Chúng ta

Khắc phục lối sinh hoạt 'ao làng' ở sân chơi quốc tế

Thứ tư, 16/4/2014 | 23:30 GMT+7

Tham dự FLI Club tháng 4, nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ đưa ra những kiến thức hữu ích để khắc phục nhược điểm, hoàn thiện hành trang cho người FPT bước ra sân chơi toàn cầu.
> Nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ đường ra 'biển lớn'

Trong thời đại hội nhập, việc phát triển nội lực bản thân, khai thác hiệu quả những tố chất tốt của người Việt là yếu tố quan trọng để đạt được thành công khi ra “biển lớn”.

a

Khai thác hiệu quả những tố chất tốt của người Việt là yếu tố quan trọng để đạt được thành công khi ra “biển lớn”. Ảnh: Internet.

Toàn cầu hóa đang là định hướng chiến lược của FPT nên từ cuối năm ngoái, FLI đã có chuỗi chương trình xoay quanh chủ đề này. Buổi chia sẻ về văn hóa, tính cách, bí quyết khắc phục nhược điểm người Việt lần này nhằm giúp người FPT có thêm kiến thức hữu ích trên sân chơi quốc tế.

Ông Dương Trung Quốc sinh năm 1947, quê ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là một nhà sử học và đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII của tỉnh Đồng Nai. Ông còn là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay, Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội.

Theo đại diện BTC, vì chủ đề người Việt vừa ở góc độ lịch sử, nghiên cứu văn hóa, vừa bàn về các vấn đề của người Việt hiện đại nên FLI đã mời nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông có kiến thức uyên thâm về văn hóa, lịch sử Việt Nam, đồng thời là người luôn bám sát các vấn đề thời sự trong nước với nhiều đóng góp hữu ích.

Nhà sử học còn nổi tiếng bởi những phát biểu thẳng thắn của mình trong các kỳ họp quốc hội về biển Đông, bauxite, văn hóa từ chức, chống tham nhũng... Những vấn đề ông lên tiếng bao giờ cũng làm "nóng" nghị trường với những nhận định sắc sảo và trách nhiệm.

Trong buổi sinh hoạt FLI Club ngày 17/4 nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ phân tích về tính cách người Việt - một chủ đề khó nhưng đầy thú vị với tất cả các nhà nghiên cứu. Trong đó, ông sẽ tập trung phân tích những ưu điểm, nhược điểm đặc trưng của người Việt, lý giải những "nghịch lý" tồn tại trong mỗi chúng ta như tố chất anh hùng, yêu nước nhưng ích kỷ, đố kỵ, cơ hội... và chỉ rõ nguồn gốc tạo nên những đặc tính đó.

a

Nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ phân tích về tính cách người Việt và chỉ đường ra "biển lớn". Ảnh: Internet.

Đây là những phân tích, nghiên cứu rất quan trọng để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về con người, từ đó biết cách phát huy điểm mạnh, khuyến khích những tố chất tốt của nhân viên để phục vụ cho sự nghiệp phát triển. Đó cũng là những kiến thức cần thiết, quan trọng cho chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Những chia sẻ thú vị về người Việt trong hành trình từ "ao làng" ra "biển lớn" của nhà sử học sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm hữu ích.

Ông sẽ phân tích lý do vì sao người Việt vẫn còn tâm lý e ngại, thiếu tự tin khi bước ra sân chơi toàn cầu, ưu điểm, tham vọng ra biển lớn của chúng ta trong lịch sử và chỉ rõ cách sinh hoạt truyền thống kiểu "ao làng" đang cản trở người Việt như thế nào ở sân chơi quốc tế. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm và những kiến thức sâu rộng, nhà sử học sẽ vén bức màn về cách nhìn của thế giới với người Việt và chia sẻ một vài một vài lời khuyên hữu ích cho FPT.

Ngoài ra, chương trình là diễn đàn mở cho chính người FPT - những người chinh chiến trong công cuộc toàn cầu hóa cùng chia sẻ cảm nhận, trải nghiệm cá nhân về ưu điểm, hạn chế của người Việt khi bước ra thế giới.

Vì chủ đề gắn bó thiết thực với chiến lược toàn cầu hóa của FPT nên thu hút được sự quan tâm của nhiều CBNV. Tính đến trưa ngày 16/4, gần 100 người đã đăng ký tham dự. "Tôi mong được nghe những giải pháp mang tính khả thi, một ý tưởng rõ ràng về con đường toàn cầu hóa và nhất là ý kiến cụ thể được đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm của chính nhà sử học Dương Trung Quốc để giúp người Việt thành công trên sân chơi quốc tế", anh Đặng Đình Trung, FPT IS, bày tỏ.

FLI Club tháng 4 với chủ đề "Người Việt từ ao làng ra biển lớn” sẽ diễn ra từ 18h đến 20h ngày 17/4 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Tây Hạ

Ý kiến

()