Chúng ta

FPT Telecom khắc phục thiệt hại sau bão Kalmaegi

Thứ năm, 18/9/2014 | 09:36 GMT+7

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, có 6.000 khách hàng ở Hải Phòng bị ảnh hưởng, chi nhánh Lạng Sơn phải tăng ca bảo trì đột biến, còn chi nhánh Quảng Ninh có 266 thuê bao bị đứt...
> FPT Telecom chống bão Kalmaegi

Theo VnExpress, sau khi tiến sâu vào đất liền, bão Kalmaegi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sớm nay đang ở trên đất liền các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, sức gió mạnh nhất giảm còn dưới 39 km/h (dưới cấp 6).

Sáng ngày 17/9, quận Đồ Sơn và huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) vẫn có những đợt sóng biển cao 4-5 m đánh vào các bờ kè, nước tràn vào nội đô gây ngập cục bộ. Tại Thái Bình và Lạng Sơn, một số điểm bị ngập, người dân đang chuyển đồ phòng lũ tràn về.

a

Nhân viên Văn phòng Giao dịch Móng Cái đi rà soát sau bão. Ảnh: Minh Hòa.

Anh Đoàn Nguyên Trà, Trưởng phòng Kỹ thuật chi nhánh Quảng Ninh, cho biết, không có thiệt hại về cơ sở vật chất. Hạ tầng mạng lưới ổn định trong và sau khi bão qua. Hiện tại, anh em kỹ thuật vẫn đi rà soát hạ tầng và các thuê bao ảnh hưởng sau bão.

Hệ thống nhà POP ổn định, tuy gặp sự cố mất điện nhưng kỹ thuật đã chủ động chạy máy phát khi thời tiết thuận lợi. Hệ thống cáp trục, ngoại vi không bị ảnh hưởng nặng, các điểm trùng võng đã được củng cố, khắc phục. Có khoảng 266 thuê bao bị đứt cáp do cây đổ, mái tôn ... tập trung chủ yếu ở hai khu vực Hạ Long, Cẩm Phả. Chi nhánh đã lên phương án huy động nguồn lực sẵn có và nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Hạ tầng Viễn thông Miền Bắc (TIN HO), dự kiến xử lý xong trong 3-4 ngày.

"Hiện bão đã tan, trời ngừng mưa, gió lặng và đã rút. Đã có ánh nắng trở lại bầu trời Quảng Ninh", anh Trà cho hay.

a

Hình ảnh bão về tại Uông Bí, Quảng Ninh. Ảnh: Vũ Văn Hưng.

"Nhiều nhà ở khu vực bị rách bạt, sập tưởng, tốc mái tôn nhưng may mắn cơ sở vật chất của đơn vị không ảnh hưởng nhiều, chỉ có gần 20 khách hàng bị đứt dây mạng, dự kiến ngày mai sẽ khắc phục xong", anh Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Văn phòng Giao dịch Móng Cái, thông tin.

Anh Vũ Văn Hưng, Kỹ thuật của Văn phòng Giao dịch Uông Bí, cho biết, bão đổ bộ về Uông Bí từ 21-213h ngày 16/9, gió giật cấp 9 và trên cấp 9. Hiện tại bão đã qua, cáp trục Hải Phòng Quảng Ninh bị ảnh hưởng nhưng hạ tầng của đơn vị vẫn ổn định.

"Do có sự chuẩn bị kỹ từ trước khi bão số 3 đổ bộ nên chi nhánh Hải Phòng cũng không có thiệt hại nào đáng kể", anh Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật, cho biết.

a

Anh em kỹ thuật Hải Phòng đi khắc phục sự cố. Ảnh: Văn Khánh.

Sự cố chủ yếu do đứt cáp và điện lực chập cháy trong đêm nên hầu hết quận, huyện bị cắt điện diện rộng khi bão đổ độ. Các trạm cung cấp dịch vụ không thể duy trì ắc-quy được lâu và không thể ứng cứu trong điều kiện bão nên sau một đêm, có khoảng 6.000 khách hàng ảnh hưởng.

Sáng ngày 17/9, phòng Kỹ thuật đã huy động toàn bộ nguồn lực chi nhánh và chi viện từ Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc (INF HO) tham gia ứng cứu. Tới 16h chiều cùng ngày, hạ tầng đã được khôi phục hoàn toàn, một số khách hàng thuê bao đứt do cây đổ chưa báo lên công ty sẽ được khắc phục sớm nhất có thể .

"Tất cả anh em đều cố gắng tận tâm xử lý sự cố để khôi phục lại toàn bộ các kết nối nhanh nhất để tạo tiềm tin cho khách hàng", anh nói.

Anh Dương Quang Nam, FPT Telecom Lạng Sơn, cho biết, do ảnh hưởng của bão, tối và đêm 16/9, gió giật rất to kèm theo mưa lớn suốt đêm. Đến sáng hôm sau gió đã tan nhưng mưa vẫn rất nặng hạt. 

l

Nhiều khu vực ở Lạng Sơn đang tiếp tục ngập. Ảnh: Dương Quang Nam.

Tuy nhiên, cơn bão này không ảnh hưởng nhiều về tài sản của FPT và người dân Lạng Sơn nói chung. Nhưng do sự cố lỗi hệ thống vì mất điện và ảnh hưởng mưa bão nên số lượng ca bảo trì tăng đột biến (ngày 16/9 có 135 ca so với mức trung bình hàng ngày là 8-10 ca).

"Hôm nay vẫn còn mưa to nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc anh em kỹ thuật đi xử lý sự cố, hỗ trợ bảo trì cho những khách hàng mất mạng. Chúng tôi đang phải gọi điện thoại để hướng dẫn khách hàng trực tiếp khắc phục các lỗi đơn giản", anh cho biết.

Anh Nam cũng cho hay, đến 11h30 ngày 17/9, nước sông Kỳ Cùng đang dâng lên rất nhanh. Người dân chợ Giếng Vuông đang thu dọn hàng chạy lũ. Nước có thể dâng cao như cơn bão số 2 nếu tiếp tục mưa to. Đến 17h30, nước đã bắt đầu ngập lên các con phố ven sông.

Hình ảnh sau bão tại Bắc Giang.

Hình ảnh sau bão tại Bắc Giang. Ảnh: Đình Cường.

Sáng 17/9, nhiều điểm tại Thái Bình cũng bị ảnh hưởng ngập lụt do mưa to. Tuy nhiên đến trưa, nước đã rút ở hầu hết các tuyến đường trên thành phố. "Chi nhánh không có ảnh hưởng nào về cơ sở hạ tầng. Sau khi rà soát đến khoảng 15h chỉ có khoảng 8 khách hàng bị đứt dây cáp", anh Vũ Văn Huy, phòng Kỹ thuật, chia sẻ.

Còn anh Phan Đình Cường, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Bắc Giang, cho hay, dù bão quét qua nhưng do tỉnh không nằm trong tâm bão và bão khi vào đất liền đã suy yếu nên không gây hư hại nhiều, chủ yếu là mưa to và gió nhẹ. Cơ sở hạ tầng vẫn ổn định, chỉ có một số thuê bao khách hàng bị ảnh hưởng và đơn vị đã nhãnh chóng khắc phục. Mặc dù bão đã tan, anh em vẫn túc trực để kịp thời ứng cứu khi có sự cố.

Anh Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc, cho biết, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Nghệ An hầu như không bị ảnh hưởng. Các tỉnh ven biển có tâm bão đi qua là Quảng Ninh và Hải Phòng bị ảnh hưởng lớn nhất do bị cắt điện trên diện rộng nên công tác ứng cứu chủ yếu sau bão là thay ắc-quy, chạy máy phát điện để đảm bảo hoạt động. Cáp ngoại vi ổn định, tuyến trục đi Móng Cái có bị ảnh hưởng đêm 16/9 nhưng ngay đầu giờ sáng 17/9 đã khắc phục xong.
 
Tại Hải Phòng có 2 tuyến cáp quang ring bị ảnh hưởng cũng đã khắc phục ngay trong ngày. Đến chiều 17/9, theo thống kê sơ bộ thì số khách hàng bị gián đoạn do cây đổ, cành gãy ảnh hưởng cáp thuê bao không nhiều, các chi nhánh sẽ xử lý dứt điểm trong vòng 2-3 ngày. 

Các tỉnh miền núi có mưa lũ nhiều nhất và nguy cơ ảnh hưởng lớn là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tuy nhiên, toàn bộ hạ tầng theo ghi nhận vẫn ổn định và không có thiệt hại lớn.

Đây là cơn bão số 3 kể từ đầu năm đổ bộ vào Việt Nam. Trước đó, cơn bão Rammasun hồi tháng 7 đã đổ bộ các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, gây lũ lụt lịch sử tại  Lạng Sơn... nhưng nhờ có phương án phòng chống tốt, FPT Telecom đã không có thiệt hại nào đáng kể.

Nhàn Nhã

Ý kiến

()