Chúng ta

Sử ký FPT: Dự án PeopleSoft ở FPT

Thứ tư, 14/8/2013 | 12:29 GMT+7

PeopleSoft (PS) đã quá quen thuộc với người FPT ngày hôm nay. Chúng ta nhận lương hằng tháng, xin nghỉ, xem thông tin cá nhân, làm checkpoint... tất cả đều được quản lý trên PS nhưng ít ai biết được PS hình thành như thế nào.
> Cô gái lạ ở hành lang tầng 14 / Trải nghiệm trên những nẻo đường

Các tập đoàn hàng đầu Việt Nam đang nhìn FPT với con mắt ngưỡng mộ khi FPT luôn giữ vững là người đứng đầu về ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành. PS là một minh chứng cho điều đó.

a

Hai người anh đầu tiên chỉ huy dự án PS. Ảnh: Nguyễn Nhàn.

Phần mềm Quản lý nhân sự - PS đã được triển khai thành công ở FPT, Vietinbank và đang được triển khai ở ACB. Rất nhiều dự án lớn về PS cũng đang trong lộ trình triển khai. Tuy nhiên, lịch sử về PS thế nào, ai là người đưa PS về Việt Nam và FPT hẳn ít ai biết được.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007 khi tôi tham gia dự án PS triển khai thay thế phầm mềm FHRM do chính phòng tôi đang phát triển. Nghe nói PS là phần mềm quản trị nguồn lực số 1 thế giới được rất nhiều các công ty nằm trong Fortune 500 đều triển khai, hơn nữa đây lại là dự án đầu tiên ở Việt Nam vì vậy mọi thứ có vẻ rất hấp dẫn với chúng tôi.

Với 5 năm kinh nghiệm triển khai, cũng đã "cày ải" qua nhiều vị trí khác nhau từ lập trình, teamead rồi PM nên tôi rất tự tin bước vào dự án này.

a

Logo dự án PS. Ảnh: C.T.

Quản trị dự án PeopleSoft phía FPT là anh Phan Phương Đạt (lúc đó là Trưởng ban Nhân sự FPT), Giám đốc dự án là anh Bùi Quang Ngọc. Anh Đạt là người rất giỏi và nổi tiếng ở FPT nên được làm việc với anh, tôi thích lắm.

Phòng làm việc của dự án ở tầng 2 tòa nhà 89 Láng Hạ. Để dự án hoạt động hiệu quả, anh Đạt tìm cho đội dự án nhóm chuyên gia tư vấn đến từ Cromwell (Thái Lan). Họ chỉ cho chúng tối PS gồm những gì và có thể làm được gì, lộ trình triển khai như thế nào…

Dự án được chia thành 3 đội: Organization,Compensation, Tecruiting, Training. Mỗi nhóm đều có cán bộ nghiệp vụ của các công ty thành viên và cán bộ triển khai của đội dự án. Các anh chị làm nghiệm vụ ở công ty thành viên bao gồm chị Hà (FPT Sofware), anh Hùng (FPT IS), chị Chi ( FPT Telecom) và rất nhiều anh chị em ở công ty khác mà tôi chưa kịp nêu tên.

Chúng tôi họp dự án hằng tuần và đây là "cuộc chiến đấu sống còn" giữa chúng tôi và anh Đạt. Lẽ đương nhiên, phần thắng luôn thuộc về kẻ thiểu số. Anh Đạt vốn rất giản dị và dễ gần nhưng trong cuộc họp anh lại là người rất khó ưa. Anh thường đưa ra những câu nói phân tích rất khó và logic. Họp với anh, đầu tôi lúc nào cũng như muốn nổ tung. Khoảng 15 phút đầu thì còn đôi co được đôi chút, sau đó thì ngồi im chịu trận. Việc này làm tôi tổn thương lắm, sao mà ghét ông này thế.

Tuy nhiên, sau này được chị Hà (FPT Sofware, là quân của anh Đạt) cho biết: “Anh ấy là phản biện số 1 FPT đấy. Các sếp lớn như anh Ngọc, anh Thành Nam… nhiều khi còn thua anh ấy huống hồ là bọn mình”. Thông tin này làm chúng tôi bớt tự ti hơn.

Sau gần một năm nghiên cứu, kiến thức về PS của chúng tôi cũng tăng dần, các câu hỏi không trả lời được của anh Đạt cũng ngày một dày thêm.

Giải pháp về thiết kế Organization, Comensation cho FPT trên PS chúng tôi đã làm xong. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi của anh Đạt rằng, đây có phải là giải pháp tối ưu nhất không, và vì sao lại chọn giải pháp như vậy. Chúng tôi lại gọi Crowwell sang trợ giúp cho vấn đề này. Các thông tin về FPT, các quan tâm của anh Đạt được gửi cho Crowwell.

Sau một tháng chuẩn bị, Crowwell cử hai chuyên gia sang. Chúng tôi hồi hộp lắm, vừa mừng, lại vừa lo. Mừng vì nhờ có tư vấn thì vấn đề của dự án có thể được giải quyết và có thể đi tiếp (thiết kế Organization là bước đầu tiên trong dự án), nhưng cũng lo nếu tư vấn đưa ra giải pháp nằm ngoài ba giải pháp chúng tôi đã đề xuất thì nguy. Thứ nhất là lo bị anh Đạt mắng, thứ hai là thể hiện rằng nghiên cứu của mình không đúng hướng và sẽ ảnh hưởng đến các module khác mà chúng tôi đã xây dựng.

Cuộc họp rồi cũng diễn ra, hai đồng chí chuyên gia của Cromwell bị anh Đạt xoay như chong chóng. Mặc dù đã chuẩn bị trước cả tháng, lại được nội gián tiếp ứng từ phía chúng tôi, vậy mà họ cũng vò đầu, bứt tai đến thảm hại, nhìn đáng thương lắm. Họ vô cùng bối rối trước những lập luận vô cùng sắc sảo của anh Đạt. Một tuần sau, họ về nước.

Câu hỏi của anh Đạt vẫn chưa được giải đáp, dự án của chúng tôi thì có khả năng đổ bể, chuyên gia tư vấn hàng đầu khu vực về PS còn không trả lời được mà. Nhưng riêng chúng tôi lại rất vui vì té ra các chuyên gia hàng đầu về PS cũng chẳng hơn mình là mấy, gặp anh Đạt là tắt điện hết.

Cuộc vui ngắn ngủi cũng qua đi, chúng tôi lại lo lắng vì sắp đến cuộc họp dự án tuần sau. Báo cáo gì với anh Đạt đây, và dự án sẽ tiếp tục như thế nào. “Lần này thì chết chắc rồi”, trong đầu tôi nghĩ vậy.

Anh Đạt đến, cả phòng im phăng phắc, tim tôi đập thình thịch. Lần trước có chuẩn bị rất chu đáo mà còn chết, huống hồ lần này, chuyên gia cũng hết cách thì biết làm sao. Sau khi tổng kết buổi làm việc với tư vấn xong, tôi như chết đứng khi anh gọi tên tôi, mồm vừa lắp bắp kêu “dạ" vừa cố gắng đứng lên để nghe anh "tuyên án".

Đúng lúc tôi cho rằng mọi sự tồi tệ nhất sẽ đến với mình thì tôi lại nghe anh phân tích rằng: “Tư vấn đưa ra ba giải pháp giống như bọn em, chứng tỏ bọn em đã đi đúng hướng. Tiếc là em và tư vấn lại không chứng minh được cho anh giải pháp đề xuất là tối ưu. Tuy nhiên, trong 3 giải pháp đã lựa chọn thì giải pháp này là tốt nhất, vì vậy nên anh chấp nhận chọn giải pháp đó”.

Trời ơi, một tư duy rất logic và đơn giản, thế mà chúng tôi không nghĩ ra. Cái võ này của anh tôi còn dùng để giải quyết nhiều vấn đề với khách hàng sau này. Tôi nhận ra rằng chúng tôi thua cuộc vì chúng tôi không thuyết phục được anh chứ không phải giải pháp của chúng tôi kém.

Sau năm đầu nghiên cứu tất cả mọi thứ, anh nói giờ là lúc phải đưa ứng dụng vào thực tế chứ nghiên cứu mãi cũng không bao giờ hết được. Anh tổ chức lại dự án, chia thành các giai đoạn triển khai khai khác nhau. Vì vậy dự án cứ từng bước hoàn thiện và đi đến kết quả cuối cùng.

a

Tại buổi lễ Kỷ niệm 10 năm Nhân sự FPT, Ban Nhân sự đã tuyên bố kết thúc dự án People Soft giai đoạn 2 và chính thức khởi động dự án People Soft giai đoạn 3. Ảnh: C.T.

Chúng tôi còn họp dự án hằng tháng với anh Ngọc. Cuộc họp này thường là cuộc đấu trí giữa anh Ngọc và anh Đạt. Anh Đạt thường tóm tắt vấn đề dự án trong vài câu. Sau khi nắm được vấn đề, anh Ngọc bắt đầu chửi. Anh chửi đội dự án sao làm chậm thế, chán thế... Mà công nhận là anh chửi rất hay, tinh tế, rất đúng, cứ như là ngày nào anh cũng có mặt ở dự án vậy. Anh Ngọc chửi hay bao nhiêu thì anh Đạt đối đáp cũng tài tình bấy nhiêu. Khi nghe anh chửi, chúng tôi học được rất nhiều. Những lúc anh chửi chúng tôi lại rất thương anh Đạt, vì chúng tôi mà anh ấy bị như thế.

Tôi biết, không có những lý lẽ sắc sảo và không hoàn toàn tin tưởng vào anh Đạt thì anh Ngọc cho đóng dự án từ lâu rồi vì một năm liền chúng tôi chỉ nghiên cứu mà chưa đưa ra được sản phẩm gì cụ thể. Tuy nhiên không phải câu gì của anh Ngọc, anh Đạt cũng trả lời được. Khi không trả lời được, anh cũng "cố đấm ăn xôi" như lúc chúng tôi bị anh hỏi. Anh Ngọc biết vậy cũng mở đường cho thoát.

- Anh Ngọc: Sao dự án triển khai chậm thế?

- Anh Đạt: Vì dự án này khó.

- Anh Ngọc: Khó anh mới phải để chú làm.

- Anh Đạt: Nhưng em không làm được.

- Anh Ngọc: Chú không làm được thì ai làm được?

- Anh Đạt: Em không làm được vì em dốt.

- Anh Ngọc: Chú mà dốt, anh còn dốt hơn chú. Chú được ba lần gặp Thủ tướng, anh đã được gặp lần nào đâu. Theo anh thì chú thử cách này xem….

Mỗi lần gặp anh, chúng như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh. Anh chỉ cho chúng tôi chiến lược của FPT trong dự án, chỉ cho cách để đi bán hàng vì biết chúng tôi sẽ thành công. Anh tin các tập đoàn lớn của Việt Nam phải dùng đến PS và tương lai đang đợi chúng tôi ở phía trước, chúng tôi phải cố gắng hơn.

Năm 2010, anh Đạt giao lại dự án cho chị Hồng nên cũng ít tham gia họp với chúng tôi hơn. Dưới sự chỉ huy của chị Hồng, năm 2010 chúng tôi đã đưa PS full các phân hệ đến thắng lợi cuối cùng. Bản đồ PS, phần mềm quản trị nguồn nhân lực số 1 thế giới cuối cùng cũng có mặt tại Việt Nam.

Tiếp theo sự thắng lợi của FPT, tôi đem những kinh nghiệm, tâm huyết của mình đến Vietinbank, ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Tuy không còn tham gia dự án, nhưng anh Đạt vẫn thường xuyên hỏi thăm chúng tôi. Anh nói rằng con đường PS là con đường sáng và anh luôn sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi khi cần.

Hằng năm cứ mỗi dịp hội làng và năm mới, tôi thường kéo cả đội của mình lên thăm anh, trước là để được anh mừng tuổi, sau là để được uống rượu và để các bạn trẻ có dịp biết về các anh - những người đã mở đường cho sự nghiệp của chúng tôi. Không có các anh thì dự PS sẽ mãi luôn là xa lạ đối với người FPT và Việt Nam. Phòng EMS của tôi giờ chắc cũng không còn tên trong bản đồ của FES (nay thuộc FPT IS).

Hôm nay, lời tiên tri của các anh sắp thành sự thật khi chúng tôi đang tham gia các trận đánh lớn, rất lớn về PS. Tôi vẫn nhớ mãi lời anh: "Làm nghề gì thì sau 5-6 năm mới có kết quả được”. Tin lời anh, hiện nay tôi vẫn là một trong 2 người còn làm PS thời ấy.

Trần Quang Hào

"Dự án PeopleSoft (PS) ở FPT" là bài viết cho "Cuộc thi sử ký 25 năm" của Trần Quang Hao, FPT IS. Từ ngày 14/6, Chúng ta liên tục đăng tải những bài viết hay, tiêu biểu và xuất sắc ở các đơn vị để giới thiệu cùng bạn đọc.

Ý kiến

()