Chúng ta

TS. Alan Phan: 'Làm ăn với Mỹ phải biết mình biết người'

Thứ ba, 30/9/2014 | 09:09 GMT+7

"Muốn đàm phán với người Mỹ, các bạn nên 'biết người biết mình', xác định mục tiêu ưu tiên, nghe nhiều hơn nói, kiên nhẫn và im lặng, luôn luôn lấn sân, sáng tạo và mềm mỏng", TS. Alan Phan chia sẻ với các lãnh đạo FPT.
> Khai giảng khóa văn hóa kinh doanh Mỹ

Ngày 26-27/9, 39 lãnh đạo, quản lý cao cấp của FPT đã tham gia khóa văn hóa kinh doanh Mỹ do Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức, tại khách sạn Crowne Plaza, 36 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Hà Nội.

Trong ngày đầu tiên, học viên đã được tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, kinh doanh, giao tiếp với người Mỹ và kinh doanh ở đất nước cờ hoa này. Với phong thái điềm đạm, cách nói chuyện từ tốn, dễ hiều và kinh nghiệm 42 năm làm việc ở Mỹ, TS. Alan Phan đã mang lại những kiến thức đáng quý cho người FPT.

al-490-202054-1413031584.jpg

Tiễn sĩ Alan Phan bộc lộ đúng nét văn hóa của người Mỹ.

"Người Mỹ rất đơn giản, như cuốn sách mở, không có thủ đoạn, rất thoải mái. Tôi từng có hàng nghìn nhân viên Mỹ, họ muốn gì nói đấy, không nề hà gì. Có khi tôi họp, thư ký cũng giơ tay phát biểu, không như văn hóa Việt Nam chỉ lãnh đạo nói hay như người Trung Quốc luôn bí hiểm, không bộc lộ ra ngoài", ông cho hay.

Theo ông, văn hóa đầu tiên của Mỹ là sự cởi mở, năng động, luôn thay đổi, không bao giờ đứng yên. Nền văn hóa này đang đồng hóa nhưng vẫn có nét đặc trưng vì địa lý rộng và khác biệt. Việc nhập cư ngày càng nhiều khiến cơ cấu dân số và văn hóa thay đổi.

Nền chính trị Mỹ cũng liên tục chuyển đổi từ tiến bộ sang bảo thủ và ngược lại. Quyền lực luôn phân chia, không tập trung vào tay ai. Kinh tế hội tụ thành tựu của những người nhập cư tài giỏi, là cái nôi thu hút nhân tài thế giới. Nhờ có an sinh xã hội và trợ cấp thất nghiệp tốt nên người Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi kinh doanh, dám nghĩ dám làm và tạo ra nhiều thành quả hơn. Đặc biệt, họ coi trọng công việc và tiền bạc vì cho rằng nó giúp con người trở nên giá trị.

Bên cạnh đó, nền giáo dục tốt góp phần làm nên địa vị siêu cường của xứ cờ hoa. Từ lớp 1-12, học sinh được học miễn phí dưới sự đảm bảo của chính quyền địa phương. Đến đại học, chính phủ không can thiệp, chỉ lo việc tài trợ học bổng cho sinh viên, các em được tự do học tập, tạo thành nền giáo dục tự trị.

al-2-670618-1413031584.jpg

TS. Alan Phan đã mang đến những câu chuyện thực tế và cái nhìn mới về văn hóa kinh doanh Mỹ cho người FPT.

TS. Alan Phan cũng chia sẻ cách giao tiếp với cá nhân và tổ chức ở Mỹ, những điều nên và không nên để thuận lợi hơn trong công việc. "Khi gặp gỡ, bạn không nên hỏi về các vấn đề chính trị tôn giáo, cá nhân, không dùng thuốc lá và rượu, không nhắn tin hay nghe điện thoại trong cuộc họp. Người Mỹ thích lịch sự và văn minh, chú trọng vệ sinh cá nhân và thường hay quan sát tại bàn ăn", ông nhấn mạnh.

Khi giao tiếp với tổ chức, cần hội nhập vào môi trường, am hiểu một số môn thể thao giải trí, tìm “đồng chí” để chia sẻ đam mê, học và hỏi, sáng tạo và chia sẻ, minh bạch và trung thực.

Để phát triển kinh doanh với công dân xứ cờ hoa, ông khuyên người FPT cần nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm về văn hóa nghệ thuật, cá tính năng động sáng tạo, làm việc cần cù kiên nhẫn.

"Muốn đàm phán với người Mỹ, các bạn nên "biết người biết mình", xác định mục tiêu ưu tiên, nghe nhiều hơn nói, kiên nhẫn và im lặng, luôn luôn lấn sân, sáng tạo và mềm mỏng...", tiến sĩ cho hay.

Xen kẽ phần giảng của TS. Alan Phan, nhiều CBNV đã tham gia giao lưu sôi nổi về cơ hội làm việc với người Mỹ, cách tiếp cận văn hóa địa phương nhanh nhất, giá trị cốt lõi người Mỹ tìm kiếm, mặt trái hoặc điểm yếu của họ...

a

Luật sư Minh Trí đến trao đổi trực tiếp với từng nhóm về các vấn đề thắc mắc.

Buổi học thứ hai với luật sư cao cấp Quách Minh Trí, Công ty TNHH Luật Quốc tế BMVN, cũng không kém phần thú vị. Học viên được cung cấp thêm kiến thức nền quan trọng cũng như ví dụ thực tế về môi trường kinh doanh ở Mỹ như: Hệ thống pháp luật, cácđối tượng kinh doanh, việc làm và lao động, sở hữu trí tuệ, bảo mật dữ liệu, luật phòng chống tham nhũng và những điều cần lưu ý.

Luật sư luôn nhấn mạnh "luật pháp Mỹ như một rừng cây" vì đây là đất nước liên bang, có rất nhiều bộ luật riêng khiến kinh doanh khó khăn, nhiều kiện tụng, môi trường pháp lý phức tạp, nhiều trách nhiệm với các nhà xuất khẩu. Từ đó, luật sư đã cung cấp thêm kinh nghiệm trong việc thuê luật sư ở Mỹ thế nào cho đúng, đưa ra những bài học đắt giá trong việc thuê, kinh nghiệm khi gặp luật sư như chia sẻ nội dung cần tư vấn, đặt câu hỏi, luật sư chủ yếu trả lời câu hỏi "do or don't - làm được hay không làm được".

vhm-4-283129-1413031584.jpg

Anh Đỗ Văn Giang (thứ hai từ trái sang) đánh giá cao khóa học.

Kết thúc buổi học, các học viên đều tỏ ra khá hài lòng với những phần kiến thức thu nhận được. Trạng nguyên 2013 Đỗ Văn Giang, F9 - FPT Trading, cho hay, trước khi tham dự khóa học, anh nghĩ sẽ gặp một người bí ẩn, với những phân tích thâm thúy và tài hùng biện. Thế nhưng, TS. Alan Phan đã cho thấy một người Mỹ, một văn hóa kinh doanh Mỹ từ hành động, từ sự đơn giản, từ thất bại và những đánh đổi không ngừng về thời gian, tinh thần để đổi lấy thành công.

"Luật kinh doanh Mỹ là một rừng cây rộng lớn và FPT khi đi vào thị trường này sẽ phải nghiên cứu rất nhiều, hiểu biết chặt chẽ về luật, điều rất khác biệt với kinh doanh lâu nay của tập đoàn. Chúng ta cần chủ động nắm được những vấn đề cơ bản về pháp lý tại Mỹ cũng như quốc tế, đồng thời phải thuê luật sư tư vấn chứ không thể tự làm được", anh Giang nhìn nhận.

Theo Trạng nguyên FPT, Toàn cầu hóa là một quá trình và có rất nhiều vấn đề. Ngoài việc có một chương trình đào tạo dài hạn hơn, FPT cần phải kết hợp các hình thức đào tạo khác để mang lại hiệu quả thực sự chứ không chỉ dừng lại ở việc "thầy bói xem voi". Mỗi người cần tự học, học theo nhóm, học từ những người đang đi toàn cầu hóa, học ngắn hạn tại chính các thị trường mục tiêu mà FPT đang hướng tới.

Tử Quyên

Ý kiến

()