Chúng ta

'Ao làng hay biển lớn đều là cơ hội cho FPT phát triển'

Thứ sáu, 18/4/2014 | 11:21 GMT+7

“Người FPT hãy mạnh dạn dấn thân vào con đường hội nhập, có nhảy xuống nước mới biết là "ao làng" hay "biển lớn". Dấn thân có thể sẽ phải trả giá nhưng không thử thì không có gì", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
> Khắc phục lối sinh hoạt 'ao làng' ở sân chơi quốc tế

Đúng như dự đoán, buổi chia sẻ chiều ngày 17/4 của nhà sử học Dương Trung Quốc về chủ đề “ Người Việt từ ao làng ra biển lớn” đã thu hút hàng trăm khán giả về tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, tham dự. Chưa đến 18h nhưng khán phòng đã không còn chỗ trống, BTC phải huy động ghế cho những người đến sau.

a

Rất đông khán giả đã đến dự buổi nói chuyện với nhà sử học nổi tiếng.

Với những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề lịch xử, xã hội, ông đã cung cấp thêm những góc nhìn mới về tính cách người Việt.

Theo ông, trong lịch sử, người Việt có tính ứng biến rõ nét. Ở thời kỳ Bắc thuộc, chúng ta đã dần chọn cách “ứng xử” thích hợp với nền văn minh Trung Hoa thay vì hoàn toàn bác bỏ. Cha ông gạn lọc những nét tinh tế để học tập và phát triển thành văn hóa của riêng mình. Người Việt đã tạo ra chữ Nôm dựa vào chữ Hán, sau đó chọn chữ Latin để cách ly dần người phương Bắc, tiếp cận với văn minh phi Trung Hoa. Điều đó đã tạo ra văn hóa cạnh tranh.

a

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh tính ứng biến của người Việt.

Với nhiều câu chuyện lịch sử thú vị từ xa xưa, nhà sử học nhận định: “Người Việt Nam tưởng như rất cổ điển nhưng khi thấy cái lợi, cái hay thì thay đổi rất nhanh. Chính cách ứng biến đó khiến văn hóa Việt Nam có sự kết hợp, tiếp thu hài hòa từ văn hóa Đông Tây. Song tính ứng biến có hai mặt, có thể khiến chúng ta thụ động nhưng đôi khi cũng thúc đẩy sự sáng tạo, linh hoạt”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng người Việt có chủ nghĩa dân tộc đáng quý nhưng khi tinh thần dân tộc quá cao dễ dẫn đến cực đoan. Với vị trí địa lý đặc biệt, chúng ta có điều kiện tiếp xúc với phương Tây từ rất sớm nhưng do nhu cầu "tồn tại" nhiều hơn là "phát triển" nên cuối cùng người Việt đã "khước từ" nhiều cơ hội để vươn lên.

Do vậy, nhà sử học khuyên các bạn trẻ ngày nay cần tích cực tham gia vào quá trình hội nhập càng rộng, càng sâu sắc càng tốt. Đó chính là cơ hội học tập, tiếp thu những tinh hoa để phát triển, hoàn thiện mình. “Người Trung Quốc rất thành công trong việc đưa học sinh đi du học ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là cách gần nhất để học hỏi nền văn minh của nước bạn”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm bước ra thế giới của anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược FPT, "toàn cầu hóa không chỉ là ra nước ngoài mà còn ngay chính sân nhà", nhà sử học cũng cho rằng, chúng ta có thể “xuất cảnh tại chỗ” để học “thiên hạ” vì quá trình học hỏi nào cũng là hội nhập.

a

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc cho rằng phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có quy trình chặt chẽ để ra biển lớn. 

Trước những đặc tính của người Việt mà ông Dương Trung Quốc đã chỉ ra, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đưa ra bài học: “Toàn cầu hóa ở FPT là mang dịch vụ công nghệ cao ra thế giới nên phải biết chúng ta là ai, quốc gia khác như thế nào để ứng xử thích hợp. Nếu muốn làm việc với người Nhật hay người Đức cần phải nắm rõ văn hóa, tính cách của họ. Thay vì có sự cố mới ứng biến, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có quy trình chặt chẽ để ra "biển lớn" vì đây là trận đánh rất quan trọng”.

Nhà sử học cũng bổ sung: "Muốn hội nhập phải học hỏi "thiên hạ" song phải giữ cái hay, cái tốt của riêng mình để hòa nhập nhưng không bị hòa tan. Cứ học hoàn toàn theo cách của người Đức, người Nhật chưa chắc đã thắng mà cần giữ nét văn hóa riêng vì người toàn cầu hóa đi tiếp cận với cái mới nhưng bản chất vẫn liên kết với nhau bằng quan hệ cũ”.

Trước băn khoăn của một khán giả về xây dựng văn hóa công ty trong thời hội nhập, ông nhấn mạnh: “Cần tránh hình thành các nhóm liên kết với nhau vì lợi ích hay quan hệ địa phương vì nó tuy kết cấu chặt nhưng không bền vững. Nên gắn kết với nhau bằng tình cảm, xây dựng văn hóa theo tinh thần gia đình mới lâu dài, bền chặt”.

Nhiều người FPT đã có hơn chục năm onsite “chinh chiến” ở nước ngoài cũng chia sẻ những lo lắng về điểm yếu của người Việt như trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và chưa am hiểu văn hóa nước bạn khiến chúng ta mất nhiều cơ hội tiềm năng. Để khắc phục điều đó, ông Quốc cho rằng phải nhìn lại hệ thống giá trị cốt lõi của giáo dục, giao tiếp, có trải nghiệm mới rút ra bài học để sửa đổi, hoàn thiện.

a

"Từ ao làng ra biển lớn là cơ hội để FPT phát triển nhưng từ biển lớn về ao làng cũng là một thử thách", nhà sử học cho biết.

Sau gần hai giờ chia sẻ, nhà sử học đã mang lại cái nhìn toàn diện hơn về tính cách người Việt và bối cảnh toàn cầu hóa. Ông nhắn nhủ: “Người FPT hãy mạnh dạn dấn thân vào con đường hội nhập, có nhảy xuống nước mới biết là "ao làng" hay "biển lớn". Dấn thân có thể sẽ phải trả giá nhưng không thử thì không có gì. Quan trọng là chúng ta có đủ hành trang, ứng biến linh hoạt và phát huy sức mạnh từ những điều bình dị trong cuộc sống. Từ ao làng ra biển lớn là cơ hội để FPT phát triển nhưng từ biển lớn về ao làng cũng là một thử thách. Cả hai đều là cơ hội cho FPT".

Nhà sử học Dương Trung Quốc vốn có mối quan hệ thân tình với FPT. Ông đã tham gia nhiều sinh hoạt như một thành viên thân thiết. “Không biết những ý kiến của tôi giúp ích cho các bạn như thế nào nhưng tôi vẫn mong muốn được lắng nghe, học hỏi lại từ chính những câu chuyện của các bạn. Tôi thấy người FPT không chỉ biết đến khoa học công nghệ mà còn rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, biết cách học hỏi nhiều ở góc độ khác nhau, tư duy chính xác, đề cập đến những vấn đề bản chất. Tôi cũng cảm nhận sự khao khát của các bạn, hỏi để hành động và thành công”, ông nói.

Đến với chương trình từ rất sớm và ngồi lại đến phút cuối, anh Cao Quang Minh, Quản lý FPT Shop Lạc Long Quân, Hà Nội, mong muốn lắng nghe những lời khuyên của nhà sử học Dương Trung Quốc để bước ra sân chơi toàn cầu, song anh cho rằng do chủ đề quá rộng nên khó tập trung vào FPT. “Tuy nhiên, những vấn đề bác chia sẻ rất hay, hữu ích và sâu sắc, giúp người nghe có cái nhìn rõ và bao quát hơn về các vấn đề kinh tế, chính trị - xã hội. Đặc biệt, những phân tích của diễn giả về tính ứng biến của người Việt hay và thú vị, giúp chúng ta có bài học thiết thực trong quá trình toàn cầu hóa”, anh nhìn nhận.

Tây Hạ

Ý kiến

()