Chúng ta

Luôn tự hào được làm con của bố mẹ

Thứ tư, 13/8/2014 | 15:08 GMT+7

Giờ đây khi đã là một nhân viên văn phòng, nhiều người vẫn hay hỏi bố mẹ làm nghề gì và giống con bé 6 tuổi ngày xưa tôi tự tin trả lời rằng: “Bố tôi là thợ sửa xe và mẹ tôi bán hàng ở chợ”.
> Yêu thương xù xì

Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên tôi vào lớp một, cô giáo lần lượt mời từng học sinh đứng tại chỗ giới thiệu về bản thân và nghề nghiệp của bố mẹ. Bạn bè tôi đứa thì bố làm bác sĩ, mẹ làm ngân hàng, hay bố là công an, mẹ là giáo viên… Tôi cũng chuẩn bị tinh thần thật tốt chỉ để chờ cô giáo mời lên. Tới lượt mình tôi tự tin đứng dậy và dõng dọc giới thiệu tên của mình sau đó chưa đợi cô hỏi tiếp tôi đã nhanh nhảu trả lời: “Thưa cô, bố em là thợ sửa xe máy còn mẹ em làm nghề bán cá khô ạ”. Và sau màn giới thiệu to, rõ ràng ấy của tôi là những ánh nhìn, tiếng cười khúc khích và xì xào bàn tán. Với cái suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ 6 tuổi, tôi lờ mờ hiểu rằng lũ bạn đang cười nhạo nghề nghiệp của bố mẹ mình và suốt buổi học ngày hôm ấy tôi đã rất buồn.

Sau buổi nhập học đầu tiên tôi về nhà và vẫn không thoát được khỏi suy nghĩ về việc tại sao bạn bè lại cười mình. Tôi đã đem câu chuyện đó kể với mẹ, trong khi tôi vừa kể vừa khóc nức nở thì mẹ tôi lại cười, xoa đầu tôi và hỏi: “Tại sao con không nói rằng mẹ con là giáo viên, bố con là phi công chằng hạn?”. Tôi mếu máo trả lời: “Như thế là nói dối và bố mẹ không làm nghề gì xấu nên con không muốn nói sai sự thật”. Mẹ ôm tôi vào lòng vỗ về và nhẹ nhàng nói: “Đấy rõ ràng là con cũng thấy rằng bố mẹ của con không làm nghề gì xấu nên không có gì phải hổ thẹn vì điều đó cả. Bất kể nghề gì chân chính cũng đều đáng được trân trọng!”. Nghe mẹ nói xong tôi ngừng thút thít và sau hôm ấy cũng không còn buồn về việc đó nữa.

Câu chuyện đó tưởng chừng sẽ đi vào quên lãng thì lại diễn ra khi tôi bước vào trung học cơ sở. Trong một lần xích mích với người bạn cùng lớp, bạn ấy đã đứng trước mặt tôi và nói với giọng điệu không thể mỉa mai hơn: “Cái đồ con nhà bán cá khô, mày đừng có mà tinh tướng”… Sững sờ một lúc tôi quay đi, chạy vào nhà vệ sinh và đã khóc ở trong đấy suốt tiết học. Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng, giận bạn và giận chính mình. Tôi giận mình tại sao lại yếu đuối quay đi, hèn nhát không dám đứng lại và nói lên quan điểm của mình. Nhưng không giống đứa bé hồi lớp một, đứa trẻ 12 tuổi đã không mang câu chuyện đó về kể với mẹ vì không muốn mẹ mình phải buồn.

Ngày tôi vào cấp ba, huyện tôi xây chợ mới, to và rộng gấp nhiều, mẹ tôi mua một ki-ốt trong chợ và chuyển từ nghề bán cá khô sang kinh doanh quần áo. Mẹ không còn sáng tối quần áo lấm lem ám mùi tanh nồng của cá, không còn phải đạp xe thồ đi hàng vài chục cây số vào sáng sớm tinh mơ rét buốt để ra bến nhập lô cá mới về bán cho kịp phiên chợ, không còn những đêm mất ngủ lật dở cá hay lo cá bị mốc, bị hỏng… Và tôi cũng không còn là “đứa con nhà bán cá khô nữa”.

Dù cho bố tôi chỉ là một người thợ sửa chữa xe, mẹ tôi chỉ là một người bán cá khô hay kinh doanh quần áo thì với tôi, bố mẹ vẫn luôn là những người mà tôi kính trọng nhất. Bố tôi tuy chỉ là “thợ” nhưng lại là “thầy” của nhiều học trò. Năm 21 tuổi, bố đã là giảng viên của một trường trung cấp nghề nhưng do bà nội bị bại liệt nên phải về quê cưới vợ phụ ông chăm bà. Còn mẹ tôi vì theo chồng mà cũng bỏ nghiệp nhà giáo bởi cái nghề quanh năm hít bụi phấn không đủ để cáng đáng năm miệng ăn vào cái thời khi vừa kết thúc chiến tranh ấy.

Giờ đây tôi đã là một nhân viên văn phòng, khi ra ngoài nhiều người vẫn hay hỏi bố mẹ làm nghề gì và vẫn giống con bé 6 tuổi ngày xưa tự tin trả lời rằng: “Bố tôi là thợ sửa xe và mẹ tôi bán hàng ở chợ”. Tôi tự hào và cảm thấy may mắn khi là con của bố mẹ.

Thùy Liên

 

Ý kiến

()