Chúng ta

Trưởng thành từ ký túc xá sinh viên

Thứ bảy, 29/12/2012 | 11:51 GMT+7

Từ khu Công nghệ cao Hòa Lạc về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chỉ có một tuyến xe bus duy nhất - tuyến 71. Cứ nửa tháng một lần, khi trời còn tờ mờ sương, Nguyễn Xuân Tài (sinh viên K8) lại vội vã bắt xe ôm từ ký túc xá ra bến cho kịp chuyến.
> Ngày đầu đi học của tân sinh viên FPT / Sinh viên FPT đón năm mới tại làng chài

Đặt chân lên bus, ngồi vào chỗ, ôm cặp và… ngủ. Chỉ những khi dằn xóc ổ gà, một pha phanh gấp, hay đến nơi thì Tài mới choàng tỉnh dậy. Hành trình 40 km đó cũng đã khiến cho cậu chữa được căn bệnh say xe. Những chuyến xe bus rôm rả đã kết nối nhiều sinh viên FPT lại với nhau.

Từ ký túc xá ĐH FPT ra đến bến xe bus khoảng 2 km, ghi dấu bao kỷ niệm đáng nhớ của sinh viên FPT. “Sinh viên tụi em thường rủ nhau đi bộ ra bến xe. Vừa rồi, về quê nghỉ hết kỳ 2 tuần, cô giáo dạy tiếng Anh bị nhỡ xe đưa đón cán bộ của trường nên cũng đi bộ ra xe bus cùng lớp em. Cô trò có cơ hội tâm sự, hỏi han, từ đó thân thiết rất nhiều. Thêm nữa, chưa đi như vậy bao giờ nên cô cũng đã có những trải nghiệm mới”, Lê Thị Hiền (sinh viên K8) cho biết.

h

Học cách thích nghi với cuộc sống chung ở ký túc xá cũng là một “tấm vé” giúp sinh viên trưởng thành. Ảnh: NVCC.

Hành trang trở thành một tân sinh viên không chỉ gói gọn trong niềm vui đậu đại học. Với nhiều sinh viên FPT, Hòa Lạc là cánh cửa mở ra một thế giới mới. Đó là một cuộc sống xa nhà với bao buồn vui và cũng là một bước ngoặt mới để những “chú gà công nghiệp” thay đổi chính mình.

Thay đổi đầu tiên chính là làm quen với hành trình ĐH FPT Hòa Lạc - Hà Nội. Chặng đường gần 40 km không quá dài nhưng đã để lại cho sinh viên FPT rất nhiều kỷ niệm.

Với Đăng Hiếu (sinh viên K7), đây đã trở thành con đường thân thuộc với cậu mỗi khi tới trường. Chọn xe máy là phương tiện chính đi về giữa hai nơi, cũng không ít lần Hiếu gặp rủi ro như thủng săm giữa đường vắng hay gặp cướp giật ban đêm.

Học cách thích nghi với cuộc sống chung ở ký túc xá cũng là một “tấm vé” giúp sinh viên trưởng thành. Nhớ lại đầu tháng 5, cả dãy hành lang khu ký túc xá B (Dom B), ĐH FPT tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyên náo lạ thường. Từng dòng người với lỉnh kỉnh chăn màn, chậu, quạt… hăm hở bước vào khu nhà để dọn dẹp, sắp xếp.

Sau những rộn ràng chuyển nhà là một Hòa Lạc vắng vẻ và toàn “người lạ”, trái hẳn với Hà Nội đông đúc, choáng ngợp người xe. Nhiều sinh viên bị hẫng. Những tháng đầu, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên không tránh khỏi khó khăn.

“Em còn nhớ buổi tối đầu tiên ở Hòa Lạc, trời mưa to lắm, hệ thống thoát nước của tầng 5 KTX chưa được hoàn thiện nên nước chảy như thác ở cầu thang. Rồi lần đầu tiên phải xếp hàng dài ăn cơm, thức ăn nhà bếp lại rất nhạt và không có nước mắm. Còn những đợt dịch côn trùng tại Hòa Lạc như bướm đêm, kiến ba khoang… khiến mọi người bị ngứa khắp người, vừa buồn vừa chán. Chính vì thế, ngoài giờ học, nhiều sinh viên ở lỳ trong phòng. Ngày ngày chỉ thẳng một lối từ KTX tới giảng đường hoặc thư viện và ngược lại”, Đăng Hiếu nhớ lại.

Ký túc xá đã kết nối sinh viên FPT lại với nhau. Ảnh: NVCC.

Ký túc xá đã kết nối sinh viên FPT lại với nhau. Ảnh: NVCC.

Khi ở môi trường mỗi người một laptop trên tay như ở ĐH FPT, mạng xã hội đi sâu vào đời sống khiến cơ hội giao lưu giữa sinh viên ít dần đi thì những khó khăn đó tại Hòa Lạc cũng đã kết nối sinh viên xa nhà lại gần nhau.

“Những ngày tháng bên nhau, cùng vui trong chiến thắng ở những trận bóng sọt, bóng đá, những tiếc nuối, hờn dỗi khi thất bại; những bữa ăn sáng khi thiếu khi đầy, có khi nhường nhau hộp xôi, cái bánh... Dần dần, Hòa Lạc dần trở thành một ngôi nhà thứ hai đối với mỗi sinh viên chúng em”, Nguyễn Thị Hằng (sinh viên K8) chia sẻ.

Những “gia đình văn hóa” của sinh viên ở Hòa Lạc ngày một nhiều. Với phương châm “Trước lạ sau thân nhau như chị em trong nhà”, phòng của Lê Thị Hiền (sinh viên K8) còn trang bị riêng đồng phục pizama.

“Nhớ hồi đầu mới lên Hòa Lạc, mấy thằng còn rủ nhau ra ban công ngồi, vừa ăn mì đêm vừa ngắm trời, ngắm đất, ngắm mấy bạn gái xinh xinh bên tòa nhà đối diện. Còn tranh nhau từng tí ruốc mẹ gói mang từ nhà lên”, Nguyễn Xuân Tài (sinh viên K8) tâm sự.

Trời trở lạnh, được về nhà với mẹ mấy hôm, chàng sinh viên 9X “lại thèm được đắp cái chăn mỏng để lại trên KTX, thèm gió lùa vào lưng khi ba thằng đắp chung một cái chăn, thèm được đứng xếp hàng dài dằng dặc lấy cơm ăn cùng anh em, tán chuyện trên trời dưới biển, đến lúc nhà ăn chẳng còn ai, chị nhà bếp phải nhắc mới chịu trả khay ăn đi về”.

Khác biệt vùng miền cũng tạo nên những thú vị cho cuộc sống của sinh viên ở đây. “10 người cùng phòng thì 6 người miền Bắc, 4 người miền Trung.

Tiếng phổ thông mà cả phòng sử dụng là tiếng Bắc vì "đa số thắng thiểu số" và để tránh trường hợp "vừa nghe vừa đoán cả câu". Nên khi còn lại toàn dân miền Trung, chúng tôi lại được nói tiếng địa phương thoải mái và mỗi khi lỡ miệng nói giọng Bắc là cả bọn lại được một trận cười sảng khoái. Sự khác biệt về ngữ điệu vùng miền khiến cuộc sống sinh viên thêm màu sắc”, Tài nhớ lại ngày đầu đến Hòa Lạc.

Không sắp xếp mà ngẫu nhiên có phòng toàn người Nghệ An và phòng toàn dân Nam Định. Sinh viên lại có dịp kể cho nhau những chuyện bi hài vui vẻ bằng tiếng địa phương mà những người khác thường bảo đây là cách nói "chống nghe trộm".

Nam sinh với cuộc sống tự lập tại Hòa Lạc.

Nam sinh với cuộc sống tự lập tại Hòa Lạc. Ảnh: NVCC.

Nửa năm sống, sinh hoạt và học tập ở Hòa Lạc, các tân sinh viên FPT giờ đã trưởng thành lên nhiều. “Đời sinh viên ký túc có cái hay và cũng có cái khó khăn, không hợp nhau, không đồng quan điểm nên nhiều lúc xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, ghen ghét. Em học được sự quan sát, nhìn nhận và suy ngẫm. Không bộp chộp để được lợi về mình mà suy ngẫm về những người xung quanh để sống làm sao cho mọi người đều thấy thoải mái. Kỹ năng sống quý báu đó không dễ gì trang bị cho mình nếu chỉ ru rú ở nhà với cha mẹ”, Lê Hồng Quân đúc kết.

Hiện nay, ĐH FPT tại Hòa Lạc đáp ứng nhu cầu ăn ở cho khoảng 850 sinh viên khóa 7 và khóa 8. Hai tòa nhà KTX có diện tích sử dụng là 4.000 m2 với 5 tầng và 139 phòng mỗi tòa. Cùng sinh hoạt ở Hòa Lạc có khoảng 100 cán bộ và giảng viên nhà trường.

Theo phòng Công tác sinh viên ĐH FPT, cuộc sống sinh hoạt của sinh viên tại Hòa Lạc đã dần đi vào ổn định. Mọi thứ đang hoàn thiện dần. Các lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng của KTX được khắc phục theo góp ý của sinh viên.

Mọi hoạt động và sự kiện cho sinh viên trên Hòa Lạc cũng đa dạng hơn. Sân bóng chuyền, bóng rổ và bóng bàn được mở thêm, sân băng cũng được miễn phí vào buổi tối. Sinh viên còn được tạo điều kiện mở quán ăn hoặc trà đá nhỏ vào buổi tối.

Tuyến xe bus từ ĐH FPT Hòa Lạc đến tòa nhà Detech (Mỹ Đình) đang được nhà trường nghiên cứu và sẽ tiến hành sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của sinh viên.

Tháng 8/2009, ĐH FPT là một trong hai trường đại học đầu tiên khởi công tại Hòa Lạc với tổng diện tích 30 ha.

Giai đoạn I của dự án đầu tư xây dựng trường được thực hiện từ năm 2009 đến 2012 trên diện tích 9,1 ha với khoảng 94.000 m2 sàn, phục vụ nhu cầu của 3.000 sinh viên.

Giai đoạn II sẽ bắt đầu từ năm 2012 đến 2015, thi công trên 213.000 m2 sàn, đáp ứng được 7.000 sinh viên.

Hiện ĐH FPT có tổng số 15000 sinh viên trên toàn quốc.

Nam Anh

Ý kiến

()