Chúng ta

'Ước mơ vươn tới một ngôi sao'

Thứ năm, 22/3/2012 | 17:01 GMT+7

Giấc mơ được chạm tay tới các vì sao của Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu công nghệ - ĐH FPT, suốt 15 năm qua sắp trở thành sự thật, khi vệ tinh F-1 do anh và các cộng sự chế tạo dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ trong năm nay.
> Trưởng Phòng FSpace được đề cử 10 gương mặt trẻ tiêu biểu / Vũ Trọng Thư giao lưu trực tuyến trên Thanh Niên Online / ‘Tôi mơ vệ tinh F1 sẽ phóng thành công lên quỹ đạo’

Vũ Trọng Thư không phải là một kỹ sư điện tử - viễn thông hay công nghệ thông tin, mà chỉ mày mò tự học về công nghệ vũ trụ. Khi còn là sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất, anh đã đến phỏng vấn và về đầu quân cho Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) năm 2003 ở nhóm G5. Thế rồi, cùng với nhóm cộng sự gồm các kỹ sư trẻ và sinh viên, suốt bốn năm qua, anh lại dành toàn bộ tâm sức cho một công việc tưởng chừng như rất viển vông - chế tạo vệ tinh F-1.

Thư bảo: “Đó là một câu chuyện dài”. Anh bắt đầu “theo đuổi” bầu trời từ khi còn học lớp 10. Chính những hình ảnh bề mặt sao Hỏa truyền về từ tàu đổ bộ Mars Pathfinder 97 của NASA trên chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam đã khiến cậu tò mò. Thư bắt đầu tìm hiểu thêm thông tin về lĩnh vực mới mẻ này qua sách báo, Internet và các diễn đàn.

Không dừng lại ở việc nghiên cứu “chay”, Thư đã tự mày mò chế tạo một chiếc kính thiên văn tí hon đầu tiên với độ phóng đại 3 lần để thỏa mãn trí tò mò của mình. Sau đó, anh lại học cách cải tiến để làm những chiếc khác có độ phóng đại lớn và tốt hơn. Và Thư được nhìn thấy cả những vệ tinh của sao Mộc, cái vành của sao Thổ, các dãy núi trên Mặt trăng, các hố thiên thạch lỗ chỗ, thậm chí đan xen vào nhau...

Vũ Trọng Thư (bên phải) giới thiệu về FSpace và vệ tinh F1 với GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: NVCC.

Vũ Trọng Thư (bên phải) giới thiệu về FSpace và vệ tinh F1 với GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: NVCC.

Nuôi niềm say mê ấy, Thư cùng các bạn đã thành lập CLB Thiên văn học trên diễn đàn Trí tuệ Việt Nam Online. Ra đời từ năm 2002 đến nay, CLB này vẫn đang hoạt động tốt và có thêm nhiều “chi nhánh” ở nhiều tỉnh thành, nhờ những người có cùng “tình yêu” với bầu trời. Là thành viên của các CLB Thiên văn học, Vô tuyến điện nghiệp dư, Vũ Trọng Thư đã tranh thủ được rất nhiều sự ủng hộ của các thầy và bạn bè có chung niềm đam mê, cả trong nước và ở nước ngoài.

Nhờ theo dõi các thông tin chuyên ngành về xu thế chế tạo vệ tinh nhỏ trên thế giới và bị thuyết phục bởi ý tưởng CubeSat do giáo sư Bob Twiggs, trường ĐH Standford, Mỹ khởi xướng, Thư quyết định rời bỏ công việc lập trình để chuyên tâm cho dự án chế tạo vệ tinh nhỏ mang tên F-1. Nhiều người, kể cả một số lãnh đạo FPT đã bảo anh “viển vông”, Thư chỉ nói: “Con đường nghiên cứu khoa học như một chuyến du hành dài trên miền đất mới”.

“Có lẽ niềm tin rằng việc mình làm sẽ có ích cho đất nước trong tương lai là động lực chính giúp tôi vượt qua được các khó khăn. Đối với tôi, thách thức lớn nhất là giữ được niềm tin và không bỏ cuộc giữa chừng”, anh tâm sự.

Hoài bão lớn của Thư và các cộng sự cuối cùng đã được lãnh đạo FPT đặt lên “bệ phóng”. Sau buổi họp ngày 13/11/2008, Phòng nghiên cứu không gian FSpace được thành lập với nhiệm vụ thực hiện dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1 CubeSat tiến tới làm chủ quy trình công nghệ chế tạo các vệ tinh nhỏ dưới 50kg. Các thành viên trong nhóm như cá gặp nước, mọi người hừng hực bắt tay vào triển khai.

Vũ Trọng Thư trong một chuyến công tác nước ngoài. Ảnh: Quốc Trí.

Vũ Trọng Thư (áo trắng) trong một chuyến công tác nước ngoài. Ảnh: Quốc Trí.

Trong thời gian này, anh đã đi nhiều nơi, tham gia vào các cuộc hội thảo tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Áo, CH Czech, Nam Phi… để trình bày về dự án F-1 và học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế. Anh cũng nhận được liên tiếp học bổng của Liên đoàn Vũ trụ Quốc tế IAF, được Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) mời tham dự khóa học “Frontiers of Space Sciences” và nhận học bổng tham dự khóa học Space Studies Program tại trường Đại học Vũ trụ quốc tế ISU ở Strasbourg (Pháp)…

Trong suy nghĩ của Thư, nghiên cứu khoa học phải áp dụng được vào cuộc sống, nếu không “thà đừng làm còn hơn”. Do đó, hầu hết nghiên cứu của anh và cộng sự đều đặt yếu tố khả dụng lên đầu.

Thư coi đó là động lực để tiếp tục nghiên cứu, với tin tưởng rằng khi mình làm chủ được công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ thì trong tương lai sẽ có nhiều ứng dụng ở Việt Nam. “Trên đường đi gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng khi vượt qua được thì cũng vui. Tôi chưa bao giờ thấy chán công việc của mình cả”, anh chia sẻ.

Tháng 4/2010, sau nhiều thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, nhóm FSpace đã thử nghiệm phương thức điều chế tín hiệu số tiên tiến để liên lạc thành công bằng vô tuyến điện qua phản xạ bề mặt Mặt trăng (hay Earth-Moon-Earth com­munication) với một số trạm radio ở Mỹ, Nga và Hà Lan. Anh tâm sự với các đồng nghiệp: “Chúng ta đã liên lạc được tới Mặt trăng, thì lẽ nào lại không áp dụng công nghệ mới này cho biển Đông được?”.

Vũ Trọng Thư cùng đồng đội nhận giải Nhất cuộc thi thiết kế giải pháp cứu

Vũ Trọng Thư cùng đồng đội nhận giải Nhất cuộc thi thiết kế giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do EADS tổ chức. Ảnh: NVCC.

Dựa vào các kết quả này, mới đây, Vũ Trọng Thư và cộng sự đã tham gia và giành giải Nhất cuộc thi thiết kế giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn Hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu EADS tổ chức tại Việt Nam. Ngay sau đó, anh được giáo sư Nakasuka Shinichi, khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Tokyo (Nhật Bản), mời tham gia dự án UNIFORM chế tạo chùm vệ tinh nhỏ 50 kg có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo cháy rừng sớm. Phía Việt Nam có thể tham gia dự án ở phần khâu chế tạo và thử nghiệm vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất thu tín hiệu từ vệ tinh cũng như phát triển hệ thống lưu trữ, phân phối thông tin đến người dùng. “Nước mình năm nào cũng bị cháy rừng mất mấy ngàn hecta nên nếu có hệ thống cảnh báo sớm thì có thể góp phần làm giảm thiệt hại...”, anh cho biết.

Vũ Trọng Thư sinh năm 1982, hiện là Trưởng Phòng FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ thuộc ĐH FPT.

Thư thích đọc về lịch sử Việt Nam và thế giới, xem chương trình Discovery hay Modern Marvels, lái máy bay mô phỏng trên PC, đi bơi… thích chơi điện tử để giúp xả stress. Anh có thói quen ghi nhật ký hằng ngày.

Thư có niềm đam mê đặc biệt với bầu trời. Anh là một trong những thành viên sáng lập CLB Thiên văn học trên diễn đàn Trí tuệ Việt Nam Online.

Dự kiến, vệ tinh nhỏ F-1 CubeSat do FSpace chế tạo sẽ được phóng lên vũ trụ trong năm 2012 trên tàu vận tải HTV-3/HII-A của JAXA.

Hiện tại, ước mơ của anh là vệ tinh F-1 sẽ vượt qua được vòng kiểm tra độ an toàn bay (flight safety review) của JAXA và được phóng thành công lên quỹ đạo trong năm 2012.

Mục tiêu tối thiểu của vệ tinh F-1 là phải “sống” được trong môi trường không gian ít nhất một tháng và liên lạc (gửi/nhận) được với trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây.

Nếu các yêu cầu này được hoàn thành, vệ tinh mới được thử nghiệm các tính năng phức tạp hơn như thử nghiệm cảm biến từ trường 3 trục (dùng cho module xác định và điều khiển tư thế vệ tinh sau này), chức năng trung chuyển gói tin SMS hay thử nghiệm phần mềm “thông minh”…

Dự án chế tạo vệ tinh F-1 đang đi vào giai đoạn cuối cùng - chế tạo mô hình bay (Flight Model) và tiến hành các thử nghiệm để đảm bảo vệ tinh sẽ hoạt động được trong môi trường không gian.

Bên cạnh các thử nghiệm về mặt chức năng, dự án sẽ tiến hành thử nghiệm nhiệt chân không, rung động, sốc (khi phóng tên lửa) hay cho vệ tinh hoạt động liên tục trong thời gian dài để đảm bảo độ tin cậy.

Dự án chế tạo vệ tinh F-1 là dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam nên có rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc lựa chọn, đàm phán và trao đổi với đối tác nước ngoài tìm cơ hội phóng F-1 cũng không phải là việc dễ dàng.

“Trong quá trình làm việc mình không được đến tận nơi, không được nhìn tận mắt tên lửa mà chỉ trao đổi các thông số kỹ thuật qua e-mail. Do vậy, phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn an toàn bay của tên lửa nước ngoài cũng như đảm bảo việc lắp ghép vệ tinh lên tên lửa sau này diễn ra suôn sẻ là một thách thức rất lớn”, Thư nói.

Tuy nhiên, nhờ được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và có đội ngũ trẻ, nhiệt huyết nên dự án đã vượt qua được những khó khăn.

Nếu vệ tinh được phóng thành công, sẽ là minh chứng cho việc người Việt Nam có khả năng làm chủ quy trình công nghệ chế tạo một vệ tinh nhỏ CubeSat từ ý tưởng, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm đến thuê phóng và vận hành trên quỹ đạo.

“Việc này sẽ tạo tiền đề để chúng ta tự chế tạo được những vệ tinh lớn hơn, có ứng dụng thực tiễn hơn như phục vụ nghiên cứu khoa học, giám sát tàu biển, viễn thám... Ngoài ra, tôi tin tưởng việc này cũng sẽ có tác dụng tích cực đến các bạn trẻ, khuyến khích tinh thần say mê nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên”, Thư tin tưởng.

Nhờ niềm say mê khoa học, mới đây, Thư được chọn là một trong 20 ứng cử viên gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011, ở lĩnh vực Nghiên cứu khoa học - Sáng tạo.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()