Chúng ta

Gỡ bỏ định kiến

Thứ bảy, 3/3/2012 | 12:03 GMT+7

Lần này, khi tôi cùng FPT trở lại Nhật Bản để thương thảo các hợp tác kinh tế với Tập đoàn Hitachi, một đại gia của xứ sở mặt trời, lòng tôi vẫn không nguôi những băn khoăn cũ.
> Nâng tầm hợp tác với Hitachi

Kinh nghiệm từ nhiều chuyến công tác quốc tế đến Osaka, Nhật Bản ở tập đoàn Schneider Electric trước đây và những câu chuyện thực tế qua các người bạn từng làm ăn với Nhật Bản đã vô tình tạo cho tôi một định kiến về việc “partnership” (hợp tác) với người Nhật.

Sau hơn 10 năm đầu tư vào hai nhà máy sản xuất thiết bị điện cao cấp nhãn hiệu “Digital” trong khu Công nghiệp Imizu, Oshaka, Schneider Electric đã thay đổi Ban Giám đốc nhà máy đến 3 lần mà vẫn luôn phải chấp nhận thua lỗ vì chi phí quá cao trả cho các vấn đề về chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên thương hiệu Nhật từ dòng sản phẩm “Digital - Made in Japan” của Schneider Electric lại giúp cho các đơn vị làm marketing có nhiều cơ hội khẳng định giá trị chất lượng của Schneider trên toàn thế giới.

Việc một tập đoàn công nghệ của Pháp tồn tại được ở thị trường Nhật Bản là một điều gần như kỳ diệu đối với ngành công nghiệp Tây phương. Lần này, khi tôi cùng FPT trở lại Nhật Bản để thương thảo các hợp tác kinh tế với Tập đoàn Hitachi, một đại gia của xứ sở mặt trời mà lòng vẫn không nguôi những băn khoăn cũ.

Hợp tác kinh doanh, trong tiếng Anh là partnership, là những thương thảo song phương, đôi bên cùng có lợi, các điều khoản được đàm phán, thương lượng sòng phẳng dựa trên các yếu tố khách quan, chủ quan của thị trường và các vấn đề. Tuy nhiên, vị thế và đẳng cấp của Nhật Bản đối với những nước đang phát triển như Việt Nam lại tạo ra những tiền lệ khó cho cả hai phía.

Quan hệ “xin-cho” đã từng là các dự án ODA, là các hợp đồng gia công, các hỗ trợ văn hóa, xã hội và từ thiện. Và như thế, cách ngồi vào bàn đàm phán của cả ta và bạn đều đã sai lệch rất nhiều ý nghĩa của “partnership”. Chỉ khi mà cả hai phía ý thức được tầm quan trọng của việc cần nhau trong hợp tác thì vô số cơ hội và sản phẩm sẽ đâm chồi, nảy lộc.

Sau 2 ngày làm việc với Hitachi, đoàn đã được những lãnh đạo cao nhất của tập đoàn Hitachi đón tiếp nồng nhiệt. Điều mà không chỉ người FPT cảm thấy hãnh diện mà chính các trưởng dự án Hitachi cũng thấy thú vị.

d

FPT và người Việt Nam luôn hãnh diện vì được hợp tác cùng những người bạn lớn như Nhật Bản.

Anh Akira, thành viên làm điều phối viên các dự án của Hitachi, tâm sự: “Hơn 8 năm làm việc ở công ty Hitachi Information System, tôi chưa hề được gặp mặt Chủ tịch và TGĐ Tập đoàn, chỉ nhìn thấy họ trên các phương tiện truyền thông chứ chẳng dám mơ được ngồi ăn trưa cùng bàn như lần này. Nhờ hợp tác với FPT các bạn mà các nhóm dự án chúng tôi có một cơ hội gần như duy nhất trong đời”.

Kể cũng đúng thôi, với một tập đoàn có đến hơn 400.000 nhân viên thì khoảng cách giữa một cán bộ cấp trung và các lãnh đạo cao nhất thật sự là rất xa.

Trong chuyến công tác, chúng tôi tham quan Trung tâm CGS (Cyber Government Square) nổi tiếng và được giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao của Hitachi trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, giải pháp thành phố thông minh và các sáng tạo R&D mới nhất của ứng dụng CNTT trong đời sống kinh tế xã hội Nhật Bản.

Chúng tôi rất ấn tượng trước phong cách làm việc nghiêm túc, nhiệt tình và chuẩn bị hết sức chu đáo, cẩn trọng của các bạn Hitachi. Sức ép lớn nhất của đoàn FPT luôn là vấn đề thời gian, không được phép trễ hẹn (điều tối kỵ trong văn hóa công việc ở Nhật Bản) với một lịch trình dày và nhiều địa điểm trong thành phố Tokyo hơn 20 triệu dân là một thử thách lớn cho các bạn làm công tác hậu cần của FPT Japan.

d

Anh Trương Gia Bình và đoàn FPT chụp hình kỷ niệm cùng các cán bộ FPT Japan.

Nhiều giải pháp khác nhau về phương tiện giao thông, khi dùng ô tô, khi nhảy tàu điện ngầm được phối hợp linh động và chặt chẽ, không chỉ trong các cuộc họp mà còn ở cả các buổi chiêu đãi, tiếp khách sau giờ làm việc.

Quả thật 3 ngày làm việc với Hitachi cho chúng tôi một cảm giác rõ ràng về sức ép cạnh tranh và lao động cật lực cùa người dân Nhật Bản trong giai đoạn khủng hoảng, khó khăn.

Khác với các hệ thống quản trị và sản xuất có phần bảo thủ ở Digital Schneider 10 năm trước đây, tôi nhận thấy người Nhật đang thay đổi từng ngày. Họ vẫn làm việc hết sức nghiêm túc và giữ tinh thần kính trọng cao đến các đối tác. Nhưng sự lắng nghe, chia sẻ trong các quyết định song phương lần này đã cân bằng hơn, hợp tác Win-Win luôn được ưu tiên.

Quan trọng nhất là nhiều lần đầu tiên, người Nhật đã công khai công nhận những khiếm khuyết trong các sản phẩm Nhật Bản (điều mà Toyota đến sau 2 năm để xảy ra sự cố toàn cầu, vẫn chưa thừa nhận và công bố nguyên nhân lỗi kỹ thuật trong hệ thống phanh tự động).

Phải chăng sau cuộc bể dâu của thảm họa động đất, sóng thần, đất nước Nhật Bản đang thật sự chuyển mình và tìm lại chính mình sau những mùa ngủ Đông. Như thế, thảm họa kép động đất - sóng thần năm ngoái biết đâu lại là một cú hích cần thiết cho Nhật Bản, tạo động lực giúp các bạn trở về đúng vị trí danh giá trong nền kinh tế toàn cầu, nơi mà những giá trị từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Toyota, Mitshubishi, Hitachi, Sony… là hoàn toàn xứng đáng.

FPT và người Việt Nam chúng ta luôn vô cùng hãnh diện được hợp tác cùng những người bạn lớn như thế.

Nguyễn Hữu Thái Hòa

Ý kiến

()