Chúng ta

Bí ẩn sau cánh cửa phòng thu

Thứ năm, 22/12/2011 | 18:01 GMT+7

Tầng 14 tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội) có một nơi mà các 'quái nhân' FPT như Hưng 'Đỉnh', Quân 'Bẩn', HảiVT, Sáng "Lòa', Dũng 'Đê tiện'... thường tụ tập. Anh em vẫn gọi đó là 'phòng thờ', bởi lúc nào nó cũng 'mờ ảo' qua làn khói thuốc dày đặc.
> Chùm ảnh: Đột kích phòng thu FPT

s

Nguyễn Văn Toản đang hỗ trợ đơn vị thu âm. Ảnh: Trung Roly.

Ngoài những thành viên của FPT HO và cán bộ tổng hội các đơn vị thành viên, rất ít người FPT biết sự “huyền bí” phía sau căn phòng này. Đó là một phòng thu âm nhỏ gọn, nơi đã sản xuất hầu hết các sản phẩm âm nhạc “made by FPT”.

Khởi nguồn của việc ra đời phòng thu chính là dự án Vimusic của Visky. Vào đầu năm 2008, khi Visky hợp tác với Trung ương Đoàn tổ chức cuộc thi Tiếng hát Học sinh Sinh viên (HSSV) toàn quốc, phòng thu là nơi hỗ trợ những tiếng hát đầu tiên của học sinh, sinh viên từ sản xuất đến việc chuyển các ca khúc lên Internet, phục vụ cho cuộc thi trực tuyến. Cùng lúc, FPT cũng có đài phát thanh Làng ta, cần sản xuất các file audio để phát hằng tuần. Phòng thu ra đời nhằm cả hai mục đích đó.

Ngay từ khâu đưa ý tưởng, ai cũng đều ủng hộ việc cho ra đời phòng thu. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì vô vàn khó khăn, vì mọi thứ đều phải làm từ đầu. Những thiết bị trong công ty không sử dụng đã lâu, hỏng hóc được gom góp lại mang sửa. Sau vẫn thiếu, anh em phải xin mua thêm một ít thiết bị, trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Nhân sự thực hiện dự án lúc đó chỉ có nhạc sĩ Trương Quý Hải, Lê Toàn Thắng và Nguyễn Văn Toản. Anh Hải đứng ra đề xuất việc lập phòng thu. Sau khi được duyệt, Toản và Thắng lên kế hoạch thiết kế, mua sắm thiết bị. Lúc đầu, “đồ nghề” khá chắp vá, chỉ là những thứ tối thiểu để làm việc. Phòng thu 30 triệu đồng được dựng lên như thế. Trong khi thực tế, để làm một phòng thu có thể hoạt động được, tối thiểu cần phải đầu tư 500 triệu đồng. Ở Việt Nam có những phòng thu hàng chục tỷ đồng, nhưng phổ biến ở mức hơn một tỷ đồng.

Phòng thu thiết kế xong, bắt đầu dựng những chương trình đầu tay. “Tuy cọc cạch thế mà kết quả đầu tiên oách ra phết”, anh Hải hồi tưởng.

Những sản phẩm đầu tiên của phòng thu là các clip, file audio phục vụ cho tập đoàn và Liên hoan Tiếng hát HSSV. Hồi đó, Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) còn nghịch ngợm làm cái biển trước cửa phòng là “Phòng thu âm hộ HSSV”, sau gọi tắt là “Phòng thu âm hộ”.

Anh Hải kể, trong quá trình làm, anh và Toản cứ bổ sung dần thiết bị, lúc vớ được cái này, lúc kiếm được cái khác. Đến giờ, anh cũng không nhớ đã bổ sung được bao nhiêu thứ. Chỉ biết, có lẽ cũng vài chục triệu. So với phòng thu khác thì chi phí này là cực thấp.

Các chương trình ca nhạc, hội diễn hay các phim của tập đoàn đều được sản xuất tại đây. Ngoài ra, phòng thu còn sản xuất đĩa CD và phục vụ cho nhu cầu thu thanh của các đơn vị.

Mặc dù khoản đầu tư khá chênh lệch, nhưng chất lượng “đầu ra” của các sản phẩm âm nhạc được sản xuất tại đây không thua kém bất cứ hãng phát hành nổi tiếng nào. Đây cũng là nơi đã cho ra đời ca khúc nhạc chế “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” mô tả trận lụt lịch sử năm 2008, gắn với tên tuổi của Sáng “Lòa” và gây sốt cho cộng đồng mạng trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, vì công cụ thô sơ nên để đảm bảo chất lượng sản phẩm tương đương, ê-kip của phòng thu phải làm việc vất vả hơn nhiều. Cái yếu của thiết bị được bù đắp bởi thời gian và sự tìm tòi.

Những ngày đầu, ngoài khó khăn về tiền, phòng thu còn vấp phải khó khăn về nhân lực. Nguyễn Văn Toản là nhân lực chính, nhưng lại không được đào tạo chính thống về “môn” này. Sau khi ra trường, anh Toản có một thời gian làm việc về nhạc chuông tại Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), sau đó làm tổng hội tại Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS). Nhưng cả hai vị trí công việc này đều không mang lại cho anh niềm đam mê.

Hồi đó, anh Hải quản lý chung về hoạt động tổng hội, nhận thấy Toản có khả năng nên khi có ý định xây dựng phòng thu, anh đã đề nghị Toản về làm việc cùng mình. Cũng đôi lần anh Hải đề xuất về việc cho Toản đi học, kinh phí ước chừng khoảng 18-20 nghìn USD cho một khóa, nhưng chưa lần nào được duyệt.

“Nghe lại những file nhạc đầu tiên thu âm, vẫn thấy ngô nghê lắm. Còn bây giờ thì rất ổn rồi, tất cả là do Toản tự học”, anh Hải kể, niềm tự hào về người cộng sự ánh lên trong mắt anh.

Vừa qua, có một nhạc sĩ người Tây Ban Nha tên là Luis đến thăm phòng thu. Ông vừa làm nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ sáng tác, đồng thời cũng là một nhà sản xuất, đã gắn bó với lĩnh vực sản xuất âm nhạc khoảng 30 năm. Ông là bạn của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn (TuấnNAT), Công ty Phần mềm FPT (FPT Software).

Luis sống ở ngoại ô Madrid. Nhà của ông được gọi là Hanoi Hotel. Ông rất quý người Việt Nam, cứ ai là người Việt Nam sang mà ông biết là sẽ mời đến nhà ở. Khi TuấnNAT kể chuyện với Toản về Luis, Toản mừng quá. Nhận lời đề nghị, Luis đến phòng thu, giúp cho Toản những kỹ năng sản xuất, những kỹ thuật để làm âm thanh. Ông truyền đạt cho anh rất nhiệt tình mà không nhận một đồng học phí nào.

“Tụi tôi có hai bữa ngồi với ông ấy, một bữa bia cỏ, bữa thứ hai là vợ tôi rán nem mang lên công ty để liên hoan chia tay ông về Tây Ban Nha. Sau những buổi ông trao đổi, tôi nghe âm thanh Toản mix khác hẳn, chất lượng rất tốt”, anh Hải tâm đắc.

Đến bây giờ, trình độ Toản cũng thuộc dạng “đẳng cấp”. File âm thanh xuất ra so với những tay cao thủ thì cũng ngang ngửa. Chất lượng CD do anh thực hiện không hề thua kém các hãng sản xuất chuyên nghiệp.

Phòng thu từng có sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi như: Thùy Chi, Minh Quân, Dương Hoàng Yến, Chí Trung… Sắp tới, sẽ có thêm Trọng Tấn, Việt Hoàn, Đăng Dương, Tam ca 3A tham gia trong dự án của anh Hải.

Thiết bị của phòng thu thì vẫn thế, nhưng kỹ thuật đã được hoàn thiện hơn. Thời gian tới, FPT sẽ thực hiện dự án xây dựng và bảo tồn văn hóa, phòng thu có thể được đầu tư thêm. Tuy nhiên, trong khi chờ công ty “rót” tiền thì anh Hải và Toản vẫn phải tự bồi đắp cho phòng thu bằng tiền của mình.

Rít một hơi thuốc, nhạc sĩ rủ rỉ: “Thỉnh thoảng bỏ tiền của mình ra gom góp được thêm một ít đồ thì cũng có cái hay. Nó bao hàm cả tình cảm của mình nữa. Mà khi đó, chắc chắn có trách nhiệm với đồ của mình cao hơn và vẫn làm việc của mình được”.

Từ ngày có phòng thu, các dự án âm nhạc của anh Hải hoàn toàn thu tại đây. Điển hình như clip “Người Việt Nam”, các album trong dịp Xuân năm 2009 hoặc một số bản nhạc trong phim. Gần đây nhất là nhạc phim “Nếp nhà” và sắp tới là phim “Công dân tập thể”. Điều đó càng khẳng định chất lượng đầu ra của sản phẩm âm nhạc của phòng thu không thua kém gì so với những sản phẩm bên ngoài.

Năm 2012, phòng thu sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho các cuộc thi âm nhạc của người FPT. Đồng thời, khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm tới, anh Hải sẽ hoàn thành CD nhạc của mình, do anh Bùi Quang Ngọc và anh Nguyễn Hữu Thái Hòa hỗ trợ. Tên của CD là “Bình yên đất trời”. CD sẽ có sự góp mặt của Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Minh Anh, Minh Ánh, Thùy Chi, Giám đốc Chiến lược Thái Hòa, Giáo sư Xoay, tốp ca FPT và nhiều ca sỹ khác.

Nghệ sĩ Chí Trung, một trong những người từng thu âm tại đây, chia sẻ cảm nhận về phòng thu: “Lãnh đạo FPT rất tạo điều kiện, bởi hiếm có tập đoàn nào lại có một phòng thu như vậy. Tôi thấy ở đó có khá nhiều máy móc và cái gì các bạn ấy cũng xử lý được. Ngoài ra, phòng có nước chè ngon, nhiều khói thuốc và những con người đầy tình. Chỉ đến một lần cũng khiến tôi rất khó quên”.

Hiện nay, phòng thu vẫn chưa được tận dụng hết công suất. Và không dừng ở việc phục vụ hoạt động nội bộ, nếu thực sự được chú trọng, phòng thu hoàn toàn có thể sinh lãi. Bởi khi thiết bị còn rất thô sơ mà chúng ta tạo ra những sản phẩm không kém gì các sản phẩm trên thị trường thì nếu được đầu tư, không có lý do gì để thiếu tự tin về chất lượng. Phòng thu khi đó cũng không còn mờ ảo phía sau làn khói.

Thùy Linh

Ý kiến

()