Chúng ta

Kiosk thêm 3 dịch vụ thanh toán mới

Thứ năm, 5/4/2012 | 19:20 GMT+7

Dịch vụ thanh toán tiện lợi kiosk của Công ty CP Công nghệ Thanh toán FPT (FPT Pay), thuộc FPT Online đang hướng tới đích 1.700 máy trong năm nay bằng việc mở rộng vùng phủ và bổ sung dịch vụ thanh toán.
> FPT Pay khuyến khích người FPT làm đại lý / Các bước để thanh toán tiện lợi

Sau 4 tháng thực hiện, dịch vụ đã triển khai được 400 máy tại TP HCM. Những máy này được đặt ở các địa điểm tập trung nhiều đối tượng khách hàng là người thu nhập thấp, tại các nhà máy, chợ đầu mối… ở các quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 12 và quận 9, nơi mà công ty có thể phục vụ 24/24h.

Theo anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Marketing của FPT Pay, điểm mấu chốt và quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh kiosk chính là “vị trí đặt máy”. Do đối tượng mục tiêu của dịch vụ chủ yếu là người có thu nhập thấp, nạp tiền với mệnh giá nhỏ nên FPT Pay đã đặt kiosk tại khu vực nhiều người lao động, thay vì các cao ốc, văn phòng như trước đây.

Dịch vụ thanh toán tiện lợi của FPT Online sẽ bổ sung thêm 3 dịch vụ thanh toán mới, ngoài trả tiền điện thoại và

Dịch vụ thanh toán tiện lợi của FPT Online sẽ bổ sung thêm 3 dịch vụ thanh toán mới, ngoài nạp thẻ thoại di động trả trước và game. Ảnh: FPT Online.

“Kinh nghiệm của đối tác Forthsmart đã triển khai rất thành công tại Thái Lan cho thấy, một vị trí đặt máy cần ít nhất 6 tháng để khách hàng làm quen và sử dụng dịch vụ”, anh Hiếu nói. “Với 4 tháng triển khai, FPT Pay chưa hoàn toàn đủ thời gian để khẳng định hiệu quả kinh doanh”.

Tuy nhiên, anh Hiếu vẫn cho rằng, dịch vụ thanh toán tiện lợi sẽ là hướng kinh doanh thành công.

Thanh toán qua máy được xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2009, nhưng tốc độ phát triển dịch vụ chậm. Tuy nhiên, từ tháng 7/2011, số lượng máy đã bắt đầu tăng lên khá rõ rệt, tại hai khu vực chủ yếu là TP HCM và Hà Nội. Tham gia triển khai dịch vụ này hiện mới có 4 đơn vị là Paylink, Việt Nga, OSMP và FPT Pay.

Đối tượng sử dụng dịch vụ là những người đang dùng điện thoại di động, phổ biến là lớp khách hàng bình dân, giới trẻ yêu thích sự tiện lợi. Với mô hình kinh doanh kiosk, FPT Pay kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ “Go mass” - một định hướng chiến lược mà tập đoàn đã và đang triển khai.

“Người tiêu dùng có thể xem “Tiện lợi” giống như “mạng di động của mọi mạng di động” vì chúng tôi nạp tiền cho tất cả các mạng. Chỉ cần đạt 5% thị trường nạp thẻ trong 3 năm tới, FPT Pay đã có thể đóng góp doanh số 300 triệu USD vào đúng thời điểm xác lập vị thế 2014 trong chiến lược OneFPT”, anh Hiếu nhìn nhận.

FPT Pay đã xác định cơ hội từ khi bắt đầu xây dựng mô hình kinh doanh này. Đó là “sản phẩm mang tính đột phá, mang lại sự tiện lợi cho người dùng, đáp ứng xu thế phát triển về thanh toán trong tương lai, đặc biệt là thị trường quen dùng tiền mặt tại Việt Nam”.

Sau khi làm quen với thị trường bằng dịch vụ nạp tiền điện thoại di động trả trước cho 7 mạng di động, nạp tiền game, sắp tới, FPT Pay sẽ bổ sung dịch vụ nạp tiền vào ví MoMo (M-service), trả cước ADSL FPT và thanh toán điện thoại cố định VNPT.

“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm các tiện ích khác cho khách hàng như tra cứu kết quả xổ số, dịch vụ xem bói vui…”, anh Hiếu bật mí.

“Tham vọng của chúng tôi ở dự án này là rất lớn. Hiện nay, FPT Pay chỉ mới trong giai đoạn khởi đầu. Mặt dù đang dò đường nhưng chúng tôi vẫn chạy hết tốc độ, cả tập thể FPT Pay đang hướng về một mục tiêu phủ 1.700 máy tại TP HCM đến cuối năm nay”, Giám đốc Marketing của FPT Pay cho biết.

Thuận lợi của FPT Pay trong hướng kinh doanh này chính là việc phát triển dịch vụ trên nền tảng kết nối và nội dung có sẵn, đặc biệt là song hành với dự án phát triển thanh toán online hiện có.

Bên cạnh đó, chỉ cần giải quyết được khó khăn về việc phát triển điểm đặt, nguồn lực kỹ thuật và kinh doanh - do sản phẩm hầu như chưa có kinh nghiệm trên thị trường lao động có sẵn - thì đích đến 1.700 máy của FPT Pay trong năm nay không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Hiện nay, riêng đội kinh doanh của kiosk đã tự làm đại lý đến 50 điểm đặt máy. Song song, FPT Pay cũng có 50 đại lý bên ngoài, một nhà phân phối và khoảng 250 điểm do chính FPT Pay quản lý tự doanh.

Khách hàng chỉ cần nạp tiền mặt trực tiếp vào kiosk để sử dụng dịch vụ. Máy chấp nhận tất cả các loại tiền giấy, tiền xu với nhiều mệnh giá khác nhau đang lưu hành tại Việt Nam. Chỉ cần thực hiện vài thao tác chạm bấm trên màn hình cảm ứng là hoàn thành giao dịch.

Mọi giao dịch đều được ghi nhận trên hệ thống của FPT Pay, làm đối chứng nếu có sự cố xảy ra để yên tâm cho khách hàng khi giao dịch. Mỗi giao dịch thành công, người dùng sẽ nhận được tin nhắn xác nhận.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()