Chúng ta

Trạng nguyên FPT 2023: Quyết tâm trở thành thế hệ lãnh đạo tiên phong

Thứ tư, 3/4/2024 | 10:27 GMT+7

Chuyến trải nghiệm 3 ngày 2 đêm không dài nhưng đủ để tôi cùng các anh chị em trong Top 13 Trạng được “xuyên không thời gian”, tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với những bài học ý nghĩa qua góc nhìn thú vị, đầy sinh động và cảm xúc của anh Nguyễn Thành Nam.

Hành trình “Về nguồn” của tôi bắt đầu ngay sau chuyến leo núi Putaleng 3 ngày nên tôi khá băn khoăn, không biết “liệu mình có đủ sức khoẻ để tham gia hay không?”. 4h30 sáng, cả đoàn Hà Nội hẹn nhau ở sảnh văn phòng FPT Tower, hầu hết đều khá lo lắng về chuyến đi dài tại miền Trung nắng gió. Những nụ cười, cái bắt tay hứng khởi sau thời gian dài không gặp nhau, cảm giác thân quen… giữa các thành viên nhanh chóng xua tan nỗi lo này.

Tới khi gặp được anh Nguyễn Thành Nam (thành viên Hội đồng Sáng lập FPT) và chị Trịnh Thu Hồng (Giám đốc Học viện FPT) tại sân bay, bầu không khí dần tươi sáng hơn khi được thổi vào một tinh thần tích cực, sự hứng khởi về chuyến trải nghiệm đặc biệt này.

Hành trình bắt đầu! Qua mỗi chặng đường và từng câu chuyện mà anh Nam cùng Ban tổ chức “Về nguồn” chia sẻ, mọi cảm xúc của các thành viên như dần được gọi tên, tầm nhìn được rộng mở về với quá khứ và cội nguồn. Mọi người với những trăn trở cỏn con, riêng lẻ bỗng trở nên nhiều kết nối hơn với tập thể lớn là FPT, với lịch sử hào hùng của đất nước. Hòa mình vào những bài hát STCo tếu táo của anh Nam mới thấy tự hào và vui biết bao khi mình được là “bọn nhà F”.

Đến thăm nhà Bác, mọi thứ thật thân thương, dễ chịu với quang cảnh làng quê, vài câu chuyện nhỏ thú vị từ anh Nam bên đĩa cu đơ và ấm trà sen khiến cả đoàn bật cười không ngớt. Hóa ra Bác Hồ lại gần gũi với chúng ta, gần với FPT đến vậy.

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc xúc động đầu tiên chợt ùa đến khi xem phim tài liệu và thuyết minh về các nữ thanh niên xung phong nơi ngã ba Đồng Lộc. Bước chân thoăn thoắt của cô gái La Thị Tám đi cắm cờ đánh dấu hơn 1.200 quả bom nổ chậm, nụ cười của cô gái chưa tròn 17 tuổi Võ Thị Hà nơi chiến hào bom dội như trút. Câu hỏi lớn mà anh Nam đặt ra cho chúng tôi: “Vì sao biết lao vào bom đạn khốc liệt sẽ khó có ngày trở về mà họ vẫn quyết tâm chiến đấu, vượt qua những hy sinh mất mát để có niềm tin lớn vào chiến thắng như thế?”. Cả nhóm phải suy nghĩ hồi lâu và đưa ra nhiều phỏng đoán khác nhau. Nhưng hóa ra đây cũng là bài học đầu tiên về chiến tranh nhân dân mà anh Nam muốn chúng tôi học được.

-6534-1712053118.png

Bức "Chiến sĩ vô danh" tại thành cổ Quảng Trị. 

Hành trình trải nghiệm được đẩy lên cao trào đến “sở da gà” hơn khi chúng tôi bước vào thành cổ Quảng Trị, nhìn thấy bức tượng đá điêu khắc “biết nói”, được kể về sự hy sinh của những người chiến sĩ trẻ. Thật khó tưởng tượng! 400 mét vuông nơi đây, 81 ngày đêm, 328.000 tấn bom, hàng chục ngàn thương vong. Độc lập được đổi bằng xương máu và sự hy sinh quá lớn của hàng bao thế hệ.

Khi đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngồi bên thềm đá chân đồi, anh Nam đọc cho chúng tôi nghe về bài phỏng vấn của nữ phóng viên Virginia Morris với Đại tướng về những quyết định khó khăn và quan trọng trong cuộc chiến tranh. Bài học về việc học từ kẻ thù, từ trận đánh thực tiễn cũng đã được đúc rút từ đây.

Giọng anh Nam lạc trong xúc động khi đọc đến đoạn bác Giáp nói về những mất mát, hy sinh của người dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc. Chính những cảm xúc chân thành này đã chạm đến trái tim của mỗi người, khiến những bài học thấm sâu hơn bao giờ hết.

Tiếp nối câu chuyện về bài học thông qua chiến tranh, anh Nam kể về cách quân ta đã “vô tình” tạo ra một phương thức chiến đấu vô cùng hiệu quả, đó là “Trung đoàn tập trung, Đại đội độc lập”. Điều này thú vị khi liên hệ đến cách thức tổ chức nhóm làm sản phẩm của tôi nên tôi đã phải nhanh chóng ghi chép và hỏi anh những câu hỏi làm rõ cách thức tạo ra “Đại đội độc lập”.

Các bài học cứ vậy được đan xen qua các câu chuyện nhỏ, bữa cơm ngon, bài hát vui vẻ trên chuyến xe di chuyển gần 500 km đến Huế.

Hành trình đã dừng chân tại trường Quốc học Huế nhưng những cảm xúc này, lời dạy này sẽ vẫn còn nguyên vẹn, mang ý nghĩa lớn đối với chúng tôi, rất khó có cơ hội được trải qua lần thứ 2. Người trẻ thường coi lịch sử, chiến tranh là mơ hồ, tẻ nhạt nhưng sau chuyến đi này, lịch sử Việt Nam trong mắt những người tham dự chắc chắn sẽ rất khác, mang nhiều ý nghĩa tiếp nối và bồi đắp thêm kiến thức, sức mạnh cho hành trình tương lai.

Chúng tôi - những cá nhân non trẻ đã được đi, được học, được hiểu hơn về anh Nam, về tinh thần người FPT, phẩm chất người Việt, về các thành viên trong đoàn. Tôi được thay mặt đoàn gửi lời tri ân sâu sắc đến anh, cũng như tự hứa với lòng sẽ không ngừng rèn luyện tư duy sắc bén, tinh thần lãnh đạo máu lửa “Đếk biết gì cũng tiến” để trở thành những người lãnh đạo tiên phong cho thế hệ mới.

Phương Anh

Ý kiến

()