Chúng ta

FPT Telecom sẵn sàng ứng phó bão Rammasun

Thứ năm, 17/7/2014 | 18:09 GMT+7

Bão Thần Sấm (Rammasun) có thể ảnh hưởng đến hạ tầng FPT Telecom, nhất là những chi nhánh tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và các tỉnh miền núi Đông, Tây Bắc Bộ.
> Dự án hạ cáp gây thiệt hại cho hàng nghìn người dùng Internet

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, bão Rammasun có cường độ rất mạnh. Sớm nhất khoảng 4-5h và chậm nhất là 15-16h ngày 19/7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió từ 103 đến 133 km một giờ, giật cấp 12 đến 14.

Vùng ven biển các tỉnh đồng bằng, trung du sẽ có mưa lớn 200-300 mm, có nơi lên đến 300-400 mm. Còn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, sẽ mưa to, với lượng mưa phổ biến 200-300 mm.

Ngay khi biết thông tin về bão Rammasun có khả năng ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ và các tỉnh phía Bắc, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc đã theo dõi chặt chẽ hành trình di chuyển và cấp độ của cơn bão đồng thời thông báo cho các chi nhánh tỉnh để chuẩn bị ứng phó.

a

Dự kiến đường đi của bão Rammasun của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương trưa 17/7. Ảnh: VnExpress.

Rammasun được nhận định là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng các chi nhánh tỉnh ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, đồng thời có thể mưa to gây lũ quét, ngập lụt ở các tỉnh miền núi phía Đông và Tây Bắc Bộ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La và Điện Biên.

Theo anh Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc, ngay từ tháng 5, FPT Teleccom đã triển khai kế hoạch rà soát hạ tầng, chuẩn bị các đầu việc đối phó với mùa bão lụt, mất điện và nhiệt độ cao. Trung tâm đã chỉ đạo việc lập đội trực phòng chống lụt bão ở chi nhánh tỉnh nhằm đối phó với những sự cố xảy ra trong và sau bão; rà soát lại đài trạm, container, điểm trọng yếu của tuyến trục và có phương án chống ngập, chống hắt mưa, tốc mái, mất điện hoặc chập điện. Ngoài ra, đơn vị tiến hành kiểm tra kỹ về độ an toàn của các POP ngoài trời, xử lý các tình huống đổ cột, ngập nước, cây đổ...

a

Cơn bão Hải Yến (HaiYan) đổ bộ vào Quảng Ninh tháng 11/2013. Ảnh: C.T.

Bên cạnh đó là việc rà soát ngoại vi, gia cố, lên danh sách các điểm đen có khả năng bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão, chuẩn bị sẵn phương tiện như máy phát điện, ắc quy sạc đầy, cột chống cáp, máy hàn, đo quang, măng-xông, thang rút… sẵn sàng ứng cứu đối với các sự cố hạ tầng.

"Việc quan trọng nhất trong phòng chống bão là chuẩn bị thật kỹ và ứng phó kịp thời, chính xác. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tuyệt đối an toàn đi lại và an toàn lao động cho nhân viên. Với sự chuẩn bị kỹ càng và trách nhiệm của toàn hệ thống FPT Telecom, hy vọng mức độ thiệt hại sẽ thấp nhất", anh Toản cho hay.

Tử Quyên

Ý kiến

()