Chúng ta

Bí quyết học tập suốt đời của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Thứ năm, 11/9/2014 | 16:43 GMT+7

Rất nhiều câu chuyện dung dị, ý nghĩa về việc học và phấn đấu vươn lên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền tải một cách dễ hiểu và gần gũi qua chương trình "Những câu chuyện về học tập suốt đời" vào ngày 10/9 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.
> Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giao lưu ở FPT

Từ 18h, rất đông thành viên FYT và các CBNV FPT đã có mặt để chờ đón vị Giáo sư đáng kính. Tuy nhiên, do tắc đường nên ông cáo lỗi đến muộn 30 phút so với dự kiến.

a

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng có lối nói chuyện vui vẻ, dễ gần khiến khán giả thích thú.

Dù bước vào tuổi 76 nhưng phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát của giáo sư khi xuất hiện khiến mọi người ngạc nhiên, nhất là những người lần đầu gặp mặt. Vẫn hóm hỉnh và gần gũi như khi chia sẻ với bà con nông dân trong chương trình "Bạn với nhà nông", giáo sư bắt đầu buổi trò chuyện bằng cách cùng tham gia một trò chơi nhỏ liên quan đến những con số gắn liền với ông. Màn giao lưu mở màn đã khiến cho không khí khán phòng thêm thân mật, gần gũi.

Chia sẻ những câu chuyện xung quanh việc học, giáo sư cho rằng mỗi người có một mục đích học tập khác nhau, có người học để làm nghề, để kiếm tiền, có người học để hoàn thiện bản thân, để dạy con cái... Còn giáo sư luôn quan niệm "học để thành người". Ông vẫn nhớ, ngày xưa, mỗi lần đi học phải đi bộ từ khu Bách Khoa đến phố Lê Thánh Tông, mỗi ngày 4 lượt đi về. Hoàn cảnh khó khăn, bạn bè phải chia nhau từng nắm xôi ăn sáng nhưng không bao giờ nản chí mà lúc nào cũng vui vẻ, hăng hái. "Ngày ấy, chúng tôi khao khát có một chiếc xe đạp nhưng lúc đó khó khăn, xe đạp quý giá vô cùng, làm sao mà có được. Mấy đứa bạn nói vui với nhau hay tất cả góp tiền mua xích lô, một thằng đạp, 4 thằng ngồi cho đỡ mệt", giáo sư nói vui.

a

Rất đông CBNV và thành viên của FYT đã có mặt để tham dự chương trình.

Rất may trong những ngày gian khó ấy, tuy thiếu thốn trăm bề nhưng ông và bạn bè cùng trang lứa lại được học toàn thầy giỏi, là những giáo sư đầu ngành. "Những người thầy đó là tấm gương vĩ đại để chúng tôi nhìn vào và học tập theo để có được như ngày hôm nay. Ngày đó thầy ít, trò ít nên những kiến thức thầy dạy cho trò đều rất sâu, tâm huyết, kỹ càng. Vừa được học vừa được thực hành đến nơi đến chốn", vị giáo sư của nhà nông bộc bạch.

Trước chia sẻ của nhiều khán giả rằng hiện nay, nhiều sinh viên ra trường hầu như chưa làm được việc, các doanh nghiệp gần như phải đào tạo lại từ đầu, ông cho rằng đào tạo như vậy rất phí. Theo giáo sư, những người trẻ không nhất thiết phải vào đại học mà có thể chọn nghề mình yêu thích, đam mê để theo đuổi.

a

Những câu chuyện sinh động về việc học của giáo sư đã thu hút mọi người chăm chú lắng nghe.

"Ở Đức, rất đông bạn trẻ không vào đại học mà đi học nghề, làm công nhân cho các hãng sản xuất ôtô, điện tử... với mức lương rất cao", giáo sư ví dụ. Những câu chuyện về việc không học qua trường lớp mà vẫn trở thành những người thành đạt, giàu có, sản xuất giỏi đã được ông dẫn chứng đầy thuyết phục như câu chuyện về chàng thanh niên nuôi tảo tươi ở Hà Nội, anh chàng Hồ Việt Hoa khôi phục làng đào Nhật Tân ở tận Việt Yên (Bắc Giang) hay chàng thanh niên nghèo ở Nghệ An với cách chiết ghép quả bơ hiệu quả mang lại thu nhập 7 tỷ đồng mỗi năm...

"Tôi nghĩ mỗi người đều có niềm đam mê riêng. Ai thích học thì học, ai thích con đường khác thì theo đuổi, chỉ cần ở lĩnh vực nào cũng phải tìm tòi, nghiên cứu và dành đam mê cho nó là được", giáo sư nhắn nhủ.

a

Những câu hỏi về việc làm sao để có niềm đam mê học tập và duy trì đam mê đó như thế nào liên tiếp được khán giả đặt ra cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Trong khuôn khổ chương trình, diễn giả cũng dành thời gian chia sẻ những phương pháp tự học của bản thân. Đó là cần học tốt ngoại ngữ để có thể tiếp cận được với nhiều tri thức mới và hay trên thế giới. Học bằng cách học ít dùng ngay chứ không nên học nhiều mà không áp dụng. Bên cạnh đó, đừng nghĩ mình việc gì cũng làm được mà cần phải biết xây dựng đội ngũ giỏi hơn để kế cận. "Mình giỏi hơn người khác ở chỗ tạo được người giỏi hơn mình chứ không phải mình là người giỏi nhất", ông bày tỏ. Ngoài những điều trên, Giáo sư cho rằng học đại học chỉ là cơ bản, mỗi người phải tự học và trau dồi thêm kiến thức qua các phương tiện sách, báo, mạng Internet... "Tốt nhất là bên cạnh việc chuyên môn, cần làm thêm hoặc nghiên cứu cái gì đó hiếm và độc đáo", giáo sư gợi ý. 

Sau phần chia sẻ chính, những câu hỏi, thắc mắc của các khán giả về phương pháp giáo dục con hay khơi gợi sự say mê học tập... cũng được ông dành thời gian giải đáp. Mỗi gia đình có một phương pháp giáo dục riêng nhưng cần dạy cho con ý chí phấn đấu và luôn xác định học là cho mình chứ không phải cho bố mẹ. Nếu tìm được cho con những người thầy tốt, bạn tốt thì việc học của con sẽ càng hiệu quả. Trước đó, ông cũng dành thời gian phác họa qua về bức tranh giáo dục Việt Nam hiện tại với nhiều mảng màu chưa tươi sáng.

a

Các thành viên của FYT chụp ảnh kỷ niệm với giáo sư sau khi chương trình kết thúc.

Kết thúc chương trình, giáo sư nhắn nhủ đến mọi người phương châm sống mà ông luôn theo đuổi và cho đó là kim chỉ nam của cuộc đời, gói gọn trong 4 điều đơn giản: "Sống khỏe - Chết nhanh - Ít của để dành - Nhiều người thương tiếc".

Vốn rất thích phong thái giản dị, dễ gần và kiến thức uyên bác của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nên khi biết thông tin về chương trình, Tuấn Anh, Ngân hàng TienPhong Bank, đăng ký tham gia ngay. Cậu cho rằng những chia sẻ của giáo sư tuy không phải là mới nhưng những bài học giản dị mà ông chia sẻ đã giúp cho cậu có thêm động lực để học tập và phấn đấu trong thời gian tới.

Cùng chung quan điểm, Nguyễn Hoàng, sinh viên Kinh tế, cũng thấy chương trình hay và bổ ích. Hoàng thích nhất phần chia sẻ của giáo sư khi kể về những tấm gương làm giàu bằng sự sáng tạo và nỗ lực của bản thân dù không được học qua trường lớp nào.

Diễn ra trong hơn 2 giờ, chương trình để lại nhiều cảm xúc cũng như bài học, kinh nghiệm quý trong học tập cho khoảng 80 người tham dự.

Đồng Bằng

Ảnh: FYT

Ý kiến

()