Chúng ta

"Cái ấy"

Thứ tư, 11/11/2009 | 17:00 GMT+7

Tại HNCL FPT 2009 vừa diễn ra tại Đồ Sơn, để minh họa cho "cái ấy" mà FPT đang hướng tới, Chủ tịch HĐQT FPT BìnhTG đã rút ra một thiết bị nhỏ gọn trong lòng bàn tay - một chiếc ĐTDĐ khá cao cấp.

dsc1029-812060-1412949038.jpg

Cầm chiếc điện thoại trên tay, anh Bình diễn giải, "cái này, chưa biết gọi là cái gì, thôi cứ tạm gọi "cái ấy", là một sản phẩm tích hợp toàn bộ các dịch vụ Tập đoàn đang cung cấp, và sẽ hiện thực hóa được chiến lược "Go mass" mà Hội nghị đề ra. Sản phẩm này hứa hẹn sẽ thân thuộc với người sử dụng, có nhiều tính năng hữu ích, và cho phép người sử dụng dễ dàng mang dữ liệu của họ theo mình.

"Ý tưởng về cái ấy của FPT có thể gắn với ba chiếc màn hình mà mỗi người đang sử dụng hàng ngày: chiếc máy tính khi bạn đến công sở, TV khi bạn trở về nhà và gần gũi nhất có lẽ là chiếc ĐTDĐ khi cần liên lạc với mọi người", anh Bình liên tưởng.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam các ứng dụng trên ti vi và máy tính phần nào đã được nhiều công ty triển khai trong khi ứng dụng cho điện thoại vẫn còn sơ sài...

Theo theo nhận định của các chuyên gia ngành ứng dụng trên ĐTDĐ, được công bố tại Hội thảo MobileBeat 2009 (07/2009): "Thị trường ứng dụng cho di động sẽ phát triển không kém thị trường internet. Số lượng các ứng dụng cho ĐTDĐ sẽ tăng lên khoảng 100 nghìn vào cuối năm nay và dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 triệu ứng dụng. Ngành công nghiệp này dự kiến đến năm 2015 sẽ thu khoảng 20 tỷ USD trên toàn thế giới".

Câu hỏi đặt ra: 20 tỷ USD này FPT sẽ lấy được bao nhiêu về túi mình?

TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam nhìn nhận, nếu FPT làm chủ được về mặt nội dung thì vấn đề "Go mass" sẽ dễ thành công bởi 80% giá trị của một thiết bị như anh Bình mong muốn phụ thuộc vào phần mềm.

Nhận định của TGĐ Nguyễn Thành Nam hoàn toàn có cơ sở khi FPT bắt tay vào làm "cái ấy" với nhiều thuận lợi. Giới trẻ Việt Nam ưa công nghệ mới, luôn sẵn sàng chi tiền để sở hữu một món đồ hi-tech cùng các ứng dụng hữu ích. Ngoài ra, mạng 3G chuẩn bị hoạt động tại Việt Nam sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho ứng dụng di động phát triển.

Về nội lực FPT đã có kinh nghiệm phát triển nội dung trên dòng sản phẩm điện thoại F-Mobile. FPT bắt tay vào sản xuất dòng điện thoại F-Mobile từ tháng 06/2009, đến nay, FPT Mobile đã tung ra thị trường 8 mẫu điện thoại. Dự kiến, đến tháng 12/2009, F-Mobile sẽ chiếm khoảng 5% thị phần ĐTDĐ tại Việt Nam.

FPT Mobile dự kiến đến năm 2010 trên mỗi sản phẩm của F-Mobile sẽ có thêm nhiều ứng dụng phổ biến. Hiện tại, các dòng máy của F-Mobile đã có một số ứng dụng của FPT Visky là Vitalk và Vihuni.

"Cái ấy" khi ra đời sẽ là một sản phẩm tích hợp đầy đủ các ứng dụng như truyền thông, quảng cáo, thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, game, học trực tuyến, các dịch vụ giải trí như chat, diễn đàn, đọc tin chọn lọc, chia sẻ video... Sự hiệp lực của các công ty thành viên FPT chính là nền tảng để phát triển "cái ấy" đa năng.

Như vậy, "Go mass" bằng một "cái ấy" mang thương hiệu FPT, ít nhất chúng ta không phải bắt đầu từ con số 0. Sản phẩm này sẽ tập hợp đầy đủ các giá trị cốt lõi của FPT: VnExpress (13 triệu độc giả), FPT Visky hiện đang tiên phong triển khai ứng dụng nội dung trên điện thoại với 500,000 thành viên, FPT Online (đứng thứ 3 về thị phần game online với 1 triệu thành viên) cùng lợi thế dẫn đầu của Tập đoàn FPT trong lĩnh vực phân phối, viễn thông và phần mềm.

"Thiết bị này khi ra đời sẽ thay đổi cách thức thu tiền truyền thống của FPT, thay vì thu một lần FPT sẽ thu hàng ngày", Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ.

Trong vòng 6 tháng nữa FPT sẽ có "cái ấy". "Cái ấy" thành công sẽ hiện thực hóa khẩu hiệu "Go mass" - Tôi đến với dân chúng.

Ammie - ThaoTTL

Ý kiến

()