Chúng ta

Yêu thương xù xì

Thứ hai, 11/8/2014 | 16:05 GMT+7

Hà Nội những ngày tháng 7 âm lịch mưa ngâu không ngớt, những con phố nhỏ quanh nhà treo thêm hàng mã, vài ba câu chuyện buổi sáng của những bà đi chợ sớm nói về Vu Lan, lễ lạt thế nào cho đủ, mua sắm gì cúng bái cho đầy... cái sự náo nức của người người ở thành phố này làm tôi nhớ nhà, nhớ mẹ.

thuquyensub-466681-1413028613.jpg

Mẹ chẳng bao giờ nói thương tôi. Từ nhỏ đến lớn, mẹ lúc nào cũng nghiêm khắc. Lúc nhỏ, vốn là một đứa con gái cứng đầu, nghịch ngợm, tôi bày hết trò này đến trò khác khiến bố mẹ điên đầu: Lúc thì hý hoáy lấy bút của bạn giấu đi, khi thì rủ rê tụi em hàng xóm đi trộm khoai, trộm ngô bị chủ vườn bắt được chạy thục mạng, lá ngô cào xước mặt. Rảnh hơn, tôi bày trò nói dối trốn nhà đi chơi. Chẳng có trò nào tôi chưa thử. Thế là đi cùng với mấy trò nghịch long trời của tôi, mẹ lúc thì mắng, lúc thì chẳng ngại ngần cầm roi quất tới tấp, bắt tôi quỳ hỏi tội. Còn tôi thì vẫn dương dương tự đắc, lỳ lợm không xin lỗi, cứng đầu cãi lại và thỉnh thoảng thì giơ cái mặt hậm hực gào lên.

Càng lớn, mẹ càng nghiêm khắc với tôi. Lên cấp hai, trong khi lũ bạn đã xúng xính quần quần áo áo, mẹ vẫn bắt tôi không cắt tóc, không móng tay móng chân, không mặc cái thứ mà mẹ gọi là "chắp vá". Cấp ba, lũ bạn sợ chơi với tôi một phần vì mẹ, chúng chẳng thể rủ tôi đi đâu vì mỗi bận đến nhà mẹ lại "giở trò" xét nét, hỏi han, trước giờ đi học, thể nào mẹ cũng bắt tôi làm đủ việc: Rửa ấm chén, quét nhà, ăn sáng rồi mới được đi, không thì "đừng hòng ra khỏi nhà". Lắm lúc tôi nghĩ bụng: Không hiểu mẹ có phải là mẹ tôi không? Tại sao mẹ của Liên, của Nga, cũng là mẹ mà dịu dàng đến thế, cho tụi nó sắm sửa này kia, tụi nó muốn gì được nấy... Tôi mang theo nỗi ấm ức của mình vào đại học. Tôi cãi lời mẹ, cương quyết chọn học xa nhà cho dù cách nhà tôi chưa đầy 40km cũng có hàng chục trường Đại học. Tôi không muốn bị mẹ quản lý.

Ngày tôi chuẩn bị đi học, mẹ cũng chẳng nói gì với tôi, lẳng lặng đi mua cho tôi cái chăn mới. Hồi ấy ở nhà mọi người vẫn còn đắp chăn nhung, mỗi lần trở dậy là tóc bết vào chăn kêu sàn sạt. Mẹ mua chăn Sông Hồng - một thứ xa xỉ với tôi hồi đó, nhẹ bẫng, mềm mại, đưa cho tôi hộp kim chỉ, mua bật lửa và cả vài gói bánh ăn đường. Tôi để tất cả vào cái hòm cũ của bà, cất bước đi Hà Nội, chỉ nghĩ: Thế là được xa nhà, thế là không ai quản lý... Tôi tự do.

Tôi đi học, thỉnh thoảng mới về nhà, mỗi bận về mẹ và tôi cũng ít khi nói chuyện, chỉ dạo qua dạo lại, hỏi han vài điều. Nhưng có lẽ lớn hơn, tôi cũng biết quan sát hơn. Mẹ vẫn chẳng nói thương tôi, nhưng thỉnh thoảng thấy mẹ thở dài vì dạo này mưa thấm đất, mấy luống rau mẹ trồng mưa rạp hết, chẳng thể bán để dành. Trứng gà ở nhà đẻ, mẹ dồn lại cất trong tủ lạnh cứ tôi về là lại dấm dúi cho vào hộp, cẩn thận trải trấu để mang đi. Sáng sớm, dù nắng hay mưa, dù mùa đông căm căm hay ngày hè nắng, cũng thấy mẹ tôi xảo đôi quang gánh nặng trĩu rau trên đôi chân vốn đã không lành lặn sau một tai nạn xe đem ra chợ đổ buôn rồi về tất bật rang lại cơm cho bữa sáng khi tôi vẫn còn ườn mình nằm ngủ cố. Trong những cơn ngái ngủ, tôi thấy em gái tôi làu bàu: "Mẹ gọi chị dậy đi, sánh bảnh ra rồi!". Mẹ chỉ bảo: "Thôi kệ nó, chắc đi học mệt rồi". Mẹ vẫn không nói thương tôi, thay vì hỏi han tôi mẹ vẫn thường trách mắng: "Tại con gái mà phơi đầu ra suốt ngày, đi đâu cũng không che chắn, mũ nón gì mới ốm", "Lười ăn, suốt ngày chỉ có ăn linh tinh thế sao chẳng ốm"... mẹ tôi vẫn chẳng dịu dàng như mẹ người khác, vẫn ồn ào trong điện thoại mỗi lần gọi cho tôi như thế!

Nhưng 25 tuổi, đi học, đi làm nếm trải đủ những khó khăn của 8 năm xa khỏi vòng tay mẹ, tôi đủ lớn để hiểu có những yêu thương chẳng cần nói, cũng chẳng ngọt ngào, có yêu thương phải cho bằng đòn roi, và cả yêu thương vốn xù xì như mẹ tôi chẳng giống những bà mẹ hiền từ, dịu dàng khác. Tôi cũng đã hiểu, bởi vì sự nghiêm khắc của mẹ, nên tôi cũng đủ tự lập và vững vàng suốt những chặng đường đã qua. Bởi vì mẹ không nói, nên tôi mới đủ cứng cỏi để làm những điều mình muốn mà không phải dựa dẫm hay ỷ lại. Và bởi mẹ không nói, nên tôi cũng sẽ không nói, mà sẽ về nhà, mùa Vu Lan tới rồi.

  Thu Quyên

  

 

Ý kiến

()