Chúng ta

Trương Quý Hải: 'Chúng tôi đang sống cuộc sống của đồng đội ban tặng'

Thứ hai, 28/7/2014 | 19:59 GMT+7

"Cả chiến dịch MB84, sư đoàn 356 hy sinh hơn 1.000 người. Riêng trận đánh ngày 12/7, khoảng 600 đồng đội đã ngã xuống. Vì vậy, chúng tôi, những người lính ở trận chiến trở về, luôn tâm niệm đang sống cuộc sống do chính đồng đội mình ban tặng", nhạc sĩ Trương Quý Hải hồi tưởng những năm tháng ác liệt tại chiến trường biên giới Vị Xuyên (Hà Giang).
> ‘Trường ca Người Việt Nam là lời hiệu triệu của non sông’ / Những điều chưa biết về nhạc sĩ duy nhất ở FPT

a

Nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng đội trên cao điểm 468. Ảnh: T.T.

Đến giờ, dù gần 30 năm trôi qua, nhưng từ trong tâm khảm, nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn không thể nào quên được nỗi ám ảnh của trận chiến diễn ra ngày 12/7. Đấy cũng là trận đánh đã thay đổi và tác động rất lớn đến cuộc đời và tư tưởng của anh.

Ngày đó, anh được sư đoàn giao nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh và chôn cất, khâm liệm tử sĩ. Thông thường, khi làm công việc này, điều quan trọng là phải tìm số hiệu quân nhân nhưng thường khi thu thập được xác các chiến sĩ thì đa phần đều đã thịt nát xương tan, do đó việc tìm được số hiệu này rất khó. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh Hải lần tìm được trong áo đồng đội một vỏ bao thuốc Sapa, trong đó chứa một mảnh giấy có 3 chữ "Mẹ kính yêu" được viết bằng nét mực Cửu Long đã nhòe trộn lẫn màu máu đỏ. Hình ảnh ấy gây cho anh một sự chấn động mạnh. Đêm hôm đó, anh lang thang trong nghĩa trang, nhìn những đồng đội nằm xuống và viết bài "Thư gửi mẹ" ( xem video) như thực hiện một mệnh lệnh thôi thúc từ con tim.

Sau 30 năm, đầu tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên anh Hải cùng những đồng đội xưa cũ đã có dịp quay trở lại mảnh đất Vị Xuyên (Hà Giang), trở về cao điểm 468 để thắp nén hương tưởng nhớ và tri ân đồng đội đã khuất.

Khi tiếng đàn guitar bập bùng cùng ca khúc "Về đây đồng đội ơi" của nhạc sĩ Trương Quý Hải vang lên giữa cao điểm 468, tất cả những người có mặt không kìm nén được nước mắt khi nhớ về thời thanh xuân đã qua, về đồng đội, về những giây phút chiến đấu, kề vai sát cánh bên nhau.

a

Các đồng đội đã làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ đã hi sinh tại chiến trường Vị Xuyên. Ảnh: T.T.

Ca khúc mở đầu bằng lời mời gọi thật thiết tha và chân thành mang đậm chất lính: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn…” cho đến những trăn trở về đồng đội đã hy sinh vẫn còn “nằm trong khe đá hay thung sâu” mà chưa được về với đất mẹ quê hương. Những kỷ niệm rất đời thường của lính như điếu thuốc lào, ấm chè chốt đặc trưng chỉ có ở Hà Giang trong những năm tháng đó đi kèm với những nụ cười đầy hồn nhiên yêu đời cũng được nhắc đến, trở thành những hình ảnh biểu trưng trong bài hát. "Ngày đó, mỗi khi có thư người thân là anh em sẻ chia cùng đọc cho nhau nghe và cùng nhớ về hình bóng của quê nhà thân yêu để tiếp thêm động lực chiến đấu. Tình quân dân máu thịt của đơn vị với đồng bào các dân tộc tại Hà Giang đã giúp chúng tôi rất nhiều", nhạc sĩ tâm sự.

Chia sẻ về sự ra đời của nhạc phẩm, anh Hải cho biết, bài hát được viết trước buổi lễ cầu siêu cho đồng đội đã hy sinh diễn ra vào tháng 3 năm nay. Khi đó, vì công việc riêng, anh không thể tham gia chuyến đi cùng đồng đội. “Nhớ anh em vô cùng nhưng không lên thăm lại mộ phần các đồng đội của mình được nên tôi đã sáng tác bài hát này. Lời bài hát chính là tiếng gọi tha thiết của những người còn sống với anh em đồng đội đã hy sinh anh dũng năm xưa”, tác giả chia sẻ.

Trở về chiến trường lần này, anh Hải cùng đồng đội không chỉ làm lễ cầu siêu cho những đồng đội đã hy sinh mà còn làm được việc rất ý nghĩa là lấy được nắm đất trên cao điểm 468 mang về thắp hương trên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi mang ra mộ Đại tướng tại Vũng Chùa, Quảng Bình.

a

Nắm đất trên cao điểm 468 sẽ được mang về thắp hương trên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đó mang ra mộ phần ông tại Đảo Chùa, Quảng Bình. Ảnh: T.T.

"Tuy chỉ là nắm đất nhưng lại có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng bởi nó chứa đựng biết bao xương máu của đồng đội đã ngã xuống. Chúng tôi muốn đồng đội của mình được quây quần về bên Đại tướng, bởi ông là đức tin, là biểu tượng của người lính Việt Nam", anh Hải bày tỏ.

Cũng sau chuyến đi này, nhạc sĩ đã sáng tác thêm ca khúc "Hát cho người còn sống" như một lời tự sự của những người đã khuất. Ca khúc dự kiến sẽ được nhạc sĩ gửi đến khán giả trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12) năm nay.

Trước đó, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã có 4 đêm ra mắt CD đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác 30 năm của mình mang tên " Bình yên đất trời" tại Hà Nội (ngày 17/6), Cần Thơ (18/6), TP HCM (19/6) và Đà Nẵng (20/6).

Mời độc giả cùng nghe hai nhạc phẩm "Về đây đồng đội ơi" và "Hát cho người còn sống":

Bài "Về đây đồng đội ơi"

Bài "Hát cho người còn sống"

 

Đồng Bằng

Clip: Youtube

Ý kiến

()