Chúng ta

'Bác Văn hội đủ 3 phẩm chất chiến tướng, văn tướng, nhân tướng'

Thứ hai, 7/10/2013 | 17:20 GMT+7

Những cuộc gặp gỡ với bác Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - có ý nghĩa lớn hơn nhiều một cuộc trò chuyện, nó mang tính chất của một nghi thức “truyền lửa” dù hình thức rất giản dị.
> 'Mong có tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình' / Người FPT tiễn biệt Tướng Giáp trên Facebook / Hình ảnh Tướng Giáp trong lòng người FPT / Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

Có một cái gì đó thật kỳ lạ khi những người trẻ chúng tôi đến Mỹ, đứng trong trụ sở hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới ở Seattle, nhìn chiếc B52 và nghĩ về cha anh, về “bác Văn của chúng tôi” - những người đã bắn rơi B52, chiến thắng trong cuộc chiến tranh.

Trong gia đình chúng tôi, bác Văn hiện diện từ rất lâu, gần gũi với tất cả thành viên qua câu chuyện hằng ngày của cha tôi - Tướng Hoàng Đan. Cha tôi đã đi qua 3 cuộc chiến tranh, đã chiến đấu với cả lính lê dương Pháp, lính thủy đánh bộ Mỹ và lính sơn cước Trung Quốc trong chiến tranh biên giới. Tuy ông không bao giờ nói ra nhưng ở ông ngầm toát ra cái kiêu hùng của một vị tướng thắng trận. Nhưng lúc nào nhắc đến bác Văn, ông cũng một mực tôn kính và yêu thương.

Tướng Hoàng Đan (ngoài cùng bên trái) - thân phụ anh Hoàng Nam Tiến chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và

Tướng Hoàng Đan (ngoài cùng bên trái) - thân phụ anh Hoàng Nam Tiến - chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Trọng Tấn năm 1976. Ảnh: FB Hoàng Nam Tiến.

“Quân đội có 3 kiểu tướng: Chiến tướng, Văn tướng, Nhân tướng. Bác Văn là người duy nhất hội đủ cả 3 phẩm chất tướng đó”, ông nói. Và chúng tôi từ bé đã biết về một bác Văn - Võ Nguyên Giáp như vậy.

Trưởng thành, gia nhập FPT, một công ty công nghệ, may mắn có mối liên hệ thân quen mang tính gia đình với bác Văn, tôi cũng thừa hưởng luôn được một nét độc đáo trong “Văn hóa FPT”: Hằng năm, đều đặn vào các ngày 7/5 (chiến thắng Điện Biên Phủ), 25/8 (sinh nhật Đại tướng), 22/12 (thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam), chúng tôi đều đến chúc mừng Đại tướng, được bác Văn và các thành viên trong gia đình trò chuyện thân mật. Những cuộc gặp gỡ với bác Văn có ý nghĩa lớn hơn nhiều một cuộc trò chuyện, nó mang tính chất của một nghi thức “truyền lửa” dù hình thức rất giản dị.

Đại tướng có sức lôi cuốn với những thanh niên lớn lên không biết bom đạn và hăm hở với những giấc mơ du học hay làm phần mềm bán cho “xứ giàu”. Bởi phàm những con người có nhân cách lớn, có một cuộc đời vĩ đại tự tỏa ra một sức hấp dẫn lớn với người xung quanh, với cộng đồng, với xã hội. Đại tướng lại càng như vậy.

Chúng tôi có nhiều “cơ duyên” gặp bác Văn và được bác hỏi han, lắng nghe, chia sẻ, khuyến khích tiến công vào CNTT, một lĩnh vực hồi đó còn quá xa lạ mới mẻ ở Việt Nam. Các anh Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Thành Nam… được bác Văn trò chuyện nhiều hơn. Chúng tôi thuộc thế hệ sau nhưng cũng kịp được nghe và chia sẻ với những ý tưởng lớn lao và đi trước thời đại của bác.

Rất lạ là lúc đó bác đã hơn 80 tuổi, không dùng máy tính, nhưng qua những câu chuyện với con cháu, bác thấu hiểu được nguyên lý phát triển của CNTT và khẳng định: Đi theo hướng phát triển CNTT là thích hợp với điều kiện của xã hội và tố chất con người Việt Nam. Chúng ta nghèo, không thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngay một lúc. CNTT bắt đầu từ cái đầu, từ con người. Người Việt Nam uyển chuyển linh hoạt, thông minh và thích ứng nhanh.

Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ cảm xúc khi tham gia chương trình

Anh Hoàng Nam Tiến (ngoài cùng bên phải), Chủ tịch FPT Software, chia sẻ cảm xúc khi tham gia chương trình "Đêm ký ức trong vườn nhà Đại tướng", tổ chức vào ngày Quốc khánh vừa qua. Ảnh: C.T.

Bác cũng nói: CNTT là công nghệ mới nhất, vì vậy nó cần những người trẻ nhất. Tuổi trẻ lại là lực lượng xã hội có nhiều ước mơ, hoài bão, khát khao nhất để thay đổi cuộc sống, thay đổi bản thân. FPT thích hợp với tất cả những điều đó.

Càng ngày, tôi càng thấy những điều “ông già” nói là chính xác lạ lùng: Đúng là CNTT trên thế giới biến đổi nhanh chóng mặt, theo chu kỳ 6 tháng, máy móc thay đổi, phầm mềm thay đổi, môi trường thay đổi, đòi hỏi con người phải có khả năng học hỏi để biến đổi và thích ứng không ngừng. May mắn là FPT Software đã hiểu được, lường được và được chuẩn bị để đối phó và thích ứng.

“Tinh thần Võ Nguyên Giáp” còn có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của FPT. Tập đoàn có hẳn một bài giảng “kinh điển” do các lãnh đạo đàn anh soạn và tất cả các quản lý cấp dưới đều phải học thuộc lòng mang tên “Chiến tranh nhân dân áp dụng trong kinh doanh”.

Bài giảng dài và có nhiều thuật ngữ chuyên môn, nhưng nguyên tắc chung là: Khi chúng ta gặp khách hàng, không phải người lãnh đạo đang đứng ra đàm phán, mà mỗi vị trí đều phải chinh phục khách hàng, từ lễ tân, bán hàng, người viết phần mềm, kỹ thuật viên, người quản lý, thậm chí nhân viên vệ sinh… tất cả đều góp phần làm nên “chiến thắng”. Đường lối “chiến tranh nhân dân” của bác Văn đã được chúng tôi vận dụng thời bình như vậy.

Còn phong cách sống? Phải nói là bác Văn và những người lính của bác như ba tôi tạo cảm hứng sống cho chúng tôi nhiều lắm. Cái này không dễ đo đếm được. Nhưng mỗi khi ra nước ngoài lại nhớ đến cả một quá khứ bi hùng mà bác Văn và cha anh đã chiến đấu với quân đội Pháp, Nhật, Mỹ, mà giờ đây mình đang thương lượng làm ăn với họ, “chinh phục” họ, có một niềm tự hào khó giấu.

Khi tôi đến trụ sở hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới ở Seattle, Mỹ - nơi trưng bày rất nhiều máy bay mà chỉ nghe tên thôi - đã thức dậy trong tâm trí người Việt Nam biết bao nỗi buồn đau, xúc động và cả tự hào. B52 - một cảm xúc thật khó tả dâng lên. Tôi nhớ trong những câu chuyện của ba tôi - người chỉ huy chiến dịch Khe Sanh năm 1968, bầu trời Khe Sanh thời đó lúc nào cũng đầy tiếng B52 gầm rú, những chiếc B52 thả xuống hàng nghìn tấn bom suốt cả tháng trời. B52 ám ảnh những người như ba tôi suốt đời. Và giờ tôi đứng đây, thương thảo hợp đồng viết phần mềm quản lý cho hãng máy bay này. Có một sự tiếp nối, dù đường đi đã khác, nhưng tôi nghĩ vẫn là tinh thần ấy, cách nghĩ ấy, cảm hứng sống ấy, từ những người như bác Văn và đồng đội, chiến sĩ của ông.

Hoàng Nam Tiến

Ý kiến

()