Chúng ta

Anh Hoàng Trung Kiên: 'Tân binh đừng quá coi trọng thu nhập'

Thứ bảy, 8/8/2015 | 21:48 GMT+7

"Tôi vẫn nhớ lời khuyên của một vị khách hàng: Em còn trẻ, đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền thì tiền sẽ tự đến với em. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết được câu nói đó nhưng đến bây giờ tôi mới thấy bài học của những người đi trước thực sự giá trị", PTGĐ FPT Telecom Hoàng Trung Kiên chia sẻ.

Trong buổi Open Talk với 70 tân binh Hà Nội, thuộc chương trình "72h trải nghiệm", anh Hoàng Trung Kiên - PTGĐ FPT Telecom, đã mang đến những câu chuyện, bí quyết và kinh nghiệm thú vị của bản thân trong hành trình lập nghiệp ở FPT.

Khuấy động không khí chương trình với các câu hỏi tìm hiểu về CBNV có mặt tại hội trường, khi biết có tân binh chỉ mới 18, 19 tuổi đã gia nhập Ban Công nghệ FPT, anh Hoàng Trung Kiên, khẳng định: "Việc sẵn sàng tạo cơ hội cho những bạn trẻ thể hiện mình là nét đặc trưng của môi trường và văn hóa doanh nghiệp FPT. Nếu xông xáo và đam mê thì bất cứ lúc nào và bất cứ ai cũng có thể sẵn sàng thử sức".

ak-2-4245-1439026318.jpg

Anh Kiên chia sẻ nhiều kinh nghiệm của bản thân cho tân binh.

Theo anh, điều cốt lõi với mỗi nhân viên là không ngại sự thay đổi trong quá trình làm việc. Nếu đang quen việc nhưng lại được điều chuyển sang công việc khác thì không nên ngại ngùng, mà cần học cách đối mặt và thử sức. Nếu làm được sẽ có thêm cơ hội mới, mối quan hệ mới, hiểu biết thêm về sản phẩm mới, từ đó nâng cao năng lực bản thân, tạo hành trang cho chúng ta đi lâu dài và gặt hái thành công. Như người FPT Telecom thường có câu nói: "Việc không khó thì cần gì đến mình, mình sinh ra để làm những việc khó".

Với băn khoăn của tân binh làm thế nào để đi nhanh đến thành công, anh Kiên tâm sự, trước đây, anh phải mất 3 năm mới được quản lý 2 nhân viên, 6 năm mới có 8 nhân viên và 7 năm có khoảng 100 nhân viên. Còn CBNV bây giờ chỉ mất 1-2 năm đã có hàng chục người cấp dưới. Với xuất phát điểm nhanh như vậy, các bạn không nên quá vội vàng mà cần kiên nhẫn, chịu khó tích lũy kinh nghiệm, tập đi từng bước chắc chắn, nhất định sẽ thu được thành quả. Vì vậy, khi bắt đầu đừng nghĩ ngay đến việc làm sếp, không ai trong lần đầu tiên đều được trao ngay nhiều trách nhiệm, thách thức.

"Tròn 16 năm làm ở FPT Telecom, tôi đã có nhiều thay đổi, trưởng thành. Tôi nghiệm ra, phải "có đủ giờ bay” mới có thể thành công. Nếu muốn rút ngắn đường đi thì cần làm việc nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, thay vì làm 8 tiếng chúng ta có thể làm 14 tiếng... Sự tích lũy về lượng sẽ dẫn đến sự tích lũy về chất", anh nói.

Sự tích lũy đó thể hiện ở chính con người anh. Gắn bó với FPT từ năm 2000 đến nay, anh cảm nhận bản thân vẫn giữ nguyên sự nhiệt huyết, sẵn sàng lao vào công việc như thủa ban đầu, nhưng nhờ sự trải nghiệm và tích lũy, cách hành xử đã khác nhau. Nếu trước đây, anh chỉ cầm tập tài liệu là "cắm đầu cắm cổ" đến gặp khách hàng, nếu bị hỏi vặn vẹo là rơi vào thế bí, nhưng sau này, anh luôn tìm hiểu kỹ hơn. Trước khi đi gặp khách hàng, bao giờ anh cũng đặt ra một vài câu hỏi trước về họ và tìm câu trả lời để tránh rơi vào tình huống bị động. Anh nhận ra, người luôn chủ động và hiểu rõ khách hàng chính là người bán hàng chuyên nghiệp.

ak1-8894-1439026318.jpg

CBNV hào hứng đặt câu hỏi cho PTGĐ FPT Telecom.

Gắn bó và nhiệt huyết với công việc là thế nhưng anh cũng thừa nhận, giống như nhiều CBNV khác, anh đã có những lúc muốn nghỉ việc. Theo anh, đó là trạng thái tâm lý bình thường của con người, nó xuất hiện theo chu kỳ 2 năm một lần. Thời gian mới ra trường, ai cũng nhiệt huyết, làm việc gì cũng thích, nhưng sau 2 năm nếu thấy công việc không tiến triển, tâm lý chán nản sẽ xuất hiện. Tình huống ấy cũng lặp lại khi chúng ta đã quá quen với một công việc mà không thể có đột phá, sáng tạo khiến bản thân có cảm giác thất bại. Nhiều khi, CBNV cũng muốn bỏ việc vì mức thu nhập không thỏa đáng hoặc được công ty khác mời chào với đãi ngộ cao hơn... 

"Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng, trong 5 năm đầu tiên, mỗi người nên làm việc để tích lũy kinh nghiệm, không nên quá coi trọng thu nhập. Tôi vẫn nhớ lời khuyên của một khách hàng tôi gặp trong những ngày đầu đi bán phần mềm: Em còn trẻ, đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền thì tiền sẽ tự đến với em. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết được câu nói đó nhưng đến bây giờ tôi mới thấy bài học của những người đi trước thực sự ý nghĩa và giá trị", anh chia sẻ.

Không khí trong hội trường cũng trở nên sôi nổi hơn trước câu hỏi của tân binh về cách giải tỏa stress, bí quyết để cảm xúc không chi phối công việc nếu gặp những chuyện buồn trong cuộc sống. Ngoài chia sẻ những cách "giải sầu" thông thường như ở một mình, uống rượu, uống café, đi lang thang... anh Kiên còn chỉ ra một phương thức đặc biệt: "Nếu khi nào quá stress, cảm giác không thể chịu đựng được nữa, các bạn có thể tìm một nhà xác bệnh viện, đến đó một mình, đứng trước cửa khoảng nửa tiếng, quan sát mọi thứ trong 30 phút. Tôi nghĩ sau đó, khả năng lớn các bạn sẽ không bao giờ stress nữa".

Đưa ra lời khuyên cho tân binh, anh Kiên phân tích điểm "vấp" mà nhiều CBNV đang gặp phải, đó là sự mất tập trụng trong công việc, thời gian làm việc chính thức không mang lại hiệu quả cao do ảnh hưởng của báo điện tử, mạng xã hội, chuyện cá nhân... "Tôi cho rằng, mỗi người nên tự lập thời khóa biểu, lên kế hoạch cụ thể, đặt deadline cho mỗi việc. Sau một ngày sẽ rà soát lại xem việc nào chưa hoàn thành, vì sao và tiếp tục lên kế hoạch cho ngày mai. Cứ như vậy, khi đã rèn luyện được thói quen tuân thủ lịch làm việc và nỗ lực hết mình để hoàn thành, chắc chắn sau một năm, các bạn sẽ gặt hái được những trái ngọt trong công việc", anh nhắn nhủ.

>> Chủ tịch FPT IS: 'Đãi ngộ công bằng giúp FPT phát triển bền vững'

"72h trải nghiệm" số 4 dành cho 70 CBNV khu vực Hà Nội diễn ra ngày 6-8/8 tại ĐH FPT, khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trong khi đó, hơn 70 người FPT phía Nam cũng hòa mình vào chương trình trải nghiệm số 2 trong hai ngày 7-8/8 tại khu du lịch Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai. 

"72 giờ trải nghiệm" là chương trình đào tạo tân binh theo hình thức mới của tập đoàn do trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) triển khai từ đầu năm 2015. Với chủ đề “Đồng đội” xuyên suốt, chương trình sẽ giúp CBNV cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, con người FPT, mở rộng quan hệ, làm quen với nhiều đồng nghiệp khác trong tập đoàn. 

Tử Quyên

Ý kiến

()