Chúng ta

Người viết kịch bản 'Gặp nhau cuối năm'

Thứ tư, 18/1/2012 | 14:00 GMT+7

Biết anh Lê Đình Lộc, Văn phòng HĐQT FPT, là một trong những người viết kịch bản chương trình "Gặp nhau cuối năm" mà mọi người hay gọi là Táo quân của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng tối 30 Tết, nên nhiều hôm ngồi nhậu ở quán bia, có tình huống nào hay anh em lại đùa: "Anh đưa vào kịch bản Táo quân năm nay nhé!".

Ấy vậy mà nhiều câu chuyện bông đùa ở quán bia lại trở thành chi tiết đắt cho kịch bản Táo quân.

Sống với người FPT lâu, sự hài hước cứ thấm vào anh một cách tự nhiên. Anh Hưng “Đỉnh” (Nguyễn Duy Hưng, Phó TGĐ F9, thuộc FPT Trading) khi nhậu thì hay nói: “Nhà có điều kiện, uống đi!”. Anh Lộc lại khéo léo lồng vào câu thoại của Táo Kinh tế. Hay như nhạc sĩ Trương Quý Hải thường đệm sau mỗi câu nói là “cho nó lành”. Thấy hay hay, cụm từ “cho nó lành” cũng xuất hiện trong khẩu ngữ của các Táo trên “cung đình”. “Tôi bị ảnh hưởng bởi sự hài hước của người FPT”, anh Lộc chia sẻ.

s

Anh Lê Đình Lộc đã gắn bó 7 năm với chương trình "Gặp nhau cuối năm". Ảnh: Lưu Vân.

Chất STCo của người FPT được anh thể hiện rõ nét nhất ở nội dung phần tổng kết của Ngọc Hoàng trong chương trình hằng năm. Đây là phần mà anh luôn được đạo diễn tin tưởng giao chắp bút từ nhiều năm nay. Theo trình tự, thông thường phải mở - thân - kết nhưng anh Lộc lại có thói quen lên khung ý tưởng cho phần kết này đầu tiên.

Anh lý giải, phần này khó nhất nên viết đầu tiên để có thời gian chỉnh sửa, trau chuốt. Có năm anh phải đi viết lại hàng chục lần thì mới tạm ổn. Cả vở kịch đã châm biếm, đã gây cười, thì kết luận của Ngọc Hoàng phải là thông điệp cho năm sau, đồng thời tạo niềm hy vọng, tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Tuy là nghiêm túc nhưng phần kết cũng không được khô cứng, hô khẩu hiệu. Chính nhờ yếu tố STCo của người FPT - vừa hài hước nhưng vừa châm biếm sâu xa là chìa khóa để anh gỡ rối.

Từng tình tiết trong kịch phải cũng phải rất mạch lạc và chọn lọc. Bởi viết để gây cười cho hàng chục triệu người xem trong không khí tối 30 Tết, khi mà cả 4 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chung một chương trình là điều không hề đơn giản. Việc lựa chọn các vấn đề nổi bật có ảnh hưởng đến toàn dân chứ không chỉ tác động đến một bộ phận xã hội nào đó chiếm vai trò đặc biệt quan trọng bởi giới hạn sự kiện tức là đóng khung khán giả.

Anh Lộc bật mí: “Để tăng tính sinh động của chi tiết, mỗi sự kiện được nhắc tới trong kịch bản, tôi phải cày xới mạng Internet, download các clip về để nghiền ngẫm. Nhưng nếu đưa 100% sự thật trần trụi đó vào kịch bản thì không ổn mà mình nên đứng bên cạnh sự thật một chút, tức là nửa thực nửa hư, diễn tả sự kiện đó với câu cú dí dỏm và sâu sắc”.

Hai tháng cuối năm là khoảng thời gian anh Lộc “ăn kịch bản, ngủ kịch bản”. Cuối năm 2010 là năm đạt kỷ lục về số lần anh đi công tác, sáng miền Bắc, chiều đã miền Nam. Vì thời gian gấp gáp, công việc lại bề bộn nên để tận dụng thời gian di chuyển giữa hai địa điểm bay, anh vác laptop ra viết kịch bản trong lúc chờ lên máy bay. Cũng chính vì không ít lần phải đổi chuyến, rời lịch bay mà trong kịch bản Táo quân có những thông báo “Sorry Airlines xin kính chào quý khách…”, rồi “Delay Airlines...”.

Anh Lộc thường viết kịch bản vào buổi tối và các ngày nghỉ vì thời gian đó mới có thể tập trung viết được. Có khi nửa tháng không viết được chữ nào, nhưng lúc cao hứng anh lại nảy ra vài chục trang dễ như chơi. Thời điểm viết kịch bản, đi đâu làm gì anh cũng đau đáu nghĩ các tình huống gây cười.

Trong thời gian các diễn viên tập luyện, anh lại tất bật với khâu chỉnh sửa kịch bản. Có hôm đạo diễn nói tất tả trong điện thoại: “Anh ơi, có ba Táo đang ngồi chờ kịch bản đây này. Anh viết gấp cho em nhé”. Dù khuya, dù ngày nghỉ, anh Lộc vẫn phải lao vào “sáng tác” và gửi ngay cho đạo diễn để ê-kíp tập luyện cho kịp tiến độ. Càng gần thời gian ghi hình càng có nhiều thay đổi do trong quá trình tập luyện mới thấy được kịch bản chưa hợp lý hoặc không gây hiệu quả tốt. Có năm phải viết mới lại hoàn toàn kịch bản cho các Táo.

a

 Anh Lộc (thứ 2 từ phải sang trái) và các viện sĩ STCo làm giám khảo Hội diễn 13/9/2011. Ảnh: C.T.

Về ý tưởng kịch bản hằng năm, anh Lộc cho biết, trước đây, khi vào mùa viết kịch bản, đạo diễn Đỗ Thanh Hải thường liên lạc với anh qua điện thoại và e-mail trao đổi khung kịch bản và các vấn đề cần đưa vào. Sau đó anh Lộc bổ sung và chỉnh sửa gửi lại cho đạo diễn, tất cả đều online chứ hầu như rất ít gặp nhau. Từ nhiều năm trở lại đây, có thêm Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Xoay, Phó Ban Đoàn thể FPT) tham gia thì các vấn đề này thường được trao đổi ở quán cà phê. Thông qua cuộc họp này, khung sườn của Táo quân được ba anh em phác thảo sơ bộ và giao cho Dũng viết khung kịch bản rồi sau đó tất cả ê-kíp tiếp tục “đắp thịt” để hoàn thành.

Anh cũng không để ý lắm đến vấn đề cát-xê bởi giá trị tinh thần mà kịch bản Táo quân mang lại rất lớn. “Thỉnh thoảng, ngồi nhâm nhi ly cà phê ở quán, nghe mọi người bàn về chi tiết, câu nói nào đó trong kịch bản Táo quân do mình viết, thấy rất vui”, anh tâm sự.

Anh Lộc tham gia viết kịch bản Táo quân cũng tình cờ. Biết anh từng lăn lộn ở nhiều Hội diễn văn nghệ 13/9, lại có sở trường viết theo lối hài hước đậm chất STCo, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã điện thoại đặt vấn đề nhờ anh tham gia viết kịch bản “Gặp nhau cuối năm”. Anh Lộc thấy cũng khá thú vị và nhận lời. Kịch bản đầu tiên anh tham gia viết là vào dịp Tết Ất Dậu, năm 2004. Đây cũng là năm anh Lộc cảm thấy tâm đắc nhất vì Táo quân năm đó đã để lại ấn tượng rất tốt cho người xem về việc mổ xẻ nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước dưới góc độ hài hước, dí dỏm. Đông đảo khán giả bày tỏ lòng yêu mến chương trình khi Táo quân nói lên được những bức xúc của người dân.

Từ kịch bản đầu tiên, tính đến nay, anh Lộc gắn bó 7 năm với “Gặp nhau cuối năm”. Nhiều năm anh Lộc luôn nghĩ không biết mình còn được đạo diễn tin tưởng mời tham gia viết nữa không. Rồi cứ đến gần cuối năm, đạo diễn Đỗ Thanh Hải lại điện thoại, và anh vẫn tham gia cho đến Tết năm nay.

Khiêm tốn khi nói về mình, anh Lộc thường xuyên nhấn mạnh với mọi người là anh chỉ tham gia viết kịch bản Táo quân chứ không phải là tác giả kịch bản. Anh rất vui khi được đóng góp vào sự kiện văn hóa được nhiều người mong đợi trong năm. Anh chỉ viết và gửi cho đạo diễn chứ chưa bao giờ tham gia vào các buổi tập của diễn viên và cũng rất háo hức ngồi xem biểu diễn ghi hình như những khán giả khác vì không biết những phần mình viết được sử dụng trên sân khấu như thế nào. Không nhiều người biết anh tham gia viết kịch bản. Theo anh, phần kịch bản gốc (do anh và Đinh Tiến Dũng thường xuyên viết) khi lên sóng chỉ là 50%. 50% còn lại là công sức, ý tưởng của đạo diễn và đội ngũ diễn viên sáng tác trong quá trình tập luyện và duyệt kịch bản.

Điều trăn trở nhất của anh Lộc là làm sao thổi luồng gió mới vào chương trình. Với format các Táo về chầu báo cáo công việc năm qua với Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu không thể thay đổi thì việc để chương trình luôn phong phú, không bị nhàm chán, lặp lại các năm trước là thách thức rất lớn đối với những người viết kịch bản. Người viết cùng với các sự kiện xảy ra trong năm có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, xã hội của toàn dân sẽ là yếu tố quan trọng để có thể làm cho chương trình luôn đổi mới và phong phú hơn.

Hiện, kịch bản Táo quân Xuân Nhâm Thìn đã hoàn tất. Dàn diễn viên bắt đầu tập luyện để chờ giờ bấm máy. Anh Lộc bật mí: “Với sự kiện kinh tế - xã hội năm qua, chương trình năm nay sẽ có nhiều điều thú vị”.n

Lưu Vân

Ý kiến

()