Chúng ta

Nhân viên FPT IS lập kỷ lục với 29 bài sử ký

Thứ ba, 25/6/2013 | 09:14 GMT+7

Lần đầu tiên tham gia viết sử ký, Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ chất lượng thuộc FPT IS Bank HCM, đã lập kỷ lục với 29 bài.
> Anh Hùng 'Râu' - thần tượng của tôi / FPT luôn mãi trong tôi / 'Bài sử ký dài nhất tôi viết trên 12.000 từ'

Chúng ta có cuộc trò chuyện với Mai về kỷ niệm, quá trình viết bài và ý nghĩa của cuộc thi này.

a

Lần đầu tiên tham gia viết sử ký, Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ chất lượng thuộc FPT IS Bank HCM, đã lập kỷ lục với 29 bài. Ảnh: NVCC.

- Chị hoàn thành 29 bài sử ký từ khi nào?

- Bài sử ký đầu tiên và một số bài tiếp theo mình đã viết từ trước, từng được đăng trên bản tin FPT IS Weekly nên “tái sử dụng”. Các bài sử ký sau này được viết ngay trong ngày hết hạn gửi bài.

- Xuất phát từ những ý tưởng nào mà chị viết nhiều bài như vậy?

- Làm ở FPT hơn 7 năm nên mình chứng kiến được nhiều đổi thay, thu nhặt được nhiều kỷ niệm, tiếp xúc được nhiều đồng nghiệp. Vì vậy, chỉ cần một khía cạnh hoặc kỷ niệm nhỏ là có thể viết được bài văn, bài thơ. Ý tưởng để viết bài sử ký xuất phát từ những thứ rất đời thường ấy.

- Chủ đề chính trong các bài sử ký là gì? 

- Con người và cảm xúc là hai chủ đề mà mình chọn để viết các bài sử ký.

- Chị tâm đắc nhất với bài viết nào? 

- Đó chính là bài viết về sếp của mình. Tuy bài không dài nhưng nó chứa đựng tất cả tình cảm dành cho một người sếp mà mình rất tôn trọng và yêu quý.

- Chị mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành lượng bài viết như vậy? 

- Mình không mất nhiều thời gian đâu. Có khi đang nằm xem TV có cảm xúc hoặc nhớ đến chi tiết nào liên quan đến công ty là mình ngồi bật dậy viết luôn. Nếu để lâu, cảm xúc sẽ vụt mất.

- Trong quá trình viết, chị gặp những khó khăn gì?

- Vì không phải là dân chuyên viết nên nhiều lúc mình bị việc xung quanh chi phối. Viết văn thì mạch cảm xúc không bị đứt, mình có thể viết liên tục đến khi hết bài. Còn làm thơ thì mình gặp khó khăn rất nhiều như: Viết xong đọc lại thấy lủng củng, có khi đang viết giữa chừng lại bị “tịt ngòi”, không viết tiếp được vì đang đói bụng, phải chạy xuống nhà ăn lót dạ và “chiến đấu” tiếp.

Nhiều lúc đang viết rất trôi chảy, thấy đoạn phim hay, quay qua xem, đến khi xem phim xong thì không biết viết tiếp như thế nào, đành phải bỏ bài thơ đó và sáng tác một bài thơ mới với nội dung cũng tương tự bài thơ cũ nhưng câu từ khác đi một chút.

- Kỷ niệm của chị trong quá trình tham gia viết sử ký?

- Lúc đầu, mình có sẵn 8 bài sử ký gửi cho Ban tổ chức và ghi chú trong e-mail là “nếu cần thêm bài thì báo, em sẽ sáng tác thêm. Quyết chí giật giải người có nhiều bài viết”. Với số lượng 8 bài viết, mình nghĩ chắc mình viết nhiều nhất, không ai có thể viết nhiều hơn.

Ngày 14/6, nhận được e-mail từ BTC: “Chị cố lên nhé, có bạn đang cố gắng có 25 bài”. Nghe xong, mình hơi choáng và giã từ ước muốn giành giải người có số bài viết nhiều nhất vì trong thời gian hai ngày, mình phải hoàn thành ít nhất 18 bài viết nếu muốn giật giải.

Gần hai ngày trôi qua, đến buổi tối, sau khi nói chuyện với đồng nghiệp, mình nảy ra nhiều ý tưởng hay cho bài viết. Bất chợt nhiều ý tưởng ùa đến, mình ngồi bật dậy và mở máy, bắt đầu viết khi chỉ còn vài tiếng nữa là hết hạn nộp bài. Đến hơn 23h thì hết ý tưởng, ngừng viết và bắt đầu đánh số thứ tự bài viết, không ngờ lên tới 29 bài. Mình gửi e-mail cho BTC và đi ngủ, lên giường rồi mà vẫn còn bất ngờ với số lượng bài viết của mình.

- Khi viết, chị thường lấy cảm xúc từ đâu?

- Mình lấy cảm xúc từ những lúc ngẫu hứng nhất, xâu chuỗi từ các sự kiện có thật, con người thật ở công ty.

- Động lực để chị tham gia viết sử ký là gì?

- Động lực chính là để dành được giải thưởng và không bị trừ thưởng 13/9. Nhưng đặc biệt nhất là cảm xúc và tình yêu với công ty đã giúp mình viết được nhiều bài.

- Chị nhận thấy không khí của cuộc thi sử ký ở đơn vị như thế nào? 

- Mọi người nhộn nhịp viết sử ký, bàn tán xung quanh những gì liên quan đến sử ký. Mỗi ngày, mình đều nghe nhắc đến hai chữ “sử ký”, nhất là gần đến deadline.

- FPT IS là đơn vị hưởng ứng tốt phong trào của tập đoàn với tỷ lệ CBNV tham gia đông, theo chị nguyên nhân vì sao?

- Có thể là do sợ bị trừ tiền thưởng nên cố gắng viết hoặc có thể do FPT IS có thêm cơ cấu giải thưởng riêng nên thu hút được người viết.

Bí quyết để người FPT IS tham gia viết nhiều thì chắc chắn thuộc về Ban truyền thông của đơn vị. Trong ngày phát động, thông tin rầm rộ trên forum FPT IS, qua e-mail, qua bản tin Weekly và còn đề xuất thêm các chủ đề giúp người FPT IS dễ dàng hơn khi bắt đầu viết bài của mình.

- Theo chị, viết sử ký đem lại lợi ích gì cho công ty?  

- Theo mình, sử ký rất cần thiết với công ty công nghệ như FPT vì nó giúp các thế hệ sau có thể hiểu, cảm nhận được thế hệ trước qua các bài viết của họ. Tuy nhiên, mình không ủng hộ việc trừ thưởng nếu không viết sử ký.

- Chị có đọc sử ký FPT dịp 10, 13, 15 và 20 năm?

- Mình có đọc các bài viết trong sử ký nhưng chưa đọc chi tiết vì lúc đó cần tìm dữ liệu để thi FQ (cuộc thi hiểu biết về FPT). Tuy nhiên, mình rất ấn tượng với quyển sử dày dặn của người FPT với nhiều thông tin và hình thức thể hiện vô cùng sáng tạo.

Mình rất yêu con người và văn hóa FPT, đó chính là cảm hứng để mình viết được sử ký hiện tại. Còn việc đọc các sử ký cũ giúp mình biết thêm về quá khứ của công ty, thêm tự hào về các thế hệ đi trước, tự hào về công ty mà mình đang làm việc.  

Tính đến ngày 17/6, toàn tập đoàn có 11.000 bài viết sử ký của CBNV. Trong đó, FPT IS có 2.150 bài viết với 2.481 CBNV chiếm tỷ lệ 86,6%.

Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trong sách Sử ký FPT, dự kiến phát hành vào dịp 13/9.

Cơ cấu giải thưởng cuộc thi Viết sử ký FPT 25 năm của tập đoàn gồm: Giải Nhất sẽ được 2 triệu đồng tiền thưởng, giải Nhì 1,5 triệu đồng, giải Ba 1 triệu đồng và nhiều giải khuyến khích khác. Bên cạnh đó, BTC còn trao giải theo số thứ tự 1, 13, 25 và bài viết hay nhất ở các đơn vị trong mỗi tuần. FPT Trading là đơn vị giành được giải thưởng viết sử ký theo tuần nhiều nhất tập đoàn (6 giải).

Trước đó, vào các dịp quan trọng như kỷ niệm 10 năm, 13 năm, 15 năm và 20 năm, FPT cũng đã phát hành sử ký.

Lưu Vân thực hiện


 

Ý kiến

()