Chúng ta

Chủ tịch FPT IS: 'Đãi ngộ công bằng giúp FPT phát triển bền vững'

Thứ bảy, 8/8/2015 | 10:46 GMT+7

"Một tổ chức lành mạnh là có lãnh đạo luôn nhìn rõ, hiểu được nỗi vất vả, sự cống hiến của nhân viên. Cách đãi ngộ, đánh giá đồng sự của mình tương đối công bằng là bí quyết giúp FPT phát triển bền vững hơn các tổ chức khác", Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo đúc kết.

Chia sẻ với các tân binh trong chương trình "72h trải nghiệm" về văn hóa lịch sử con người FPT, Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo - một trong 13 thành viên sáng lập - đã tái hiện những mảnh ghép quan trọng trong hành trình 27 năm phát triển của tập đoàn. Những điểm mốc quan trọng của FPT như: Thành lập công ty, quyết định trở thành số 1 Việt Nam về CNTT, lên sàn chứng khoán, chuyển giao thế hệ lãnh đạo và phấn đấu trở thành tập đoàn toàn cầu, cùng những giá trị tinh thần riêng có đều được anh Bảo khái quát cô đọng qua các câu chuyện thú vị. Với mỗi thời điểm, anh đều chỉ ra nhiều kinh nghiệm và bài học cho tân binh.

a-b-2-6226-1438957545.jpg

Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo đã chia sẻ nhiều giá trị riêng có của FPT cho tân binh.

Thời điểm FPT thành lập, kinh tế đất nước rất khó khăn, các giá trị xã hội trở nên lẫn lộn, những người có học vị thì không được coi trọng, đồng lương không đủ sống. Vì thế mà có chuyện bà mẹ vợ mắng con rể rằng: "Đồ lừa đảo, sao trước khi cưới con gái tôi thì bảo là lái xe, hóa ra là tiến sĩ à". Từ thực trạng ấy, anh Trương Gia Bình cùng với những người bạn nảy sinh khát khao lập nghiệp để thoát khỏi cái nghèo bằng cách thành lập FPT. Khát vọng ấy thể hiện trong tầm nhìn của công ty: “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”

Cho đến nay, FPT vẫn luôn bám sát theo tôn chỉ ấy. Rất nhiều công ty Việt Nam cũng lập nghiệp cùng thời, có công ty phát triển, có công ty tan rã, chỉ có FPT ngày càng phát triển và lớn mạnh. Nhiều người thắc mắc hỏi: "Sao bọn FPT chơi với nhau mãi không chán?".

Anh Bảo cho rằng, có được sự gắn bó ấy là vì FPT luôn ghi nhận và đánh giá đúng sự đóng góp của từng cá nhân. Do đó, khi chia thưởng đều rất công bằng. Thời điểm công ty lên sàn chứng khoán năm 2006, mọi người FPT đều có quyền mua cổ phiếu, ngay cả anh bảo vệ cũng nhờ sự kiện đó mà mua được nhà lầu xe hơi. FPT luôn coi trọng công sức của tất cả nhân viên, cho dù là anh bảo vệ hay chị tạp vụ - một việc mà các công ty khác khó làm được. 

"Một tổ chức lành mạnh là có lãnh đạo luôn nhìn rõ, hiểu được nỗi vất vả, sự cống hiến của nhân viên. Cách đãi ngộ, đánh giá đồng sự của mình tương đối công bằng là bí quyết giúp FPT phát triển bền vững hơn các tổ chức khác, giống như bài học phân chia chiến lợi phẩm công minh của Thành Cát Tư Hãn đã giúp ông đưa một bộ tộc du mục trở thành một đế quốc hùng mạnh", anh Bảo đúc kết.

Theo anh, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều cơ hội và phương tiện tiếp xúc với tri thức, được đào tạo tốt hơn và giỏi hơn thế hệ lãnh đạo FPT trước đây, tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ hiện nay sợ xa gia đình, sợ vất vả, không muốn ra nước ngoài, không có khát vọng chinh phục và vươn tầm ra thế giới. Khi nói đến việc onsite, nhiều CBNV vội vã chối từ - điều này khác hẳn với người FPT đời đầu.

Ngày đó, anh Bảo được cử sang Pháp demo phần mềm cho khách hàng, anh vẫn hăng hái nhận đi dù không biết chữ tiếng Pháp, tiếng Anh nào. Trước khi đi, anh chỉ kịp học hai câu: "Bonjour và Bonsoir" (chào buổi sáng - chào buổi tối). Sang đó suốt 8 tháng, anh sống một mình, phải tự đi chợ, nấu ăn, bắt xe bus đi làm. Mỗi khi muốn mua gì, anh phải gọi về cho một người bạn biết tiếng Pháp, hỏi và ghi âm cách đọc, hôm sau ra cửa hàng đọc lại y nguyên mới mua được đồ.

"Bây giờ các bạn đi công tác nước ngoài đều có phụ cấp, được đi máy bay, ngoại ngữ đầy đủ nhưng lại không muốn đi. Nhiều bạn bảo: Ôi, em chỉ đi được hai ngày, chứ đi 3 tháng thì khó. Nếu các bạn không có khát vọng vươn ra biển lớn, cứ loanh quanh ở ao nhà thì khó mà phát triển", anh Bảo nhấn mạnh.

Theo anh, để có được những thành công nhất định trong nghề nghiệp, các bạn không những phải có khát vọng, không ngại khó ngại khổ mà phải chăm chỉ học hỏi, tìm ra năng lực, sở trường riêng và làm đúng năng lực đó với quyết tâm cao. Trước đây, khi học Toán điều khiển, anh Bảo đã phát hiện ra sở trường tin học vượt trội của bản thân. Từ đó, anh rất say mê lập trình, thường xuyên làm đến đêm và ngủ ở cơ quan, sáng mai dậy làm tiếp. Trước khi thành lập FPT, anh đã viết được một phần mềm giống như PowerPoint bây giờ. 

a-b-3-6440-1438957545.jpg

Anh Bảo cho rằng, sự công bằng là yếu tố giúp FPT phát triển bền vững.

Ngoài ra, muốn thành công, người làm kinh doanh phải chân thành, tạo sự tin cậy để có được sự yêu mến của khách hàng. Anh thường nói với CBNV, bản chất công việc của FPT IS không phải đấu thầu hay giành hợp đồng mà là xây dựng quan hệ với khách hàng và giữ gìn, trân trọng mối quan hệ đó. Đó là điều anh tự đúc kết sau quá trình làm việc và tình cờ sau này đọc các sách nói về thành công của người Mỹ, anh nhận thấy điều đó trùng khớp với nguyên lý: 80% thành công trong kinh doanh là nhờ các mối quan hệ chân thành, tin cậy. Thêm vào đó, tố chất nắm bắt, thấu hiểu tâm lý và suy nghĩ của khách hàng một cách nhanh chóng cũng giúp làm nên sự thành công.

"Tỷ lệ trở thành triệu phú của nhóm đam mê cao gấp 100 lần tỷ lệ của nhóm kiếm tiền. Do vậy, khi mới ra trường, các bạn trẻ nên tích lũy kinh nghiệm trước thay vì chỉ nghĩ đến thu nhập. Việc tích lũy đó sẽ tạo cơ hội cho các bạn phát triển về sau và FPT là môi trường tuyệt vời để thực hiện điều đó. Hãy chọn nghề nào giúp chúng ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất định sẽ thành công", Chủ tịch FPT IS nói.

Trong chương trình, không chỉ chia sẻ, kể chuyện, anh Bảo còn giải đáp nhiều băn khoăn của tân binh và mạnh tay thưởng nóng cho tất cả những người đặt câu hỏi. Trước nỗi niềm của CBNV về việc văn hóa FPT dường như ngày càng đi xuống, khiến nhân viên ít có động lực gắn bó và cống hiến, anh Bảo cho rằng, điều đó phần nhiều là do lãnh đạo.

"Khi nói đến văn hóa ở thời kỳ trước, tôi thực sự nuối tiếc. Ngày đó, FPT có ít người, môi trường cởi mở, mọi người sống với nhau rất chân thành, không tư lợi cá nhân, không nhận hoa hồng, không sử dụng nghề nghiệp để kiếm tiền riêng, mọi thứ đều được phân chia công bằng. Ngày nay, FPT tăng trưởng quá nhanh, số người quá đông, nên sự gắn kết đó không còn. Nếu trước đây, mọi nhân viên mới vào đều được người cũ chỉ bảo mọi thứ về văn hóa tinh thần 'Tôn đổi đồng chí gương sáng', thì bây giờ khó lòng thực hiện. Mà nhiều khi có thực hiện, truyền đạt lại các bạn cũng không tin, như chuyện người FPT không kiếm tiền riêng chẳng hạn", anh tâm sự.

Theo anh, văn hóa phải như dòng chảy xuyên suốt, cần phải truyền từ lãnh đạo cao nhất đến mọi cấp trong công ty. Nhưng ngày nay, các quản lý cấp dưới chỉ chú trọng kinh doanh không quan tâm đến văn hóa và nó cứ thế bị mai một dần. Gene không di truyền được thì thế hệ sau sẽ mất gốc. "Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng với sự máu lửa và sức trẻ, chính các bạn sẽ sáng tạo và phát huy được giá trị văn hóa tinh thần riêng có của FPT", anh kỳ vọng.

"72h trải nghiệm" số 4 dành cho 70 CBNV khu vực Hà Nội diễn ra ngày 6-8/8 tại ĐH FPT, khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trong khi đó, hơn 70 người FPT phía Nam cũng hòa mình vào chương trình trải nghiệm số 2 trong hai ngày 7-8/8 tại khu du lịch Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai. 

"72 giờ trải nghiệm" là chương trình đào tạo tân binh theo hình thức mới của tập đoàn do trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) triển khai từ đầu năm 2015. Với chủ đề “Đồng đội” xuyên suốt, chương trình sẽ giúp CBNV cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, con người FPT, mở rộng quan hệ, làm quen với nhiều đồng nghiệp khác trong tập đoàn. 


Tử Quyên

Ý kiến

()