Chúng ta

'Ứng xử văn minh là cách trân trọng tương lai'

Thứ sáu, 10/10/2014 | 17:07 GMT+7

"Nếu bạn tin mình còn có ngày mai, tin rằng có nhiều điều tốt đẹp đang chờ, thì mỗi người sẽ ứng xử tốt hơn trong mọi tình huống của cuộc sống", nhà văn Trang Hạ chia sẻ với người FPT.
> Nhà văn Trang Hạ tiết lộ 'thuốc chống ế' 11.000 đồng

Bằng những câu chuyện, chiêm nghiệm của bản thân, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Trang Hạ đã giúp người FPT nhìn rõ hơn về trách nhiệm của tuổi trẻ với bản thân, gia đình và xã hội. Trách nhiệm đó không cần là những điều “đao to búa lớn” hay để lại những thành tựu vĩ đại, mà được thể hiện ngay từ những việc nhỏ, suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hằng ngày.

z

FLI Club tháng 10 với chủ đề "Vì bạn còn có ngày mai" đã diễn ra vào tối ngày 9/10 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. Chương trình do Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) và TUV NORD Việt Nam (đối tác của FPT) phối hợp tổ chức. Sức hút từ hai diễn giả "hot" đã có gần 200 người đến tham dự.

Dưới "góc nhìn dễ thương” về những vấn đề gai góc, chị cũng chia sẻ lại câu chuyện “thuốc chống ế” thú vị nhưng chứa nhiều thông điệp sâu sắc của bản thân.

16 năm trước, một đêm cuối mùa xuân, trên đường đi học ngoại ngữ về, chị bị một gã say rượu đâm thẳng xe máy vào người và xe. Cả hai cùng ngã lăn quay, tay chân sứt sẹo còn xe thì hỏng. Sửa xe xong, chị về luôn vì lo lắng mẹ ốm nặng ở nhà chờ.

Về nhà thấy mẹ vẫn đang ngủ say, chị yên tâm rồi thì nghĩ khổ thân gã đâm mình, bị thương cũng tội nghiệp. Thế là chị đi ra tiệm thuốc, mua hết 11.000 đồng tiền bông băng và cồn i-ốt, rồi quay lại tiệm sửa xe băng vết thương cho gã. Gã có vẻ cảm động, bèn hỏi số điện thoại của chị. Hai tuần sau thì nhận lời yêu nhau, rồi ở với nhau được mười mấy năm cho tới tận bây giờ.

"Kể ra lúc đó mình mà tay chống nạnh chửi vài câu, đòi bồi thường, hoặc tìm cách hôi của như các vụ đụng xe bây giờ, thì có khi mình đến bây giờ vẫn còn ế chồng. Thuốc chống ế hết có 11.000 đồng thôi", chị dí dỏm.

a

"Nói đến giao thông, mình toàn nghĩ đến những điều dễ thương, với những biển xe 'Xe mẹ mua, đua mẹ mắng', 'Xin đừng hôn em', 'Hà Nội không vội được đâu'… Đây là cách tuyên truyền tuyệt vời nhất chứ không phải những luật lệ khô khăn như 'rẽ trái vượt đèn đỏ phạt 400.000 đồng'", nhà văn Trang Hạ hài hước.

Qua đó, chị nhắn nhủ, khi ứng xử văn minh cũng là cách chúng ta trân trọng tương lai, có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình, và biết đâu lại tạo ra một cơ hội hay bất ngờ nào đó. Là nhà văn nhưng chị không tin vào chất liệu văn chương mà chỉ tin vào đời sống. "Nếu bạn tin vào đời sống thì bạn sẽ cư xử với mọi người y như bạn mong muốn mọi người đối xử với bạn ”, chị nói và nhận được sự tán thưởng của khán giả.

Nhà văn cũng chỉ ra quy luật những người đi đầu thường tạo ra xu hướng. Nếu một người vượt đèn đỏ thì những người sau cũng vượt và ngược lại. Cũng giống như trong cuộc sống, nếu mình luôn vui vẻ, có một "lễ hội ở trong tâm hồn" cũng sẽ truyền cảm hứng cho người khác, giúp cuộc sống hạnh phúc và thoải mái hơn.

"Tất cả đều do bản thân mỗi người quyết định. Cách ứng xử với chính bản thân mình cũng là ứng xử với tương lai. Nếu bạn tin mình còn có ngày mai, tin rằng có nhiều điều tốt đẹp đang chờ, thì mỗi người sẽ ứng xử tốt hơn trong mọi tình huống của cuộc sống”, chị Hạ cho hay.

a

Nhà thơ Trần Đăng Khoa gây ấn tượng mạnh bởi sự hóm hỉnh.

Bên cạnh sự sâu sắc, dễ thương của chị Trang Hạ thì phong cách hóm hỉnh, hài hước của nhà thơ Trần Đăng Khoa khiến khán giả thích thú. Tự nhận là "lão già" và mở đầu câu chuyện về tuổi tác khiến khán giả không ngừng cười và vỗ tay, nhà thơ đã mang đến hình ảnh một người lạc quan, vui vẻ và thông minh.

Ông hài hước kể: “Nếu ai hỏi tuổi, tôi mà nói thật thì lại bị nói chắc bác hoạt động trí óc từ bé nên già không đều. Thế là rút kinh nghiệm lần sau ai hỏi, tôi bảo gần 80 thế là lại được khen trẻ quá. Vậy tội gì không "cải lão hoàn đồng" trong khi chẳng tốn kém gì cả".

Nhà thơ dẫn chứng lại những câu chuyện vui vẻ về giao thông khiến khán giả không nhịn được cười. Nhưng trong mỗi câu chuyện vui đều hàm ý sâu xa về ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với tương lai của chính mình.

a

Khán giả sôi nổi giao lưu với hai khách mời. Nhiều khán giả cho biết, họ đến với chương trình còn do muốn được gặp thần tượng.

Một nhà thơ nổi tiếng của Nga sang Việt Nam đã rất sợ hãi trước cảnh giao thông hỗn loạn. Lúc ấy, Trần Đăng Khoa khuyên bà: "Không có gì đáng sợ, chúng tôi tuy vậy nhưng có quy luật cả đấy. Đó là chỉ nhìn thằng đằng trước, kệ thằng đằng sau, nghĩa là chỉ hướng về tương lai, chứ không nhìn về quá khứ". Chia sẻ này khiến cả hội trường cười ồ thích thú.

Bên cạnh đó, phần giao lưu với khán giả diễn ra sôi nổi. Những câu hỏi xoay quanh về tuổi trẻ, quan niệm thú vị của diễn giả, bí quyết giữ chồng, giảm cân, cách thay đổi thói quen xấu... cùng câu trả lời duyên dáng của khách mời luôn khiến hội trường sôi động bởi những tiếng cười.

Ngoài những câu chuyện về sự vô cảm của người đi đường khi có tai nạn giao thông, những hình ảnh xấu như vượt đèn đỏ, đi ẩu, nổi nóng, thiếu kiên nhẫn... thì vẫn có câu chuyện cảm động về trách nhiệm của tuổi trẻ như chuyện nhóm phượt “Phong Vân” cứu người bị nạn ở Sapa. Tấm lòng, sự dũng cảm, tinh thần cộng đồng... của những bạn trẻ đã lan tỏa thông điệp nhân văn về tình người.

"Cuộc đời như một chiếc xe đạp phải luôn vận động để nó cân bằng và đi về nơi xa. Khi còn trẻ, các bạn hãy thỏa sức sáng tạo để kiến tạo những điều tốt đẹp", nhà văn Trang Hạ nhắn nhủ.

a

Nằm trong chuỗi chương trình đề cập đến các vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội, buổi tọa đàm “Vì bạn còn có ngày mai” là cái nhìn trên nhiều khía cạnh xoay quanh trách nhiệm và cách ứng xử của giới trẻ ngày nay. Chương trình thuộc khuôn khổ dự án GOSmart Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua an toàn giao thông đường bộ do TUV NORD Việt Nam triển khai.

Nhà văn Trang Hạ đã đem tới những góc nhìn đầy lạc quan, tích cực như sống vì người khác hay luôn nhìn về phía trước. Cuộc đời nhưng những hành trình trên các nẻo đường, sự an toàn không chỉ cho riêng ta mà còn cho những người xung quanh. Cuối chương trình, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đem tới những giây phút thực sự xúc động bằng bài thơ “Ở nghĩa trang thành phố” - viết cho những người đã không may mắn ra đi vì tai nạn giao thông với thông điệp: Giá như chúng ta cẩn thận hơn, sống có trách nhiệm hơn, biết nghĩ đến ngày mai thì đã không có những cảnh đau lòng như vậy.

Anh Nguyễn Ngọc Tiên, FPT Software, bày tỏ sự xúc động khi được gặp gỡ hai tác giả mà mình yêu quý bằng xương bằng thịt. Chính hai vị khách mời thú vị đã giữ anh ở lại cho đến tận cuối chương trình.

Nhưng theo anh, chương trình đã gây bất ngờ lớn với slogan “Vì bạn còn có ngày mai”. Lúc đầu anh và nhiều bạn khác ngỡ rằng đó là chương trình nói về tình yêu, cuộc sống không liên quan gì tới giao thông. Nhưng từ bất ngờ đến thú vị, hóa ra giao thông lại là một vấn đề ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của mỗi người. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chúc: “Tôi chúc các bạn an toàn, còn hạnh phúc thì ai cũng có sẵn rồi”. "Cái hạnh phúc trong tư tưởng của chú Khoa thật tuyệt vời, nó trùng với những suy nghĩ của mình bấy lâu nay - Hạnh phúc là biết đủ”, anh tâm niệm.

 Nhàn Nhã 

Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

Ý kiến

()