Chúng ta

FPT Telecom chống bão Kalmaegi

Thứ ba, 16/9/2014 | 17:41 GMT+7

Các chi nhánh của FPT Telecom tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình... đang gấp rút hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng trước khi bão vào.
> Văn phòng Móng Cái khắc phục thiệt hại sau bão

Theo VnExpress, 7h sáng nay (ngày 16/9), tâm bão Kalmaegi đã ở trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) và chỉ còn cách bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh khoảng 490 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất là 149 km một giờ (cấp 13).

Bão dự kiến vào vịnh Bắc Bộ lúc trưa nay và khoảng 19h cùng ngày sẽ áp sát đất liền Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây là cơn bão mạnh và di chuyển với tốc độ nhanh, chỉ trong 24 tiếng bão đã tăng thêm 5 cấp từ cấp 8 đến cấp 12, và là hiện tượng hiếm.

a

Đường đi của bão vào sáng 16/9 theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.

Ngay khi có thông tin về bão số 3 hình thành, Ban TGĐ FPT Telecom, Ban GĐ Hạ tầng miền Bắc, Ban GĐ các chi nhánh đã có những chỉ đạo sát sao trong công tác chuẩn bị tới từng đơn vị để giữ vững hạ tầng, giảm thiểu rủi ro về tài sản, đảm bảo an toàn cho CBNV và gia đình.

Anh Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc, cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão, FPT Telecom đã có kế hoạch chủ động kiểm tra, rà soát các việc liên quan đến hạ tầng viễn thông và chuẩn bị kịch bản phòng chống bão tại những chi nhánh tỉnh có thể nằm trong khu vực bão bị ảnh hưởng.

Theo anh, với các tỉnh ven biển, vấn đề cần lưu ý đối phó chủ yếu là gió bão lớn, với các tỉnh miền núi liên quan đến mưa lũ, ngập nước. Bên cạnh đó, hằng tuần, bộ phận kỹ thuật đều phải kiểm tra - bảo trì - bảo dưỡng tất cả nhà trạm, thường xuyên tuần tra tuyến đường trục, mạng lưới ngoại vi để kịp thời phát hiện những nguy cơ gây gián đoạn dịch vụ để khắc phục ngay.

Hiện tại, FPT Telecom huy động thêm nguồn lực từ công ty mẹ xuống các chi nhánh đang nằm trong vùng tâm bão đi qua là Hải Phòng, Quảng Ninh để hỗ trợ công tác phòng chống, tránh và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn mỗi chi nhánh.

Lãnh đạo và Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt công ty cũng thường xuyên cập nhật tình hình hàng giờ, theo sát diễn biến, cập nhật ảnh hưởng của bão đến hạ tầng các chi nhánh và chỉ đạo kịp thời.

Được xác định là tâm bão, chi nhánh Hải Phòng và Quảng Ninh đang gấp rút hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng trước khi bão vào.

Theo anh Đỗ Thành Nam, Giám đốc FPT Telecom Quảng Ninh, đơn vị đã thành lập tiểu ban Phòng chống lụt bão do Ban Giám đốc chi nhánh đứng đầu để điều động, hỗ trợ, chỉ đạo... kịp thời trong công tác ứng phó thiên tai.

Đơn vị cũng rà soát lại toàn bộ hạ tầng, gia cố các điểm xung yếu, chuẩn bị vật tư dự phòng, cập nhật thường xuyên tình hình di chuyển của bão cho các bộ phận đồng thời thông báo cho khách hàng lưu ý rút điện khỏi thiết bị để đề phòng sét làm hỏng thiết bị. Ưu tiên hàng đầu của chi nhánh là bảo đảm an toàn cho người và tài sản, bố trí, tạo điều kiện cho CBNV về sớm để cùng gia đình gia cố nhà cửa.

Ngoài ra, trong khi mưa bão, chi nhánh cũng không cho mọi người ra đường khắc phục sự cố để bảo đảm an toàn; phân công nhiệm vụ trực, ứng cứu cho các đơn vị. Cá nhân cũng như giữ liên lạc thường xuyên với Ban Lãnh đạo và các đơn vị FPT Telecom để kịp thời hỗ trợ, khắc phục, xử lý sự cố...

"Về cơ bản đơn vị đã sẵn sàng ứng phó với bão. Theo dự báo, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và mức độ tàn phá lớn khi đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng", anh Nam cho hay.

a

Nhân viên kỹ thuật FPT Telecom rà soát sự cố sau bão Thần Sấm hồi tháng 7.

Bên cạnh đó, FPT Telecom Hải Phòng cũng đã hoàn thiện công tác chuẩn bị ứng phó. Anh Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật chi nhánh Hải Phòng, nhận định, đây là cơn bão rất mạnh với sức di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp, ít có cơn bão nào có tốc độ nhanh như bão số 3 với 30km/h và mạnh thêm theo thời gian di chuyển.

Hải Phòng nằm trong vùng tâm bão đi qua nên công tác rà soát hạ tầng đã hoàn tất trong sáng 16/9. Một số nhân sự thuộc vùng ven biển, có nhà cấp 4, nhà chưa kiên cố đã được tạo điều kiện cho về nhà chuẩn bị gia cố, chằng chống nhà cửa, để giảm thiểu thiệt hại tại gia đình khi bão đổ bộ.

"Năm nay, có một điểm khác so với các năm là từng chi nhánh đã được xếp hạng năng lực phòng chống bão một cách chi tiết theo quy mô chi nhánh và số lượng nhân sự để có sự tính toán, chi viện sớm phù hợp từ Ban Điều hành công ty", anh Khánh cho biết.

Theo chị Bùi Thị Tuyết Nhung, Phó GĐ chi nhánh, toàn bộ thiết bị đã được kiểm tra đầy đủ. Đơn vị đã thay thế 41 bình ắc-quy yếu trong đợt rà soát ổn định hạ tầng cách đây một tuần, trong ngày 16/9 đã thay xong tiếp một số tại vùng ven Kiến Thụy, Đồ Sơn.

"Các nhân sự đã được thông báo túc trực tại vùng ven Văn phòng giao dịch Đồ Sơn, huyện An Dương, Thủy Nguyên, nội thành… để huấn luyện kịch bản ứng cứu, chuẩn bị vật tư dự phòng thiết yếu nhằm ứng phó với bão một cách tốt nhất", chị nói.

Bên cạnh vùng tâm bão, các chi nhánh lân cận như Nam Định và Thái Bình cũng đã hoàn thiện công tác chuẩn bị ứng phó. Anh Nguyễn Đức Việt, Giám đốc FPT Telecom Thái Bình, cho biết: "Có khả năng hoàn lưu bão sẽ gây mưa to nên chúng tôi đã gia cố những POP sẽ bị hắt nước mưa, kiểm tra quạt thông gió để đảm bảo an toàn".

Chi nhánh cũng đã kiểm tra xong thiết bị ngoại vi, nhà POP, đài trạm, lên phương án đối phó theo các kịch bản, kiểm tra vật tư, máy phát điện, máy đo quang, hàn quang cùng các công cụ của đội kỹ thuật để đảm bảo xử lý tốt mọi tình huống. Hiện đơn vị đã yêu cầu 100% nhân sự của đội kỹ thuật tức trực ở các điểm trọng yếu như TP Thái Bình, huyện Vũ Thư, Kiến Xương và Tiền Hải.

"Dù khả năng bão đổ bộ vào tỉnh không cao nhưng đơn vị vẫn chuẩn bị chu đáo các kịch bản ứng phó. Đội kỹ thuật đã kiểm tra, rà soát hệ thống đài trạm, bó gọn cáp ở những tuyến đường nhiều cây xanh, gia cố các điểm trọng yếu, chuẩn bị vật tư, thiết bị đầy đủ", anh Nguyễn Trần Bá Kiên, Giám đốc chi nhánh Nam Định, chia sẻ.

Đây là cơn bão số 3 kể từ đầu năm. Trước đó cơn bão  Rammasun hồi tháng 7 đã đổ bộ các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, gây lũ lụt lịch sử tại Lạng Sơn... nhưng nhờ có phương án phòng chống tốt, FPT Telecom đã không có thiệt hại nào đáng kể.

Nhàn Nhã

Ý kiến

()