Chúng ta

'Quy định mới về đào tạo liên thông là giải pháp tình thế'

Thứ năm, 24/1/2013 | 11:44 GMT+7

Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng, thông tư 55 về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH hiệu lực từ ngày 7/2 là giải pháp tình thế cho các sinh viên CĐ chuẩn bị tốt nghiệp.
> FPT Jetking tặng học phí 'khủng'

Tại Hội nghị thi và tuyển sinh 2013 tổ chức chiều 22/1, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận những yếu kém trong công tác tuyển sinh và công bố những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm 2013.

Thông tư về đào tạo liên thông mới nhằm siết chặt chất lượng đào tạo.

Thông tư về đào tạo liên thông mới nhằm siết chặt chất lượng đào tạo.

Đặc biệt về vấn đề liên thông, năm 2013 sẽ bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông là.những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi mà có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc đại học. Năm nay, chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng và không quá 20% tổng chỉ tiêu.

Việc đào tạo liên thông trước đây đã được quy định trong Quyết định 6, nhưng sau một thời gian triển khai đã thể hiện nhiều điểm chưa hợp lý và không bao quát được thực tế của đào tạo liên thông hiện nay.

Mục đích khi tổ chức thí điểm đào tạo liên thông là giúp người học bảo lưu kết quả học tập đã tích luỹ, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc. Nhưng 10 năm qua, trong quá trình triển khai, đào tạo liên thông đã bị “biến tướng”, nhiều trường không tuân thủ các quy định hiện hành, ví như đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học hay đào tạo ngoài cơ sở, ngoài giờ liên kết... nhưng khi tốt nghiệp vẫn cấp bằng ĐH chính quy...

Quy định mới về đào tạo liên thông mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra yêu cầu người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm.

Với đối tượng dự thi liên thông CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.

Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Xuân Phong nhận định: "Việc cần có điều kiện nhất định nào đó để liên thông là đúng nhưng theo tôi cách thức thực hiện như vừa ban hành là chưa phù hợp. Thực tế với đề thi đại học như hiện nay thì ngay một tiến sĩ cũng khó lòng thi đỗ nếu để một thời gian không đụng đến".

"Còn nếu cùng cải tiến cách thi đại học và việc thi liên thông thì có thể sẽ có một giải pháp phù hợp hơn. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì việc quan trọng nhất cũng phải là xác định cho đúng mục tiêu của những kỳ thi này: chỉ để tạo ra một rào cản nào đó cho công tác tuyển lựa hay để đảm bảo khả năng theo học được của sinh viên ở bậc học tương ứng. Theo tôi có vẻ như mục tiêu của quy chế này đang nghiêng về phương án thứ nhất", anh Phong nhấn mạnh.

Anh Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, cũng chia sẻ: "Hiện ĐH FPT chưa triển khai liên thông từ CĐ lên ĐH. Nhà trường đang nộp hồ sơ để đăng ký việc này. Nhưng đang trong quá trình chờ phê duyệt của Bộ GD-ĐT. Vì mình chưa triển khai nên không ảnh hưởng gì đến trường. Yêu cầu của bộ cần thi ĐH, chúng tôi luôn ủng hộ việc nâng cao chất lượng đại học. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng quy chế của Bộ là giải pháp tình thế cho các sinh viên CĐ đang chuẩn bị tốt nghiệp".

Cùng chung quan điểm với TS. Lê Trường Tùng, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cho rằng, thực tế đã có rất nhiều “lùm xùm” xung quanh chất lượng đào tạo của hệ liên thông, cũng đã có nhiều đơn vị lợi dụng liên thông để làm kinh tế. Tuy nhiên, cách làm của Bộ vẫn chỉ là biện pháp đối phó, cực đoan, nếu không muốn nói là rất lãng phí.

"Một sinh viên đã trải qua 3 năm học CĐ muốn liên thông lại phải thi lại kiến thức 3 môn phổ thông thì đúng là thách đố. Sẽ chẳng có sinh viên nào dám liều để đi đường vòng nữa mà xu hướng sẽ là “sống chết” để vào bằng được ĐH. Hợp lý hơn, Bộ GD&ĐT có thể kiểm tra, thanh lọc quá trình đào tạo, điều kiện của các trường có đào tạo liên thông và thẩm định đầu ra cho hệ này, nếu không đủ “chuẩn” thì không được trao bằng ĐH. Như vậy mới hiệu quả lâu dài", GS. Quân nói. 

Năm 2002, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên triển khai thí điểm đào tạo liên thông. Mục đích của đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Năm 2008, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo liên thông, theo đó, giao tự chủ cho hiệu trưởng các trường có thẩm quyền đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH.

Nam Anh

Ý kiến

()