Chúng ta

FPT chuyên nghiệp trong mắt ai?

Thứ sáu, 16/5/2014 | 12:49 GMT+7

Những lãnh đạo trẻ của FPT được tiếp thu văn hóa phương Tây đã xây dựng các quy tắc theo kiểu Tây hóa với mong muốn tạo cho nhân viên một môi trường được gọi là “chuyên nghiệp”. Điều này không sai nhưng với người FPT, e là không hợp lý.
> FPT IS ơi, ngày ấy còn đâu! / CBNV FPT IS Hà Nội không được nằm ngủ trưa trong văn phòng

Từ bao lâu nay, người họ nhà F vẫn nhận mình là "nông dân" với nếp văn hóa làng xã, đầy nghĩa tình anh em. Đó không chỉ là nét đẹp mà còn tạo thành một bản sắc riêng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chính nhờ “phong cách” sống và nếp văn hóa đó, người nhà F không những xây dựng mà còn duy trì được đặc trưng, tạo thành giá trị cốt lỗi rất đỗi FPT. Đó là chữ “Đồng”. Theo quy tắc ứng xử FPT, “Đồng” là tinh thần đồng đội, bao gồm: Đồng tâm, Tập thể và Chân tình. Chính nhờ chữ “Đồng” đó mà CBNV FPT làm việc với nhau không dừng lại ở hai chữ “đồng nghiệp” mà còn coi nhau như anh em trong nhà.

Nhưng người FPT ngày càng đông, những lãnh đạo trẻ của FPT được tiếp thu văn hóa phương Tây đã tạo ra những quy tắc, sắp xếp theo kiểu Tây hóa để tạo cho nhân viên một môi trường được gọi là “chuyên nghiệp”. Những quy tắc ấy nhiều vô kể như kiểu: Không tụ tập ăn uống tại nơi làm việc,  không nằm ngủ trưa, không tắt đèn trong văn phòng... Điều này không sai nhưng với người FPT, e là không hợp lý. Vì người phương Tây được rèn luyện tính chuyên nghiệp từ bé, tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, những quy định, sắp xếp trên với họ là quá đỗi bình thường. Nhưng người Việt nói chung và người họ F nói riêng lại có nền văn hóa khác. Và sự “vênh” trong cách nhìn nhận, vô hình trung đã làm chữ “Đồng” ngày càng bị lu mờ.

Tôi vẫn nhớ hồi còn làm ở FPT Telecom tại 48 Vạn Bảo (Hà Nội), lương thì cũng chỉ "ba cọc, ba đồng" nhưng mọi người sống với nhau bằng sự nhiệt tình và chân thật.

Đơn giản nhất là ngày sinh nhật. Chỉ cần có sinh nhật, không phân biệt là sếp hay lính, một đĩa hoa quả, một bình trà là tất cả mọi người cùng làm việc ở tầng 3B sẽ đến chúc mừng và chia vui. Ai có điều kiện thì làm to, không có điều kiện thì cũng vẫn vui.

Rồi Liên quân BDD (hồi đó chỉ có phòng Marketing) - FHR - FAF - FQA (sau này đổi tên thành FTQ) - FCC thường xuyên hô hào anh em tham gia các buổi kick-off, ăn uống để kết nối nhân viên vì phòng ban nào cũng có người mới. Nhờ những buổi như thế này mà khoảng cách giữa “ma cũ” với “ma mới” gần như không có.

Ấy vậy mà từ ngày sáp nhập FTN (Công ty TNHH Viễn thông miền Bắc) về một mối FPT Telecom, rồi khối BA ngồi ở 48 Vạn Bảo chuyển lên FPT Cầu Giấy, cái tinh thần “ăn chơi” năm nào đã dần biến mất. Một số “cây đa, cây đề” rời FPT để tìm cho mình những cái mới, một số người đã lên làm quản lý, người mới vào thì còn quá non và chưa ngấm được nếp văn hóa ấy nên mai một là điều tất yếu.

“FPT phải lớn mạnh”, “FPT phải toàn cầu hóa, không là chết”, “FPT phải tăng trưởng 30%”… những câu khẩu hiệu mạnh mẽ thời kim tiền. Nhưng những giá trị văn hóa thì cũng theo đó bay đi. Nhiều người đến với FPT, gắn bó với FPT cũng vì chữ “tình” và cái văn hóa rất riêng mà chỉ FPT có. Nhưng cái “chuyên nghiệp nửa mùa”, không gắn với cái gốc đang vô hình trung làm mai một thương hiệu văn hóa FPT - vốn được xây dựng và phát triển trong hơn ¼ thế kỷ qua.  

Bùi Minh Tuấn

Ý kiến

()