Chúng ta

Máy tính viết lại bộ não con người

Chủ nhật, 21/4/2013 | 08:45 GMT+7

Học với giáo viên hay máy vi tính, học theo nhóm hay tự học một mình đang là một chủ đề nóng bỏng. Đâu là sự lựa chọn phù hợp nhất? Liệu chúng ta có quyền được lựa chọn bên trong cuộc tranh luận phân cực này?
> ‘Công nghệ sẽ là chìa khóa trong giáo dục’

Gần đây, Nicholas Negroponte, người sáng lập dự án One Laptop Per Child (Mỗi đứa trẻ một laptop), đã bắt tay vào một dự án mới. Tổ chức của ông đã bỏ những chiếc máy tính bảng được cài đặt sẵn ở một ngôi làng xa xôi ở Ethiopia. Những đứa trẻ ở đây chưa từng được tiếp xúc với môi trường học đường, ngôn ngữ viết hay bất kỳ một loại tài liệu in nào. Một nhóm 20 đứa trẻ trong độ tuổi lên 5 đã tự mày mò học được các cách đọc, viết cơ bản.

Xa hơn nữa, chúng cũng đã truy cập được vào hệ điều hành và mở được tùy chọn chụp hình cũng như cá nhân hóa trang chủ máy tính bảng của cá nhân mình. Những thí nghiệm này cho chúng ta thấy khả năng tuyệt vời của máy tính trong việc giáo dục khoảng 100 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không có điều kiện đến lớp.

d

Khả năng của máy tính là vô tận nếu suy nghĩ về giáo dục của chúng ta thoát ra khỏi những khuôn mẫu truyền thống và hình thành một kinh nghiệm mới. Ảnh: Internet.

Liệu mô hình giáo viên đứng lớp có là một cái nhìn cổ xưa về giáo dục? Chúng ta đã phát triển qua những chỉ tiêu nào, liệu chúng ta có còn nhớ hay không? Phải thừa nhận những điều tuyệt vời có được của một lớp học. Đây là môi trường để trẻ em hoàn thiện nhân cách của mình, biết chịu trách nhiệm, nhân ái và bao dung với nhau. Đó là những giá trị giúp trẻ khám phá và hình thành bản sắc, khẳng định vai trò của mình trong xã hội cũng như học hỏi sự kiên nhẫn, khoan dung và đồng cảm.

Hiện nay có đến 29% trẻ em Mỹ từ độ tuổi 2 đến 4 và 52% trẻ em có độ tuổi từ 5 đến 8 sử dụng các thiết bị màn hình cảm ứng như smartphone hay máy tính bảng như iPad.

Tiến sĩ Gary Small và ông Parlow-Solomon, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về bộ nhớ và sự lão hóa về thần kinh và hành vi con người, Đại học California tại Los Angeles (The University of California, Los Angeles - UCLA) đã tiến hành nghiên cứu trên những người am hiểu về công nghệ. Kết quả, trung bình một người đã dành 8,5 giờ mỗi ngày để sử dụng các thiết bị công nghệ. Điều này cho thấy công nghệ đã ăn sâu vào đời sống của họ.

Theo UCLA, thời gian dành cho công nghệ đã viết lại bộ não của họ. “Điều này có vẻ tốt với những gì chúng ta đang phấn đấu để cả thế giới cùng hiểu biết về công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một nhược điểm là sự mất kết nối giữa con người với nhau, mất đi sự đồng cảm và những kỹ năng 'nhân dân, dân tộc'”, báo cáo chỉ ra.

Giáo dục tại Mỹ đang trở thành một chủ đề rất nóng. Hội đồng giáo viên, hội đồng nhà trường cùng các thị trưởng đang đưa ra những ý kiến đóng góp để cải thiện môi trường học tập công lập. Học tập tại nhà, giáo dục từ xa cùng một loạt lựa chọn học tập khác đã nổi lên trong một vài năm qua.

Trong khi những mô hình học tập mới này đã tạo ra cho mọi người cơ hội được học tập và có bằng cấp, liệu chúng ta có đang gạt bỏ đi tính chất quan trọng của sự trải nghiệm? Làm thế nào một đứa trẻ học tại nhà có được các kỹ năng giao tiếp xã hội? Làm thế nào một người đang tìm kiếm bằng cấp qua phương pháp học trực tuyến có được kỹ năng làm việc theo nhóm và sự tương tác?

d

Đối với những học sinh tiểu học, không có gì tốt hơn việc gặp gỡ một nhóm bạn, và xây dựng một thế giới lớp học với nhau. Hiện nay, một số trường học tại Việt Nam đã bước đầu áp dụng máy tính bảng vào việc giảng dạy và học tập của học sinh. Ảnh: Internet.

Khi bàn về tương lai rộng lớn của công nghệ và giáo dục, mọi người muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cá nhân trong học tập. Đối với những học sinh tiểu học, không có gì tốt hơn việc gặp gỡ một nhóm bạn, và xây dựng một thế giới lớp học với nhau. Học tập và thảo luận về các quy tắc và lý do vì sao mỗi người đều có một tầm quan trọng nhất định, như vậy là chúng ta đã cùng nhau xây dựng một mô hình xã hội thu nhỏ.

Bên cạnh đó, câu chuyện thử nghiệm của Nicholas Negroponte đã cho thấy sự tuyệt vời của công nghệ khi giúp việc học đọc, học viết trở thành một điều nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Còn gì tuyệt vời hơn khi hàng triệu trẻ em và người lớn có thể tự dạy cho mình cũng như cho người khác chỉ với một chiếc máy tính bảng đơn giản và làm thay đổi cuộc sống của họ.

Hy vọng trong những thập kỷ tiếp theo sẽ có một sự pha trộn tuyệt vời giữa giáo dục và công nghệ.

Theo trang PhoneArena, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sử dụng các thiết bị smartphone hay tablet thường xuyên sẽ gây tác động tích cực lẫn tiêu cực lâu dài về nhận thức của trẻ em. Một số ứng dụng về giáo dục trên máy tính bảng và đặc biệt là iPad có khả năng ảnh hưởng tích cực tới trí nhớ và khả năng tiếp thu kiến thức của trẻ trong giai đoạn phát triển.

Với các chương trình giảng dạy hay tự học dành cho trẻ trên máy tính bảng, mà điển hình là iPad, có mức độ tương tác cao hơn nhiều so với các chương trình trên TV. Thông thường, trong một giờ theo dõi các chương trình trên TV, thống kê cho thấy trẻ mất tập trung khỏi màn hình đến hơn 100 lần.

Trong khi đó, với các ứng dụng trên iPad, đứa trẻ sẽ tập trung sự chú ý vào những gì trên màn hình cho đến khi hoàn thành bài tập hay trò chơi.

Lan Chi (theo Huffingtonpost)

Ý kiến

()