Chúng ta

OTT thách thức nhà mạng

Thứ hai, 5/8/2013 | 12:37 GMT+7

Chủ đề của Thế Giới Vi Tính kỳ tháng 8 mang đến cái nhìn toàn cảnh về công nghệ VoIP trên di động của các nhà cung cấp dịch vụ OTT (Over-the-Top) đang tạo ra cuộc cách mạng lớn tiếp theo trong lĩnh vực CNTT-TT.
> OTT - xu hướng tất yếu

Cùng với sự bùng nổ của smartphone, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet (VoIP - Voice over Internet Protocol) như Skype, Viber, Whatsapp, Line, KakaoTalk… nhận được sự hưởng ứng của người dùng di động trên toàn thế giới. Công nghệ VoIP trên di động của các nhà cung cấp dịch vụ OTT ( Over-the-Top) đang tạo ra cuộc cách mạng lớn tiếp theo trong lĩnh vực CNTT-TT, đem lại lợi ích to lớn cho người dùng, nhưng cũng đặt ra thách thức chưa từng có cho các nhà khai thác mạng di động.

Ứng dụng giúp nhắn tin, điện thoại miễn phí trên di động (còn gọi là dịch vụ cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông OTT - Over-The-Top content).

Các ứng dụng giúp gọi điện, nhắn tin miễn phí trên di động xuất hiện ồ ạt tại Việt Nam khi người dùng  smartphone tăng cao, khiến các nhà mạng lo ngại bị cạnh tranh.

Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, các nhà mạng đã bắt đầu bắt tay với các dịch vụ OTT để phát triển và đáp ứng nhu cầu người dùng đang ngày càng tăng cao.

Theo công ty tư vấn viễn thông, các dịch vụ VoIP OTT trên di động sẽ khiến các nhà mạng trên toàn cầu tổn thất doanh thu tới 479 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2020. Các nhà mạng Việt Nam cũng đưa ra con số thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm đối với doanh thu từ dịch vụ nhắn tin, gọi điện truyền thống do cơn “bão” OTT gây nên.

Công nghệ VoIP cho phép người dùng điện thoại tận dụng hạ tầng mạng Internet để trao đổi thông tin, do vậy chi phí rất rẻ so với việc sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản (nhắn tin, gọi điện) của các nhà khai thác mạng di động. Vì người dùng có quyền sử dụng Internet theo cách của mình nên các nhà điều hành mạng không thể can thiệp cũng như không có bất cứ quyền gì đối với các gói tin IP được chuyển đi bởi một dịch vụ OTT. Các nhà mạng chỉ đóng vai trò cung cấp kết nối để chuyển các gói tin IP qua mạng Internet.

 Trong thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ VoIP thường miễn phí cho những cuộc gọi giữa những người sử dụng cùng ứng dụng, chỉ tính phí (rất thấp) khi cuộc gọi được chuyển tiếp qua mạng điện thoại cố định (PSTN) hoặc mạng di động. Nhiều dịch vụ OTT còn “khuyến khích” người dùng gửi các tập tin hình ảnh, âm thanh có lưu lượng truyền cao. Kết quả là nhà mạng không những bị tổn thất lớn về doanh thu đối với các dịch vụ nhắn tin, gọi điện mà còn đứng trước nguy cơ mạng di động bị quá tải.

d

Thế Giới Vi Tính đã chính thức có mặt tại các sạp báo trên toàn quốc từ hôm nay, ngày 5/8. Ảnh: PC World Việt Nam.

Nhà mạng tốn tiền tái đầu tư để nâng cấp, mở rộng mạng, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ OTT lại triển khai và hưởng lợi từ những hoạt động dựa trên các dịch vụ mạng di động băng thông rộng ngày càng phát triển. Đối xử với các dịch vụ OTT như thế nào đang là bài toán khó khiến các nhà mạng đau đầu, bởi họ không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng. Công nghệ đang đặt ra thách thức cho các nhà mạng, làm sao để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho người dùng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT.

Trong khi đó, trên phương diện an ninh quốc gia, chính phủ nhiều nước tỏ ra quan ngại vì khó có thể kiểm soát được nội dung của người dùng dịch vụ VoIP OTT. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ OTT, đang diễn ra cuộc đua nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dùng, và kiếm lợi từ đấy. Thêm vào đó là lời cảnh báo của các chuyên gia bảo mật về việc các ứng dụng OTT có thể sẽ là miền đất hứa để tin tặc lợi dụng tấn công người dùng, đánh cắp thông tin cá nhân nhạy cảm trên điện thoại, nghe lén các cuộc gọi…

OTT, với dịch vụ VoIP trên di động, đang là tâm điểm của nhiều cuộc chiến khó có hồi kết vì tất cả đều phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết.

Thế Giới Vi Tính chính thức có mặt tại các sạp báo trên toàn quốc từ hôm nay, ngày 5/8.

Na Vy

Ý kiến

()