Chúng ta

Người FPT bàn chuyện nghỉ sinh 6 tháng

Thứ ba, 26/6/2012 | 09:38 GMT+7

Dự định “ấp rắn con” của Thanh Nga, FPT Online, sẽ được lùi lại, sau khi cô biết tin Quốc hội vừa thông qua Luật lao động sửa đổi, cho phép lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện tại.

Nếu theo kế hoạch cũ, tháng 6 này Nga sẽ có bầu thì cô dự sinh vào tháng 3/2013, trước khi quy định nghỉ sinh 6 tháng được áp dụng vào ngày 1/5/2013. “Tôi thấy nghỉ 4 tháng là chưa đủ, bởi khi đi làm con vẫn còn nhỏ, thương lắm”, Nga cho biết.

Hai vợ chồng cô bàn với nhau sẽ căn thời gian làm sao để sinh em bé vào đúng cuối hè, cũng là thời điểm luật có hiệu lực.

Nhiều chị em FPT rất phấn khởi khi biết từ ngày 1/5/2013 thời gian nghỉ thai sản sẽ là 6 tháng. Ảnh: S.T.

Nhiều chị em FPT rất phấn khởi khi biết từ ngày 1/5/2013 thời gian nghỉ thai sản sẽ là 6 tháng. Ảnh: S.T.

Không chỉ chị em mới “mở cờ trong bụng” khi biết thông tin này mà cánh mày râu cũng rất hân hoan. “Tôi định sang năm sinh em bé, nên rất ‘khoái’ khi nghe tin, liền copy ngay gửi cho vợ”, Phạm Quang Thọ, FPT Trading Hà Nội, hỉ hả.

Anh cho rằng, nghỉ sinh 6 tháng sẽ giúp trẻ em được chăm sóc tốt hơn và mẹ đi làm cũng yên tâm hơn vì có thời gian phục hồi sức khỏe.

Tuy nhiên, theo anh Thọ, việc nghỉ sinh dài ngày cũng có nhiều nỗi lo cho chị em. Đó là việc hòa nhập lại với môi trường và vị trí, công việc có ổn định sau nửa năm nghỉ thai sản hay không.

Phạm Quang Thọ

Phạm Quang Thọ cho rằng nghỉ 6 tháng sẽ giúp cho em bé được chăm sóc tốt hơn và phụ nữ có nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe. Ảnh: FB.

Cùng suy nghĩ đó, Đặng Linh, FPT IS, cho rằng, nghỉ nhiều sẽ dẫn đến hệ lụy là người kiêm nhiệm công việc của mình trong thời kỳ thai sản sẽ mệt. Trong trường hợp vị trí bị thay đổi thì sau khi sinh phụ nữ lại phải tìm công việc mới.

Thế nên, dù hưởng thai sản theo chính sách cũ là 4 tháng, nhưng Linh không lấy đó làm buồn. “Chỉ cần mình cố gắng về bữa trưa, lấy sữa để trong tủ lạnh ở cơ quan để bà ở nhà cho con uống là được. Nếu con ốm yếu chỉ mong công ty hiểu được nỗi nhọc nhằn của các bà mẹ trẻ mà cho nghỉ trưa sớm hơn 30 phút và đi làm muộn hơn 30 phút”, cô bày tỏ.

Vũ Thị Bằng Giang, FPT Telecom chi nhánh Hải Dương, sẽ sinh con đầu lòng vào tháng 11 tới. Cô cũng “không tiếc” khi không được nghỉ 6 tháng.  

Vũ Thị Bằng Giang, FPT Telecom chi nhánh Hải Dương

Vũ Thị Bằng Giang, FPT Telecom chi nhánh Hải Dương, cho rằng nghỉ nhiều khi đi làm sẽ đối mặt với sức ép công việc. Ảnh: NVCC.

“Tôi đang dự tính nếu bà chăm tốt thì khi em bé được 2-3 tháng sẽ đi làm lại. Ai chẳng muốn được ở với con mình nhiều, nhưng việc này đồng nghĩa với việc khi đi làm lại đối mặt với sức ép công việc”, Giang bộc bạch.

Việc chị em được nghỉ thai sản 6 tháng cũng khiến các cấp quản lý ở FPT phải suy tính về nhân sự. Trưởng Ban Truyền thông FPT Bùi Nguyễn Phương Châu cho biết, chị “đã nghĩ về việc sắp xếp nhân sự” bởi phần đông nhân viên trong ban đều ở độ tuổi sinh đẻ.

“Ban sẽ thỏa thuận với nhân viên nữ về việc đi làm trước thời gian quy định. Trong trường hợp nhân viên đó nghỉ trọn vẹn 6 tháng thai sản, Ban sẽ tính đến việc thuê cộng tác viên thời vụ”, chị Châu cho hay.

Theo chị Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh FPT Telecom, thì "đơn vị sẽ chú ý hơn đến việc tuyển dụng, nhất là những vị trí khó thay người, khi luật mới được áp dụng".

Chị cho biết, trên thực tế, dù nghỉ sinh 4 tháng nhưng nhiều cán bộ quản lý phải đi làm sớm hơn thời gian quy định. Thậm chí nhiều trường hợp sinh con được hơn 2,5 tháng đã đi làm lại. “Trong trường hợp này cơ quan sẽ tạo điều kiện thời gian thoải mái để chị em vừa chăm sóc con vừa hoàn thành công việc”, chị chia sẻ.

Chiều 18/6, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ 1/5/2013. Lao động nữ sẽ được nghỉ sinh 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay, thời gian nghỉ Tết của công chức là 5 ngày.

Theo đó, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên, cứ thêm một trẻ người mẹ lại được nghỉ thêm một tháng. Trong thời gian nghỉ sinh, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()