôi cũng đang cân nhắc kế hoạch xuất bản truyện thành sách".

Bìa tiểu thuyết audio

Bìa tiểu thuyết audio "Lá rơi trong thành phố".

30 tuổi nhưng Khoa vẫn giữ được chất mộc mạc, “trong vắt” thể hiện trong tiểu thuyết của mình. "Chính những trải nghiệm khiến chúng ta hồn nhiên hơn, ít triết lý hơn. Chân lý thực sự rất khó diễn tả bằng lời. Ngôn từ là một trò chơi của tâm trí, nhiều khi nó chẳng có giá trị gì cả. Ngôn ngữ đỉnh cao nhất chính là im lặng. Tôi không đưa ra định luật nào và không ép ai phải nghĩ theo cùng một cách như mình", cậu cho biết.

Đối với Khoa, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, quan trọng là mỗi người tìm thấy bản thân mình. Nhiều người thành công vẫn hoang mang, trống rỗng. Mỗi người đều phải sống để chiều theo ý người khác. Điều đó làm chúng ta kiệt sức và phát điên. "Tôi nghĩ, con người sẽ phải quay vào trong, sớm chừng nào hay chừng ấy. Yêu chính mình, thành thật với chính mình là bước đầu tiên để có một cuộc sống cân bằng", Khoa bộc bạch.

Cậu đã tự thực hiện audio này từ việc thu âm giọng đọc của mình đến biên tập âm thanh và âm nhạc.

Nếu như ở nhiều nước trên thế giới, sách nói đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình thì ở Việt Nam, loại sách này còn khá mới mẻ. Nguyên nhân không phải vì nó mới xuất hiện bởi dòng sách này đã ra đời và tồn tại cách đây hơn 10 năm, mà do những “cuốn” sách chứa âm thanh này âm thầm phục vụ cho một đối tượng đặc biệt - người khiếm thị.

Người nảy ra ý tưởng đưa sách đến với thế giới của người khiếm thị chính là cô gái Nguyễn Hướng Dương, công tác tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM. Từ những lần đến đọc sách cho các em trường Nguyễn Đình Chiểu nghe, Hướng Dương quyết tâm xây dựng kho sách nói dành riêng cho trẻ em khiếm thị.

Sự manh nha của dạng sách nói ở lĩnh vực xuất bản bắt nguồn từ cuốn sách đã từng là “best seller” Chuyện tình New York của cây viết trẻ Hà Kin. 

Năm 2011, 25 đầu CD sách nói đã được phát hành, đó là những tác phẩm văn học của các nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Dương Thụy, Trần Thùy Mai... cùng những cuốn sách nổi tiếng của Thích Nhất Hạnh, Đỗ Hồng Ngọc và cả những cuốn nuôi dưỡng tâm hồn thiếu nhi như Sống đẹp, Tâm hồn cao thượng…

Nam Anh (tổng hợp)

Ý kiến

()