Chúng ta

Sử ký FPT: Anh - con người của 'nghệ thuật sống'

Thứ bảy, 13/7/2013 | 11:56 GMT+7

Tôi sẽ cố gắng hết sức để tận dụng thời gian và những cơ hội của mình để có thể học thêm ở anh "nghệ thuật sống”.
> 'Chuyên gia' thư ký

"Mỗi lần được nói chuyện với anh Châu là được học thêm nhiều nghệ thuật sống giản dị mà vô cùng sâu sắc", tác giả bài viết sử ký chia sẻ. Ảnh: C.T.

Hơn một năm trước đây, ngay trong buổi họp giao ban đầu tiên ở bộ phận mới, tôi đã may mắn được ngồi họp trực tiếp với anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng Sáng lập, Giám đốc FPT Myanmar, khi anh ra Hà Nội công tác.

Có một câu nói của anh, tôi rất thích, đến nỗi phải ghi ngay lại. Ấy vậy mà cho đến tận bây giờ, dù chưa một lần mở lại cuốn sổ, tôi vẫn nhớ như in từng câu từng chữ: “Khi dùng người, quan trọng là phải giao đúng người đúng việc, phải giúp người ta phát huy được sở trường của mình. Như miếng gỗ thẳng, đẹp, ta có thể dùng làm bàn, ghế... Còn một thanh gỗ cong queo, đừng vội nghĩ nó là đồ bỏ, biết đâu có thể làm nên một kiệt tác nghệ thuật từ nó...”.

Mỗi lần được nói chuyện với anh là tôi được học thêm ở anh nhiều “nghệ thuật sống” giản dị mà vô cùng sâu sắc. Có những bài học có thể áp dụng được ngay, có những bài học để dành cho tương lai, cũng có những bài học về việc đối nhân xử thế tại nơi làm việc, nghệ thuật quản lý và cả những bài học về cách cư xử trong gia đình, cách dạy con…

Còn nhớ câu chuyện về cách dạy con tiết kiệm điện của anh, hiệu quả và thú vị đến mức mấy anh chị em tham gia buổi họp hôm ấy đều nói nhất định sẽ áp dụng tại gia đình mình.

Anh kể, để con gái biết cách tiết kiệm điện, anh bảo con: “Nếu con dùng điện tiết kiệm hơn, mỗi tháng ba mẹ sẽ cho con chính số tiền điện chênh lệch giảm đi so với tháng trước đó”. Đúng là đánh trúng tâm lý của con trẻ, từ đấy, cô bé chẳng những tiết kiệm điện bản thân dùng mà còn chịu khó nhắc ba mẹ: “Ba mẹ ra khỏi phòng phải tắt điều hòa chứ”, hay chủ động tắt bóng đèn, các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng...

Số tiền chênh lệch từ số điện giảm đi được vợ chồng anh chuyển vào tài khoản của con gái, coi như món tiền quà vặt do con tự mình kiếm ra. Như vậy, anh đã không chỉ khiến con gái biết ý thức tiết kiệm điện mà còn giúp con có được số tiền tiêu vặt do tự mình “kiếm” được thay vì “cho không” con. Nhờ đó, cô bé biết trân trọng số tiền này hơn. Và, cô bé của ngày ấy vừa mới tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Mỹ, khiến bố mẹ không khỏi tự hào.

“Cuối cùng thì bố mẹ cũng đợi được đến ngày con gái tốt nghiệp đại học”, dòng thông điệp ngắn gọn nhưng chất chứa yêu thương anh viết trong e-mail đã được anh gửi đến đồng nghiệp kèm theo bức hình vợ chồng anh chụp cùng con gái trong ngày tốt nghiệp vào buổi tối muộn. Niềm xúc động của anh lan sang tất cả những người nhận được e-mail đó. Những e-mail liên tiếp được gửi đến chúc mừng vợ chồng anh và con gái.

Có câu: “Ươm cây đến ngày hái quả”. Anh thực sự đã hái được chùm quả ngọt từ công sức chăm bón chân tình mà đầy nghệ thuật, từ tình yêu thương bao la của một người cha. Và ở công ty, những “quả ngọt” mà anh “hái” được đó là sự kính trọng, ngưỡng mộ của không ít đồng nghiệp. Chẳng thế mà anh luôn được coi như nhà tư vấn của chúng tôi mỗi khi “bí” giải pháp. Chỉ cần hỏi anh là có ngay “con đường sáng”. Anh còn được mời làm diễn giả trong không ít buổi nói chuyện tại FPT.

Biết tiếng anh từ khá lâu nhưng phải đến khi chuyển lên FPT HO làm việc, tôi mới có nhiều cơ hội nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với anh. Không chỉ ngưỡng mộ anh là người có nhiều “nghệ thuật sống”, nhà tư vấn sáng suốt, thông minh, nhiều ý tưởng… mà còn yêu quý anh vì anh là một lãnh đạo cấp cao nhưng lại vô cùng bình dị, gần gũi. Đặc biệt, tôi còn thích được nói chuyện với anh bởi năng khiếu hài hước, dí dỏm. Tôi cũng cảm thấy may mắn và biết ơn cơ hội được là “quân”, là đồng nghiệp của anh, và còn là một trong những người em của một người anh lớn.

Tôi sẽ cố gắng hết sức tận dụng thời gian và những cơ hội của mình để có thể học thêm ở anh “nghệ thuật sống”. Những “nghệ thuật sống” không phải cố tình dựng lên hay trau chuốt mà xuất phát từ chính trái tim bao dung, từ tích lũy kinh nghiệm của một người luôn hướng tới cái thiện, cái đẹp… không phải theo hướng hoàn hảo mà bình dị, thuần khiết, như “ngọc trong đá” vậy.

Nguyễn Thị Hương

"Anh - con người của nghệ thuật sống" là bài viết tham gia "Cuộc thi Sử ký FPT 25 năm" của Nguyễn Thị Hương, FPT HO Hà Nội. Từ ngày 14/6, Chúng ta sẽ liên tục đăng tải những bài viết hay, tiêu biểu và xuất sắc ở các đơn vị để giới thiệu cùng bạn đọc.

Ý kiến

()