Chúng ta

Những giấc mơ của anh Bình: Từ siêu tưởng đến hiện thực

Thứ ba, 1/10/2013 | 09:30 GMT+7

Sau ¼ thế kỷ, nhìn lại những giấc mơ bay bổng, không tưởng ngày nào của “thuyền trưởng” Trương Gia Bình hầu hết đều trở thành hiện thực.
> Sử ký FPT: Xuất khẩu phần mềm - giấc mơ chưa bao giờ cạn

Xuất khẩu phần mềm

a

 Ý tưởng làm xuất khẩu phần mềm của chủ tịch Trương Gia Bình ngay từ đầu đã nhận được không ít ý kiến phản đối vì cho rằng điều đó thật “viển vông”. Sau nhiều năm, giờ đây giấc mơ đó đã thành hiện thực. Ảnh: C.T.

Vào cuối thập kỷ 90, khi Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đề xuất ý tưởng làm xuất khẩu phần mềm đã có không ít ý kiến phản đối vì cho rằng điều đó thật “viển vông”. Lúc đó, mặc dù FPT đã được 10 năm tuổi nhưng năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm chưa có, nhân lực quá ít. Hơn nữa, muốn thực hiện giấc mơ này nghĩa là phải ganh đua với Ấn Độ, Trung Quốc, những cường quốc về xuất khẩu phần mềm.

Anh Bình đã phải thuyết phục cộng sự của mình và tiếp đến là các cơ quan quản lý nhà nước tin vào câu chuyện xuất khẩu phần mềm. “Tôi có niềm tin là tại sao Ấn Độ, Trung Quốc họ làm được mà Việt Nam lại không làm được. Và thực tế là FPT nói riêng, nước ta nói chung đã làm được. Năm 2012, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, chiếm vị trí thứ hai về xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Dẫu bước đầu thành công vẫn còn rất nhỏ bé nhưng niềm tin của tôi đã được chứng minh”, anh chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, ngày 22/5/2013, anh đã được Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản, Nikkei Inc., trao giải thưởng Nikkei Asia 2013 trong lĩnh vực Phát triển khu vực, vì những cống hiến của anh cho chính công ty sáng lập cũng như sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.

Bộ Gen FPT

a

Đã có một thời, niềm trăn trở, đau đáu của Chủ tịch Trương Gia Bình là xây dựng một bộ Gen FPT hoàn chỉnh. Ảnh: C.T.

Những năm gần đây, từ khóa “Gen FPT” ít được nhắc đến nhưng đã có một thời, niềm trăn trở, đau đáu của Chủ tịch Trương Gia Bình là xây dựng một bộ Gen FPT hoàn chỉnh.

Theo anh Bình, FPT muốn trường tồn cũng cần phải có nhân viên và bộ gen riêng (hệ thống quy trình quản trị doanh nghiệp toàn diện). Chính vì thế, FPT tròn 15 tuổi là thời điểm công bố “Bản đồ Gen” FPT và coi đây như một hành trang quý để đi vào tương lai, như một quyền năng đặc biệt cho thành công và trường tồn của FPT.

Bộ Gen FPT được cấu thành từ 5 tập lệnh chính gồm: Triết lý FPT; FPT Leadership Building; Quy trình FPT; Hệ thống thông tin FPT và Văn hóa STCo. Trong các tập lệnh này nêu rõ triết lý cốt lõi nhất, căn bản nhất cấu thành một FPT rất riêng và khác biệt.

Năm 2004, FPT tổ chức Hội nghị luyện công “Sâu - Sáng - Tuyệt - Thông - Phong” tại Hạ Long, Quảng Ninh, với sự tham dự của 150 lãnh đạo hai miền Nam - Bắc để xây dựng hệ thống quản trị toàn diện FPT. Chương trình được tất cả lãnh đạo ký cam kết thực hiện, trở thành định hướng thông suốt cho mọi hoạt động của FPT trong năm. “Theo thời gian, gen phải thích ứng và hoàn thiện. FPT sẽ bổ sung hai tập lệnh mới vào mã gen của mình. Đó là tập lệnh về chiến lược, quản trị chiến lược của FPT theo nguyên tắc OneFPT. Còn tập lệnh thứ hai là về lãnh đạo”, người đứng đầu FPT chia sẻ.

Ý tưởng về khu công nghệ cao

A

Năm 1994, anh Bình đã mơ ước đến một khu công nghệ cao quốc gia, nơi thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Ảnh: C.T.

Năm 1994, khi ngành CNTT Việt Nam đang chập chững những bước đi đầu tiên, anh Bình đã mơ ước đến một khu công nghệ cao quốc gia, nơi thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Đây là một trong những cách tốt nhất giúp Việt Nam vươn lên ngang tầm các nước tiên tiến.

Nhưng để hiện thực hóa được ước mơ này, anh cần phải cung cấp cho các lãnh đạo cấp cao, các ban ngành Trung ương và Hà Nội những luận chứng khoa học thuyết phục. Vậy là anh đã cùng các cộng sự lao vào nghiên cứu, lập đề án “Khu công nghệ cao quốc gia - Điểm đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đồng thời tìm đủ mọi cách để thuyết phục những người có quyền quyết định sự sống còn của bản đề án này.

Tháng 11/1994, FPT được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai Khu công nghệ cao Hà Nội, tiền thân của Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay. Đến năm 1998, đề án được chuyển giao về Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Năm 2007, FPT lại tiếp tục triển khai một phần dự án gồm Khu công nghiệp công nghệ cao, khu giáo dục và khu phần mềm.

Hiện Hòa Lạc được xem là một thành phố khoa học với 32 dự án đã và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động với gần 6.000 người thường xuyên học tập và làm việc. FPT là một trong số những nhà đầu tư hoạt động tích cực tại đây với hai dự án lớn là Đại học FPT và Làng phần mềm F-Ville của FPT Software.

Doanh thu 1 tỷ USD

a

Ngày 30/12/2008, FPT công bố chính thức cán đích doanh số 1 tỷ USD. Ảnh: S.T.

Khoảng năm 1996, anh Bình chia sẻ ước mơ FPT có doanh thu 1 tỷ USD. Tuy nhiên, phải đến năm 2003, FPT mới thể hiện quyết tâm thực hiện giấc mơ này khi tổ chức Hội nghị chiến lược “Thách thức 1B$” tại Hạ Long, Quảng Ninh, với mục tiêu cụ thể để chinh phục đỉnh cao 1 tỷ USD, tái cấu trúc từ công ty tin học thành công ty dịch vụ chuyên nghiệp. Lúc đó, FPT mới đạt doanh số ở mức 200 triệu USD.

Từ 2002 đến 2006, FPT trở thành công ty đại chúng khi bắt đầu cổ phần hóa. Tháng 12/2006, FPT chính thức lên sàn giao dịch, đánh dấu một bước phát triển mới. Cũng trong năm này, FPT đạt lợi nhuận lớn, vượt mức kế hoạch đề ra, với doanh thu thuần 11.693 tỷ đồng (tương đương 730 triệu USD), tăng trưởng 42,4% so với năm 2005. Năm 2007, doanh thu FPT đạt 13.894 tỷ đồng tăng 18,82% so với năm 2006.

Ngày 30/12/2008, FPT công bố chính thức cán đích doanh số 1 tỷ USD, khẳng định vị trí công ty CNTT - Viễn thông hàng đầu Việt Nam.

Có Trung tâm sản xuất phần mềm ở tất cả thành phố lớn của Việt Nam

FPT hiện sở hữu 7 tòa nhà ở các thành phố lớn. Ngoài tòa nhà FPT Tân Thuận (TP HCM) mới được khai trương hồi tháng 3/2013, 6 tòa nhà còn lại gồm: FPT Cầu Giấy (Hà Nội), FPT Đà Nẵng (Khu công nghiệp Massda, Đà Nẵng), F-Town HCM (quận 9, TP HCM), FPT HCM (153 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM), công trình ĐH FPT và FPT Software (F-Ville) tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Ngoài các trung tâm và tòa nhà nói trên, khu đô thị FPT City (Đà Nẵng) đang được xây dựng, rộng 181 ha, gồm khu công viên phần mềm, Đại học FPT và khu dân cư được kết hợp mạng lưới cơ sở hạ tầng thông minh,ứng dụng các thế mạnh FPT về công nghệ thông tin, viễn thông, tiết kiệm năng lượng cũng là một trong những giấc mơ đẹp của Chủ tịch FPT.

Và những giấc mơ ở thì tiếp diễn…

‘Cái ấy’

A

Điện thoại FPT vẫn chưa phải là “Cái ấy” mà chỉ là bước khởi đầu để tiến tới sự ra mắt của “Cái ấy”. Ảnh: C.T.

Trong số những giấc mơ chưa thành hiện thực của Chủ tịch FPT, “Cái ấy” là thứ tưởng chừng như hiện hữu nhất, dễ thực hiện nhất nhưng lại vẫn đang nằm ở “thì tương lai”.

Tại Hội nghị Chiến lược FPT 2009, anh Bình đã chia sẻ về “Cái ấy”, đó là một sản phẩm của FPT tích hợp đầy đủ ứng dụng gồm: Truyền thông, quảng cáo, thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, game, học trực tuyến, các dịch vụ giải trí như chat, diễn đàn, đọc tin chọn lọc, chia sẻ video...

"Ý tưởng về “Cái ấy” của FPT có thể gắn với ba chiếc màn hình mà mỗi người đang sử dụng hàng ngày: Chiếc máy tính khi bạn đến công sở, TV khi bạn trở về nhà và gần gũi nhất có lẽ là chiếc ĐTDĐ khi cần liên lạc với mọi người", anh Bình nói.

Thực hiện chiến lược này, ngày 31/12/2009, FPT Mobile đã được phát triển thành Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT (FTP). Các sản phẩm điện thoại di động F-Moblie, rồi FPT Mobile với đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng liên tiếp ra đời và được thị trường đón nhận.

Tuy nhiên, điện thoại FPT vẫn chưa phải là “Cái ấy” mà chỉ là bước khởi đầu để tiến tới sự ra mắt của “Cái ấy”. Trong thời gian tới, người FPT cũng như công chúng vẫn chờ mong “Cái ấy” sớm trở thành hiện thực.

Toàn cầu hóa bằng con đường làm chủ công nghệ

Gần đây, có 3 từ luôn được Chủ tịch FPT nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Cloud, Mobility và Big Data. Có thể hiểu rằng 3 cụm từ này là “thần chú” giúp FPT mở rộng cánh cửa toàn cầu hóa.

Theo anh Bình, cả thế giới đang dịch chuyển từ mô hình máy chủ - máy trạm (Client - Server) sang công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn. Điều này có nghĩa Việt Nam có cơ hội cùng đứng chung với cả thế giới ở điểm xuất phát trong cuộc đua dịch chuyển công nghệ này.

Điện toán đám mây chiếm đến 85% các bản chào hàng về phần mềm và dịch vụ, góp phần không nhỏ làm thay đổi cách nhìn của đối tác về FPT. “Trước đây, khi tôi đi gặp các đối tác quốc tế và chào dịch vụ outsourcing, họ chỉ bảo sẽ xem xét. Chuyện thay đối tác không đơn giản, không phải vì mình chào giá cạnh tranh mà họ thay đổi hợp đồng làm việc với đối tác Ấn Độ. Tuy nhiên, gần đây, khi FPT tập trung làm về di động hóa, đám mây hóa và các vấn đề về trí tuệ nhân tạo như: Nhận dạng, nhận dạng biểu hiện, chữ, tiếng nói... thì tất cả đều quan tâm và tạo cơ hội cho FPT”, anh chia sẻ.

15 năm trước, FPT đã dám vượt qua sự tự ti của người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ để tiến vào ngành phần mềm thì ở tuổi 25, không gì có thể ngăn cản người đứng đầu FPT có niềm tin, hy vọng vào giấc mơ đám mây trong những năm tới.

Bình Nguyên

Ý kiến

()